• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có nhiều cơ hội để "gặp may"

Văn hoá 12/02/2019 10:56

(Tổ Quốc) - Một doanh nghiệp có tiếng, một doanh nhân thành đạt, một ông chủ gia đình gia trưởng trong một gia đình yên ấm... đó là những gì nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đang có.


Trong công việc kinh doanh không phải ai cũng có được thành công như "ông chủ" hãng Taxi tải Thành Hưng, trong công việc viết lách cũng hiếm người được giải ngay khi mới viết, trong gia đình đông người không phải người đàn ông nào cũng có quyền quyết định "tối thượng". 

Hẳn phải có những bí quyết giúp một người như Nguyễn Phúc Lộc Thành làm được như vậy. Cùng tìm hiểu câu chuyện về Doanh-Nhân-Nhà-Thơ này qua cuộc trò chuyện với Báo điện tử Tổ Quốc những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi. 

Thành công từ chăm chỉ lao động cộng may mắn

* Bắt đầu công việc kinh doanh cũng như viết lách từ con số "0", theo ông, những quan niệm và chuẩn mực nào là quan trọng nhất đối với một người sáng tác và một nhà kinh doanh để có được thành quả như ngày hôm nay?

- Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là lao động miệt mài và thêm chút may mắn, bởi chỉ có chăm chỉ lao động thì mình mới có nhiều cơ hội để "gặp may". Văn chương hay kinh doanh thì cũng chỉ là những công việc, những nghề khác nhau thôi. Mình lao động hết mình, thêm chút may mắn trời cho thì sẽ thành công trong các lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Nếu coi văn chương là một nghề như nghề kinh doanh hay như các nghề khác thì cần phải có một chuẩn mực là ứng xử với cuộc sống và giữ phẩm cách của mình trước cuộc sống. Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với mọi nghề. Vấn đề cuối cùng vẫn là phẩm cách như thế nào và ứng xử như thế nào với cuộc sống, với bạn bè, với tha nhân… mình ứng xử như thế nào đó là mục tiêu để sống. Cá nhân tôi âm thầm làm được trong nhiều năm trong việc kinh doanh, cống hiến cho xã hội, làm tất cả mọi việc hết sức lặng lẽ, nhiều chuyến quà từ thiện đã đến tay người nghèo, trẻ nhỏ ở những nơi thực sự cần được giúp đỡ…

"Nghề kinh doanh hay như các nghề khác thì cần phải có một chuẩn mực là ứng xử với cuộc sống và giữ phẩm cách của mình trước cuộc sống

Nguyễn Phúc Lộc Thành


* Có thể nói chặng đường những năm 1995-1996 với ông đầy biến cố, ông đã vượt qua quãng thời gian này thế nào và tới giờ văn chương có giúp ích gì cho ông?

- Nói xa hơn một chút, theo tôi văn chương hay kinh doanh đều là sáng tạo, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo nhưng với công việc kinh doanh của tôi thì sáng tạo thể hiện rõ nhất ở hình ảnh những chiếc xe taxi tải Thành Hưng nằm trong những trang viết của tôi khi còn mưu sinh ở Liên Xô cũ, khi đó tôi đã mơ sau này sẽ có một loại hình xe màu đỏ như thế. Sau gần 10 năm, tới năm 1996, thì những chiếc xe đã được ra đời trên thực tế. 

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có nhiều cơ hội để gặp may - Ảnh 2.

Những chiếc Taxi Tải Thành Hưng màu đỏ - một biểu tượng trong lĩnh vực vận tải nhẹ (ảnh: NVCC)

Năm 1994-1995 là thời điểm tôi đắm đuối nhất trong văn chương và tôi cũng học trường Viết văn Nguyễn Du. Trong thời gian này tôi cũng manh nha công việc kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, một trong những lý do tôi rẽ ngang và tập trung sang việc kinh doanh năm sau đó chính là bởi một biến cố trong sáng tác. Chính sự thất vọng, chán chường với văn chương mà năm 1996 đã giúp tôi có được Thành Hưng như bây giờ. Tôi cũng bỏ bê, đứt đoạn văn chương từ đấy…

Đến tận năm 2018 tôi mới trở lại với tập thơ Giấc mơ Sông Thương Tuyển văn Nguyễn Phúc Lộc Thành. Giấc mơ Sông Thương được ra đời trong một dịp tôi may mắn được sang Sông Thương Gadern với nhiều văn nhân, được sống trong một không gian đầy cảm xúc như vậy và tôi đã manh nha làm thơ. Chính nhà văn Sương Nguyệt Minh khi đó đã gợi ý cho các nhà thơ sáng tác thơ để tạc vào đá, đặt bên bờ sông Thương và sau đó đã có nhiều nhà thơ hưởng ứng, mỗi người làm một bài. Tuy nhiên với tôi thì đó là ý tưởng để ra đời Giấc mơ Sông Thương 1, và vì cảm xúc về sông Thương, về Kinh Bắc vẫn còn nên sau đó tiếp nối thành Giấc mơ Sông Thương 2, 3 (Chiều và Chân quê). Về tác phẩm này, đó là những trường đoạn của của trường ca về sông Thương của tôi- một mạch cảm xúc trong khoảng thời gian gần một năm với 108 bài thơ. 

Tác phẩm được các nhà thơ, nhà phê bình như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Chu Văn Sơn, Nguyễn Bình Phương, Ngô Văn Giá… "phê" là một tác phẩm khá đầy đặn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa còn nhận định tôi đại ý là "một người có công với thi ca, với lục bát, một tư duy lục bát hoàn toàn mới mà sau nhiều năm mọi người tìm tòi cách tân vẫn chưa ai làm được...".

"Thi sỹ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mở ra một không gian mới cho lục bát...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Với tôi, sáng tác hoàn toàn là duyên với thi ca Việt Nam, tới giờ tôi cũng không lý giải được tại sao mình lại làm được một việc không tưởng như thế. Thêm vào đó, trong cách vận hành 108 bài thơ lục bát đã mang được hơi thở của lục bát Việt và không gian thôn quê Việt Nam trong thời đại 4.0 vào thơ.

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có nhiều cơ hội để gặp may - Ảnh 4.

'Tử tế' hơn vì học viết văn

* "Theo dõi" quá trình sáng tác của ông thấy nhiều điều thú vị, nhất là khi đã viết được rồi mà ông vẫn "dùi mài" chữ nghĩa để thi vào Trường Viết Văn Nguyễn Du. Sao ông lại quyết tâm thi vào trường này đến vậy?

- Khoảng cuối những năm 1980, trong thời gian quăng quật bên Liên Xô cũ, bươn chải mưu sinh, thời điểm đó tôi đã bắt đầu viết. Tôi từng đoạt giải một cuộc thi sáng tác văn chương do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cũ tổ chức dành cho cộng đồng người Việt ở 15 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong đó nhà thơ Trần Đăng Khoa là thành viên ban giám khảo và tôi được giải Nhất.  

Khi trở về Việt Nam tôi vẫn tiếp tục viết và giao du với những bạn văn chương, nhận được sự khích lệ, và may mắn tác phẩm đến được tay thầy Hoàng Ngọc Hiến. Từ sự giới thiệu của thầy Hoàng Ngọc Hiến với trường Viết văn Nguyễn Du, lại vào thời điểm trường có ít người xuất sắc về văn xuôi nên tôi được nhận vào học. Cùng thời tôi có các nhà văn như Nguyễn Trường, Dạ Ngân.

Nói thật, nếu không 'trúng' vào trường thời điểm đó, có thể giờ tôi đã làm một nghề khác… bởi phẩm cách, năng lực, gia đình (bố tôi là lãnh đạo bên ngành giao thông). Tới giờ tôi thấy đó là một lựa chọn đúng đắn. Những năm tháng học ở trường tôi thấy mình 'tử tế' hơn rất nhiều, với một hành trang kiến thức để viết.

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có nhiều cơ hội để gặp may - Ảnh 5.

Hình ảnh tại lễ bế giảng lớp đại học viết văn khóa 1993-1997 (ảnh: NVCC)

* Đọc văn của ông thấy có một điều là sự hướng thiện và mỗi nhân vật luôn có những điểm sáng để dựa vào đó mà bước qua những chặng đường khó khăn trong cuộc đời. Đó có phải là một lựa chọn khi hướng đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà ông theo đuổi?

- Với tôi, văn chương, đặc biệt là văn xuôi, có hai dạng viết, một là có đề cương và mình phát triển nhân vật theo từng nhánh, biết là mình sẽ phát triển đến đâu để viết theo nó, dạng thứ hai là viết bằng cảm xúc, để nhân vật dẫn dắt mình. Tôi chọn viết theo cách tự hành thứ hai này, nhập thân vào nhân vật và để nhân vật dẫn dắt mình vào một cuộc sống khác, ám ảnh bởi nhân vật ngay cả trong cuộc sống hằng ngày.

Theo tôi, để sắp đặt cho nhân vật vào một cái gì đó là rất khó đối với một người viết theo cảm xúc. Đặc biệt là con người dù là tướng cướp hay ai đi chăng nữa thì thời khắc cuối cùng của cuộc đời cũng hướng thiện và vẫn trở về với bản thể. Đây hoàn toàn là làm và viết theo tiếng gọi của lương tâm, của lương tri, của bản thể và không đánh mất mình được vì vậy bao giờ kết thúc cũng là cái thiện, cái tốt được lên ngôi.

Từ nhiệm để chuyên tâm sáng tác

* Được biết, hồi tháng 9 năm ngoái ông đã tuyên bố "từ giã" việc kinh doanh để chuyên tâm sáng tác. Xin hỏi, ông đã lui hẳn về sáng tác chưa hay vẫn "đi lại" với công việc kinh doanh? Bởi tôi biết hơn 20 năm gắn bó với một công việc để từ bỏ hẳn là một quyết định cực kỳ khó khăn, nhất là mình còn những buộc ràng.

- Công việc mình đã tham gia 20 năm cũng khó bỏ ngay được… Nhưng chuyện viết lại sau 20 năm lại khá thú vị. Trong suốt quãng thời gian đó, mỗi thứ một tí tích lũy dần, tăng thêm động cơ để viết, như sức nén của lò xo càng nén càng bật mạnh, văn chương thì lại cần tích lũy nên khi viết lại câu chữ như bung ra. Tôi nghĩ nếu tôi viết về giới doanh nhân thì rất tốt vì, viết về giới của mình, mình có sự trải nghiệm với công việc kinh doanh, kinh tế thị trường. Quan trọng hơn, với tôi viết còn là thể hiện trách nhiệm của mình trước cuộc sống.

* Trải qua nhiều biến cố như vậy, xin hỏi ông một câu thật lòng là, có khi nào ông thấy hối tiếc vì đã trót dan díu với văn chương hay không?

- Thực lòng là trải qua nhiều biến cố như thế tôi thêm thấm thía câu "lập thân tối hạ thị văn chương". Biến cố năm 1995-1996 là một ví dụ, lúc đó vợ tôi cũng động viên tôi rằng "trong cái rủi có cái may, thôi thì anh hãy tập trung vào kinh doanh". Sự thất vọng, chán chường với văn chương cũng mang đến sự thành công trong công việc kinh doanh của tôi như hiện tại.

Một gia đình có tư duy sống khá lành mạnh

* Không như những nhà văn, nhà thơ khác, có vẻ cuộc sống gia đình của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chỉn chu, êm đềm và tràn đầy chia sẻ, hạnh phúc. Ông cũng vừa chia sẻ là có một người vợ luôn bên cạnh, sẻ chia. Có đúng như vậy không thưa nhà thơ?

- Đúng là tôi có một gia đình hạnh phúc, có một người vợ luôn chăm lo, ủng hộ, yêu thương, lại là chỗ dựa về mặt tinh thần khi tôi thất bại trở về. Đặc biệt với người trót dính vào văn chương không phải ai cũng có được cuộc sống gia đình suôn sẻ như tôi. Con cái ngoan ngoãn, biết cách cư xử, con gái đầu của tôi hiện đang làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Văn phòng Chính phủ. Tôi rất tự hào là dù gia đình thành công trong việc kinh doanh nhưng các con đều chăm ngoan, học giỏi và gia đình có một tư duy sống khá lành mạnh, không bị đồng tiền chi phối, ảnh hưởng.

Nguyễn Phúc Lộc Thành: Chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có nhiều cơ hội để gặp may - Ảnh 6.

Truyền thống gia đình được giữ gìn và tiếp nối qua các thế hệ (ảnh: NVCC)

* Ông có thể cho biết "bí quyết" nào giữ cho gia đình mình được như vậy?

- Đơn giản thôi, mình làm gì cũng phải giữ gìn và tôi luôn giữ gìn nền nếp gia đình.

Nói thật tôi là một người gia trưởng, trong nhà tôi là người đưa ra quyết định và được mọi thành viên trong gia đình coi trọng, tôn trọng. Mặc dù cuộc sống gia đình không thể tránh được những chuyện 'va bát chạm đũa' nhưng chúng tôi quan niệm, không có nhiều thời gian để thương yêu nhau nên không để những 'va chạm' đó chi phối thời gian bên nhau của cả gia đình. Theo tôi, cuộc sống không có đủ những ngày để yêu thương thì việc gì mình lại phải cắt bớt, nếu không nói mình phải vun cho đầy hơn.

Gia đình tôi cũng rất truyền thống. Thời xưa các cụ sống thế nào thì giờ gia đình tôi cũng tiếp nối như vậy. Nền nếp gia đình được giữ gìn từ thời trước sang thời con, cháu. Tối nào gia đình cũng tập trung cùng nhau, chia sẻ về cuộc sống. Các con cũng rất tôn trọng người lớn, biết và giữ được truyền thống này của gia đình. Thế nhưng để sống tốt với nhau hơn thì con người vẫn phải học thêm rất nhiều.

* Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ