(Tổ Quốc) - Hơn nửa đời người cầm bút, thổi hồn vào hàng ngàn bức họa chân dung, làm sống dậy hàng trăm di ảnh, nhận được không ít xưng danh trong giới vẽ truyền thần, nhưng ông Nguyễn Bảo Nguyên chỉ khiêm nhường nhận mình là “thợ vẽ”.
+ Được biết đến như một trong số ít những họa sĩ gắn bó lâu dài với tranh truyền thần, vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề vẽ?
- Cái duyên có lẽ do trời định. Vì từ nhỏ tôi đã say mê những bức vẽ chân dung và có chút năng khiếu hội họa. Hơn nữa, lương tháng đầu tiên tôi kiếm được từ nghề là 250 đồng, tức gấp 3 lần lương của một kỹ sư, bác sĩ thời bấy giờ. Nghề vẽ tranh truyền thần ở phố cổ năm đó có thể giải quyết được tốt vấn đề đời sống, vì vậy mà tôi quyết định lựa chọn nó.
+ Với kinh nghiệm của 56 năm vẽ truyền thần, theo ông một bức tranh đẹp phải đáp ứng những tiêu chuẩn như thế nào?
- Bức tranh quan trọng nhất phải có “cái thần” đầy sức sống, khắc họa được dung mạo và khí chất của người trong tranh. Những bức họa vô hồn dù đường nét có đẹp đến mấy cũng vô giá trị. Thế nên, có bức tranh chưa vẽ hết nét nhưng đã đạt được thần thái, có bức vẽ kỹ hơn nhưng lại làm mất đi cái thần thái xuất hiện phút chốc đó. Kinh nghiệm và sự cảm nhận tinh tế sẽ giúp ta bắt được khoảnh khắc cái “thần” xuất hiện. Điều này không ai dạy ai được.
+ Việc họa được thần thái của nhân vật trong tranh truyền thần là cả một nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ kỉ niệm đặc biệt về một bức tranh điển hình thể hiện được yếu tố này không?
- Nhiều năm trước, cháu đích tôn chín đời của cụ Vũ Tông Phan – anh Vũ Thế Khôi đến nhờ tôi vẽ lại hình ảnh của cụ nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh. Cụ là một nhà nho, từ bỏ chốn quan trường nhộn nhạo, về quê làm ông đồ nghèo. Vì vậy nét mặt sẽ thể hiện sự thông minh, khiếu hài hước và toát lên ở ánh mắt khí phách nhà nho học liêm khiết. Ngay cả y phục của cụ cũng cần chú trọng sao cho đúng thời, đúng độ tuổi. Khi ấy, không có một di ảnh nào của cụ còn xót lại, cũng không có ai nhớ mặt cụ, nên tôi chỉ được nghe lời kể chuyện, đọc lai lịch và văn thơ của cụ để cảm nhận và họa chân dung. Tranh vẽ xong, anh Khôi “rước” cụ về, cả họ vừa nhìn thấy đã công nhận đây là thần thái đạo mạo của dòng họ Vũ Tông.
+ Những bức tranh ông vẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người Việt cũng như người nước ngoài. Tuy nhiên, cách thưởng thức và yêu cầu tranh của người phương Tây và người Việt chắc hẳn phải có sự khác biệt. Ông có chia sẻ gì về điều này?
- Người Tây không yêu cầu quá cao về các đường nét, chỉ cần bức tranh hao hao giống và đẹp là họ ưng rồi. Còn người Việt lại yêu cầu vẽ thật giống, họ chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất của bức tranh. Nhưng làm nghề nào cũng cần có tâm, nên dù vẽ cho khách tây hay khách ta tôi đều vẽ kỹ càng, công phu, để họ thực sự ưng ý, thích thú, phấn khởi khi nhận thành phẩm và đem về nhất định sẽ trân trọng treo ở nơi trung tâm của ngôi nhà. Sau này, họ vẫn quay lại tìm tôi, nhờ vẽ tiếp.
Những bức họa luôn được ông Nguyên tự tay vẽ và treo bày cẩn trọng |
+ Trong hơn một thế kỉ làm nghề, ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng cống hiến. Đặc biệt, tranh của ông được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Vậy lí do gì mà ông không tiếp tục đem tranh đi triển lãm để quảng bá cho bạn bè quốc tế biết về truyền thần Việt Nam?
- Đối với tôi, căn phòng bé nhỏ này chính là nơi triển lãm rồi! Khách thập phương qua đây thưởng thức, đặt tranh của tôi và đem về nước họ trưng bày. Có người “triển lãm” ở nhà riêng 5,6 bức tranh của tôi, hoặc mua lại và bán tranh tôi ở nước họ. Điều đó có nghĩa là những bức họa truyền thần đã được người ta thay tôi phổ biến ở xứ khác rồi. Còn tại Việt Nam, hầu hết các đại sứ quán nước ngoài đều từng treo tranh tôi vẽ, riêng sứ quán Nhật đã triển lãm 14 bức, vậy là đủ để người yêu tranh trong nước và quốc tế biết đến. Bây giờ tuổi cao sức yếu, nhiều thủ tục rườm ra nên tôi không muốn đích thân sang nước ngoài.
+ Nhiều dòng tranh mới, như: tranh trìu tượng, sơn dầu, cát, lụa,… đã xuất hiện lấn át sự ngự trị của dòng tranh truyền thần truyền thống. Vậy theo ông, trong cuộc đổi thay ấy, tranh truyền thần có giá trị như thế nào?
- Những bức tranh trìu tượng kì quặc được vẽ nên bởi những tài năng cực lớn. Ở Việt Nam, có nhiều người đã theo đuổi dòng tranh này, số ít họ có tài, nhưng phần đa là những người chưa vẽ được đúng với sự thật, nên phải biến bức tranh mình trở nên lập dị.
Sau thời gian vẽ sơn dầu, vẽ tranh lụa, vẽ chân dung, tôi nghiệm ra vẽ truyền thần là khó nhất. Nó không chỉ là sự “chép tranh” mà là nghệ thuật của việc phản ánh những đường nét thực tế chuẩn chỉ đến từng chi tiết. Đối với những loại tranh khác, chúng không đòi sự tỉ mẩn này. Có lẽ đây chính là sự đặc biệt làm nên giá trị của tranh và của người họa sỹ. Vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đủ tinh tế để tạo ra những bức truyền thần xứng tầm.
+ Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đam mê mỹ thuật mong muốn theo đuổi dòng tranh này. Với tư cách là một tiền bối đi trước giàu kinh nghiệm, ông có lời khuyên gì dành cho những hậu bối trẻ tuổi?
- Học vẽ truyền thần chỉ cần học lí thuyết một tháng là đủ. Nhưng để vẽ sao cho đẹp và có “thần” thì cần đến sự cảm nhận tinh tế và lòng say mê với nghề. Tôi muốn người ta gọi tôi là thợ vẽ, chứ không phải là họa sỹ. Vì người họa sỹ có thể vẽ tranh lúc có hứng, lúc có thời gian hay sức khỏe. Nhưng người thợ vẽ dù không có những điều đó vẫn phải vẽ, vẽ bằng cái tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Không mấy ai đủ kiên nhẫn để theo đuổi nghề này và cũng không có bí quyết gì để thành công trong nghề. Nhưng tôi luôn kỳ vọng vào tâm huyết và năng lực của thế hệ trẻ yêu tranh truyền thần thời nay.
Xin cảm ơn ông!
Họa sỹ truyền thần Nguyễn Bảo Nguyên (sinh năm 1934). Cựu sinh viên Khoa Vật lý Nguyên tử- Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Bắt đầu vào nghề năm 1960 ông mở một cửa hàng nhỏ ở 41 Hàng Bài, rồi sau đó vào Hợp tác xã Truyền thần Hà Nội. Khi hợp tác xã giải thể, ông Nguyên gom vốn mở cửa hàng tại 47 Hàng Ngang và tồn tại cho đến tận bây giờ.
Ông có hơn 100 bức tranh truyền thần nổi tiếng, trong đó có bức họa chân dung ông nghè Tự tháp Vũ Tông Phan, nhà sử học Ngô Sỹ Liên, nhà văn Lan Khai- Nguyễn Đình Khả…
Năm 2000, 14 tranh truyền thần của ông được trưng bày tại triển lãm Nhật Bản. Tranh của ông cũng từng được triển lãm trong nhiều Triển lãm của Anh, Pháp, Hoa Kỳ
Tú Anh (thực hiện)