(Toquoc)- Trái với dự đoán của độc giả khi đến dự Toạ đàm “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” sẽ có nhiều tranh luận nảy lửa trái chiều, tại đây lại có sự khẳng định một thế hệ nhà thơ mới.
(Toquoc)- Trái với dự đoán của độc giả khi đến dự Toạ đàm “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” sẽ có nhiều tranh luận nảy lửa trái chiều, tại đây lại có sự khẳng định một thế hệ nhà thơ mới.
Thơ Nguyễn Quang Thiều, cán cân khen - chê đã thay đổi?
Trước khi diễn ra cuộc toạ đàm khoa học Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều tại Viện Văn học ngày 28/6, trên một số diễn đàn Internet đã xuất hiện những cuộc tranh cãi về thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhà phê bình - Trưởng ban tổ chức Toạ đàm Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đây có thể đây là một dấu hiệu khởi đầu tốt đẹp của toạ đàm.
Quả thật, lâu lắm rồi văn học, nhất là thơ, chưa có một “cú hích” đáng kể khiến cho các nhà phê bình phải vào cuộc và lên tiếng như trường hợp thơ của Nguyễn Quang Thiều thời gian vừa qua.
Chọn toạ đàm trường hợp thơ Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy Thơ Việt Nam hiện đại được khá nhiều người trong giới đồng tình. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ủng hộ tên tuổi của Nguyễn Quang Thiều và theo ông, Nguyễn Quang Thiều còn phải nằm trong văn học đổi mới với mốc thời gian từ 1986 cho đến nay chứ không phải mốc 1975.
Tập thơ đầu tiên Ngôi nhà tuổi 17 đã đưa Nguyễn Quang Thiều đặt chân tới miền đất thi ca. Nhưng phải hai năm sau đó, tập thơ quan trọng nhất, mở ra con đường thơ gắn với tên tuổi Nguyễn Quang Thiều - Sự mất ngủ của lửa năm 1992 và được Giải thưởng Hội Nhà văn. Cho đến nay đã 20 năm trôi qua nhưng dường như cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại. Có ít nhất hai luồng ý kiến khen - chê: Một là thơ Nguyễn Quang Thiều đổi mới; Hai là thơ Nguyễn Quang Thiều khó hiểu.
Sự “khó hiểu” của thơ Nguyễn Quang Thiều được mổ xẻ với hàng loạt lý do. Đó là việc khước từ thơ có vần, thơ truyền thống, thơ 5, 7 câu… để sang thơ văn xuôi. Lối dùng câu dài như thơ dịch, khó thuộc. Cuối cùng căn nguyên này được lý giải là do Nguyễn Quang Thiều biết nhiều ngoại ngữ, được tiếp cận với các nền văn học thế giới nên bị ảnh hưởng. Bản thân Nguyễn Quang Thiều cũng thừa nhận: “Việc tiếp xúc với những nền văn minh, văn hoá, văn học của các nước trên thế giới chắc chắn bổ sung cho sự hiểu biết và cái nhìn của tôi nhưng nó cũng chỉ là một nguyên nhân phụ mà thôi. Việc tiếp xúc đó luôn luôn mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới và chúng ta có cơ hội được nhìn thấy nhiều hơn và đầy đủ hơn”. Chỉ ngần ấy lý do, văn đàn đã sôi nổi bàn luận về thơ văn xuôi, thơ hay có phải là thơ dễ thuộc hay không…?
Trở lại mốc thời gian văn học xa hơn, chúng ta có thể tìm lại những cuộc tranh luận tương tự với trường hợp thơ Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… và thời gian đã cho câu trả lời.
Như vậy, có thể nhận thấy ở Nguyễn Quang Thiều có cơ hội được tự mình biết đến, khám phá các nền văn học khác nhau. Nhưng nó chỉ là “nguyên nhân phụ”, không phải là tất yếu quyết định đến thơ của Nguyễn Quang Thiều.
Sau 20 năm từ khi Sự mất ngủ của lửa cho đến ngày Toạ đàm Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều diễn ra, hai luồng ý kiến đối lập nhau vẫn tồn tại. Nhưng dường như sự nhìn lại, đánh giá đã có phần thay đổi: khen nhiều hơn chê!
Con số tham luận được mang đến toạ đàm là 28, chưa kể các ý kiến “nói vo” và nhiều bài viết liên quan xuất hiện trước - sau toạ đàm, đã, đang và sẽ công bố.
Tham luận của các nhà thơ Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến… viết khá thuyết phục khi ghi nhận những nỗ lực của thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng không làm cho độc giả quá bất ngờ. Bởi bản thân họ đều là những “đại biểu” luôn ý thức đổi mới thơ ca.
Bên cạnh các nhà thơ là các nhà lý luận phê bình cũng dành những đánh giá cao cho thơ Nguyễn Quang Thiều như Chu Văn Sơn, Văn Giá, Nguyễn Đăng Điệp, Đông La, Hồ Thế Hà, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Quyên, Nguyễn Chí Hoan… cùng đội ngũ các nhà phê bình trẻ như Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Khánh Phương…
Đồng quan điểm khẳng định giá trị thơ của Nguyễn Quang Thiều còn có các nhà văn như: Nguyễn Đình Chính, Đặng Thân, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà…
Nhà thơ Phan Hoàng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ mình là người yêu mến con người và thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng cũng muốn được lắng nghe một tham luận “chê” thật xác đáng. Thế nhưng, cho đến khi toạ đàm kết thúc chỉ có vài ý kiến “chê” của Nguyễn Đăng Điệp và Hữu Thỉnh. Phan Hoàng dự cảm: dù buổi toạ đàm kết thúc nhưng các vấn đề xung quanh buổi toạ đàm vẫn còn rất nhiều và chắc chắn độc giả, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình sẽ còn tiếp tục.
Thử giải mã ẩn số thơ Nguyễn Quang Thiều và chào đón thế hệ thơ mới
Nhà thơ Trần Quang Quý, Thi Hoàng, đạo diễn Lương Tử Đức và một số diễn giả khác không đồng ý khi cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều giống thơ dịch và giống thơ phương Tây. Thậm chí thơ Nguyễn Quang Thiều rất dễ hiểu, giản dị. Có lẽ đây là sự thay đổi lớn trong tiếp nhận thi ca đương đại. Bởi nếu những câu thơ, những bài thơ của Nguyễn Quang Thiều xuất hiện cách đây 10, 15 năm thì sự “khó hiểu” có thể lý giải. Còn hiện nay độc giả đã thay đổi.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính đặt ra câu hỏi, nếu như trước kia các nhà thơ có xuất phát, có ảnh hưởng từ các văn bản có sẵn, như vốn văn học dân gian, ca dao, tục ngữ… thì nay Nguyễn Quang Thiều xuất phát điểm từ cái gì để hình thành thơ ca?
Đánh giá thơ Nguyễn Quang Thiều giống phương Tây là một sự áp đặt khi mới chỉ nhìn bề ngoài câu chữ mà không tìm hiểu nội dung, tứ thơ. Nhà phê bình Hồ Thế Hà đưa ra một lý giải, đó là “hình tượng mẫu gốc” ám gợi nhất trong thơ Nguyễn Quang Thiều là “làng Chùa - nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi mà anh - với tư cách một nhà thơ đã tự cho phép mình phải tuyên ngôn về nó như một tình cảm và mệnh lệnh tối thượng mà anh gọi là “Bản tuyên ngôn của giấc mơ”. Từ làng Chùa, những gương mặt con người quê hương, những cảnh ngộ quê hương, con sông Đáy quê hương… ám ảnh và hiện diện trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Quang Thiều đã làm nên không gian văn hoá của làng quê mà cao hơn đó là không gian văn hoá của Á Đông, của phương Đông.
Phạm Xuân Nguyên gọi thơ Nguyễn Quang Thiều là kiểu thơ “mê dụ” và phải để chính Nguyễn Quang Thiều đọc của mình thì chất “mê dụ” ấy mới biểu lộ rõ. Trong cái chất mê dụ ấy xuất phát từ những giấc mơ, từ chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là thứ thơ véo von, đó là tiếng kêu về vẻ đẹp sắp lụi tàn và cả sắp biến mất - một giải mã của Lương Tử Đức.
Còn Đặng Thân thì nghi ngờ đặt câu hỏi: Chúng ta cần suy nghĩ lại thứ thơ mà trước nay chúng ta cho là truyền thống có phải cội nguồn không, hay sự cách tân đến tận cùng chính là con đường về với cội nguồn?
Nhà thơ được cho là “thế hệ trước”, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ phát biểu cuối cùng gây được chú ý tới độc giả - nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đưa ra nhiều “giải mã” và những câu chuyện liên quan đến Nguyễn Quang Thiều.
Trước câu hỏi, thơ Nguyễn Quang Thiều truyền thống hay cách tân? Hữu Thỉnh khẳng định Nguyễn Quang Thiều “cách tân” - theo nghĩa mĩ học luôn luôn cách tân, xác lập giá trị mới. Có thể xem đây là cách trả lời “khéo léo” của ông mà không làm mất lòng ai.
Công nhận Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ lớn hay chỉ một nhà thơ đang tìm tòi, nhà văn Văn Chinh đưa ra một so sánh: Nếu chọn của Xuân Diệu 10 bài và Nguyễn Quang Thiều 10 bài thì rất có thể Xuân Diệu chỉ có 3 bài hay nhất, trong đó Nguyễn Quang Thiều có 10 bài. Vậy nhưng, Xuân Diệu được coi là một nhà thơ lớn, còn Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đang tìm tòi. Như vậy có công bằng không?
Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá khái quát về thơ Nguyễn Quang Thiều là đã tạo ra một trường thẩm mĩ mới, khước từ những ước lệ véo von nhễ nhại, du dương đến tội nghiệp. Sự ảnh hưởng của Nguyễn Quang Thiều đã chính thức xác lập một thế hệ nhà thơ mới mà Hữu Thỉnh đã chờ đợi từ lâu, trong đó bên cạnh Nguyễn Quang Thiều là Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Inrasara, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang… Chính tại cuộc toạ đàm này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã “ngả mũ cúi chào thế hệ nhà thơ mới xuất hiện”.
Tất nhiên, sự xác lập “một thế hệ nhà thơ mới” của Hữu Thỉnh có thể có người đồng tình, thậm chí cho rằng đó là thừa nhận “hơi muộn”, nhưng cũng sẽ có người chưa và không đồng tình. Nhưng rõ ràng, từ sự ảnh hưởng của Nguyễn Quang Thiều, cho đến nay đã có “sự đi tiếp và nối tiếp” trong một dòng chung với các tên tuổi Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thuý…
Tôi thích câu nói của Hữu Thỉnh khi ông nhặt những câu thơ hay của Nguyễn Quang Thiều và nói: “Thiều đi từ những câu thơ hay không giải thích được đến những câu thơ hay giải thích được” để nhìn nhận, đánh giá một cách không vội vàng nhiều vấn đề mà không phải chỉ riêng thơ.
Hiền Nguyễn
“Thơ Nguyễn Quang Thiều hơi lợi dụng kể lể, dài dòng” - nhà thơ Hữu Thỉnh “Nguyễn Quang Thiều có những câu thơ nhìn qua thì đẹp, đọc kỹ thì xốp” - Nguyễn Đăng Điệp |