(Tổ Quốc) - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình đã tổ chức lễ ra mắt cuốn tự truyện Sống đến bình minh của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
- 25.04.2024 Sống đến bình minh: Những "thước phim tư liệu" về cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh
- 05.04.2024 Cảm ơn những năm tháng được làm việc cùng chú Trần Mai Hạnh
- 03.04.2024 Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh rời cõi tạm tại Sài Gòn vào một ngày tháng 4
- 03.04.2024 Tái bản, bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh
- 20.06.2019 Nhà báo Trần Mai Hạnh và hơn nửa thế kỷ cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa
Dự lễ ra mắt tự truyện có ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, đồng nghiệp của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Những trang viết xúc động, để lại nhiều suy ngẫm
"Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng...
Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi vẫn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách "Sống đến bình minh" được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó"- đó là lời chia sẻ của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh về cuốn sách trước khi được xuất bản. Ông qua đời đột ngột trong chuyến đi công tác về thăm lại chiến trường xưa trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử. Và thực hiện tâm nguyện của ông, gia đình cùng Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách đúng thời gian mà nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh mong muốn.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết: Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm có giá trị được xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thời gian qua và đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận. Trong 10 năm, kể từ năm 2014 đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật lần lượt cho ra mắt bạn đọc 5 tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, đó là: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75; Lời tựa một tình yêu; Thời tôi sống; Viết và Đối thoại và hôm nay là tác phẩm thứ năm: Sống đến bình minh. Trong đó, cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, được tái bản tới lần thứ 5 và đã được xuất bản sang các thứ tiếng Anh, Lào, Tây Ban Nha để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
"Có thể nói, trong các tác phẩm của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, hài hòa giữa "chất văn" và "chất báo", vừa bảo đảm tính lịch sử, thời sự của báo chí, song cũng thấm đẫm chất trữ tình, bay bổng của văn chương. Điều này đã tạo nên nét riêng có, không lẫn với bất kỳ cây bút nào của tác giả Trần Mai Hạnh"- bà Phạm Thị Thinh nhận định.
Bà Phạm Thị Thinh cũng cho biết: "Bản thảo cuốn tự truyện Sống đến bình minh được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh gửi đến Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Với ông, đây thực sự là một công trình tâm huyết, là cuốn phim bằng chữ tái hiện toàn bộ cuộc đời ông gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ông đã được sống, được gắn kết cuộc đời, lý tưởng, hoài bão, ước mơ, khát vọng, cống hiến của mình cho đất nước. Chính vì vậy, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh rất tin tưởng giao phó "đứa con tinh thần" của mình cho đội ngũ biên tập viên của Nhà xuất bản, với mong muốn cuốn sách được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
Cuốn tự truyện Sống đến bình minh chính là những lát cắt ký ức của tác giả về những sự kiện, câu chuyện, cảnh ngộ đã diễn ra trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trải qua những năm tháng là sinh viên, phóng viên chiến trường, nếm trải sự khốc liệt giữa lằn ranh sự sống và cái chết, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, cho đến khi giữ cương vị Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam,… hay ngay cả khi đã nghỉ hưu, cho đến giây phút cuối đời, ông vẫn luôn nhiệt thành, trách nhiệm với nghề báo, nghiệp văn mà ông đã lựa chọn và cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm hay, có giá trị được đề cập trong cuốn tự truyện này".
"Cuốn sách được viết bởi ngôn ngữ báo chí kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp văn học trên cơ sở chắt lọc từ những tập nhật ký ghi chép thường ngày được lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua về những gì xảy ra với tác giả, những gì tác giả được tận mắt chứng kiến, đã làm nên diện mạo của cuốn tự truyện Sống đến bình minh với những trang viết xúc động, ám ảnh, để lại nhiều suy ngẫm"- bà Phạm Thị Thinh chia sẻ.
Ngời sáng nhân cách và nghị lực
Trong ký ức của bạn bè, đồng nghiệp, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh là một con người đã sống trọn vẹn một cuộc đời đáng sống, ông không chỉ là người có tầm ảnh hưởng đến nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà báo chân chính, đồng thời ngời sáng một nhân cách, một lý trí và tình yêu con người, yêu cuộc đời.
Luật sư, TS Phạm Huỳnh Công xúc động chia sẻ về kỷ niệm lần đầu gặp nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, đó là chiều 30/4/1975 lịch sử, tại Dinh Độc Lập. Khi đó, TS Phạm Huỳnh Công là người lính làm báo, vào đến Dinh Độc Lập thì "tí tởn" đi khám phá các phòng ốc trong đó. "Khi tôi vào phòng của Nguyễn Văn Thiệu thì gặp anh Trần Mai Hạnh, anh bảo "chú này tập trung lấy tư liệu đi". Sau đó, bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh có tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" được phát trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngay trong đêm 30/4/1975, và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975, tôi mới biết anh là người đã nhắc nhở tôi thu thập tư liệu viết bài.
"Sau này, anh em tôi có thời gian làm báo cùng nhau, chúng tôi yêu quý nhau, cùng nhau thức trắng đêm cho những số báo của "Tuần tin tức" ra đời. Trần Mai Hạnh là một người làm báo cộng sản chân chính và chung quanh anh có những người làm báo chân chính. Tôi nghĩ, ở Trần Mai Hạnh, con người và tác phẩm nói lên tất cả, tác phẩm nói lên nhân cách của anh, con người của anh"- Luật sư Phạm Huỳnh Công chia sẻ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông biết nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh từ năm 1970. "Anh giúp đỡ tôi rất nhiều về nghiệp vụ báo chí. Những năm anh Hạnh gặp khó khăn có rất nhiều thông tin nhiễu loạn. Cuốn sách giúp chúng ta nhìn nhận cuộc đời anh một cách cặn kẽ, qua đó cũng nhìn nhận được một thời kỳ lịch sử và một chân dung, một diện mạo, một nhân cách cao đẹp, một cán bộ Đảng viên Trần Mai Hạnh.
Trần Mai Hạnh có một sự nghiệp đồ sộ về báo chí. Ông xứng đáng là nhà báo tiêu biểu trong thế hệ nhà báo chống Mỹ. Ở giai đoạn hòa bình, ông có sức ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới của nền báo chí. Sau này, những cuốn sách của ông, như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 viết về chiến tranh trong cảm quan đổi mới với ngòi bút và cái nhìn khách quan, cao thượng, nhân ái, bình tĩnh, đưa lịch sử trở về đúng lịch sử"- nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định.
Nhà báo Vũ Trung Hương, đồng nghiệp trong sự nghiệp đổi mới báo chí chia sẻ: "Trần Mai Hạnh là người tham gia và có đóng góp lớn vào đổi mới báo chí. Tôi khâm phục anh ở kỹ năng tự học, dám nói mặt trái, dám phản ánh chân thực cuộc sống. Trần Mai Hạnh đã sống một cuộc đời phong phú, dù đã trải trải qua nhiều vất vả, khó khăn, nhưng anh đã sống đến bình minh của đời mình".
Đồng quan điểm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, tên cuốn sách "Sống đến bình minh" là tên đúng nhất, hợp nhất đối với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Cho đến khi ông rời bỏ chúng ta thì thực sự, ông đã sống đến bình minh của đời mình.
"Ông là một ví dụ quan trọng trong đời sống chúng ta, ông là một phần lịch sử trong lịch sử của chúng ta, bởi vì mỗi con người là một phần lịch sử, thông qua cuộc đời của mỗi con người, chúng ta hiểu được thời đại họ đang sống. Trần Mai Hạnh đã đi qua bóng tối của chiến tranh, đi qua bóng tối trong hòa bình mà ông vấp phải. Nếu một người không có khát vọng, không có nghị lực, không tin vào bản thân mình và tin vào một tương lai thì ông sẽ rơi vào trong bóng tối của sự bất mãn, của sự hận thù, sự tuyệt vọng, vứt bỏ tất cả. Nhưng ông đã tin vào bản thân, tin vào cuộc đời này và tin vào điều gì đó đã thôi thúc ông đi lên, vượt qua bóng tối để đến với bình minh.... Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là một nhân cách sống. Tôi tin rằng, cuốn sách không nói về con người ông, mà nói về ý chí của ông, con đường của ông, bởi vì, cuối cùng, chân lý sẽ hiện ra, sự thật được bày tỏ"- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định./.