Để luôn "đỏ đèn" vào các tối trong năm, hai nhà hát đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Các vở diễn thường xuyên được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng
Nhà hát Lớn Hà Nội được người Pháp xây dựng từ 1901 đến 1911, là sự kết hợp kiến trúc cổ Hy Lạp và Nhà hát Lớn Opera Garnier ở Paris, Pháp. Nguyên mẫu của Nhà hát Lớn Hà Nội với 300 năm tuổi ở Paris không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc có một không hai của châu Âu mà còn được biết đến như một thánh đường của nghệ thuật đúng với nghĩa đen của từ này.
Nhà hát Lớn Opera Garnier sang trọng do Charles Garnier thiết kế được khởi công vào năm 1862, nhưng phải 13 năm sau mới hoàn tất một phần vì lý do người ta tìm thấy một luồng nước ngầm/hồ nước ngầm trong lòng đất nơi tính xây cất. Cái hồ nhỏ này hiện nay vẫn còn dưới nhà hát. Kịch bản nổi tiếng "Phantom of the Opera" của Gaston Leroux có nhân vật chính Phantom ẩn náu tại hồ này.
Tòa nhà tuy chứa khoảng 1.600 chỗ ngồi nhưng vẫn được xem là một trong những nhà hát lớn nhất thế giới bởi quy mô của nó: Dài 172m, rộng 152m, cao hơn 73m. Mặt tiền trang hoàng với đá cẩm thạch, cột trụ, trụ ngạch (friezes), điêu khắc, và hai tượng lớn mạ vàng trên nóc nhà. Nhà hát được trang hoàng vô cùng lộng lẫy với mầu sắc tươi, bắt mắt. Trong đại khán đường có cây đèn bách đăng treo khổng lồ nặng sáu tấn. Sân khấu phía sau khán đường cao 60m, có thể chứa được 450 nghệ sĩ. Trần nhà rất rộng được họa sĩ Marc Chagall vẽ lại vào năm 1964. Trần nhà của nhà hát được vẽ phủ lên tác phẩm nguyên thủy của Jules-Eugène Lenepveu. Để phản ảnh màu sắc lộng lẫy đỏ vàng trong tòa nhà của kiến trúc sư Charles Garnier, Chagall đã minh họa những cảnh miêu tả sự sống động rất đặc biệt và trong sáng.
Nhà hát Lớn Opera Garnier từ trước cho đến năm 1989 đã được dùng để trình diễn những kịch bản và những kịch múa cổ điển có chất lượng cao. Sau năm 1989 thì nhạc kịch đã được chuyển sang nhà Opéra de Paris Bastille. Có điều đặc biệt là, ngoài những buổi diễn thường kì các tác phẩm kinh điển, hằng năm "thánh đường nghệ thuật" này cũng dành gần 100 buổi diễn cho nghệ sĩ trẻ nhưng không mang tính thương mại. Đây cũng là hoạt động trọng tâm của nhà hát nhằm trao cơ hội cho những tài năng triển vọng thể nghiệm nghệ thuật đương đại độc đáo; đồng thời, thể hiện triết lý của nhà hát là không ngừng truyền đạt sự sáng tạo và niềm cảm hứng nghệ thuật đến những thế hệ tương lai.
Nhà hát Lớn Opera Garnier (trái) và Nhà hát Opéra Bastille
"Chị em" với Nhà hát Lớn Opera Garnier là Nhà hát Opéra Bastille do kiến trúc sư Carlos Ott thiết kế. Được ví như "chị em" bởi Nhà hát Opéra Bastille được dựng lên sau Nhà hát Lớn Opera Garnier với mục đích chính là chia sẻ các chương trình biểu diễn với Nhà hát Lớn Opera Garnier. Nằm ở trung tâm của Thủ đô Paris, Nhà hát Opéra Bastille mang dáng dấp nét kiến trúc hiện đại với chất liệu kính được ốp cho cả mặt ngoài và mặt trong nhà hát. Vì vậy, mỗi chương trình biểu diễn được phối hợp cả âm thanh lẫn màu sắc phản quang qua các tấm kính càng làm cho toàn bộ phần sân khấu sáng rực lên nét huyền bí lạ kỳ.
Mỗi một phòng trình diễn gồm có 2.700 chỗ, có cả trang thiết bị âm thanh truyền âm đồng nhất mang lại thanh âm sống động đến các khán giả. Ngoài ra còn có các phòng phục trang, phòng làm việc, phòng chuẩn bị với trang bị kỹ thuật hiện đại. Sàn sân khấu bao gồm nhiều tầng có chín máy nâng lên tạo thành nhiều cấp độ để hỗ trợ. Sân khấu chính cao 20m, rộng 40 m và sâu 32 m là cơ sở góp phần tạo nên thành công cho mỗi buổi diễn. Không chỉ là những công trình kiến trúc lịch sử, hai "chị em" nhà hát ở Paris còn là những công trình nghệ thuật có tầm vóc xứng với các nhà hát trên thế giới.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, Nhà hát Lớn Opera Garnier (Paris, Pháp) luôn “đỏ đèn” và thu hút khán giả các tối trong năm
Tương tự như nhà hát "chị", nhà hát "em" cũng lấy phục vụ nghệ thuật làm chính, không có những hoạt động có tính thương mại. Để luôn "đỏ đèn" vào các tối trong năm, hai nhà hát đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Các vở diễn thường xuyên được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; lịch biểu diễn "cứng" cũng đã được "fix" trước hàng tháng trời để khán giả và du khách chủ động sắp xếp thời gian thưởng thức. Lịch nghỉ diễn trong tháng, trong năm, thậm chí những điều nhỏ nhặt nhất như đến nhà hát bằng tàu điện ngầm thì đi ở những trạm nào, nếu đi xe buýt thì đi những tuyến đường nào, bãi đỗ xe như thế nào... cũng được hướng dẫn cụ thể và chi tiết khiến các "thượng đế" luôn hài lòng khi đến với nhà hát.
Cùng với công tác truyền thông, hai nhà hát lớn danh giá ở Paris kết hợp với du lịch. Đến đây du khách không chỉ được thưởng thức phong cảnh đặc sắc lãng mạn mang đậm chất Pháp, mà còn được hiểu thêm về nét kiến trúc đặc sắc của công trình nghệ thuật của nước Pháp. Lãnh đạo hai nhà hát đã chủ động kết hợp với các công ty du lịch để đón khách tham quan. Các khu phố, cửa hàng trưng bày các vật lưu niệm, vật trang trí… ở gần các nhà hát cũng tạo thuận lợi cho du khách khi đi tour trọn gói tham quan và mua sắm ở Paris. Không chỉ tạo thêm doanh thu để các nhà hát yên tâm với các chương trình nghệ thuật đỉnh cao mà đây còn là sự kết hợp hoàn hảo, nhuần nhuyễn về công tác truyền thông, quảng bá nhà hát và các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Bởi suy cho cùng, không có công tác truyền thông, quảng bá nào hiệu quả bằng cách quảng bá "sống" thông qua khách du lịch đến từ năm châu.
Hoàng Vũ
Theo Báo Văn hóa