(Tổ Quốc) -Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải cho hay, hậu quả của hiện tượng trên sẽ dẫn tới mưa rất to, từ 300-500mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho hay, sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Tới 7h tối nay, áp thấp sẽ nằm trên vùng bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ( bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Từ chiều tối nay vùng ven biển các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Vvừa áp thấp nhiệt đới, vừa gió mùa đông bắc sẽ gây mưa cực lớn tại Nam Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Nguồn: NCHMF. |
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Đáng lưu ý, do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc và nhiễu động gió đông trên cao nên từ hôm nay 13/10, đến hết ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (trên 200mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 300-500mm).
Theo ông Lê Thanh Hải, vào mùa Thu, chỉ cần một trong hai loại hình thời tiết: không khí lạnh tràn về hoặc vùng thấp, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và bão đổ bộ vào thì mưa sẽ rất lớn. Nếu kết hợp cả hai loại này sẽ làm cho mưa lại càng lớn hơn nữa.
Phân tích của ông Hải cho biết thêm, các nghiên cứu về ATNĐ kết hợp với không khí lạnh sẽ có 3 trường hợp cơ bản: tình huống một là không khí lạnh tràn về trước, ATNĐ đổ bộ vào sau thì mưa lớn, nhưng không kéo dài.
Tình huống thứ hai là ATNĐ vào trước, không khí lạnh tràn về sau, mưa cũng lớn nhưng kéo dài nhiều ngày.
Và tình huống thứ ba là không khí lạnh và ATNĐ cùng vào và xuống cùng thời điểm thì mưa sẽ cực kỳ lớn.
Sáng nay, gió mùa đông bắc đã tràn về các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nam Nguyễn |
“Nói tới nghiên cứu này tôi muốn nói về dự báo từ ngày 13 - 16/10 và từ 19 - 22/10 là hai đợt mưa rất lớn điển hình cho tình huống thứ 3. Đợt một, từ Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có thể mưa từ 300 - 500mm. Nguy cơ lụt ở Huế là khá cao. Đợt hai thì tuần sau mới có thể dự báo” – ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, đợt mưa lần thứ nhất có thể sánh với mưa lũ Thừa Thiên Huế vào năm 1999 và Hà Tĩnh năm 2010.
Trả lời câu hỏi, không khí lạnh kết hợp với ATNĐ thì có làm suy yếu ATNĐ không, ông Hải cho hay, thực tế đã từng ghi nhận tình huống có cả mạnh lên, cả yếu đi và cả không thay đổi. “Ước có khoảng 50% yếu đi, 30% không thay đổi và 20% mạnh lên. Những yếu tố này liên quan đến khí hậu, nhiệt độ nước biển Đông và cường độ không khí lạnh” – ông Hải cho hay.
Dự báo cũng cho hay, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Do mưa lớn, từ chiều tối nay (13/10) mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.
Trung tâm cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các huyện, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình)./.
Thái Tùng