• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên: Người truyền cảm hứng tự học khi hơn 70 tuổi nhận bằng Tiến sĩ

Văn hoá 03/02/2020 09:15

(Tổ Quốc) - Chuyện nhà giáo Chu Mạnh Nguyên sau khi về hưu – tức là không thể "thăng quan tiến chức" được nữa lại xin học, bảo vệ thành công luận văn và nhận bằng Tiến sĩ khi đã bước vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" khiến nhiều người vừa thán phục, vừa bất ngờ.

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên sinh năm 1944. Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, ông được điều về Trường cấp 3 Yên Mỹ - Hưng Yên dạy học. Năm 1972, bởi thành tích học tập và giảng dạy xuất sắc, nhà giáo Chu Mạnh Nguyên được Nhà nước xét chọn cử sang Liên Xô cũ học tập và làm luận án Phó Tiến sĩ về đề tài Vật lý Nguyên tử. Nhưng khi đã học tiếng Nga thi xong, mọi thủ tục giấy tờ đã hoàn chỉnh, chờ ngày lên đường, thì một sự cố xảy ra, nên chuyến đi bị đình lại vô thời hạn và cơ hội bị bỏ lỡ.

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên: Người truyền cảm hứng tự học khi hơn 70 tuổi nhận bằng Tiến sĩ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên nhận Kỷ lục "Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam"

Lần lỡ dịp thứ hai với học hàm Tiến sĩ của nhà giáo Chu Mạnh Nguyên là vào năm 2003, ông đăng ký làm luận văn Tiến sĩ tại ĐHSP Hà Nội, với đề tài "Xây dựng đội ngũ giáo viên cho các trường THPT". Sau khi thi xong, tưởng đã được cầm tấm bằng Tiến sĩ trong tay, thì lại có trục trặc: Năm đó, ĐHSP chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành. Nên khóa đào tạo đó không được công nhận!

Và rồi đến năm 2010, sau khi đã về hưu 5 năm, ông một lần nữa làm đơn xin học Tiến sĩ với đề tài "Xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức làm công tác thiết bị trường học ở các trường THPT". Cuối cùng thì lần này mọi nỗ lực của ông đã được đền đáp. Ông được công nhận là "Nghiên cứu sinh" từ năm 2011. Cuối năm 2015, ông bảo vệ thành công và nhận Bằng Tiến sĩ.

Như vậy sau 43 năm, nhờ kiên trì "quá tam 3 bận" đi học, nhà giáo Chu Mạnh Nguyên đã chính thức được nhận tấm bằng Tiến sĩ ở tuổi 71.

Đặt câu hỏi với ông rằng lý do gì khiến ông đã về hưu rồi, mọi việc thăng quan tiến chức đã không còn ý nghĩa nữa mà ông vẫn quyết tâm học và thi để nhận bằng Tiến sĩ, ông cười nhẹ nhõm và cho rằng: Mục đích chủ yếu của ông là thực hiện niềm say mê về việc dạy học, nghiên cứu khoa học thông qua bài giảng, các công trình khoa học, các cuốn sách do mình viết.

"Tôi được cấp bằng tiến sĩ thực ra là cũng muốn gửi lại cho các thế hệ sau tri thức mà trong suốt cuộc đời làm giáo dục của tôi đã thu nhập được. Tôi luôn luôn âm thầm tích lũy kiến thức, học tập, đọc sách và khi có cơ hội, có thể trao truyền hoặc thông qua các bài giảng , cuốn sách, hay công trình khoa học và ở luận án tiến sĩ. Việc tôi tuổi đã cao nhưng vẫn học và bảo vệ lấy được bằng tiến sĩ là tôi muốn lan tỏa việc học tập, nhất là tự học đến mọi thế hệ để đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Người ta trưởng thành, lớn lên, làm việc tốt chủ yếu là tự học " – Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về thành công ở tuổi "xưa nay hiếm", nhà giáo Chu Mạnh Nguyên cho rằng có 3 nền tảng; Nền tảng thứ nhất là kiến thức được học từ các nhà giáo ưu tú ở các cấp học. Nền tảng thứ hai là trong quá trình công tác được tạo môi trường làm việc tốt, được tiếp thu kinh nghiệm, được học hỏi đồng nghiệp, học trò và học viên. Nền tảng cuối cùng là gia đình đã tạo nên thành công cho ông.

Ngoài là một nhà giáo từng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" vì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của dân tộc, ông còn có nhiều công trình khoa học, nhiều cuốn sách được viết.

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên: Người truyền cảm hứng tự học khi hơn 70 tuổi nhận bằng Tiến sĩ - Ảnh 2.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của nhà giáo Chu Mạnh Nguyên cho giáo dục

Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên đã tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc. Ông là một trong những tấm gương của sự kiên trì "học tập suốt đời", theo đuổi triết lý "Học, học nữa học mãi" của V.I Lê nin. Ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người với thông điệp ý nghĩa rằng, học không bao giờ muộn. Học không phải để "vinh thân phì gia", bằng Tiến sĩ không phải là thứ "trang sức", là thứ để "oai" mà là để lại những giá trị cho thế thế hệ sau.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà giáo Chu Mạnh Nguyên, kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp với Trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội đã tổ chức Lễ trao Kỷ lục "Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam" cho Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên vào ngày 1/2/2020.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ