• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà báo Nhị Lê: Chúng ta cần một triết lý văn hóa phát triển Việt Nam

Thời sự 16/08/2021 07:23

(Tổ Quốc) - Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, Nhà báo, TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý văn hóa phát triển Việt Nam. Đó là triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững.

LTS: Ngày  11/8, Chính  phủ  nhiệm kỳ 2021- 2026 đã  họp  phiên  đầu  tiên  nhằm  triển  khai  Nghị  quyết  Đại  hội XIII  của  Đảng  và  Nghị quyết Quốc  hội khoá XV về phát triển kinh tế- xã  hội  5 năm  2021- 2025. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Bên  cạnh  những  vấn  đề  về  phát  triển kinh  tế, xã  hội, an ninh  quốc  phòng đối  ngoại, xây  dựng, tổ  chức  bộ  máy và  công  tác  cán  bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xác định phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội cũng là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt  Nam". Sau  khi  đăng  tải, Báo  điện  tử  Tổ  Quốc nhận được  rất nhiều ý  kiến đánh  giá  cao  bài phát  biểu, thể  hiện  sự  đồng  thuận  của  các nhà văn hoá, chuyên  gia, nhân  sĩ, trí  thức... 

Không thể và không được phép coi nhẹ, lãng quên văn hóa trong phát triển

- Trong lần phát biểu tại phiên họp Chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV diễn ra mới đây, đặt vấn đề trong phần phát triển văn hóa, xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu, "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xác định phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội." Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Bí thư nói về điều này và các văn kiện của Đảng và nhà nước cũng nhiều lần nhấn mạnh nội dung trên. Quan điểm của ông như thế nào về nội hàm này và chúng ta đang thực hiện ra sao?

+ Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mấy chục năm qua, vấn đề văn hóa luôn là một trọng sự. Ngay từ năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: trong công cuộc kiến thiết của chúng ta có bốn phương diện đó là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cần được coi trọng ngang nhau. Thực tiễn mấy chục năm qua và đặc biệt 35 năm đổi mới càng cho thấy, trong quá trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội của Việt Nam. Cùng với kinh tế, chính trị thì văn hóa không đứng hàng thứ hai. Điều cần nhấn mạnh là, văn hóa phải được hiểu với nghĩa rộng lớn nhất nhưng cụ thể nhất. Chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý phát triển Việt Nam. Đó là triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững.

Tất cả những điều chúng ta làm trên phương diện văn hóa đều nhằm kiến tạo và xây dựng một nền văn hóa của sự phát triển bền vững Việt Nam. Hay nói cách khác, chúng ta đổi mới, chúng ta sáng tạo, chúng ta kiến tạo phải nhằm tới triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững Việt Nam.

Điều này được biểu hiện trước hết đó là sự phát triển kinh tế một cách hài hòa với văn hóa, phát triển kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa nghĩa, là mục tiêu của kinh tế không chỉ có tăng trưởng về kinh tế mà đồng thời cũng là đảm bảo về văn hóa, đó là sự phát triển của văn hóa trong kinh tế. Bất cứ ở nơi đâu hay phương diện nào nếu chỉ coi trọng một cách đơn thuần kinh tế vị kinh tế, nói như Tổng Bí thư là lợi nhuận một cách đơn thuần, thì chắc chắn sẽ vấp ngã. Nơi nào chỉ thuần túy chạy theo kinh tế, bất chấp văn hóa để đổi lấy kinh tế thì nơi đó sẽ thất bại, hủy hoại môi trường, đạo đức xuống cấp… Đó là sự thất bại lớn nhất về văn hóa, cũng là sự thất bại lớn nhất về kinh tế.

Về mặt xã hội càng thấy rõ nơi nào chỉ chạy theo kinh tế mà quên vấn đề xã hội nơi đó sẽ gặp vô cùng khó khăn. Kinh tế vị kinh tế sẽ dẫn tới chỗ lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền, "cá lớn nuốt cá bé" lập tức xuất hiện. Và nơi đó sẽ rơi vào tình trạng khập khiễng, bấp bênh, thậm chí thất bại. Nói gọn lại phương diện nào cũng vậy, chính trị mà không có văn hóa thì không còn là một nền chính trị nhân văn nữa và đã không phải là một nền chính trị nhân văn thì quyết không phải là nền chính trị mà chúng ta xây dựng.

Nhà báo Nhị Lê: Chúng ta cần một triết lý văn hóa phát triển Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà báo, TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Nam Nguyễn

Cho nên, có thể nói, văn hóa xuyên thấm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội và chính vì như thế, văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của toàn bộ công cuộc kiến tạo nước nhà. Chỉ có đặt văn hóa như tôi nói ban đầu, không thể đứng hàng thứ 2 so với kinh tế, chính trị thì chúng ta mới đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa, hay nói cách khác văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể đo được, đếm được và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển. Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa. Nói một cách rộng lớn, văn hóa chính là con người, con người làm ra văn hóa, cho nên phát triển văn hóa chính là phát triển con người.

Nếu không có sự phát triển con người thì chúng ta sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn. Nhìn sâu hơn, có thể nói một luận đề rằng, người ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, thậm chí trở thành một cường quốc kinh tế chỉ trong dăm chục năm, nhưng để có một nền văn hóa, trở thành một cường quốc văn hóa, đòi hỏi người ta phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, trước hết là con người.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới càng cho thấy con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển và tất cả mọi sự phát triển phải xoay quanh con người. Chứ không phải ngược lại, đấy chính là văn hóa. Có thể nói gọn một câu: văn hóa chính là con người. Kinh tế cũng vì con người, chính trị cũng hướng tới con người, bảo đảm xã hội, quản trị xã hội tốt cũng hướng tới con người. Cho nên con người vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của mọi sự phát triển. Đó cũng là quan điểm cơ bản mà sau mấy chục năm trời chúng ta càng thấu triệt, nhận rõ và hành động theo hướng như vậy. Đó có thể nói là một bước tiến lớn không chỉ ở mặt nhận thức lý luận mà còn ở việc tổ chức thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa của chúng ta bao nhiêu năm đổi mới vừa qua.

- Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới… vậy những nội hàm này theo ông đang được thực hiện như thế nào?

+ Như tôi nói ở trên, chúng ta chuyển từ công cuộc đổi mới toàn diện sang công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ, đó là bước chuyển hết sức tự nhiên, hợp quy luật và thực sự chín muồi. Nếu 30 năm trước chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện thì 10 năm trở lại đây chúng ta quyết tâm, chủ động thực hiện công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ.

Điều đó càng cho thấy, không chỉ về quy mô, mức độ mà đặc biệt về tính chất của văn hóa, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của văn hóa mà bản thân của văn hóa xuyên thấm trong toàn bộ các phương diện của đời sống kinh tế xã hội của nước ta. Từ đối nội tới đối ngoại, càng cho thấy văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là gương mặt và tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc, là tấm "căn cước" của đất nước trong hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, bỏ quên văn hóa là đánh mất lớn, lãng quên văn hóa là sự thất bại khó có thể cứu vãn được trong ít chục năm, thậm chí hàng trăm năm.

Chúng ta không chỉ nói về tầm nhìn, quyết sách mà sâu hơn là văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa… Văn hóa là linh hồn của Quốc chính Việt Nam, một bộ phận cấu thành của Quốc sỉ Việt Nam, là một nhân tố để làm nên Quốc khí Việt Nam, tất cả hợp thành Quốc thể Việt Nam. Có như thế mới đối đãi với văn hóa một cách thật sự cấp bách và ngang tầm.

Nhà báo Nhị Lê

Nghiền ngẫm, thâu thái tất cả những kinh nghiệm đó, thực tiễn mấy chục năm qua, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, vấn đề văn hóa tôi nhấn mạnh một lần nữa, không thể đứng hàng thứ 2 so với phát triển kinh tế hay xã hội. Nói gọn lại, từ thực tiễn càng cho thấy, chúng ta không thể và không được phép coi nhẹ, lãng quên văn hóa trong phát triển. Vì, đây chính là điều căn bản bảo đảm cho chúng ta không chỉ phát triển một cách toàn diện mà đặt nền móng để có thể phát triển nhanh và đặc biệt có thể đi dài một cách bền vững.

Một nền tảng mỏng manh thì quyết không phải là một nền tảng bền vững

- Văn hóa chiếm một vị trí rất quan trọng như vậy nhưng thực tế hiện nay dường như vai trò của văn hóa không được như kỳ vọng. Theo ông nguyên nhân tại sao lại có tình trạng này? Và giải pháp thực hiện cho chủ đề này như thế nào?

+ Cố nhiên trong quá trình phát triển, ở lúc này hay lúc khác, ở phương diện này hay phương diện kia, văn hóa chưa thực sự giữ vai trò đúng như nó cần có thể có. Tất cả những nhược điểm, khiếm khuyết này không phải chỉ có gần đây mà ngay từ năm 1997, Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII - hội nghị bàn về văn hóa, theo tôi nghĩ, một cách đủ tầm mức, rất chuyên sâu và thực sự có tầm nhìn chiến lược, đã xác tín thấy rất rõ những khiếm khuyết, những điểm yếu chí tử của chúng ta. Tới tận hôm nay, vẫn không ít nơi, không ít bộ phận, đặc biệt không ít phương diện đang coi văn hóa chưa thực sự như vai trò của nó phải giữ và cần giữ.

Thứ hai, ngay trong sự phát triển văn hóa cũng có sự thiên lệch, thậm chí nhiều nơi hiểu văn hóa một cách thiển cận, một cái gì đó như trang trí, như là một bộ phận thứ yếu khép vào cho đủ mà chưa thực sự đầu tư một cách xứng tầm cho văn hóa.

Theo nghĩa rộng rãi nhất, như tôi đã từng nói, văn hóa đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách chính trị, là giá trị tinh thần của xã hội, chứ không phải là một cách không ít nơi hiểu một cách thiển cận, thậm chí đến thô lậu. Tất cả những quyết sách của chúng ta về kinh tế hay chính trị, nếu không xem chúng dưới góc độ văn hóa, nói sâu hơn, bắt đầu khởi nguồn từ hạt nhân văn hóa thì rốt cuộc chỉ là giải quyết những vấn đề kinh tế đơn thuần, nhưng vấn đề chính trị thiển cận và hời hợt, và chắc chắn sẽ thất bại. Cho nên, vấn đề văn hóa phải là vấn đề được đặt lên trước hết, xuyên thấm trong toàn bộ việc xây dựng những quyết sách chính trị hay kinh tế của chúng ta. Tôi hiểu như vậy. Đó là tư duy, đó là tầm nhìn, đó là những giá trị tinh thần mà kinh tế xã hội đều phải trầm tích và thể hiện ở mức độ này hay tính chất kia.

Một quyết sách chính trị không đặt trên nền móng văn hóa, tôi chắc chắn đó chỉ là một quyết sách chính trị một cách cô độc, phi nhân văn; cũng như trên địa hạt kiến tạo quyết sách phát triển kinh tế, hậu họa như nhau mà thôi, nếu cũng như vậy, chắc chắn sẽ rơi vào vũng bùn của "cá lớn nuốt cá bé", kinh tế vị kinh tế, tiền vị tiền vô nhân đạo mà thôi.

Thứ 3, rất nhiều nơi, nhiều phương diện chúng ta chưa thực sự phát triển văn hóa một cách đúng và ngang tầm. Sự thống nhất phát triển văn hóa Việt Nam được hiểu một cách đơn giản, thậm chí thiển cận.

Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em, muốn có một nền văn hóa thật sự xứng đáng với dân tộc Việt Nam, với yêu cầu phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế thì hơn lúc nào hết phát huy một cách đồng bộ và sâu sắc bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, hợp thành văn hóa Việt Nam. Điều này là điều trăn trở không chỉ về tư duy mà đặc biệt về tổ chức thực hiện. Chữ viết, bản sắc, phong tục tập quán, văn hóa các tộc người,… đã được chú ý ngang tầm chưa? Tới đây, lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1960, sau khi đi thăm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trở về, Người nói một câu rất nổi tiếng: Chúng ta khác Liên Xô về địa lý, về lịch sử, về phong tục tập quán, chúng ta có thể đi con đường khác lên chủ nghĩa xã hội. Văn hóa đấy chứ!

Luận điểm đó của Người đã gợi cho chúng ta một vấn đề hết sức quan trọng về phương pháp luận: cũng một chính sách, nhưng chính sách đó được thực hiện ở Hà Nội sẽ khác với TP HCM, càng khác với các tỉnh khác và đặc biệt là ở các vùng miền cũng như vậy. Cho nên sự thống nhất trong phát triển đa dạng về văn hóa cũng là một nhân tố chi phối thậm chí quyết định sự thành công hay không của các quyết sách chính trị hay kinh tế.

Tôi nhấn mạnh, sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nếu không bắt đầu từ văn hóa và không cuối cùng vì văn hóa thì chắc chắn nhất định thất bại.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói về công tác cán bộ. Trong việc thiết kế, kiến tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, thì đội ngũ cán bộ về văn hóa và làm công tác văn hóa chưa thực sự ngang tầm với yêu cầu, với vị trí và chức năng của phương diện văn hóa.

Thực tiễn cho thấy, sau khi cấu tạo, bố trí xong những lĩnh vực khác thì lĩnh vực văn hóa mới được tính đến. Cho nên trong dân gian đã lưu truyền từ lâu văn hóa là cái "đuôi" của mọi cái "đuôi". Đó chính là hành động, cách làm hạ thấp văn hóa và xin được nhấn mạnh, hạ thấp văn hóa chắc chắn thất bại, ngay từ khâu cắt đặt con người.

Một dân tộc không thể không có đạo đức đấy chính là văn hóa, một dân tộc không thể không có đạo lý đó chính là văn hóa. Nếu coi nhẹ tất cả những người làm công tác văn hóa nói riêng đặc biệt là các nhà văn hóa thì chúng ta khó có thể kỳ vọng vào việc xây dựng một nền văn hóa phát triển như ta mong đợi. Hay nói một cách khác, trung tâm là con người, trước hết là cán bộ. Trong việc xây dựng, bố trí, đối đãi với đội ngũ cán bộ nói chung thì đội ngũ cán bộ lĩnh vực văn hóa, chuyên sâu về văn hóa phải thực sự được đối xử một cách ngang tầm. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải sao cho "đối đãi con người".

- Trong rất nhiều phiên họp tại Quốc hội, các ĐBQH cũng nêu về việc phải tăng đầu tư cho văn hóa nhưng tới nay, mức đầu tư này chỉ chiếm gần 1% GDP của toàn xã hội. Việc đầu tư cho văn hóa ở mức thấp như vậy thì có đảm bảo được mục tiêu ban đầu mà chúng ta đang trao đổi là: phát triển văn hóa đồng bộ tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội thưa ông?

+ Đó chính là tầm nhìn ngắn hạn của tư duy. Tôi nhớ cách đây 30 năm, khi bước vào công cuộc đổi mới được 6 năm, trong một cuộc hội thảo có rất nhiều các nhà văn hóa học, đặc biệt là các chính trị gia dự hội thảo đã ra đặt vấn đề này một cách, thậm chí rất gay gắt và nóng bỏng. Lúc bấy giờ, năm 1990, đầu tư văn hóa của chúng ta có 0,7 – 0,8%, sau 30 năm chúng ta mới tiến thêm được 0,15% tổng GDP (0,95% - PV). Quy mô GDP của chúng ta thì biết rồi, cho nên như tôi nói, sau vấn đề cán bộ là vấn đề đầu tư cho văn hóa hiện không xứng tầm với phát triển văn hóa.

Khi coi nó vừa là nền tảng vừa là động lực nhưng một nền tảng mà mỏng manh như thế thì quyết không phải là một nền tảng bền vững. Vấn đề đầu tư cho văn hóa được định lượng như vậy thì còn rất xa, rất xa mới đạt đến định hướng mà chúng ta phát triển một nền văn hóa của sự phát triển bền vững ở hiện tại và trong tương lai.

Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, cực kì cấp bách, nhưng không thể không làm nếu chúng ta muốn thực sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, người ta có thể đạt được tốc độ kinh tế vượt bậc, thậm chí một quốc gia trở thành một quốc gia hùng cường về kinh tế trong vài chục năm, nhưng người ta phải mất nhiều năm, nhiều trăm năm, mới có một nền văn hóa của sự phát triển.

Đó không chỉ là tư duy mà cần kíp bây giờ là quyết sách. Về phương diện tư duy và tầm nhìn, chúng ta đã nhận ra, giờ chỉ có một điều là có quyết tâm hành động hay không hay hành động tới mức nào độ nào đó nữa mà thôi.

Thứ hai, ngay trong phát triển văn hóa, người ta thường chia cắt ra một cách rất cơ học giữa các lĩnh vực của văn hóa: Chính trị có thuộc văn hóa không? Giáo dục có thuộc văn hóa không? Văn học nghệ thuật có thuộc văn hóa không? Phim ảnh có thuộc văn hóa không? Lịch sử có thuộc văn hóa không? Đầu tư cho lĩnh vực lịch sử được bao nhiêu, bảo tồn bảo tàng được bao nhiêu?...

Kinh nghiệm cho thấy là muốn xâm lăng một quốc gia khác thì việc đầu tiên người ta sẽ làm cho dân tộc, quốc gia đó "mù" đi về mặt lịch sử. Phim ảnh được bao nhiêu hay người Việt Nam, trẻ em của chúng ta nhớ lịch sử nước ngoài thành thạo hơn lịch sử Việt Nam, xem phim nước ngoài nhiều hơn phim Việt Nam? Đấy là một bi kịch lớn. Cho nên bảo đảm hài hòa, cân đối và ngang tầm giữa các phương diện trong lĩnh vực phát triển văn hóa là điều rất quan trọng, nếu không nói là có ý nghĩa thành bại.

Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam tôi gọi là Quốc chính Việt Nam, văn hóa làm nên niềm tin tôi gọi là Quốc tín Việt Nam,… không có những nhân tố đó thì không có Quốc chính Việt Nam. Một quốc gia mà không có quốc chính, một quốc gia mà không có quốc tín thì khó có thể có quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa vậy và xét cho cùng lại không thể là gì khác, ngoài văn hóa.

Nhà báo Nhị Lê

Vấn đề đầu tư cho văn hóa rất cụ thể trên các phương diện của văn hóa, trên các mặt trận của văn hóa, trong các bộ phận cấu thành của văn hóa, phải bảo đảm sự cân đối và ngang tầm trên tổng một nền đầu tư chung về văn hóa mà chỉ có 0,95% GDP như hiện nay thì đó là một câu hỏi lớn, một bài toán lớn không thể không giải, không thể không làm một cách cấp bách và đồng bộ, nếu chúng ta mong muốn có thể tiếp tục đi xa một cách bền vững. Tôi muốn khắc sâu, đó chính là hạt nhân văn hóa trong sự phát triển của chính phương diện văn hóa vậy.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Song Đào (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ