(Tổ Quốc)- Sáng 21/4, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, buổi ra mắt cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị đã diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội).
Đây là cuốn sách thứ 2 của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sau cuốn hồi ký "Nơi ấy là chiến trường".
Cuốn sách “Đi tìm một vì sao” dày 650 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất “Lớn lên bên dòng sông Mã” kể về “Làng Hoành, quê tôi”, “Tuổi thơ”, “Học việc”, “Vào đại học”, “Ước mong ra chiến trường”, “Lên đường ra trận”. Phần thứ hai “Chào mẹ con đi để được làm người", tác giả kể chuyện “Đi dọc Trường Sơn”, “Về miền Đông Nam Bộ”, “Vùng ven”, “Ngày ấy, Tây Ninh…”, “Nỗi nhớ Sài Gòn”. Phần thứ ba “Những chuyện đã qua” nói về “Chuyện thường ngày ở Ban”, “Hạn 49-53. Về Hà Nam”, “Bộ Văn hóa - Thông tin, năm năm và một ngày”, “Mười năm - Một lát cắt thời gian…”, “Những niềm vui giản dị”…
Phát biểu tại lễ ra mắt, tác giả Phạm Quang Nghị đã chia sẻ với độc giả về lý do ra đời của cuốn sách. Tác giả cũng tâm sự: “Tôi ấp ủ thực hiện cuốn sách này từ khi còn công tác, đặc biệt là sau khi nghỉ chế độ. Trong quá trình sống và làm việc, được đi, được tiếp xúc, học hỏi, lắng nghe, tôi thấy có nhiều điều bổ ích, vừa cho mình và vừa cho mọi người. Vì vậy, tôi muốn kể lại cho nhiều người biết. Cuốn sách là những câu chuyện tôi ghi nhớ sâu sắc trong cuộc đời mình, từ những năm tháng tuổi thơ, đến khi đi học, vào chiến trường, trải qua nhiều công việc, vị trí, với khoảng thời gian 70 năm và khoảng không gian trải dài từ Hà Giang đến Cà Mau, rồi Trường Sơn, Hoàng Sa…”.
Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn tự truyện, Nhà báo Hà Đăng nhận định: "“Đi tìm một vì sao” có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao được một lần được trải nghiệm: Những cánh rừng Trường Sơn thâm u với những bản nhạc rừng du dương của các loài chim; những đêm được bơi xuồng trên những dòng kênh băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông như lạc vào một biển sen bát ngát hương thơm... Ai đã trải qua một thời đạn lửa có dịp cùng nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh cực kỳ cam go, khốc liệt: Những tháng ngày mang ba lô đi bộ trên dải Trường Sơn, được nếm trải những cơn sốt rét, ốm đau có lúc dường như “một chân trên bờ, một chân đã thò xuống hố chôn”; những khi băng qua làn đạn cả của ta và của địch đan chéo qua đầu để vượt qua lộ 4... Những lần chứng kiến sau trận bom rơi, máu người hòa lẫn trong nước mưa, chảy lênh láng, chan hòa trên mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa cùng chảy trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm lâu trong lòng đất..."
Đọc “Đi tìm một vì sao” người đọc có dịp hiểu một con người đầy suy tư và nghị lực, được sống trong môi trường rèn luyện, thử thách từ những năm tháng khói lửa chiến tranh tới khi đất nước hòa bình. Một cán bộ nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, thầm lặng, kiên trì phấn đấu, luôn có niềm tin và hướng tới những điều cao cả, một lòng phục vụ nhân dân và đất nước. Trên suốt chặng đường ấy, lúc thuận lợi hay trong lúc rất khó khăn, Phạm Quang Nghị cảm thấy mình luôn được bạn bè, đồng chí, người thân ủng hộ, đồng hành, tiếp sức. Luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao ấy là lý tưởng, là niềm tin vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của nhân dân, là con đường mà anh đang đi. Bởi thế khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó những nhiệm vụ, trên mọi cương vị, mọi chặng đường, Phạm Quang Nghị đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành tốt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, viết tự truyện khi tác giả Phạm Quang Nghị ở cái tuổi trong ngoài 70, đã có thể thấu hiểu nhiều điều của một đời người, ở tự truyện này, ông có quyền xác lập những giá trị cuộc đời của mình mà không phải phân vân, lưỡng lự hay ngờ vực điều gì. Chính điều đó đã giúp cho người đọc thấy được những gì diễn ra trong sâu thẳm của một con người.
"Những điều quan trọng nhất mang tới cho một con người để con người ấy biết sống, biết ước mơ và biết hành động là những giấc mơ đẹp, là nền tảng gia đình, là quê hương, là tổ tiên, ông bà cha mẹ, là lý tưởng sống và lòng quả cảm dấn thân cho khát vọng cống hiến của mình. Tác giả Phạm Quang Nghị đã có tất cả những điều quan trọng ấy, hay có thể nói một cách khác là cuộc đời đã chuẩn bị cho ông những hành trang quan trọng ấy, dẫn dắt ông từ khi còn là một cậu bé tới lúc trưởng thành và trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí quan trọng. Như phụ đề của tên sách "Tự kể chuyện mình", tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp đẽ và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long nhận định: Viết hồi ký là viết về bản thân mình, yêu cầu phải khách quan, tránh việc “nêu gương” mình mà hạ thấp người khác. Trong “Đi tìm một vì sao”, tác giả thể hiện thái độ khách quan, phản ánh trung thực hiện thực, kể được chuyện mình, trong đó có những việc được coi là thành tích, nhưng khiêm tốn, không tự đề cao, không hạ thấp người khác.
Viết hồi ký thường mắc nhược điểm là thiếu cảm xúc, thiếu chi tiết, do thời gian đã lùi xa, những kỷ niệm không đủ sức làm cho những yếu tố đó “cựa quậy” trên trang giấy, kết quả là tác phẩm bị khô khan, thiếu sinh động. Nhưng trong “Đi tìm một vì sao”, tác giả đã khắc phục được không ít nhược điểm đó. Nhờ quan sát kỹ, rung cảm mạnh với cuộc sống, những chi tiết, xúc cảm được hằn sâu trong ký ức, để khi viết, bật lên thành những trang sách mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Văn phong thể hiện trong tác phẩm giản dị, mạch lạc. Tuy kể chuyện công việc, nhưng không khô khan, nhiều đoạn văn mềm mại, có tính trữ tình. Phần viết “Thăm lại nước Nga” chan chứa tình cảm, giàu lòng biết ơn.
Như người ta vẫn nói, văn là người. Những cuốn sách mà Phạm Quang Nghị viết ra thể hiện đúng con người ông: Đối với công việc kiên quyết, triệt để, đầy tinh thần trách nhiệm. Đối với bạn bè, đồng chí giàu tình cảm, thủy chung. “Đi tìm một vì sao” lấp lánh ánh sáng văn hóa: Văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử, tất cả đều thấm đẫm tính nhân văn./.
Tác giả Phạm Quang Nghị sinh năm 1949 tại Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa. Ông là sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967-1970).
Đi B. Cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; biên tập viên tạp chí "Sinh hoạt văn nghệ" (1971-1975).
Học viên Trường Nguyễn Ái Quốc V, chuyên ban Triết học (1976-1978)
Nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc UB Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON), ba vệ Luận án Phó Tiến sĩ Triết học (1981-1985)
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng (1994-1997)
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997-2001)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (2001-2006)
Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV-XV (2006-2015)
Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư các khóa VIII, IX, X, XI
Ủy viên Bộ chính trị các khóa X, XI
Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII