(Tổ Quốc) -Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza với 13 người thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương đã trở thành một vụ hỏa hoạn đầy thương tâm và đặt ra không ít câu hỏi nhức nhối.
- 23.03.2018 Nạn nhân vụ cháy chung cư 13 người chết: “Chỉ thấy nước mắt trào ra và người run lên”
- 23.03.2018 Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy nghiêm trọng ở chung cư Carina Plaza
- 23.03.2018 Từ vụ cháy chung cư: Gắn tivi quảng cáo trong thang máy có gây hỏa hoạn?
- 23.03.2018 Bộ Xây dựng nói gì về vụ cháy chung cư Carina Plaza?
Nhiều năm trở lại đây, cụm từ “nhà chung cư” đã ngày một trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội. Nhà chung cư được hiểu không phải là những dãy tập thể, khu tập thể chỉ dăm tầng của một ngành nào đó như mấy chục năm trước. Đó là nhà ở của tầng lớp lao động từ khắp mọi miền Tổ quốc nhận công tác một nơi để ổn định cuộc sống. Nhà chung cư của ngày hôm nay là những tòa nhà cao vút, hiện đại, đầy tiện ích, sang trọng, có thể đáp ứng mọi nhu cầu sống của con người, cũng như sự phát triển chóng mặt của dân số các đô thị mà quỹ đất vô cùng hạn chế.
Lẽ dĩ nhiên “những ngôi nhà có nhiều cửa sổ” trong một quỹ đất nhất định có thể chứa được lượng người khổng lồ thì sự an toàn của tính mạng con người và những quy định nghiêm ngặt luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi chỉ cần chút sơ sẩy, bất cẩn của một cá nhân thì không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân mà còn cả những người khác. Vì thế không quá khó hiểu khi những quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy ở các khu nhà chung cư được đưa ra vô cùng nghiêm ngặt. Có ai đó đưa ra so sánh rằng, nếu đưa hai hệ thống phòng cháy chữa cháy giữa nhà chung cư và nhà mặt đất, thì e rằng không ít người sẽ từ bỏ nhà mặt đất để quyết định sống ở nhà chung cư.
"Những cột khói" đầy thương tâm. Ảnh: Dân trí |
Nhưng tiếc thay dường như những nghiêm ngặt về an toàn phòng chống cháy nổ ở nhà chung cư chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Bởi đâu đó, thỉnh thoảng những thông tin về cháy nổ ở các tòa nhà chung cư không may xảy ra, người ta mới nhận ra hệ thống phòng cháy chữa cháy ở đó “có vấn đề”.
Cái việc “có vấn đề” này diễn ra bởi nhiều nguyên nhân. Giả sử chúng ta là chủ nhân của một ngôi nhà chung cư nào đó, chúng ta cũng không đủ sự cẩn trọng và cả chuyên môn để đi kiểm tra tất cả hệ thống phòng cháy chữa cháy ở nơi mình đang sống có an toàn, đảm bảo hay không. Và chúng ta càng không thể thỉnh thoảng “tí toáy” ấn thử chuông báo cháy để xem mọi thứ phòng ngừa trong lúc “nước sôi lửa bỏng” có thực sự sẵn sàng không. Sự trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm hay ý thức cộng đồng… lại phụ thuộc vào phần lớn nhu cầu, sự tiếp nhận và bản tính của cá nhân.
Nói như thế để thấy mọi sự an toàn của nhà chung cư người dân đã giao phó cho chính những chủ đầu tư như một bản cam kết ngầm về tính mạng, tài sản của bản thân họ.
Thế nhưng, tòa nhà chung cư được coi là hiện đại như Carina Plaza, đã được sử dụng ngót nghét chục năm, khi xảy ra sự cố thì sao?
Sự cố bắt đầu từ tầng hầm – nơi có số người ít nhất, dễ lưu thông với bên ngoài nhất, dễ xử lý nhất… lại không được không chế ngay mà ngọn lửa nhanh chóng “leo thang” đến những nơi có nhiều người ở nhất.
Người ta chỉ có thể làm phép thử “cháy nổ” trong các cuộc diễn tập chứ một “phép thử” để nhận ra sự không an toàn về hệ thống cháy nổ với 13 tính mạng và hàng chục người bị thương là một sự trả giá quá đắt mà không được lặp lại với bất kỳ lý do nào.
Vậy còn những khu chung cư tương tự, những khu chung cư chưa cao cấp bằng Carina Plaza, những khu chung cư mà báo chí đã từng “nhắc tên” về sự không đảm bảo phòng chống cháy nổ thì sao?. Liệu có ai chắc chắn tất cả đã an toàn?.
Theo dõi vụ cháy thương tâm tại Carina Plaza chỉ qua báo chí truyền thông, không hiểu sao người viết bài này bị ám ảnh hình ảnh nạn nhân buộc các vật dụng gia đình như chăn, ga… để làm dây thoát nạn. Có người đu dây thoát ra ngoài, có người phải nhảy từ trên cao xuống. Trong số họ, có người đã bảo toàn, giữ được tính mạng, có người bị thương và buồn thay có cả người tuột tay rơi xuống phải trả giá bằng tính mạng. Sự bất lực, yếu ớt của con người trước thảm họa thật xót xa. Họ cần lắm một cuộc sống phía trước còn biết bao dang dở. Họ cần lắm một bàn tay ai đó cứu vớt…
Sau vụ cháy Carina Plaza bắt gặp những thông tin: mặt nạ chống khói, thang dây… lên giá, cháy hàng mà không khỏi trào nước mắt. Hỡi ôi, thay vì sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của các chủ đầu tư chung cư đang nắm giữ biết bao sinh mạng của những người đã, đang và sẽ sống ở “nhà có nhiều cửa sổ” thì người dân “đi trước” tự bảo vệ mình.
Khi mà không có “bản cam kết tính mạng” trong những toà nhà chung cư, hoặc có nhưng chỉ là lý thuyết mà thực tế quay ngắt 180 độ thì không có cách nào khác, trong một tình thế bắt buộc người dân tự phải cứu lấy bản thân. Và sự “tự cứu” này họ phải chấp nhận “may rủi” mà có lẽ chỉ thượng đế mới phán quyết được cái kết.