(Tổ Quốc)- Sáng 10/5, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày như một cuộc “tổng kết” 40 năm thơ Việt Nam sau giải phóng.
(Tổ Quốc)- Sáng 10/5, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày như một cuộc “tổng kết” 40 năm thơ Việt Nam sau giải phóng.
69 nhà thơ cách tân trong 40 năm qua
Nhan đề của buổi sinh hoạt “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” cũng là tên cuốn sách dày 1100 trang của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng được giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2016. Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì tác giả viết tập sách này khoảng 10 năm trước với việc sàng lọc và cân nhắc để chọn ra 69 nhà thơ tiêu biểu từ năm 1975 đến 2015.
Theo đó, trên quan niệm “quan sát, phát hiện, ghi nhận” tác phẩm, tác giả có dấu dấn của sự tìm tòi, cách tân thi ca suốt 40 năm qua, có những đóng góp cho thơ ca Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã “điểm tên” 69 nhà thơ và được chia làm 4 nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm 9 nhà thơ: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Dương Tường.
Nhóm thứ hai gồm 23 nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giải phóng đất nước: Trần Vàng Sao, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bế Kiến Quốc, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Phùng Khắc Bắc, Trúc Thông, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Lê Văn Ngăn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha.
Nhóm thứ ba gồm 5 nhà thơ miền Nam trước giải phóng: Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê.
Nhóm cuối cùng đông nhất gồm 32 nhà thơ thế hệ hậu chiến, sau 1975: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Chu Hoạch, Dư Thị Hoàn, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến, Mai Văn Phấn, Ngô Minh, Hoàng Hữu Thuật, Nguyễn Khắc Thạch, Inrasara, Trần Hùng, Giáng Vân, Đỗ Minh Tuấn, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái… Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lãng Thanh, Đào Quốc Minh, Vi Thùy Linh, Đỗ Doãn Phương, Lê Hữu Tài, Lê Anh Phong, Nguyễn Phúc Lộc Thành…
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói thêm, phần viết về chính bản thân mình là do nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn viết chứ không phải tác giả Nguyễn Việt Chiến viết, nên rất khách quan. Còn nhà thơ “lần đầu tiên” được Nguyễn Việt Chiến kể tên và đưa vào trong sách là Lê Anh Phong.
Cuốn sách "điểm danh" 69 nhà thơ cách tân từ 1975-2015 của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Một vài nhận định về thơ sau 1975
Sau khi “điểm danh” 69 nhà thơ cách tân trong 40 năm, kể từ năm 1975, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đưa ra một vài nhận định về thơ giai đoạn này. Mặc dù đây là giai đoạn thơ hậu chiến nhưng sự ám ảnh của nỗi đau chiến tranh cùng với những thương tích trong tâm hồn người Việt vẫn còn hằn dấu trong thi ca.
Thơ 1975-2015 đã hướng tới số phận, nỗi buồn được cảm thông, khắc họa những nỗi đau mất mát, thấm thía lay động lòng người hơn trước. Đọc thơ giai đoạn này, ám ảnh như một bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm cùng tấu lên, sức tưởng tượng lạ lẫm, những day dứt của đời thường đã để lại không ít vết thương cho chính trái tim nhà thơ. Đọc thơ họ ta như được tham dự nỗi đau.
Ngoài những nhận định trên, thơ giai đoạn này gần gũi với cuộc đời, thiên nhiên, tâm sự cuộc đời, ngòi bút của tác giả chủ động hơn để khai thác hướng tới bề sâu những vỉa tầng còn khuất lấp.
Các sáng tác thơ ở giai đoạn 1975-2015 đã mang lại cho thi ca đương đại một phát hiện mới có giá trị khắc họa ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người, điều mà chỉ ít năm trước đấy người cầm bút còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà bằng cả cảm xúc của trái tim. Điều đó làm cho người đọc cảm thấy gần gũi hơn với nhà thơ, bởi họ không bị áp đặt với những nhà thơ, mời độc giả cùng tham gia, tái hiện cảm xúc.
Từ năm 1975 đến 2015, mặt bằng chung của người cầm bút và của công chúng đã được nâng lên rất nhiều so với trước. Điều này cho thấy nền thơ ca của chúng ta đang ngày càng đòi hỏi nghiêm túc và khắt khe hơn đối với những sáng tạo. Chính vì thế để vượt lên mặt bằng văn học khá cao đấy trở thành những đỉnh cao, khẳng định một phong cách mới, mang dấu ấn tài năng của một tác giả mới là chuyện không đơn giản chút nào, là một thử thách vô cùng lớn, nhất là đối với các nhà thơ trẻ hiện nay.
Thơ mới hôm nay khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ mới có nhiều dạng thức mới mà bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ vần điệu cảm thấy “khó vào”, khó hiểu. Do vậy, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mong muốn độc giả có cách đọc mới bằng một cảm xúc mới.
Đánh giá về cuốn sách “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng được trao giải thưởng VHNT Thủ đô, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội ghi nhận sự chọn lọc, lao động nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là khách quan, quan tâm tới cách tân thơ.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai cũng đánh giá cao sự lao động nghệ thuật công phu của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, anh là một trường hợp còn giữ được sự “liên tài” của người xưa mà hầu như hôm nay những người như vậy không còn nhiều.
Hiền Nguyễn