• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Việt Chiến nhìn Tổ quốc từ biển và hoa hồng

18/11/2015 14:29

(Toquoc)- Đối với Nguyễn Việt Chiến, dù viết về đề tài nào, thơ anh cũng đầy cảm xúc. Và hơn thế, nó còn mang đến cho độc giả những xúc cảm mới lạ.



Đúng ngày đầu của tháng (1/11), nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã phối hợp Nhà xuất bản Phụ nữ cùng tổ chức giới thiệu hai tập thơ: Tổ quốc nhìn từ biểnHoa hồng không vỡ (tuyển tập thơ tình) vừa mới được ấn hành, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một nhà thơ và một nhà phê bình thuộc diện hot hiện nay được mời làm MC cho buổi ra mắt là Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên. Tuy đây không phải là hai tập thơ hoàn toàn mới được sáng tác của Nguyễn Việt Chiến, nhưng nó lại gồm những bài thơ mà anh tâm đắc nhất.

 

Những vần thơ thế sự

Tính đến nay nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã cho xuất bản 7 tập thơ gồm: Mưa lúc không giờ (1992), Ngọn sóng thời gian (1998), Cỏ trên đất (2000), Những con ngựa đêm (2003), Trăng và thơ đọc chậm (2012),Tổ quốc nhìn từ biển (2015), Hoa hồng khanh vỡ (2015) và một tập lý luận- phê bình văn học Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (2007). Như vậy, anh đã có trong tay một lưng vốn thơ dù chưa phải là quá đồ sộ, nhưng cũng đủ để làm nên tên tuổi một nhà thơ lớn đương đại, chủ yếu là mảng thơ thế sự, mà theo nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi ra mắt hai tập thơ nói trên: “Nguyễn Việt Chiến là một giá trị”. Điều ấy cho thấy, thơ Nguyễn Việt Chiến đã ít nhiều tạo nên một dư chấn nào đấy trong lòng công chúng và trong tâm trí văn giới nhất là mảng thơ viết về Tổ quốc và biển đảo.

Minh chứng là phần lớn các tập về đề tài thế sự đều đã nhận được các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1989-1990; giải nhì cuộc thi thơ hay về biển năm 1992; giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998-1999; giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008-2009; giải nhì cuộc thi thơ Đây biển việt Nam năm 2012 của báo Vietnamnet; giải thưởng văn học 5 năm 2010-2014 cho trường ca về biển của Bộ Quốc phòng,...

Nhìn vào danh sách các giải thưởng đáng nể của nhà thơ xứ Đoài này, có người cho rằng Nguyễn Việt Chiến là ông vua của giả nhì, kể cũng có lý. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển được anh viết khi tham gia trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Hạ Long từ năm 2009 và sau đấy nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc và được phổ biển rộng rãi trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Bốn câu thơ:

“...Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...”

như thúc giục hàng triệu người con đất Việt đứng lên kiên quyết giữ vững từng tấc

đất biên cương của Tổ quốc.

Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc đã nói rất ngắn gọn, nhưng khá đầy đủ tầm vóc về sức mạnh của thi ca, trong đó có thơ Nguyễn Việt Chiến, rằng: “... chỉ với một bản tráng ca “Tổ quốc nhìn từ biển”, Nguyễn Việt Chiến đã cắm lên một ngọn cờ trang trọng, trong rừng cờ của thi ca đang tung bay trên ngọn sóng Biển Đông, vào thời khắc mà cả Đất, Trời, Biển cả của Tổ quốc đang cần đến tiếng lòng của chúng ta hơn bao giờ hết” (Bìa 4)

Với 50 bài thơ gói gọn trong gần 200 trang của Tổ quốc nhìn từ biển có khá nhiều bài trực tiếp đề cập đến chủ đề biển đảo và Tổ quốc như: Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc là tiếng mẹ, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Mẹ- Tổ quốc, Tổ quốc nơi biên thùy, Tổ quốc bên bờ biển cả, Đất nước, Ta như cỏ trên ngược trần Tổ quốc, Chuông chùa vọng tiếng trống đồng Trường Sa, Gió Hoàng Sa... Như vậy có thể coi Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ của những đề tài lớn mang tính chất thế sự. Có người cho rằng sở dĩ Nguyễn Việt Chiến khá thành công ở mảng đề tài này vì nó gắn liền với công việc làm báo của anh, vốn rất cần một sự tinh nhạy đối với những biến động xã hội và lịch sử. Và hầu hết các giải thưởng thơ của anh cũng đều thuộc về đề tài này.

 

Và những bông “Hoa hồng không vỡ”

Dù nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã gặt hái được những thành công nhất định ở mảng đề tài thế sự viết về biển đảo và Tổ quốc, nhưng chắc chắn rằng anh cũng như tất cả các nhà thơ Việt đương đại không ai có thể cưỡng lại được những phút xao lòng trước cái đẹp của cảnh vật, con người và đất trời cũng như trước nỗi đau của lòng người trắc ẩn. Điều ấy không chỉ là duyên cớ mà còn là nguồn cội của cảm hứng nghệ thuật để Nguyễn Việt Chiến viết nên những bài thơ chất chứa tình người.

Trong tập Hoa hồng không vỡ gồm 55 bài thơ tình chọn lọc trong đó có những bài khá hay như Mưa tháng giêng của anh đã được nhạc sĩ Việt Hùng phổ nhạc từ cách đây khá lâu do hai ca sĩ Trần Thu Hà và Vân Khánh thể hiện khá thành công. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng đây là bài thơ hay nhất của Nguyễn Việt Chiến vì trong đấy có những câu thơ xuất thần như:

“...Tháng giêng mưa dưới bến

Mỏng mai cô lái đò

Mắt mưa em lúng liếng

Trói tôi bằng vu vơ...”.

Cái mưa tháng giêng nơi phố thị sao mà vừa mơ màng như sương khói, lại vừa đượm một nỗi buồn mang mác khiến thi nhân bị trói bởi ánh mắt mưa lung liếng, vu vơ của cô lái đò. Cũng theo thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, thì bài thơ nên kết thúc ở đây, không nên thêm một khổ làm cho tình thơ bị loãng.

Ở bài Đàn bầu, Nguyễn Việt Chiến đã làm mới thể thơ lục bát truyền thống bằng cách ngắt câu đột ngột bởi những dấu chấm (.) câu hết sức bất ngờ, nhưng khi

đọc người ta vẫn cứ nhận ra đấy là bài thơ lục bát:

Nỗi buồn.

Chỉ có một dây.

Độc hành.

Qua cõi bùn lầy.

Cô đơn.

Thân đàn.

Như một ống xương.

Chuốt mình.

Thành khúc nhạc buồn.

Của đêm...

Nước non.

Bao khúc thăng trầm.

Đời đàn.

Chỉ một dây buồn.

Thôi sao?

Có thể nói đây không chỉ là một bài thơ hay mà còn rất độc đáo của Nguyễn Việt Chiến.

Bài thơ Cát đợi, anh viết từ khi bắt đầu khởi nghiệp thi ca, năm 1991, vì tới năm 1992 anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay, nhưng đã báo hiệu một tài năng thi ca đích thực ở mảng thơ tình:

“...Tôi hoang vu, cát hoang vu

Trăng là người khách qua đò đêm nay...

Tôi cầm hạt cát trên tay

Đêm không còn ấm như ngày có em

Tôi cầm cả chính tôi lên

Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu

Câu thơ như cát mỗi chiều

Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm.

Riêng câu:

Tôi cầm cả chính tôi lên

Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu

đã được Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2014, chọn là một trong 50 câu thơ hay từ cổ chí kim để thả lên giời cùng những quả bóng bay tại sân thơ Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Cả bài thơ là một nỗi đau nhân tình thế thái khi bị người yêu phản bội. Còn gì đau và cô đơn hơn thế, đến mức chỉ có cát là có thể hiểu được nỗi niềm của nhà thơ:

Cô đơn xuống một đò đầy

Tôi chờ em phía bên này mùa đông

Cát còn bay trắng bến sông

Người còn đi trắng mùa mong ước này.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thì sinh thời, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến cho rằng đây là bài thơ hay nhất của Nguyễn Việt Chiến bởi nó đã chạm được tới trái tim của bạn đọc. Tất nhiên đấy là ý kiến cá nhân của mỗi người. Theo tôi 55 bài trong tập thơ tình này của Nguyễn Việt Chiến đều ở mức trên trung bình và có một số bài thuộc loại hay và rất hay. Tuy mỗi bài hay một vẻ, nhưng đã đạt đến mức hay, theo quan niệm của nhà thơ Trần Đăng Khoa thì phải đạt ba tiêu chí: giản dị, xúc động và ám ảnh. Nếu thiếu đi một trong ba tiêu chí ấy thì chưa thể gọi là bài thơ hay được.

Như vậy, đối với thơ, Trần Đăng Khoa coi trọng yếu tố xúc cảm của chủ thể sáng tạo. Nếu nhà thơ không xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và của con người, trong đấy có cả những nỗi đau, sự mất mát thì làm sao anh ta có thể truyền cảm xúc đến cho bạn đọc. Nhưng mới chỉ đạt đến sự xúc động thôi thì chưa đủ, mà còn phải có những hình tượng thơ thật sự ám ảnh, khiến người ta dù chỉ đọc một lần cũng không thể nào quên được.

Đối với Nguyễn Việt Chiến, dù viết về đề tài nào, thơ anh cũng đầy cảm xúc. Và hơn thế, nó còn mang đến cho độc giả những xúc cảm mới lạ. Bàn về việc đổi mới thơ, anh coi đấy như hành trình của những chuyến tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ chở những người lính ra trận cách đây ba mươi năm về trước:

Thưa mẹ

hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu

trong con vẫn còn một chuyến tầu

ba mươi trước chưa trở về

...

 phải chăng vì thế

những câu thơ bây giờ

vẫn phải lên đường

làm một cuộc ra đi...

(Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ).

Và sứ mệnh của nhà thơ hôm nay trên con đường đổi mới thơ ca được anh ví như những người lính năm xưa là một ý tưởng mới lạ như vậy./.

Đỗ Ngọc Yên

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ