(Toquoc)- Đây là di tích lịch sử không nơi nào có được. Đó là ngôi nhà Bác Hồ có thời gian hơn mười năm sống ở Huế cùng với những người thân yêu ruột thịt trong gia đình...
(Toquoc)- Đây là di tích lịch sử không nơi nào có được. Đó là ngôi nhà Bác Hồ có thời gian hơn mười năm sống ở Huế cùng với những người thân yêu ruột thịt trong gia đình...
Nơi lưu dấu tuổi thơ của Bác
Ở Thừa Thiên Huế hiện còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó nổi bật là Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (nay là 158 Mai Thúc Loan, TP Huế) - nơi ở của gia đình Bác trong thời gian từ 1895- 1901. Nằm trên đường Đông Ba xưa, ngôi nhà nhỏ bé, ẩn sâu trong những hàng cây, dễ lẫn vào hằng trăm ngôi nhà khác trên cùng con phố. Còn ít người biết đến di tích lịch sử quốc gia quan trọng này.
Ngôi nhà của Bác ở Huế, nơi lưu dấu tuổi thơ Bác
Ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, gồm 4 vài cột kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”. Trước đây ngôi nhà vốn là một trại lính của Nha Hộ thành triều Nguyễn bị bỏ phế lâu ngày sau sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885.
Năm 1895, sau khi đỗ cử nhân khoa thi Hương Giáp Ngọ (1894), ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) vào Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học ở trường Quốc Tử Giám và được chấp nhận. Vì học bổng quá ít không đủ điều kiện sinh sống nên ông phải trở về quê bàn với gia đình đưa vợ con vào Huế để tiện chăm sóc, động viên ông học tập. Trước tình cảnh khó khăn của chồng, bà Hoàng Thị Loan đành gửi lại cô con gái đầu lòng (Nguyễn Thị Thanh) cho mẹ, đưa hai con trai theo chồng vào Huế.
Tuy gian nhà chật chội, đồ đạc giản đơn nhưng cũng đủ chỗ cho bà Loan đặt khung cửi dệt vải và sắp xếp chỗ học hành, ăn nghỉ của ba cha con. Cuộc sống gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy, mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai người mẹ, cuộc đời bà cứ miệt mài, tần tảo, kiên nhẫn như thoi đưa ngày đêm bên khung cửi- gia tài lớn nhất của gia đình.
Ngày nay, chiếc khung cửi (được tái hiện lại) vẫn nằm trong ngôi nhà nhỏ, minh chứng cho cuộc đời giản dị của người mẹ đã sinh ra một vĩ nhân cho dân tộc. Ngôi nhà là nơi lưu giữ kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế, là nơi Người đã trải qua và sự ra đi của người em… Những ký ức ấy đã phần nào chi phối tính cách, tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.
Khiêm nhường bên cố đô
Ngày 12/8/ 1993, ngôi nhà của Bác ở Huế được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Là di tích lịch sử có giá trị đặc biệt, tuy nhiên, ngôi nhà vẫn còn chưa được nhiều du khách biết đến trên bản đồ du lịch Huế. Đây là di tích đặc biệt không nơi nào có được, đó là thời gian hơn 10 năm Bác Hồ sống ở Huế cùng những người thân trong gia đình, tương đương với thời gian Người sống ở quê nhà Nghệ An. Mười năm so với cuộc đời 79 mùa xuân của Người không phải là dài nhưng đây lại là thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một Con Người- một Anh hùng dân tộc, để rồi từ đây, Người luôn đau đáu với hạnh phúc của dân tộc, với vận mệnh của đất nước.
Chị Nguyễn Thị Loan Giang- cán bộ hướng dẫn tuyên truyền của di tích chia sẻ, nếu công tác quảng bá được thực hiện tốt hơn thì chắc chắn, sẽ rất đông đảo du khách đến Huế sẽ tới thăm nhà Bác.
Được biết, Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế sẽ kết nối chuỗi di tích ghi đậm dấu ấn cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế và đẩy mạnh việc bảo tồn, quảng bá nhằm thu hút du khách và thể hiện tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huế không chỉ là một phần của miền Nam ruột thịt mà còn là quê hương, là tuổi thơ của mình. Ở ngôi nhà đầu tiên đó, vượt qua những kỷ niệm buồn đau là hình ảnh người mẹ hiền hết mình thương yêu chồng con, là người cha mẫu mực, nghiêm khắc nhưng đầy nhân nghĩa. Cũng trong những năm tháng tuổi thơ ấy, Nguyễn Sinh Cung càng thấm thía tình thương, sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con lao động nghèo xứ Huế. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”-nghĩa tình sâu nặng đó chính là một trong những giá trị hình thành nên nhân cách, đạo đức, chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh. Mỗi lần đến tham quan tìm hiểu di tích 112 Mai Thúc Loan, hẳn mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được cội nguồn nhân văn ấy./.
Bài&ảnh: Hà An