• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Hữu Phần: Người thành phố, hồn nông thôn

Văn hoá 29/09/2011 16:45

(Toquoc)-Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội,nhưng ông lại ghi dấu ấn ở những bộ phim về đề tài nông thôn.

(Toquoc)- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng ông lại ghi dấu ấn ở những bộ phim về đề tài nông thôn. Ông “Phần nông thôn” bảo: “Người Việt Nam nào chẳng có chút gì liên quan đến nhà quê”.

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên những bộ phim về đề tài nông nghiệp- nông dân- nông thôn như: Ma Làng, Gió làng Kình, Đất và Người được phát sóng trên đài THVN thời gian qua. Sau khi hoàn thành những bộ phim đậm chất “quê mùa” ấy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, được nhiều người yêu mến đặt cho biệt danh “ông Phần nông thôn”. Mới đây, những bộ phim về đề tài nông thôn của ông đã được xét trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Đã ngoại lục tuần nhưng xem ra “ông Phần nông thôn”- ĐD Nguyễn Hữu Phần- vẫn còn sung sức lắm. Bằng chứng là sau khi cầm quyết định nghỉ hưu, ông và các bạn hữu thành lập Công ty Cổ phần và truyền thông Hà Nội. Gặp ông tại văn phòng của công ty trong khu tập thể Trung Tự, mới thấy người ta bảo: Bao năm qua, nhưng bây giờ mới là thời điểm “chín” nghề của “ông Phần nông thôn” quả không sai! Tiếp chúng tôi, ông say sưa kể về những dự định về phim ảnh của mình. Cái nào theo ông cũng hay, cũng hấp dẫn và nhất định phải thực hiện.

Nguyễn Hữu Phần sẽ tiếp tục làm phim về đề tài tình yêu thương

(ảnh: Hà An)

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1947 (giấy tờ khai sinh là năm 1948) tại Hà Nội. Nhưng quê quán ở Văn Giang, Hưng Yên, là con út, mồ côi cha từ khi mới được hai mươi ngày tuổi. Tuổi thơ của Nguyễn Hữu Phần là sự thay đổi liên tục nơi tản cư, nơi cư trú từ Hưng Yên đến Hà Nội, từ Hà Nội về Hưng Yên, từ Hưng Yên quay về Hà Nội cùng mẹ. Từ 10 tuổi, Nguyễn Hữu Phần đã phải tham gia vào các công việc làm ăn vất vả của mẹ... Có lẽ vì đã "kinh qua" đủ nghề, nào thợ rèn, nào thợ điện, rồi các nghề lao động chân tay khác... trước khi đến với phim trường, nên đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lúc nào cũng “có duyên” với các đề tài về người nông dân cùng thôn, làng, đồng ruộng. Ông kể về thời thơ ấu của mình: “Tôi sinh ra trong một gia đình bố là nhà nho, mẹ làm nghề buôn bán ở Hưng Yên, có thể trong người tôi có cả hai chất: thương mại (theo tử vi nói là nếu tôi đi buôn có thể thành công) nhưng trong người vẫn có chất văn, từ bé đã say mê văn chương, khi học phổ thông xong, tôi học ĐH sư phạm văn. Tôi đi dạy học thì nghiệm ra được rằng, con người ta có những dạng người, ví dụ tôi là người thích xê dịch, chuyển động nên trước khi học Sư phạm, tôi từng đi làm công nhân một vài năm. Khi đi làm thì tôi nhận ra rằng nếu đi làm công nhân, ngày nào cũng đứng một chỗ đó, mắt nhìn vào cái máy, ngày nào cũng làm công việc đó thì tôi không thể nào chịu được. Khi đi dạy học, chỉ sau hai năm tôi nhận ra rằng ngày nào cũng đứng đúng một chỗ, nói đúng một điều thì không chịu được, tôi bỏ dạy. Tôi lại vào làm công nhân ở xưởng phim, tôi thấy công việc này là thích nhất, dù chỉ là người lao động phổ thông, vác máy... nhưng công việc không bao giờ lặp lại, mỗi ngày một công việc mới.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần còn nhớ, có lần ông được nhìn thấy khung cảnh một ngôi nhà vùng cao được dựng trong trường quay dưới ánh sáng của dàn đèn và các nhân vật đẹp như trong mơ đi lại, diễn xuất ở đó, ông đã bị mê hoặc và lưu giữ mãi những ấn tượng kỳ ảo. Vì thế ông tìm mọi cách để xin vào đoàn phim làm... chân sai vặt với mức lương 45 đồng thay vì 65 đồng như đi dạy học!

Phim đầu tiên ông được đi theo là “Đất dừa” của đạo diễn Huy Vân, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức. Đến năm 1979, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh thành lập, Nguyễn Hữu Phần trở thành sinh viên khóa I (cùng các đạo diễn như Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu...). Nguyễn Hữu Phần tự nhận mình là người làm điện ảnh có xu hướng thiên về chất thơ và thích những bộ phim lãng mạn về đề tài tình yêu, hạnh phúc. Chẳng thế mà những bộ phim đầu tiên mà ông làm từ ngày mới tốt nghiệp đều có chất thơ như: Lời từ biệt tình yêu, Bản tình ca trong đêm, Em còn nhớ hay em đã quên, Lẽ nào anh lại quên, Mảnh đời của Huệ…

Để làm được Em còn nhớ hay em đã quên, Nguyễn Hữu Phần phải huy động vốn (khoảng 130 triệu) của bạn bè. Lo lắng làm sao thu được tiền để trả lại bạn và chống nạn ăn cắp bản quyền đang hoành hành bấy giờ, Nguyễn Hữu Phần tự mang phim của mình đi chiếu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhờ vậy, không chỉ trả hết nợ, ông còn lãi được... 40 triệu đồng. Số tiền vào thời điểm năm 1993 quả là một gia tài. 

"Ma Làng" là một trong những tác phẩm được xét Giải thưởng Nhà nước năm nay

“Tôi thấy rất hạnh phúc là làm phim rất tâm huyết và được đón nhận. Những phim về đề tài thơ và nhân ái yêu thương thì sẽ tồn tại rất lâu”- ông chia sẻ về đề tài làm phim yêu thích của mình. Như phim “Em còn nhớ hay em đã quên” giành được năm giải thưởng về Biên kịch, Đạo diễn, giải phim hay nhất, giải diễn viên và giải âm nhạc trong LHP Quốc gia lần thứ XI tại Hải Phòng. Với “Em còn nhớ hay em đã quên”, Nguyễn Hữu Phần đã chứng minh được một điều: Phim ăn khách, thu được lãi vẫn có thể là phim nghệ thuật chứ không nhất thiết phải là phim chạy theo thị hiếu khán giả.

Đầu năm 1997, Nguyễn Hữu Phần chuyển từ Hãng phim truyện Việt Nam sang Trung tâm Nghe nhìn Đài THVN theo lời “kêu gọi” của bạn học cũ - đạo diễn Khải Hưng. Ông đã cùng Khải Hưng tiếp tục phát triển Văn nghệ chủ nhật, và đưa Trung tâm Nghe nhìn thành Hãng phim truyền hình Việt Nam (nay là Trung tâm sản xuất phim Truyền hình - đài THVN). Cái tên Nguyễn Hữu Phần gắn với hàng loạt phim truyền hình được khán giả cả nước quan tâm như Lẽ nào anh lại quên; Mảnh đời của Huệ; Ngọt ngào và man trá (dự kiến sáu tập nhưng vì cái chết đột ngột của diễn viên Lê Công Tuấn Anh mà chỉ dừng lại ở ba tập)... Thời kỳ đầu, phim truyền hình làm theo mô hình phim truyện nhựa và chỉ làm phim ngắn tập. Nguyễn Hữu Phần đã mày mò tìm ra “công thức” của phương cách làm phim truyền hình dài tập. Và giờ đây, nói đến phim truyền hình Việt Nam, nhất là sau khi phim Đất và Người, Ma làng, Gió làng Kình được công chiếu, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mới được đông đảo khán giả biết đến và được mọi người yêu mến gọi với cái tên thân mật là “Ông Ma làng” hay “Ông Phần nông thôn”. Đạo diễn chia sẻ: “Năm 2000 tôi làm phim Đất và Người, tôi thích tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, tôi thích làm phim này cũng là vì lâu nay mình sống ở thành phố, ít về nông thôn, cho đến khi mình về nông thôn tìm hiểu, thấy hay vì chúng ta quen việc làm phim ở thành phố, toàn nhà lầu, xe cộ... chúng ta làm phim ẩu, nhiều nhà đẹp cho thuê, còn nhà nghèo có ai cho thuê, trong phim cứ choáng lộn nên rất chán. Rồi khi xem phim về nông thôn, họ bảo lâu lắm mới thấy cảnh nông thôn mát mắt như thế kia, sướng như thế kia, rồi lâu lắm mới đứa trẻ chăn trâu như thế, tôi cũng có cảm giác thay đổi. Thứ hai vấn đề nông dân, ai cũng khao khát được nhìn lại quê mình giờ thay đổi như thế nào, vì thế khi làm xong Đất và Người, tôi rất thích. Khi làm xong thấy hiệu quả xã hội lớn, và tôi thấy có lẽ mình nên làm tiếp”.

Trong Đất và người, ông xây dựng nên một anh nông dân Chu Văn Quyềnh vừa khôn lại vừa dại mà hình như ở làng quê nào cũng có. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, trong quá trình làm phim, ông đã học được nhiều điều từ những người nông dân mà ông đã gặp gỡ, đã trò chuyện hoặc đã giúp đỡ ông. Ông bắt đầu quan sát, ghi chép, chiêm nghiệm và nung nấu ý tưởng sẽ làm một chuỗi những bộ phim về nông thôn từ thời bao cấp đến thời kỳ đổi mới và bây giờ là hội nhập, mở cửa...

Sau Đất và NgườiMa làng. Đã khá lâu rồi khán giả truyền hình mới có dịp xem một bộ phim đậm đặc chất làng quê với những vấn đề nhức nhối như Ma làng. Khán giả hồi hộp theo dõi từng tập phim, hồi hộp dự đoán hành động tiếp theo cũng như số phận của nhân vật thực sự đã tạo nên một cơn sốt Ma làng.

Với diễn xuất của các diễn viên: Bùi Bài Bình (vai Tòng), Hồng Sơn (vai Giỏ), Kim Oanh (vai Ló)... một lần nữa khẳng định sự kỹ lưỡng trong khâu chọn diễn viên của ông. Không những thế, ông còn tạo ra sự đột phá bởi diễn viên Bùi Bài Bình từ xưa đến nay toàn vào những vai diễn... hiền lành, còn Hồng Sơn thì toàn làm... người tử tế. Ấy vậy mà ông đã tìm mọi cách lôi kéo đối với hai diễn viên này. Thế là cuối cùng họ đã nhận lời: một anh thì vào vai chủ tịch xã nhiều mưu mô thâm độc, một anh thì vào vai tay “cùng đinh” suốt ngày chếnh choáng hơi men. 

Về hưu đầu năm ngoái, không chịu ngồi yên một chỗ, lập tức ông thành lập Công ty Cổ phần và Truyền thông Hà Nội, khởi động và thực hiện dự án gameshow “Hà Nội 36 phố phường” ấp ủ từ trước. Ước mơ giờ đây của ông, khi đã 64 tuổi, là làm một bộ phim nhựa về đề tài văn hóa Việt Nam để giới thiệu ra thế giới và sẽ tiếp tục trở lại phim về đề tài tình yêu thương. Thế nhưng nhiều dự án điện ảnh do các nhà đài đặt hàng vẫn còn đang xếp hàng chờ duyệt nên ước mơ đó vẫn phải chờ. Ông bảo: Tôi sẽ làm phim và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình cho đến lúc không thể làm được nữa.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ