(Tổ Quốc)- Tại Hội nghị Tân Trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945, Quốc dân Đại hội đã nhất trí chọn lá cờ mà Nguyễn Hữu Tiến vẽ làm Quốc kỳ của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (thường được gọi là giáo Hoài) sinh ngày 3-3-1901 trong một gia đình viên chức nghèo ở làng Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Thắng, huyện Duy Tiên), tỉnh Hà Nam.
Là một thanh niên sớm có lòng yêu nước, thương dân, trong thời gian mở trường dạy học ở quê nhà, ông đã giáo dục thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước. Năm 1927, ông tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương và được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cuối năm 1929, ông gia nhập Đông dương cộng sản Đảng và là một trong những người thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Duy Tiên, sau đó được bầu vào Phó Bí thư Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Hà Nam (23-1-1931).
Ngày 25-5-1931, do có kẻ phản bội, ông bị bắt ở Hà Nội, bị thực dân Pháp kết án tù khổ sai chung thân và đày đi Sơn La, sau đó lưu đày Côn Đảo vào cuối năm 1933. Tháng 4-1935, ông cùng với một số đồng chí khác vượt ngục thành công và trở về hoạt động ở vùng Hậu Giang (với bí danh là Quế Lâm). Một thời gian sau, ông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ và được phân công phụ trách Bí thư liên tỉnh Đảng bộ Long Xuyên - Chấu Đốc - Hà Tiên - Rạch Giá. Vào mùa đông năm 1939, để chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị BCH Trung ương Đảng ta họp lần thứ 6 vào tháng 11 năm 1939 tại Hóc Môn - Bà Điểm, ông được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn của Xứ ủy Nam Kỳ. Và cũng chính trong thời gian này, hình ảnh lá cờ Tổ Quốc mà ông nung nấu từ bao lâu, nay mới có dịp được thể hiện. Ý tưởng về lá cờ đỏ sao vàng của ông đã được bàn bạc, trao đổi và sự nhất trí của đồng chí Nguyễn Văn Cừ (lúc đó là Tổng Bí Thư của Đảng) và đồng chí Võ Văn Tần (lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ).
Thế rồi sau đó, truyền đơn, cờ, khẩu hiệu v.v.. để tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sắp tới đã được ông cùng Ban Tuyên huấn của Xứ ủy Nam Kỳ ráo riết chuẩn bị. Hình ảnh lá cờ tổ quốc có ngôi sao vàng năm cánh lần đầu tiên đã được hiện ra trước mắt ông. Giữa đêm đen, gương mặt Nguyễn Hữu Tiến tụ sáng trước đèn, anh nghiêng người trên phiến đá in. Bàn tay đưa lượn thận trọng, lẹ làng. Hình tượng cờ Tổ quốc hiện dần lên theo bàn tay anh! Anh đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ, da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm: sỹ, nông, công, thương, binh ... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong tim anh, trái tim từng ấp ủ ước mơ từ thuở thiếu thời một hồn thiêng sông núi, cũng đã bừng lên sắc cờ chói lọi! Và hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với "Đường Kách mệnh" hiện đến trong dòng suy nghĩ của anh cuồn cuộn như sóng triều dâng. Bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, bàn tay anh thoăn thoắt viết lên những vần thơ:
"...Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước,
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi..
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh" (1)
Mẫu cờ đỏ sao vàng này đã được Lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí sử dụng cho công tác tuyên truyền của Đảng. Ít lâu sau, cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ bị lộ, Nguyễn Hữu Tiến cùng với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào ngày 30-7-1940 và bị thực dân Pháp kết án tử hình ngày 17-5-1941. Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bị Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và bị khủng bố rất tàn bạo. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng bị bắt bớ, tù đày. Ở trong tù, ông cùng các đồng chí của mình, cũng đã biết được rằng lá cờ của Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay giữa bầu trời trong những ngày Nam Kỳ khởi nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941)
Sáng sớm ngày 28-8-1941, ông cùng với 6 đồng chí cộng sản trung kiên của Đảng cộng sản Việt Nam hiên ngang đi ra pháp trường Hóc Môn - Gia Định. Đó là những đồng chí lãnh đạo ưu tú của giai cấp công nhân, những người con ưu tú của Đảng ta: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến v.v...
Ông ngã xuống, máu đào của ông và của hàng vạn chiến sĩ cách mạng của Đảng, của dân tộc đã nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc. Lá cờ mà Nguyễn Hữu Tiến vẽ đã lan rộng ra cả nước và trở thành cờ hiệu của phong trào Việt Minh. Tại Hội nghị Tân Trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945, Quốc dân Đại hội đã nhất trí chọn lá cờ mà Nguyễn Hữu Tiến vẽ làm Quốc kỳ của cách mạng Việt Nam. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp vào tháng 3 năm 1946, đã quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc Kỳ của nước ta và giữ cho đến tận ngày nay.
Mẫu cờ Tổ quốc (năm 1940)
Năm 1993, để ghi nhớ công ơn của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh ủy Hà Nam đã cho xây dựng Nhà lưu niệm, mang tên: "Nhà lưu niệm Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến". Hiện tại, nơi này do người con gái duy nhất của Nguyễn Hữu Tiến là bà Nguyễn Thị Xu trông nom. Trong căn nhà có treo một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ lá cờ đỏ sao vàng, do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Hiện tại phần mộ nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (Phường Long Bình, Quận 9)./.
(1) Sơn Tùng, Nguyễn Hữu Tiến, Hà Nội- NXB Thanh niên, 1981.- tr 210-211.