(Tổ Quốc) - Tiểu thuyết mới của Nguyễn Đình Tú có tên “Giọt sầu đa mang” đậm hơi thở Nam Bộ. Với tiểu thuyết này, anh muốn dấn thêm một bước, đến gần hơn với bạn đọc Nam bộ.
Đã từng chạm tới những đề tài nóng như tội phạm, chiến tranh biên giới, sex, đồng tính, tôn giáo, đạo Mẫu… lần này Nguyễn Đình Tú lại tiếp tục khai phá một đề tài mới mẻ trong văn học Việt và mới với chính bản thân anh. Cuốn sách mới của anh có nhân vật chính là một doanh nhân có tên Mười Phúc, sinh trưởng và lập nghiệp tại miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Song song với quá trình lập nghiệp và giải mã những thành công của một ông chủ tập đoàn lớn là một cuộc đời, một thân phận với những đau đớn, nổi chìm của số phận và những tình huống “người tính không bằng trời tính”. Điều đáng nói ở chỗ, con người ấy lại luôn phải khoác lên bộ mặt của một người thành đạt và với vị trí của mình ông không dễ tỏ bày cùng ai. Không chỉ là những thành công, thất bại với thương trường ở những thời kì khác nhau của nền kinh tế đất nước, cuộc đời của Mười Phúc còn là những thất bại trong tình cảm cá nhân, trong việc kiến tạo gia đình nhỏ, trong các mối quan hệ tưởng như gần gũi nhất.
Chia sẻ về việc dấn thân với vùng miền sáng tác mới, Nguyễn Đình Tú cho biết: “Hơn một năm qua tôi đã qua lại vùng đất Đồng Tháp rất nhiều lần, hết Cao Lãnh lại Sa Đéc, qua Hồng Ngự rồi về Tam Nông, theo các nhánh sông đi tới các vùng đất khác nhau, nhiều đêm nằm ở biên giới Việt Nam- Campuchia để mơ hồ tưởng tượng về một chiến khu bưng biền mà tôi mới chỉ biết đến qua sách vở. Rồi tôi tập ca vọng cổ, sưu tầm các điệu lý, chỉ để ngấm hơn cái hồn cốt văn hóa của xứ này. Nhưng tôi biết dù có sống ở đây cả năm thì vẫn là chưa đủ cho việc tự tin để viết về đất và người xứ sen hồng. Chỉ là tôi cứ biết đến đâu viết đến đấy, cũng giống như bao nhiêu đề tài khác thôi, nếu thấy “đủ” thì mới viết có lẽ cả đời tôi cũng sẽ chả viết được gì cả”.
Được biết, nhân vật chính của cuốn sách là một nguyên mẫu có thật. Điều thú vị là Nguyễn Đình Tú đã được chính nhân vật “vén màn” cuộc đời mình, ngay cả những điều sâu kín nhất, tạo điều kiện tốt nhất để nhà văn có chất liệu sáng tác. Để hoàn thành tiểu thuyết “Giọt sầu đa mang”, Nguyễn Đình Tú đã phải có thời gian thâm nhập thực tế tại một số tỉnh miền Tây, tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ của người dân vùng sông nước, đặc biệt là người dân Đồng Tháp cũng như tìm hiểu những kiến thức về kinh tế, về doanh nghiệp. Để có giọng văn rặt Nam bộ, anh đã chọn cách làm việc khôn ngoan và khoa học, đó là sau khi hoàn thiện bản thảo, Nguyễn Đình Tú đã nhờ một tác giả Nam Bộ đọc hiệu đính và giúp cho phần “chuyển ngữ” sao cho nhuần nhuyễn nhất.
Nguyễn Đình Tú là nhà văn luôn chú trọng đến việc “lạ hóa chính mình” trong những tác phẩm mới. Trả lời câu hỏi, anh có nghĩ hướng “lạ hóa” lần này sẽ thành công như các tác phẩm trước, tác giả “Giọt sầu đa mang” nói: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này thôi, ít ra thì tôi cũng đã vượt qua được chính tôi trong việc đến với một đề tài mới, một vùng hiện thực mới, và một kiểu nhân vật mới”.
Sau sự thành công của bộ phim “Hương ga” (đạo diễn Cường Ngô) chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú, anh đã được bạn đọc phía Nam quan tâm hơn và dành cho những tình cảm yêu mến. Với tiểu thuyết lần này, Nguyễn Đình Tú mong muốn dấn thêm một bước, đến gần hơn với bạn đọc Nam bộ. Anh cũng bày tỏ khát vọng khám phá và giải mã những con người phương Nam phóng khoáng hào sảng nhưng không phải không gánh chở những nỗi niềm sâu nặng, những đa mang của kiếp người.
Nguyễn Đình Tú cho biết, thời gian tới anh sẽ tiếp tục hướng về phương Nam bằng một số dự án khác. Hiện tại, nhà văn đang hồi hộp chờ phản hồi từ bạn đọc.
Thiện Nguyễn