• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Quan chức phải giữ gìn được lòng tin của công chúng

Thời sự 25/03/2017 06:10

(Tổ Quốc) -Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Việt Nam cần có một văn phòng đăng ký các bản kê khai tài sản của các quan chức cao cấp và cần có bộ quy chuẩn đạo đức công vụ trong đó giữ gìn lòng tin của công chúng là một đòi hỏi bắt buộc.

Nên có một văn phòng đăng ký các bản kê khai tài sản cho quan chức cấp cao

- Thưa ông, thời gian qua các cơ quan nhà nước đã thực hiện kê khai tài sản với người có chức vụ. Ông đánh giá như thế nào về việc kê khai này?

+ Tôi cho rằng, các cơ quan đã thực hiện nghiêm chỉnh công việc nói trên, tất cả quan chức từ cấp phòng trở lên đều đã kê khai tài sản. Tính trong cả nước có trên 1 triệu người phải kê khai tài sản và đây có lẽ là đất nước có số lượng kê khai tài sản lớn nhất trên thế giới.

Việc kê khai nhằm mục đích chống tham nhũng, nhưng có vẻ mục đích này chưa đạt được trên thực tế, vì tham nhũng tại nước ta vẫn đứng ở thứ hạng cao và có vẻ như không hề giảm. Thực chất năm 2015, trong hơn 1 triệu trường hợp kê khai tài sản thì chỉ có 5 người bắt buộc phải giải trình.

- Theo công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ thì cứ 12.000 trường hợp kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản tham nhũng và việc kê khai chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của các bản kê khai. Vậy việc kê khai này có đạt yêu cầu không thưa ông?

+ Yêu cầu đề ra rất cao nên đạt được là không phải dễ. Ngoài ra, việc kê khai thì chủ yếu cơ quan nào biết ở cơ quan đấy thôi. Mà trong cơ quan thì mọi quan hệ đã được xác lập. Không có tranh chấp trước đại hội Đảng, trong việc đề bạt bổ nhiệm, người ta ít khi “bươi” nhau ra để làm gì.

Ngoài ra, đối tượng phải kê khai quá lớn sẽ rất khó giám sát. Ở các nước theo tôi biết thì số đối tượng phải kê khai tài sản tương đối nhỏ thôi.

Chủ yếu đây là những người có thẩm quyền rất lớn trong việc quyết định chính sách, pháp luật và phân bổ các nguồn lực quốc gia. Những người làm chuyên môn, nghiệp vụ thì thường không phải là đối tượng kê khai.

Thực ra, số lượng quan chức phải kê khai ít thì mới tập trung giám sát được còn rộng như ở ta thì chúng ta khó có đủ nguồn lực để giám sát.

Kê khai tài sản quan trọng là giải trình khi có tài sản phát sinh nhưng việc này chỉ khả thi khi tất cả tài sản đều được đăng ký từ trước.

Từ khi soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), chuyên gia nước ngoài đã tư vấn rằng phải có điều khoản ân xá trong luật. Tức là khi luật này có hiệu lực thì tài sản của người kê khai đang có đương nhiên là tài sản hợp pháp và được ghi nhận. Như vậy “anh” có điều kiện hoàn thành việc đăng ký tài sản một cách trung thực và hiệu quả.

Nếu làm như vậy thì yếu tố đầu tiên là tài sản được đăng ký hết, những giao dịch phát sinh, những chuyển đổi tài sản từ đó sẽ lộ ra. Nhưng thực chất thì ta không làm được điều đó.

Khi chuyên gia PCTN của Singapore sang Việt Nam, họ hỏi tôi điều đầu tiên là có điều khoản ân xá ấy không? Khi được trả lời là không có thì ông ấy đã bảo “như vậy thì không có việc gì cho tôi làm ở đây cả”. Nguyên nhân là vì ngay từ đầu người ta đã tìm cách che dấu tài sản (bằng cách nhờ người khác đứng tên chẳng hạn) thì việc kê khai tài sản sẽ có rất ít ý nghĩa.

Công bằng mà nói, đưa điều khoản ân xá vào trong Luật PCTN là điều không dễ. Không có một chiến dịch truyền thông hiệu quả và liên tục trong nhiều năm thì về mặt chính trị, điều đó gần như không thể làm được.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng.

- Để vượt qua những hạn chế của việc kê khai và công khai trong nội bộ cơ quan, theo ông cân phải làm gì?

+ Theo tôi phải thành lập một cơ quan chuyên trách về vấn đề kê khai tài sản. Đó có thể là Văn phòng Đăng ký kê khai tài sản của quan chức cao cấp và là một văn phòng độc lập có thẩm quyền kiểm tra, xác minh. Tất cả quan chức cao cấp đều phải gửi bản kê khai về đây. Văn phòng này tập trung các chuyên gia hàng đầu về pháp luật và quản lý tài sản. Chi phí cho một Văn phòng như vậy có vẻ sẽ không lớn hơn việc phải làm hàng triệu bản kê khai như hiện nay.

Thêm nữa, chúng ta cần xác lập cho được trách nhiệm giải trình. Đây chưa phải là trách nhiệm hình sự, nếu anh không giải trình được thì anh sẽ mất tín nhiệm; mất tín nhiệm thì anh sẽ mất chức. Như vậy, các quan chức cao cấp làm gì thì cũng phải cân nhắc rất kỹ xem có giải trình được với dân, với nước không. Như vậy nâng cao năng lực áp đặt trách nhiệm giải trình của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp để chống tham nhũng là rất quan trọng.

Phải bảo đảm giữ gìn được lòng tin của công chúng

- Thưa ông, vậy các cán bộ, quan chức đương chức có được góp vốn vào các doanh nghiệp hay không? Vợ, chồng, con cái họ có được góp vốn vào các công ty hay không? Việc tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thời gian qua, theo quan điểm của ông thì họ có được phép không?

+ Quan chức bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức và PCTN. Theo các luật này thì chỉ có các quan chức đứng đầu cơ quan, cấp phó và thân nhân của họ không được đầu tư ở lĩnh vực mình phụ trách. Như vậy, phạm vi không được góp vốn là tương đối hẹp. Có lẽ, luật pháp cần quy định cán bộ, công chức không được góp vốn vào các doanh nghiệp trong trường hợp có xung đột lợi ích sẽ khái quát hơn.

Ví dụ “anh” phụ trách ngành giao thông thì tuy không có cổ phần trong các công ty giao thông nhưng “anh” hoàn toàn có thể góp vốn ở ngành sản xuất vật liệu để cung cấp cho các công ty giao thông. Như vậy thì vẫn xung đột lợi ích.

Vì luật của ta không khái quát hóa được mà quy định cụ thể quá nên những trường hợp mà tôi vừa ví dụ đã để lọt.

Trường hợp bà Thoa và ông Thơ chỉ là những trường hợp cụ thể và lại đang được các cơ quan chức năng xem xét. Tôi xin không “cầm đèn chạy trước ô tô” ở đây.

Điều tôi muốn nói chỉ là pháp luật của chúng ta phải có tính khái quát hóa cao hơn và phải phát huy được những thành tựu pháp lý mà cha ông đã đạt được. Ví dụ, theo quy định Luật Hồi Tỵ có từ thời Vua Lê Thánh Tông 500 trước thì “quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng không được tậu đất, vườn ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”, “những người thân như anh em, cha con, thày trò, bạn bè cùng học… không được làm quan cùng một chỗ”. Thế mà ở ta bây giờ thì có ông quan nào mà không có nhà, đất ở nơi mình cai quản? Rồi chuyện cha đề bạt con, chị đề bạt em cũng xảy ra. Tại sao chúng ta lại lạc hậu quá xa so với cha ông như vậy?!

Ngoài ra, để PCTN các chuẩn mực của đạo đức, công vụ cũng cần được áp đạt. Đó là sự liêm chính: đặt lợi ích công lên trên hết, là tránh xung đột lợi ích với giữ gìn lòng tin của công chúng.

- Thời gian qua liên quan đến Luật Phòng chống tham nhũng, các luồng quan điểm vẫn tranh luận rất nhiều về việc minh bạch bản công khai tài sản tới mức nào và các đối tượng nào được biết? Với trường hợp ông Thơ, người dân có quyền được biết không thưa ông?

+ Hiện nay chúng ta mới chỉ công khai ở phạm vi hẹp. Tuy nhiên, quan chức thì cũng là công dân, an ninh, an toàn của họ cũng cần được bảo đảm. Vì vậy, có một văn phòng đăng ký và có các quy định cụ thể về quyền tiếp cận các bản kê khai tài sản là rất quan trọng. Chúng ta nên sử dụng các quy chuẩn của Luật tiếp cận thông tin ở đây.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Tùng (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ