• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Thế Thọ và hành trình đến với thơ Haiku

14/09/2007 09:24

Cuộc thi "Sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật" lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vừa kết thúc. Trong hai tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cho loại thơ haiku bằng tiếng Việt có Nguyễn Thế Thọ, một cây bút 8X đầy hứa hẹn.

Cuộc thi "Sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật" lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vừa kết thúc. Trong hai tác giả đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cho loại thơ haiku bằng tiếng Việt có Nguyễn Thế Thọ, một cây bút 8X đầy hứa hẹn.

- Bạn đã từng tốt nghiệp Kế toán - Kiểm toán. Như vậy, đến với văn chương với bạn là dạo chơi?

Văn chương là một con đường mà trên đó có đủ thứ cây cối. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tạt vào con đường đó. Nhưng liệu tôi có thể bón thúc cho chúng ra đượchoa thơm, quả ngọt hay không thì thực tình tôi cũng không dám chắc. Chỉ cần biết được dạo chơi trên đó đã là vui rồi. Tôi không phải là một người thợ làm vườn, mà chỉ là một người yêu vườn thôi.

- Thơ haiku là một thể thơ truyền thống của Nhật. Cơ duyên nào đưa bạn đến với thể loại thơ này?

Tôi bắt đầu làm thơ bằng các thể loại truyền thống. Rồi tôi bắt đầu mày mò làm thử Haiku khi bắt gặp thể loại này có một nét rất độc đáo. Thơ Haiku không yêu cầu nghiêm ngặt về hình thức, nhưng nó lại đòi hỏi khá cao ở nội dung. Không thể làm Haiku khi tâm mình không tĩnh. Đó là thử thách mà tôi muốn vượt qua. Và cuộc thi lần này là cơ hội tốt để cho tôi được bước vào "cuộc dạo chơi tâm hồn" ấy. Nói chung đây là một thể loại thơ mà không phải để hiểu theo kiểu "bài thơ này nó nói về cái này", nó bắt buộc người ta phải cảm nó. Nó không như các thể thơ khác, dùng những mỹ từ để nâng cái đẹp lên mà là vẻ đẹp thuần túy. Đằng sau cái vẻ đẹp rất "mộc" ấy là cả một thế giới của tư duy.

- Bạn tìm thấy ở thể thơ này điều thú vị gì?

Cái khó của Haiku là phải có cái nhìn có chiều sâu, phải biết cách nhìn vào cái "ẩn giấu" đằng sau sự vật, sự việc. Haiku yêu cầu phải đạt được độ "thiền". Thiền không có nghĩa là ngủ quên, mà là giữ cho tâm được tĩnh. Đã có người hỏi tôi, bạn còn trẻ, liệu làm thơ haiku có hợp không? Đôi lúc, cũng cần tạo cho mình một chút lắng đọng, nhìn ngắm thế giới thực như nó, để quân bình cảm xúc đời thường. Đó là cái khó và cũng là cái mà tôi thấy thú vị, muốn theo đuổi Haiku.

- Phong trào sáng tác thơ haiku hiện nay đang nở rộ trong giới yêu thơ. Bạn có "chạnh lòng" không khi mà thơ nước mình đang có xu hướng trầm lắng?

Thơ ca nước ta bắt nguồn từ những bài ca dao và phát triển thành thể thơ lục bát, cũng độc đáo không kém một thể loại nào. Qua mấy ngàn năm, nó vẫn sống được đấy thôi! Thơ Việt Nam đang có những cách tân mạnh bạo trong một bộ phận trẻ. Vì thế, không có gì phải lo lắng khi nhìn thấy sự "đổ bộ" của thơ Haiku đâu. Thơ Haiku, dù có nở rộ đến mấy cũng không thể chiếm hết được sự quan tâm của những người yêu thơ. Còn tình trạng thơ Việt Nam hiện nay, vẫn còn rất nhiều người viết và đọc đấy thôi. Nhưng có một điều, nhiều người trẻ viết ra những thứ mà họ gọi là thơ, thực chất đó lại là những cảm nhận thiếu tinh tế, nên chưa đủ "trình" để gọi là thơ. Đó mới là cái đáng chạnh lòng.

- Thơ haiku khi sang Việt Nam đã có những chuyển biến gì, theo bạn?

Nhật Bản vốn có truyền thống "đạo", đó là điểm đặc biệt khác với Việt Nam. Thơ Haiku Nhật chú trọng đến những vẻ đẹp đơn sơ của thiên nhiên bốn mùa hiền hòa ở đất nước họ. Còn ở Việt Nam, không gian trong haiku có vẻ như rộng lớn hơn. Và càng ngày, yếu tố "quý ngữ" - từ chỉ mùa trong haiku ở Việt Nam càng ít được chú trọng, thậm chí có người còn dịch thoát Haiku thành như một cặp lục bát nữa. Tuy nhiên, dù thế nào thì làm thơ Haiku cần thiết nhất vẫn giữ lại cái thần của sự vật, sự việc. Đó là cái đẹp không thể nào thay đổi được.

- Có thể thấy một thế hệ cầm bút trẻ đang có những cách tân, đổi mới rất mạnh bạo. Bạn đường đường là một 8X nhưng lại rất say mê thơ Haiku, bạn có sợ bị "lạc nhịp" so với bạn bè cùng trang lứa?

Thú thực là tôi không muốn và không có khả năng đuổi theo sự cách tân mạnh bạo của họ. Nhưng không có nghĩa là tôi không chịu vận động với thời cuộc. Thơ đang vận động với thời cuộc bằng những cách tân. Haiku cũng thế thôi. Thoát ra khỏi ngôn ngữ đặc biệt của Nhật Bản, haiku ở nước ta (và nhiều nước khác) cũng đã đổi mới về nhận thức, tư duy. Vì thế, theo bất cứ thể loại thơ nào cũng sẽ chẳng thể "lạc nhịp" được. Tôi chỉ sợ mình không đủ kiên nhẫn và dũng cảm để "làm mới" haiku bằng tiếng Việt thôi.

- Giải Nhì lần này là động lực để bạn theo đuổi thơ ca chứ?

Con đường văn chương rất dài. Tôi không dám chắc liệu mình có kiên nhẫn "chạy đua" tới đích hay không. Nhưng tôi sẽ vẫn cứ bước trên đó, thong thả, tự do tự tại, để cảm xúc của mình không bị "trơ" lại.

 

(Hanoinet)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ