• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Quốc Việt- “Người chiến thắng trở về”

31/10/2009 11:22

(Toquoc)- Nguyễn Quốc Việt vẫn viết và ngày càng tỏ ra là một người viết có uy tín. Với hai trường ca viết về Phú Quốc và Tây Ninh, với vài trăm bài viết về di tích văn hóa lịch sử và văn hóa Tây Ninh. Với hằng trăm bài thơ còn nằm trong đống bản thảo, Nguyễn Quốc Việt đang dần hình thành một hiện tượng Văn hóa ở Tây Ninh.

(Toquoc)- Nguyễn Quốc Việt vẫn viết và ngày càng tỏ ra là một người viết có uy tín. Với hai trường ca viết về Phú Quốc và Tây Ninh, với vài trăm bài viết về di tích văn hóa lịch sử và văn hóa Tây Ninh. Với hằng trăm bài thơ còn nằm trong đống bản thảo, Nguyễn Quốc Việt đang dần hình thành một hiện tượng Văn hóa ở Tây Ninh.

Những năm gần đây, càng ngày, Nguyễn Quốc Việt càng gắn bó hơn với hai cơ quan tuyên truyền chủ yếu của Tây Ninh là Báo Tây Ninh và Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh. Hầu như số báo nào Tây Ninh nào Nguyễn Quốc Việt cũng có bài, dưới những bút danh: Quế Vân, Quang Văn, Trần Vũ. Hằng tuần, vào sáng Chủ nhật, chương trình văn hoá xã hội trên sóng Đài Phát thanh Tây Ninh cũng có bài của Nguyễn Quốc Việt. Nguyễn Quốc Việt còn tham gia vào viết kịch bản phim tài liệu truyền hình, trong đó có những phim đáng lưu ý như “Vân An, một đời người, một đời văn”, “Dương Minh Châu, một vùng quê anh hùng”, “Phan Thiết Phiệt, thầy giáo và ông đồ“. Có cảm giác là Nguyễn Quốc Việt ngày nào cũng viết.

Tôi quen Nguyễn Quốc Việt ngay từ những ngày đầu về Tây Ninh, khi anh còn công tác ở Sở Xây dựng. Càng sau này, chúng tôi càng có nhiều công việc để làm với nhau, thì chúng tôi càng gần gũi nhau hơn. Ít khi người ta biết về đời tư của anh. Bởi anh ít kể, và tôi cũng chỉ gom nhặt được chút ít về anh trong những lần chuyện phiếm. Nhưng khi Tỉnh đoàn mời tôi vào chuyến đi Phú Quốc, tôi mới biết thêm nhiều hơn về anh. Rằng học xong chương trình phổ thông ngoài Nam Định quê anh, anh lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Anh lính trinh sát ngày ấy rủi ro, bị thương, bị bắt và trở thành một tù binh cộng sản. Sau một thời gian bị giam ở Biên Hoà, Nguyễn Quốc Việt cũng bị đẩy lên chiếc máy bay C130 của Mỹ và bị đầy ra Phú Quốc. Sau hiệp định Pa-ri tháng giêng 1973, anh được trao trả ở Thạch Hãn - Quảng Trị. Đã từng chịu đựng trong trại tù hà khắc Phú Quốc, đã từng bị tra tấn như bao nhiêu tù binh cộng sản khác và khi ra Thạch Hãn cũng đã từng lột tất cả những thứ mà Mỹ cấp phát trước khi trao trả, ném cho trôi theo sông để đón nhận vòng tay đồng đội và trào nước mắt khi được gọi: người chiến thắng trở về. Ngày ra lại Phú Quốc, Nguyễn Quốc Việt cẩn thận mang theo một bó nhang trầm xứ Bắc để thắp lên những ngôi mộ của đồng đội mình đã hy sinh ở đây. Anh không kể mình đã sống ở đảo ra sao, mà chỉ kể những ngay trong nhà tù ấy anh đã học như thế nào. Đến bây giờ, anh còn giữ tấm pon-sô chép những công thức toán học hồi còn trong trại tù. Ngày ấy học trên sân cát, học bằng những cục gạch. Để ngay sau khi ra tù, anh thi vào đại học Xây dựng, khoa Kiến trúc. Anh đậu mà không cần đến một điểm ưu tiên. Ra trường, anh vào Tây Ninh. Nghiệp viết bắt đầu vận vào anh. Công việc của một kiến trúc sư hình như ít duyên nợ hơn nghiệp viết. Bây giờ, anh chỉ ngồi trước những tờ giấy vẽ khi có người nhờ thiết kề nhà ở. Việc viết hợp với anh hơn. Càng về sau, anh càng viết nhiều. Nhất là từ khi anh về Ban tôn giáo làm việc.

Đề tài mà anh bỏ nhiều công sức hơn cả là mảng văn hoá xã hội. Nghiên cứu các đình chùa miếu mạo, các di tích lịch sử, di tích văn hoá, đời sống xã hội, những lễ hội, những vùng quê tươi đẹp của Tây Ninh và của Việt Nam. Có thể nói: Nguyễn Quốc Việt đã phát huy hết thế mạnh mà mình vốn có. Khi viết về đình chùa miếu mạo và các di tích lịch sử, văn hoá, viết về ngành hội họ, anh sử dụng vốn hiểu biết về ngành kiến trúc. Viết về các lễ hội là thế mạnh của công việc anh làm ở Ban Tôn giáo. Năm 1996, đỉnh cao của nghề viết báo của Nguyễn Quốc Việt là giải nhất cuộc thi viết về “Thày tôi” do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức. Anh được trao “Cây bút vàng”. Bài viết ấy đã mô tả về một người thày đã dạy anh học trong những ngày bị tù ở Phú Quốc để anh có thể thi vào Đại học ngay sau khi ra tù.

Nhưng bạn viết ở Tây Ninh còn biết đến Nguyễn Quốc Việt làm thơ nữa. Anh hiện nay là một trong số ít những người làm thơ đứng được ở Tây Ninh này. Trên các trang báo của Tây Ninh có in thơ Nguyễn Quốc Việt đã đành. Thơ anh còn in trên các tờ báo tạp chí khác trong nước mà trong đó phải kể đến Tạp chí Văn Nghệ Quân đội và báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Khi có được những bài thơ in được ở trên hai tờ báo có uy tín trong làng thơ văn Việt Nam quả là một chuyện khó khăn. Ở Tây Ninh này, có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài Nguyễn Quốc Việt có lẽ chỉ có thêm Trần Hoàng Vy. Nguyễn Quốc Việt làm thơ khá nhiều. Mảng đề tài của anh thực phong phú. Ngoài những hoài niệm về đời lính, Nguyễn Quốc Việt còn quan tâm đến số phận con người. Không thiếu những bài thơ về người mẹ chịu thương chịu khó và chịu đựng hy sinh. Không thiếu những bài thơ đầy xúc cảm về đất Tây Ninh nơi anh đang sống và cống hiến. Cũng không thiếu những bài thơ về tình yêu. Nhưng tôi không dám lạm bàn nhiều về những bài thơ của Nguyễn Quốc Việt khi nó còn đang manh mún, rải rác. Mà chỉ xin bàn về chùm thơ anh đạt giải nhất cuộc thi thơ năm 1996 của Tạp chí Sông Hương của đất cố đô Huế. Xứ Huế như chúng ta đã biết. Đó là xứ thơ của cảnh sắc thiên nhiên, nhưng đó cũng là xứ của những nhà thơ tạo ra những bài thơ nổi tiếng. Những nhà thơ khi nhắc đến tên chúng ta phải kính cẩn như Tố Hữu, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khoa Điềm… Vậy mà trong một cuộc thi của xứ thơ, một người từ Tây Ninh lại chiếm lĩnh vị trí cao nhất cuộc thi, hẳn cũng phải kỳ khu lắm chớ. Cho đến hôm nay, Nguyễn Quốc Việt vẫn còn cảm giác sung sướng của một thành công. Bạn thơ Tây Ninh hẳn thế nào cũng có lần được nghe Nguyễn Quốc Việt đọc lại những bài này. Quả thực, tôi cũng đã đọc lại nhiều lần “Dùng dằng”, “Miền Trung” và “Đi ngược nắng” của Nguyễn Quốc Việt. Ba bài là ba cách thể hiện rất khác nhau. Người Tây Ninh ai chẳng biết Núi Bà. Nhưng thơ về núi có được bao nhiêu đâu, và thơ hay về núi càng hiếm. Nguyễn Quốc Việt không khai thác cái dáng uy nghi của núi, chất anh hùng ca của núi, mà khai thác sâu ở cái tình người khi chẩy hội Núi Bà:

Mấy câu đầu, chỉ là tả cảnh, nhưng cảnh ở đây có cái nền nã riêng của Núi Bà. Núi Bà là: “tung tẩy núi”“loà xoà mây”. Là “gập ghềnh đá, dịu dàng cây”. “lom quán”“hây hây trán chùa”. Núi Bà có từ bao giờ, chùa Bà có từ bao giờ mà Nguyễn Quốc Việt dám viết như là còn trẻ lắm. Còn “dịu dàng” và còn “hây hây” kia mà. Cái hay của tả cảnh ở đây chính là chỗ chưa ai tả Núi Bà, chưa ai viết về núi Bà như thế. Đọc những câu tiếp theo, ai cũng tưởng người viết là kẻ si tình. Nhưng không hẳn thế. Vẫn là cái tình của cảnh sắc núi Bà thôi. Bao thế hệ con người đã trẩy hội, và cũng bao nhiêu thế hệ đến núi Bà để mang trong lòng những vấn vương như thế: “Dùng dằng ở, dùng dằng đi / Ở thì lạc núi mà đi thì buồn”. Ở “Dùng dằng” xao xuyến và dịu dàng bao nhiêu thì ở “Đi ngược nắng” lại góc cạnh và mạnh mẽ bấy nhiêu. Sự đi ngược nắng thì ai cũng thấy. Nhưng Nguyễn Quốc Việt thấy cả một dòng nơtron ánh sáng, nên nó mạnh là phải. Mạnh tới mức áo em mặc thành mây mỏng, để em thành tiên nữ. Mạnh tới mức nhận được áp lực của mặt trời và sáu triệu độ nóng. Nhận ra như vậy cũng vẫn chưa đủ. Nguyễn Quốc Việt còn nhận thấy sức chịu đựng của con người trước nắng, nhưng chính từ sức chịu đựng ấy mà nhận ra em là tiên nữ, sự bình thản, sự tinh khôi … Cái vốn của nhà kiến trúc được huy động tối đa cho bài thơ này. Còn ở Miền Trung thì sao? Cả chùm là một giải nhất, nhưng đúng thực ra, giải nhất phải trao riêng cho bài thơ này. Nguyễn Quốc Việt đã khơi được cái riêng của xứ Miền Trung nghiệt ngã: “Cái lưng đẹp như ca dao mà cứ phải gồng lên để sống” “Con người phải vắt kiệt sức mình, đất lúa ít hơn khoai sắn”. Nghiệt ngã đến mức :

            “ Các nhà thơ Miền Trung vắt linh hồn mình thành câu chữ

            Nên có khi máu lệ thấm vào thơ

            Và thơ ấy ngấm ngay vào đất “

Nhưng ngay trong nghiệt ngã ấy, cái tình của con người càng thêm mãnh liệt :

            “ Ở Miền Trung cái làm tôi nhớ nhất

            là mắt em đen tròn như lỗ đen”

Không ít người đã biết đến lỗ đen trong vũ trụ. Sự da diết trong mắt em mà mãnh liệt như thế thì ai quên được Miền Trung. Trong nghiệt ngã kia, người miền Trung vẫn sống, vẫn ân tình, nên ai đã một lần qua miền Trung chẳng thể nào quên. Bài thơ tạo ra một đột biến đến ngỡ ngàng và trở thành điểm sáng của cả bài :

            “Hàng triệu người lính đi qua không quên

            Cả những liệt sĩ Trường Sơn

            cũng chọn nơi này làm đất sống”

Nguyễn Quốc Việt đã đụng đến nỗi đau của cả một đất nước, nhưng cũng Nguyễn Quốc Việt lại làm cho chúng ta yên tâm khi những người đã ngã xuống có thể yên tâm yên nghỉ ở Miền Trung đầy nhân nghĩa, ân tình này.

Tôi chưa nghe Nguyễn Quốc Việt khoe thiết kế nhà cho người ta thu được bao nhiêu tiền. Nhưng Nguyễn Quốc Việt có bao nhiêu nhuận bút vì viết báo và làm thơ tôi biết. Thì cứ nhìn mặt báo Tây Ninh, nghe Đài Phát thanh Tây Ninh là tính được thôi mà. Chao ơi, nhuận bút cả tháng viết, liệu có đủ cho một chầu nhậu sang sang với bạn bè, những bạn bè không thiếu của Nguyễn Quốc Việt ? Vậy mà Nguyễn Quốc Việt vẫn viết và ngày càng tỏ ra là một người viết có uy tín. Với hai trường ca viết về Phú Quốc và Tây Ninh, với vài trăm bài viết về di tích văn hóa lịch sử và văn hóa Tây Ninh. Với hằng trăm bài thơ còn nằm trong đống bản thảo, Nguyễn Quốc Việt đang dần hình thành một hiện tượng Văn hóa ở Tây Ninh. Nhìn vất thương trên cổ Nguyễn Quốc Việt, nhớ đến những trận đòn tra tấn thảm khốc ớ nhà tù Phú Quốc xưa, tôi bỗng chạnh lòng: May quá, kẻ thù chưa cướp mất được một con người say mê với công việc. Và anh xứng đáng với cụm từ ngày trao trả tù binh 1973: Người chiến thắng trở về.

Nguyễn Đức Thiện



 

DÙNG GIẰNG

 

Tháng giêng đi hội Núi Bà

Chân tung tẩy núi tóc lòa xòa mây

 

Gập ghềnh đá dịu dàng cây

Lom khom quán với hây hây trán chùa

 

Chầm chậm rớt tiếng mõ khua

Có tờ bạc lẻ ai vừa đánh rơi

 

Ta đi giữa muôn mặt người

Cái mắt lúng liếng cái cười ngả nghiêng

 

Ai nhặt được lúm đồng tiền

Của em đánh rớt tôi xin chuộc về

 

Dùng giằng ở dùng giằng đi

Ở thì lạc vía mà đi lạc hồn.

 

ĐI NGƯỢC NẮNG

 

Đi ngược nắng

Ta nhận muôn dòng phô ton ánh sáng

 

Ùa vào khuôn mặt

Dẫu phố còn bụi bặm

Thì vẫn tinh khôi, trong trẻo ánh mặt trời.

 

Đi ngược nắng

Những gương mặt đối diện ta sấp bóng

Thật hay vờ, tất cả đều bình thản

Chỉ thấy ở đường viền, lấp lánh giọt mồ hôi.

 

Đi ngược nắng

Ta nhận ra em cả vóc dáng, hình hài

Áo trắng bỗng hoá thành mây mỏng

Để em thành tiên nữ giữa chơi vơi.

 

Đi ngược nắng

Ta nhận ra áp lực ánh Mặt Trời

Sáu triệu độ gửi từ miền xa thẳm

Đè lên ngực ta những nhắn nhủ không lời.

                                        Nguyễn Quốc Việt

 

 


 

NỔI BẬT TRANG CHỦ