(Tổ Quốc) - Nghi mình bị bệnh, anh đến BV Da liễu Trung ương thăm khám và được bác sĩ xác định bị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, thay vì nghe theo lời bác sĩ, anh C đã tìm đến thầy lang mua thuốc nam về sắc uống. Theo hướng dẫn, bệnh nhân uống 6 thìa thuốc sắc/ngày.
Theo bệnh nhân, trước khi đến viện, trên cơ thể anh phát hiện có các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ.
Bệnh nhân nam tại Hà Nội bị vảy nến. |
Nghi mình bị bệnh, anh đến BV Da liễu Trung ương thăm khám và được bác sĩ xác định bị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, thay vì nghe theo lời bác sĩ, anh C đã tìm đến thầy lang mua thuốc nam về sắc uống. Theo hướng dẫn, bệnh nhân uống 6 thìa thuốc sắc/ngày.
Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân bị nhiễm trùng, toàn thân chảy mủ, phải đến BV Da liễu Trung ương cấp cứu. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn được các bác sĩ phát hiện bị suy thận, hiện vẫn chạy thận 3 lần/tuần.
Bác sĩ Doanh cho biết, bệnh vảy nến là bệnh ngoài da phổ biến thường xuất hiện ở đầu gối, chân, lưng và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Vảy nến không phải là bệnh lý ác tính nhưng khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhiều người không đến bệnh viện mà dùng nhiều loại thuốc khác không rõ nguồn gốc hoặc theo các thầy lang. Nhiều trường hợp bệnh nhân khi thấy da bị ửng đỏ, tróc vảy đã không kiên nhẫn bôi thuốc chữa bệnh vảy nến mà lại dùng dao, kéo hoặc tay tự bóc vảy khiến người bệnh thêm đau đớn và khó chịu hơn.
Nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền và rối loạn hệ miễn dịch,nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến. Rượu cũng được xác định là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.
Với yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà xát mạnh, các stress tâm lý...
Theo bác sĩ Doanh, vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Vì vậy, người dân nên đến cơ sở chuyên khoa về da liễu để khám, điều trị chứ không nên nghe theo những lời chỉ bảo mang tính chất tâm linh hay thuốc nam.
Thế Công