(Tổ Quốc) - Lo ngại trước những giá trị của cuộc sống, gia đình sẽ không còn ai lưu lại, nhà báo Nguyễn Minh Hải đã cho ra mắt tập sách "Rồi ai sẽ kể?" lưu lại những giá trị cuộc sống như quê hương, truyền thống, phong tục trong ký ức để có dịp kể lại với bạn đọc những hình ảnh văn hóa đẹp.
Chia sẻ về ý định hình thành tác phẩm, nhà báo Nguyễn Minh Hải (Trúc Giang) cho biết, mình thường tự vấn bản thân: "Khi thế hệ của ba mẹ tôi đã trăm tuổi thì ai sẽ kể cho thế hệ của con cháu nghe chuyện ông và ngày xưa đã sống và làm ăn ra sao?". Dù trong xã hội luôn có một sợi dây nối liền những kiến thức, những sự kiện từ các thế hệ, để xã hội vận động và phát triển liên tục, để kiến thức được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị mất đi. Nhưng để việc truyền lại nhiều nhất có thể, thật sự hiệu quả và liên tục thì không phải dễ dàng như kể một câu chuyện đơn thuần.
Cái không khí Tết xưa rộn ràng trong tâm trạng háo hức của cả gia đình, người chưng bông, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ gia tiên, nhang đèn nghiêm chỉnh, người nấu bánh tét, người nấu thịt kho tàu trên bếp hồng đỏ lửa, ai cũng nhanh tay nhanh chân cho kịp những thời khắc sắp giao thừa. Mấy đứa nhỏ thì chạy loanh quanh chờ chúc Tết ông bà cha mẹ... và hớn hở được mừng tuổi với những bao lì xì năm mới tươi vui. Tết là được sum vầy, chúc tết nhau, hóng chờ mấy tuồng cải lương thông báo trên Huyện để cả nhà chèo xuồng qua sông men theo ánh sáng từ nấy chiếc đèn chai coi cải lương.
Những câu chuyện nhỏ đều khắc họa chữ "nhớ" quê hương, nhớ những năm tháng khó khăn bươn chải cùng gia đình, nhớ những kỉ niệm tuổi thơ đã từng. Tác giả từng thẫn thờ khi đọc đến đoạn viết trong tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng: "Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết... Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục". Cảm giác như một kẻ đang ốm, chỉ cần được về thăm quê nhà thì tự khắc khỏe ngay mà không cần lý do nữa. Dành cho những bạn trẻ đang bôn ba ngoài kia chưa thể về nhà, ôm lấy người thân, ăn bữa cơm đầm ấm, kể cho nhau nghe câu chuyện bôn ba vất vả ở ngoài kia.
Chia sẻ cảm nhận về sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ trong gia đình, những sở thích giữa các thế hệ có phải là điều hy sinh và dung hòa lẫn nhau không? Nhà báo Minh Hải cho hay:
"Dĩ nhiên, trong suy nghĩ giữa các thế hệ trong gia đình luôn có sự khác biệt, do tuổi tác, do vốn sống, do nhận thức, do điều kiện tiếp nhận… Xã hội càng hiện đại, càng chuyển động nhanh thì sự khác biệt đó càng lớn, khoảng cách giữa các thế hệ càng xa. Hiểu được điều này thì mỗi người sẽ thấy khi nào đó có hiện tượng "chưa hiểu nhau" là bình thường, không có gì là quá trầm trọng.
Trong sự khác biệt đó, có sở thích. Trong gia đình, thực sự cần có sự dung hòa về mặt sở thích để tránh tạo ra mâu thuẫn, xung đột, hay ít nhất cũng hạn chế sự cách biệt lớn. Để thực hiện được điều này, đôi lúc cần có sự hy sinh. Nhưng tôi nghĩ dùng từ "chia sẻ" thì nhẹ nhàng hơn. Tức là chúng ta chia sẻ với nhau về các sở thích, chứ không phải hy sinh sở thích của mình hay phải "chịu đựng" sở thích của người kia. Tức là, chúng ta nên quan tâm, tìm hiểu vì sao sở thích của người kia và giới thiệu sở thích của mình, để đôi bên có thể "gặp gỡ" nhau."
Lo ngại về sự phát triển của xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa, tinh thần của ông bà cha mẹ để lại... sẽ chỉ còn nhìn qua những hình ảnh hay video lưu lại hay những hình ảnh, clip trên mạng xã hội, truyền hình... thậm chí chỉ còn mơ hồ trong câu chuyện kể… nhà báo Minh Hải ngậm ngùi "Tới lúc nào đó thì điều này cũng sẽ xảy ra. Không hẳn là lỗi của ai hết. Vì xã hội vận động quá nhanh, những điều vốn bình thường ở thế hệ cha mẹ thì đến thế hệ con cái đã thay đổi rồi. Điều này rất khác với các thế hệ trước; chẳng hạn, những người trong độ tuổi 40 hiện nay vẫn còn giữ nhiều vốn sống, kiến thức của thế hệ cha mẹ họ, nhưng con cái của thế hệ này thì e khó thực hiện hơn nhiều.
Do đó, chúng ta nên chia sẻ nhiều hơn nữa để các giá trị được lưu lại từ những câu chuyện, những ký ức, những tình cảm hơn là chỉ qua các hình ảnh, video hay mạng xã hội. Nhưng nếu khó có thể chia sẻ trực tiếp, khó chuyển tải bằng sự gần gụi thì suy cho cùng thông qua các phương tiện cũng không đến nỗi quá tệ! Bởi vậy vẫn còn hơn một viễn cảnh mà người sau không quan tâm, không còn muốn biết hoặc không thể biết (một cách đúng đắn, đầy đủ) về những gì của thế hệ trước. Dĩ nhiên, sự mất đi, ta hay gọi là mai một, cũng là điều hoàn toàn bình thường, bởi có những điều không còn nhiều ý nghĩa, không còn nhiều giá trị hoặc không còn phù hợp. Chúng ta ráng mà giữ lại những gì tinh túy, những gì thiết thực, những gì có ý nghĩa. Làm được vậy cũng là quý lắm rồi!".
Tác giả cũng chia sẻ, anh không có tham vọng đề cập gì về những điều lớn lao trong cuốn Rồi ai sẽ kể?, vì thực ra nó chỉ tập hợp các mảnh ghép của ký ức. Nhưng nếu phải chọn một câu để truyền tải toàn bộ tác phẩm thì có thể trích câu này "Mỗi người chúng ta cố gắng giữ lại những gì mình quan tâm về đời sống, về gia đình… khi những "nhân chứng sống" vẫn chưa khuất bóng". Có nghĩa là, chúng ta nên quan tâm lẫn nhau, mà thực chất là người trẻ nên quan tâm nhiều hơn đến người lớn tuổi, về nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của họ và chú ý chia sẻ với họ về kiến thức, hiểu biết, vốn sống… từ họ để làm giàu cho chính những người trẻ tuổi hơn. Có như vậy thì sợi dây liên lạc giữa các thế hệ trong gia đình mới bền chặt, sự tiếp nối giữa các thế hệ mới gần gũi; rộng hơn, sự giữ gìn các giá trị của cha ông mới được thực hiện tốt.