(Toquoc)- Anh đi nhiều nơi, viết về nhiều miền quê, nhưng các bài thơ về Huế quê hương của anh bao giờ cũng dồi dào cảm xúc nhất.
(Toquoc)- Hồi còn là sinh viên khoa văn đại học sư phạm, chúng tôi đã chép thơ Nguyễn Khoa Điềm vào trong sổ tay rồi truyền nhau học thuộc. Những câu thơ trữ tình trong bài Tình ca ai cũng thích.
Đừng yêu ai em nhé
Chỉ yêu mình anh thôi
Dẫu tất cả con trai
Bên em đều tốt đẹp...
...
Yêu anh từ nước mắt
Rơi trong ngày biết yêu
Yêu anh từ tiếng hát
Như sao xanh những chiều
Bài thơ anh viết khi còn là thanh niên, kể từ đó đến giờ, thơ anh đã khác đi nhiều, đời hơn, sâu sắc hơn... Cùng với thời gian, thơ anh hiện diện như một phần của đời sống tinh thần người dân. Nhiều người thuộc thơ anh, nhiều thế hệ thanh thiếu niên, học sinh được học thơ anh trong nhà trường, thuộc các bài hát phổ nhạc thơ anh. Anh hiện diện giữa cuộc đời luôn luôn chân thật với chính mình. Tính cách của anh giản dị, chân thành. Thơ anh cũng vậy, rất gần gũi với nhân dân, phản ánh cuộc sống của nhân dân. Nhân dân đã làm cho anh cảm xúc dâng trào mạnh mẽ, nhân dân cũng cho anh vốn tri thức không bao giờ vơi cạn...
Hiếm có ai như anh, vừa gác việc quan trường liền trở lại ngay với cuộc sống đời thường, không bao giờ anh quên thiên chức của người nghệ sĩ.
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Không phải bây giờ mới như thế, từ khi đặt bút làm thơ anh đã đồng hành cùng người dân. Nếu đọc hết tuyển tập này, ta sẽ dễ dàng nhận thấy cảm hứng về nhân dân là cảm hứng chủ đạo trong thơ anh. Anh viết về người dân thôn Vĩ Dạ của xứ Huế quê mình, người dân miền núi cao của A Sầu, A Lưới... Hay viết về nước ngoài: Nga, Hàn Quốc, Bungari, Lào, Trung Quốc... anh cũng viết về người dân. Từ thuở xa xưa, các bậc danh tài thi nhân lớn đều viết về nhân dân. Họ hết mực trung thành, yêu mến, kính trọng nhân dân. Nhân dân là người làm nên lịch sử, là chủ nhân của lịch sử, nhưng nhân dân lại thường bị đè nén, chịu cảnh áp bức bất công. Nhân dân Việt Nam trong thời đại nhà thơ đang sống là nhân dân làm chủ vận mệnh của đất nước, họ tự đứng lên giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của mình. Nhân dân đã đem lại cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nguồn cảm hứng mới mẻ. Bắt đầu làm thơ là anh viết về nhân dân, ca ngợi nhân dân thông minh tài giỏi và làm nên những điều thần kỳ. Trường ca Mặt đường khát vọng cho thấy điều đó. Anh luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, vì nhân dân.
Hãy ngã vào Nhân Dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi
...
Hãy ngã vào Nhân Dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu Nhân Dân và nghe Nhân Dân nhắn nhủ
Hãy tin sức mạnh trên cơ thể Nhân Dân
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua ký họa của Hải Trung và bìa cuốn Nguyễn Khoa Điềm Thơ tuyển
Anh có nhiều bài thơ viết về những con người có danh tính cụ thể, hoặc là người chỉ có tên chung, họ là nhân dân nhưng không phải nhân dân trừu tượng. Đó là những con người mà hàng ngày anh vẫn gặp. Họ hồn hậu, hiền lành, chất phác nhưng khi đất nước bị ngoại xâm, độc lập tự do bị tước đoạt, nhân phẩm bị xúc phạm thì nhân dân vùng lên: Có ngoại xâm thì đánh ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại. Trong thơ Đỗ Phủ (Trung Quốc) thời xưa nhân dân là ông lão bán than, ông già trốn lính... Còn với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhân dân là nông dân, trí thức, bậc tu hành, sinh viên, em bé đánh giày...
Những nông dân mất ruộng mất làng
Những trí thức đau một thời chữ nghĩa
Em bé đánh giày, bậc tu hành cứu khổ
Đổ xuống đường vì hạnh phúc, tự do...
Được trưởng thành từ sinh viên thời kỳ đất nước nghèo khổ, đi tham gia chiến trận, thắng giặc lại trở về xây dựng đất nước nên anh hiểu cuộc sống hơn ai hết. Đọc thơ anh khiến ta liên tưởng đến thơ xưa của Đỗ Phủ ước có chiếc áo rộng lớn để mọi người cùng mặc che giá rét, ước có nhà rộng muôn ngàn gian để người nghèo không ai phải chịu cảnh rét mướt nắng mưa. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mượn một từ “Mùa” của Văn Cao làm cớ để nói lên lòng mình. Tất nhiên tứ thơ anh là tứ thơ của thời hiện đại, hiện thực thơ là hiện thực của cuộc sống nước Việt hôm nay. Anh là người luôn nhận xét mọi thứ theo con mắt biện chứng, khách quan. Theo anh, cuộc sống vốn có cả hoa và rác. Bài thơ Mùa bình thường của anh là một lời tâm sự, nhưng cũng là một tấm lòng rộng lớn bao dung, trân trọng giá trị cuộc sống.
Tôi chỉ mơ một đời bình thường
Ngoài đường trẻ con đi học, trong nhà người già ngủ
Nhà doanh nghiệp làm hàng hóa
Nhà văn ngồi viết văn
Nhà sử học bận rộn với quá khứ
Viên quan tòa mặc áo thụng nói lời ngay thẳng
Tôi chỉ mong mùa bình thường
Đủ cả hoa và rác như thói thường vẫn thế
Mấy ai có sự độ lượng với cuộc sống và có bản lĩnh như anh. Chừng nào nếu mà nhân dân còn bị xúc phạm thì anh sẽ sẵn sàng đứng lên để bênh vực. Anh đấu tranh không khoan nhượng với bất kỳ kẻ nào coi thường nhân dân. Nói về điều này, cần phải dẫn cả bài thơ Nhân Dân anh đã viết thì mới đủ nói lên tính cách mạnh mẽ, bộc trực của anh. Tại sao lại không cho nhân dân hưởng quyền làm người chính đáng? Trước kia trong trường ca Mặt đường khát vọng anh đã ca ngợi nhân dân như thế nào thì bây giờ cũng bênh vực nhân dân như thế.
Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở
Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ
Đọc qua tuyển tập thơ lần này của Nguyễn Khoa Điềm, người đọc càng thấy rõ hơn anh là người rất nhạy cảm với các vấn đề thời cuộc. Bản năng thi sĩ luôn thường trực trong con người anh. Trái tim anh luôn rung lên từ những bản tin thời sự hàng ngày hay điều anh suy ngẫm đã từ rất lâu. Đứa trẻ ở Trung Quốc bị người lái xe thản nhiên nghiến nát, người nhìn thấy cũng dửng dưng đi qua. Hay là bức tranh của một người ở trong tù vẽ vị tướng già là người lính Điện Biên năm xưa... anh dễ bị xúc động mạnh và trăn trở về cuộc sống nên anh đã viết thành thơ. Những câu thơ anh vừa mới viết ra đi thẳng ngay vào lòng người. Đó là một thế mạnh của anh. Thơ anh luôn là hiện tại nhưng chứa đựng những điều thẳm sâu tâm tư ước vọng muôn thuở của con người. Các tầng nghĩa của các phép tu từ sẽ mã hóa những thi liệu của hiện thực thành hình ảnh thơ giàu mỹ cảm. Thơ anh mang cho người đọc thông điệp của hiện tại và tương lai. Những bài thơ anh viết luôn là hơi thở của của sống, người đọc thấy anh luôn đi bên cạnh nhân dân. Anh là thi sĩ thời cuộc. Bởi nói cho cùng, văn học không bao giờ ngoài việc phản ánh hiện thực, trong đó trung tâm là thân phận con người.
Tuyển thơ anh chia ra làm ba phần theo ba thời kỳ, đọc hết cả ba phần sẽ thấy anh luôn ở trong sự bộn bề ngổn ngang của cuộc sống. Ở anh rất hiếm có những bài thơ miêu tả thiên nhiên thuần túy hoặc tâm sự riêng tư. Các sự kiện của cuộc sống luôn cuốn hút anh, và anh đã tham gia vào các sự kiện đó đầy hứng thú. Yêu nhân dân nên tâm hồn anh càng trong sáng, không bao giờ anh bỏ qua những điều trớ trêu của hiện tại. Tâm sự của anh cũng là tâm sự của biết bao người khác.
Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên qua rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
Anh đi nhiều nơi, viết về nhiều miền quê, nhưng các bài thơ về Huế quê hương của anh bao giờ cũng dồi dào cảm xúc nhất. Anh viết về con người, người thì có tên thật, người thì chỉ có tên chung. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận được sự cảm thông sâu sắc của anh. Với gia đình, người thân, con, cháu... anh cũng đều xúc động làm thơ. Khi anh là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, hay khi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa anh vẫn gần gũi với cuộc sống đời thường.
Trong cuộc sống xô bồ của ngày hôm nay, anh không khỏi lo lắng ngày mai và tiếc nuối cho việc môi trường bị hủy hoại, các giá trị văn hóa của cha ông bị mất dần, thói bàng quan vô trách nhiệm, sự băng hoại những giá trị của dân tộc. Anh xót xa cảnh báo:
Giống tê giác một sừng tuyệt chủng
Người hát ru em cuối cùng của làng lặng lẽ ra đi
Người nghệ nhân cung đình vàng son đã khuất
Hạt lúa tiến vua trôi về biển
Bầy voi đại ngàn mất đuôi, cụt ngà
Ngôi đình trăm năm đã đổ
Miếng trầu mời không ai buồn ăn
(Tin buồn)
Đọc thơ của Nguyễn Khoa Điềm, ta thấy anh luôn viết theo lối hiện đại, nhưng ý thơ bao giờ cũng chứa đầy những minh triết của nhân dân. Anh rất thông minh khi sử dụng thủ pháp liên tưởng. Từ con chim sẻ tha cọng rơm vàng về làm tổ, dân gian đã nghĩ ra cánh diều. Còn với anh, từ cánh diều đã kéo về cả bầu trời. Anh có nhiều câu thơ đẹp và hay.
Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
Biết kéo về cả một sắc trời xanh
Năm 2012, Nhà xuất bản Văn học đã in cuốn Thơ Nguyễn Khoa Điềm - tuyển tập 40 năm. Nhà xuất bản Hội nhà văn lần này in tập Tuyển thơ Nguyễn Khoa Điềm được tập hợp đầy đủ hơn. Đọc cuốn sách này, người đọc sẽ thấy sự phát triển của thơ Nguyễn Khoa Điềm qua từng thời kỳ, tính nhân văn ngày càng sâu sắc. Thơ anh viết khi tuổi càng cao lại càng hay.
Dương Thuấn