• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Khải - Nhà văn Việt Nam tôi quý trọng nhất

22/03/2008 22:26

(Toquoc)- Nguyễn Khải là nhà văn đa tài, một nhà chính luận sắc bén, một nhà tư tưởng uyên thâm. Đọc những trang văn của ông sau này càng ngày ta càng giật mình thấy ông truy lùng quá khứ ráo riết để mổ sẻ, mà lấy ngay mình làm trung tâm. Người đời viết tự truyện để khoe còn ông là để mổ sẻ, để tự chê bai, để hoài nghi những giá trị của văn mình sau một đời lao động cật lực.

(Toquoc)- Nguyễn Khải là nhà văn đa tài, một nhà chính luận sắc bén, một nhà tư tưởng uyên thâm. Đọc những trang văn của ông sau này càng ngày ta càng giật mình thấy ông truy lùng quá khứ ráo riết để mổ sẻ, mà lấy ngay mình làm trung tâm. Người đời viết tự truyện để khoe còn ông là để mổ sẻ, để tự chê bai, để hoài nghi những giá trị của văn mình sau một đời lao động cật lực.


1. Truyện ở Nhà số 4 Lý Nam Đế

Tôi đọc và quý trọng nhà văn Nguyễn Khải từ đầu những năm sáu mươi thế kỷ hai mươi với những tác phẩm như Xung đột, Mùa lạc, Tầm nhìn xa… Nhưng phải ba chục năm sau, tức là vào mùa xuân năm 1994 mới được gặp. Hồi ấy tôi thường hay lên Hà Nội rồi đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội đưa bài và học hỏi với các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thuỵ… Một lần vào mùa xuân năm 1994 tôi đến phòng Nguyễn Đức Mậu thì thấy có một ông dáng người cao gầy có đôi mắt rất sáng đang ngồi đọc báo ở đấy, thấy tôi chưa biết, nên Nguyễn Đức Mậu giới thiệu: “Nhà văn Nguyễn Khải đấy”. Tôi mừng quá vội chào:

- Em chào nhà văn…

Nguyễn Khải nhìn tôi rồi hỏi:

- Cậu là ai?

- Em là Trần Quốc Tiến… Tôi trả lời và chưa dám ngồi xuống ghế, cứ đứng xoa hai bàn tay vào nhau.

- Thế quê cậu ở đâu? - Nguyễn Khải lại hỏi.

- Dạ thưa em quê ở làng Vân Lợi, xã Nam Vân, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định ạ… Tôi trả lời một thôi.

Nguyễn Khải nghe vậy phì cười, nói:

- Tớ cũng quê Nam Định đấy, nào ngồi xuống đây rồi ta nói chuyện, mình rất thích nghe chuyện quê…

Bấy giờ tôi mới dám ngồi xuống cái ghế phía bên này. Nguyễn Khải nhìn tôi rồi hỏi:

- Có phải cậu là tác giả của truyện Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa?

- Vâng ạ… Tôi trả lời và rất lấy làm sung sướng thấy ông đã đọc truyện ấy của tôi.

- Cậu làm gì ở quê? - Nguyễn Khải lại hỏi.

- Em làm ruộng ạ… Tôi thành thật trả lời.

- Vừa cày ruộng vừa viết văn à? - Nguyễn Khải hỏi lại.

- Vâng, ban ngày cầm cày, ban đêm cầm bút ạ… Tôi trả lời

- Vậy cậu hãy kể cho mình nghe cái đời vừa cầm cày vừa cầm bút của cậu, nhưng trước hết là chuyện cầm cày, chuyện anh nông dân thời hợp tác xã ấy mà… Nguyễn Khải gợi ý.

Tôi cười:

- Em mới từ phòng thí nghiệm ra…

Nguyễn Khải ngạc nhiên hỏi lại:

- Cậu được thuê làm thí nghiệm à? Thí nghiệm về cái gì?

Tôi cười trả lời:

- Thí nghiệm về hợp tác xã nông nghiệp, nông dân chúng em đã ở phòng thí nghiệm ba chục năm, cho đến khi giá trị ngày công tụt xuống gần con số không thì chui ra…

- Ha, ha, ha… Nguyễn Khải cười lớn rồi giục. - Nói tiếp đi, cuộc đại thí nghiệm thành công chứ?

Tôi lại cười:

- Người bảo thành công, kẻ bảo thất bại, còn riêng em thì cho rằng sau ba chục năm làm vật thí nghiệm, giờ được chui ra, dù thân tàn ma dại nhưng chưa đến nỗi chết là còn đại phúc…

Nguyễn Khải gật đầu khen:

- Nghe được đấy, khổ đến thế mà vẫn sống, vẫn cười, nông dân nước mình thật vĩ đại… Ngẫm nghĩ một lát rồi ông nói tiếp - Nếu cho cậu nói một câu khoảng độ hơn chục từ mà tóm được cái “thần” của thời cha chung không ai khóc ấy thì cậu sẽ nói thế nào?

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:

- Đó là thời Làm điêu ăn thật là quan - Làm điêu ăn giả là dân.

Nguyễn Khải mỉm cười nhìn tôi:

- Cậu bạo gan thật đấy, dám chê cả quan lẫn dân, nhưng này nhớ chép câu ấy gửi cho các nhà làm sách ghi nét nhé, thế nào họ cũng đưa câu ấy vào ghi nét cho mà xem… Rồi Nguyễn Khải giục - có chuyện gì hay hay cậu kể cho tớ nghe một chuyện, mình ở thành phố lâu nên rất muốn nghe chuyện quê, chuyện hợp tác xã.

Tôi cười nói ngay:

- Có chuyện thế này bác nghe xem thế nào nhé: Có một lần xã em tổ chức liên hoan mừng Đại Thắng, hội trường trang hoàng rất lộng lẫy đỏ rực cờ hoa cùng các băng rôn khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng, cán bộ và xã viên được lệnh phải ăn mặc thật đẹp, cài hoa có hàng chữ Đại Thắng Đông Xuân trên ngực, rồi các bản thành tích về sản xuất lúa bẩy tám tấn một héc ta, chăn nuôi tập thể nghìn đầu lợn… do chủ tịch xã và chủ nhiệm hợp tác xã đọc, vỗ tay kéo dài kỷ lục. Hôm ấy quan khách về đông lắm, xã ngả một con bê để đãi khách, lúc vào mâm, ông chủ nhiệm hợp tác xã và ông chủ tịch xã cùng ngồi tiếp một ông cán bộ tỉnh, ông chủ nhiệm xoa xoa hai bàn tay cung kính hỏi ông cán bộ tỉnh:

- Thưa anh hôm nay anh nghe các bản thành tích của chúng tôi, xin anh cho nhận xét thành tích nào nổi bật nhất?

Vừa lúc đó cô tiếp viên đưa đĩa bò tái đến để các quan “đưa cay”, ông cán bộ tỉnh liền gắp một miếng chấm nước gừng cho vào miệng nhai rồi gật đầu nói: “món tái này tốt nhất!” Chuyện ấy sau bị xã phê bình là sao không khen thành tích lúa tám tấn một héc ta, hoặc lợn ngàn con mà lại đi khen món tái bò…

Nguyễn Khải gật gù ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Lão cán bộ tỉnh ấy giỏi đấy…

Tôi kinh ngạc hỏi lại:

- Giỏi thế nào? Lão láo toét thì có, thành tích của người ta không khen lại đi khen món tái bò tốt nhất!

Nguyễn Khải tủm tỉm cười rồi nói tiếp:

- Lão cán bộ tỉnh ấy thật thà, vì lão thừa hiểu vào cái thời điểm ấy lúa tám tấn mười tấn một héc ta là chuyện bịa, làm báo cáo hay, chỉ có cái ngon của bò tái là “tốt nhất” mà thôi, hà hà…

Tôi vô cùng phục Nguyễn Khải, thoáng cái ông nhìn ra ngay bản chất của vấn đề, đi guốc vào bụng những giả dối loè loẹt bề ngoài.

Lần đầu tiên ở số 4 Lý Nam Đế ấy, tôi và Nguyễn Khải đã nói chuyện suốt hai ngày đêm, chủ yếu là tôi nói ông nghe, ông ghi gần kín quyển sổ tay của ông, Nguyễn Trí Huân thấy vậy nói đùa là số 4 Lý Nam Đế mới có cặp tình nhân suốt hai đêm ngày không rời nhau, còn Nguyễn Khắc Trường thì nói có chuyện ngược đời, lẽ ra thầy giảng, trò ghi, lại là trò Trần Quốc Tiến nói, thầy Nguyễn Khải ngồi nghe rồi ghi chép liên hồi. Ngồi trước một cây đại thụ Nguyễn Khải tôi không dám nói gì cao siêu, vả lại Nguyễn Khải cũng không cần những thứ đó, cái mà ông say mê ngồi cả đêm ngày để nghe là cái chuyện về đời sống người nông dân thời hợp tác xã một chiều dài non phần ba thế kỷ với những vui buồn sướng khổ, bởi ông vốn là nhà văn viết về nông thôn, nông dân với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Xung đột, Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa, Mùa lạc… còn tôi thì là nông dân thực thụ cả đời sống bên luỹ tre làng, tham gia phong trào từ tổ đổi công đến hợp tác xã thời bao cấp rồi đến thời khoán, và cho đến tận bây giờ, bao nhiêu chuyện dồn nén trong tôi không có dịp bung ra, giờ vớ được Nguyễn Khải để trút bầu tâm sự, chẳng khác gì tức nước vỡ bờ, tôi tháo ra bằng hết. Một đằng thích nghe, một đằng thích kể gặp nhau thì còn gì bằng. Sau khi đã nghe đầy đủ mọi chuyện, Nguyễn Khải hỏi tôi:

- Theo cậu, giá trị ngày công của nhiều hợp tác xã đã tụt xuống gần với số không là vì đâu? Vì cán bộ kém hay chè chén, hay vì xã viên lười làm, bừa chui, cấy chay, hay vì lẽ gì khác?

Tôi trả lời:

- Em đã nói với bác rằng “Làm điêu ăn thật là quan - Làm điêu ăn giả là dân”, chính vì thế mà hỏng. Nhưng vì sao người nông dân Việt Nam vốn thật thà lại trở nên dối trá, vốn siêng năng cần cù lại trở nên lười biếng?

Nguyễn Khải cười hỏi lại:

- Vậy theo cậu là vì sao?

Tôi trả lời luôn:

- Vì áp đặt, mọi sự áp đặt có tính chất duy lý đều không đưa đến thành công, phương thức mà chúng ta áp dụng trong nông nghiệp vừa qua về mặt lý thuyết thì có vẻ hay, nhưng lại quá dở khi đem vào vận hành trong thực tế, vì nó đã triệt tiêu động lực cá nhân, tức là động lực của từng con người, từng gia đình, tâm lý cá thể đã ăn sâu vào từng tế bào mỗi con người hàng ngàn năm hàng vạn năm rồi, nó hình thành ngay sau thời kỳ nguyên thuỷ, nó đưa con người thoát khỏi trạng thái động vật, có vợ, có chồng riêng, có gia đình để lo toan gánh vác. Phấn đấu làm giầu cho bản thân, cho gia đình mình là động lực lớn nhất, có giá trị thiết thực nhất, hợp lòng người nhất. Hợp tác xã bảo người ta vì cái chung mà không vì cái riêng, mảnh ruộng riêng chỉ có 5%, có nghĩa cái chung 95%, cái riêng teo tóp còn 5% vậy mà khi người xã viên chăm sóc cho cái 5% tí tẹo ấy tốt tươi để có thu nhập thêm, bớt đói, bớt khổ cũng bị phê phán rất gay gắt, quy chụp là có tư tưởng làm giầu riêng lẻ, muốn tư sản ngóc đầu, đốt lò gạch để xây nhà thì huy động cả đại đội dân quân đến phá, nuôi con lợn, con gà thì bắt bán nghĩa vụ với giá gần như cho không, vì vậy hợp tác xã đồng nghĩa với bần cùng hoá đời sống con người, nó tồn tại những ba thập niên, nông dân chịu đựng được đến giờ quả là anh hùng, nếu em là chủ tịch nước em sẽ phong cho hơn sáu chục triệu nông dân Việt Nam là Anh Hùng Thời Đại…

Nguyễn Khải cười ha hả, chắc là ông chưa nghe ai nói muốn phong cho hơn sáu chục triệu anh hùng một lúc nên mới cười to như vậy, vì một nhà viết kịch lớn người Đức sau khi nghiên cứu những nước có lắm anh hùng đã nói rằng đáng thương thay cho dân tộc nào cố tạo ra lắm anh hùng, vì anh hùng tỉ lệ thuận với tang thương, đỏo nát, với mất còn của một quốc gia.

Nguyễn Khải dành trọn một đêm hỏi chuyện cái đời vừa cầm cày lại vừa cầm bút của tôi. Ông hỏi rằng vì sao mà cả hai tai tôi hỏng, tôi nói với ông rằng năm hai chục tuổi tôi đi đào thuỷ lợi rồi nô với đám con gái bị ném bùn vào tai nên hỏng hóc từ đấy, ông cười bảo rằng tôi bị gái phạt nhưng sẽ được trời bù cái khác, cho dến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao tôi bị gái phạt, còn trời bù thì cũng tạm hiểu được rồi, ấy là tự học mà thành người viết văn, không có “trời bù” thì làm sao với được điều ấy! Ông lại hỏi tôi mơ thành nhà văn từ khi nào? Tôi nói rằng tôi mơ mình thành nhà văn từ khi tôi chưa biết nhà văn là gì, chưa đọc một quyển văn nào, ông bảo lạ, ít ra thì cũng phải đọc một quyển thì mới mê rồi mơ ước chứ, tôi nói rằng tôi nghe ca dao, tục ngữ, hò vè từ mẹ tôi, năm mười lăm tuổi tôi đọc quyển sách đầu tiên, ấy là quyển Thép đã tôi của một nhà văn Nga, rồi từ đấy có bao nhiêu tiền tôi bỏ hết ra mua sách để đọc, ông hỏi nhà văn trong nước tôi mê ai? Tôi nói văn tiền chiến tôi mê bốn vị là Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, còn nhà văn bây giờ tôi mê ông, ông cười gật đầu, ông hỏi thế giới tôi mê ai, có Gioóc-ky không? Tôi trả lời rằng không, tôi đã đọc Người Mẹ nhưng không thích, năm mười lăm tuổi tôi mê Thép đã tôi thế đấy, sau này thì tôi mê Sông đông êm đềm, Đất vỡ hoang, và mê văn học Pháp. Ông cười nói vui: “Cậu cũng ghê nhỉ, dám chê Gioóc-ky…” Rồi ngẫm nghĩ thế nào, ông lại hỏi tiếp: “Cậu tự học cả, vậy học vào lúc nào, khi mà ban ngày phải theo công điểm, ban đêm lại phải đi ngâm ống lươn, ngâm rọ cá trê…?”. Tôi cười trả lời rằng nhờ là xã viên mà tôi tự học thành công… Ông ngạc nhiên hỏi lại: “Thế à? Chuyện thế nào?“ Tôi lại cười trả lời: “Thì em đã nói với bác rằng làm điêu ăn thật là quan, làm điêu ăn giả là dân, dân chúng em cũng làm điêu lắm, dong trâu ra tới ruộng thì mặt trời đã lên tới con sào, làm qua loa một lúc là họ trâu giải lao tại ruộng để hút thuốc lào khoảng nửa giờ, rồi lại làm qua quýt một lát, sau đó thì giải lao chính thức, tức là tháo vậy chão ra rồi dắt trâu lên trại buộc vào gốc tre, còn người thì hoặc là sau khi đã hút đến ba, bốn điếu thuốc lào, ngồi tụm lại chơi tú lơ khơ, chơi cờ hoặc nằm ra vệt cỏ dưới gốc tre ngủ ngay một giấc, cuộc giải lao chính này kéo dài cho đến khi nào mặt trời gần đứng bóng, nghĩa là gần đến lúc nghỉ mới lại đưa trâu trở lại ruộng, làm qua loa rồi nghe tiếng kẻng báo nghỉ là lại tháo vậy chão và dong trâu về nghỉ, đến buổi chiều cũng đúng như vậy, tính tất cả một ngày có khoảng bốn giờ giải lao là ít nhất, trước khi đi làm bao giờ em cũng củ một quyển sách vào cạp quần, lúc giải lao em không hút thuốc lào, không chơi tú lơ khơ, không nằm dưới gốc tre ngủ, mà giở sách ra học, rồi đến lúc làm thì tay cầm cày, chân bước, còn cái đầu thì “ôn bài”, còn buổi tối, sau khi vác một bó ống lươn, rọ cá trê, cành câu đi cắm, đến quá nửa đêm thì nhấc… thời gian giữa hai công việc em ngồi đọc sách hoặc tập viết văn… Cứ như vậy suốt ba chục năm, một ngày và một đêm em có mười tiếng để tự học, để từ một người không cắp sách tới trường, em thành người viết văn…” Nghe xong Nguyễn Khải gật gù khen: “Giỏi!”.

Đó là câu chuyện diễn ra vào những ngày đầu xuân năm 1994 ở số 4 Lý Nam Đế- Hà Nội.

(còn tiếp)

Trần Quốc Tiến

NỔI BẬT TRANG CHỦ