(Tổ Quốc)-“Chúng tôi bắt buộc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, chấp nhận rằng bước tiến có thể chưa nhanh, nhưng vẫn đồng hành được với “đồng đội”, cố gắng dung hòa lợi ích giữa quá khứ và tương lai” – Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam sắp kỷ niệm tròn 65 năm ngày thành lập (1951-2016). Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức long trọng vào ngày 24/11 tại Vườn nghệ thuật Âu Cơ - Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam (Số 8- Huỳnh Thúc Kháng - Ba Đình - Hà Nội). Trong dịp này, NSND Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về những thành tích đã đạt được sau chặng được 65 năm cũng như những khó khăn, thách thức cũng như kế hoạch của nhà hát trước yêu cầu “tự chủ 100%” trong thời kỳ mới.
-Nhìn lại chặng đường 65 năm, xin ông điểm lại những thành tích nổi bật của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam?
+ Qua 65 năm thành lập và phát triển, từ cái nôi của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của cả nước – Đoàn văn công Nhân dân Trung ương trước kia, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, các thế hệ nghệ sĩ đã nối tiếp nhau trưởng thành. Nhà hát cũng là nơi ra đời (khởi xướng, đặt nền móng) nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn ca, múa, nhạc lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, hiện vẫn tồn tại phổ biến trong đời sống nghệ thuật nước ta hiện nay, như: Độc tấu nhạc cụ dân tộ; Hòa tấu nhạc cụ dân tộc; Hòa tấu dàn nhạc giao hưởng; Nhạc kịch; Tốp ca; Hợp xướng; Múa dân gian dân tộc;…
NSND Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam |
Với định hướng đúng đắn là phát huy vốn văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ được cốt cách dân tộc, vừa mang hơi thở mới của thời đại, 65 năm qua Nhà hát đã xây dựng được hàng trăm chương trình nghệ thuật, hàng nghìn tiết mục ca múa nhạc xuất sắc phục vụ bộ đội, nhân dân các dân tộc trên mọi miền đất nước, trong cách mạng, kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng cuộc sống mới. Nhà hát đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ động viên tinh thần nhân dân, quân đội trong kháng chiến, mà còn góp phần là làm nhịp cầu đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới, làm rạng rỡ nền văn hoá Việt Nam.
Kể từ năm 2015, Nhà hát bước vào giai đoạn chuyển giao tự chủ 100% (trước đó từ năm 2009 đã tự chủ từng phần). Nhà hát đã vượt qua khó khăn về tài chính khi bị cắt giảm ngân sách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho. Lượng khách đến với nhà hát cũng tăng đều qua từng năm. Nếu như năm 2006, lượng khách đến xem tại Nhà hát chỉ đạt 35.000, thì đến năm 2016, lượng khán giả đến thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã đạt con số 100.000 lượt người.
-Như anh đã chia sẻ, sau giai đoạn chuyển giao tự chủ 100% từ năm 2015, Nhà hát Ca Múa Nhạc đã gặp những khó khăn, thách thức? Vậy ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức đó cũng như giải pháp mà Nhà hát đã làm để vượt qua thách thức của thời kỳ mới này?
+ Thách thức lớn nhất đó là mình phải làm gì và được hưởng những gì? Khi Nhà nước cấp lương cho chúng tôi, đi làm có bồi dưỡng theo quy định Nhà nước, đấy là khi không “tự chủ”. Tất nhiên, khi “tự chủ” thì khó khăn hơn. Khi đó thì theo phương thức, tôi trả lương cho anh thì anh phải làm những nhiệm vụ theo yêu cầu. Điều đó cũng có nghĩa là “trả lương theo sản phẩm”. Ai làm việc hiệu quả hơn sẽ được hưởng lương cao hơn. Việc này có mâu thuẫn ở chỗ là có thể nhiều người làm việc lâu năm nhưng làm việc lại không hiệu quả bằng những người mới vào.
Tuy nhiên, với cương vị là lãnh đạo Nhà hát, chúng tôi lại không thể phủ nhận những cống hiến bao nhiêu năm của các nghệ sĩ đã gắn bó với nhà hát, đây là cái bất cập. Nói chung, khó khăn lớn nhất vẫn là về con người, về nhận thức tư duy của các nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ có thể thành công rất nhiều năm rồi, tuy nhiên, bây giờ công chúng trẻ lại không thích họ nữa. Điều này khiến chúng tôi rất khó xử, phải tính toán làm sao để vừa đáp ứng được thị hiếu khán giả nhưng vẫn coi trọng, chia sẻ được với những nghệ sĩ đã có cống hiến lâu năm với nhà hát.
-Vậy để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới này, Nhà hát đã thay đổi cách làm như thế nào để vừa khắc phục khó khăn vừa thu hút khán giả?
+ Chúng tôi bắt buộc phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đó, chấp nhận rằng bước tiến có thể chưa nhanh, nhưng vẫn đồng hành được với “đồng đội”, cố gắng dung hòa lợi ích giữa tương lai và quá khứ. Chúng tôi nhận định phải cải tổ từ con người cho đến cách thức tiếp cận khán giả. Mục tiêu là phải để cho anh em diễn, cân bằng thu chi để vừa đáp ứng yêu cầu tự chủ, đáp ứng thị hiếu khán giả, vừa chia sẻ với “đồng đội”. Tôi cố gắng tạo việc làm cho anh em, nhưng đặt ra yêu cầu họ cũng phải thay đổi bản thân. Thực tế, nếu làm đến nơi đến chốn, tôi thấy vẫn thu hút du khách.
Nhận định tình hình như vậy, ban lãnh đạo nhà hát đã quyết định mở ra hướng đi mới, trong đó xây dựng mô hình câu lạc bộ nghệ thuật ngay tại khuôn viên Nhà hát là một giải pháp. Chúng tôi sẽ tổ chức các đêm diễn cho từng ngày trong tuần theo mỗi thể loại khác nhau như: thính phòng, cách mạng, trữ tình, dân ca, nhạc trẻ.... Khán giả sẽ biết ngày nào sẽ có loại hình nghệ thuật gì để đến thưởng thức. Mô hình này nhằm xây dựng tụ điểm biểu diễn nghệ thuật thường xuyên, tạo sân khấu cho nghệ sĩ của nhà hát biểu diễn, đồng thời định hình cho khán giả biết về một điểm hẹn nghệ thuật của thủ đô.... Nguồn nhân lực thực hiện ý tưởng này rất đông đảo, tất cả các lĩnh vực như: Thính phòng, cách mạng, trữ tình, dân ca.... đều có nhiều nghệ sĩ đáp ứng được yêu cầu.
-Vậy đến thời điểm này, ông thấy sự thay đổi của Nhà hát liệu đã đúng hướng?
+ Mỗi đợt biểu diễn, tôi thường xuyên phải "lang thang", nghe ngóng để xem phản ứng tự nhiên của khán giả. Đáng mừng là tín hiệu tốt nhiều hơn. Chúng tôi cũng phải thay đổi mô hình, cách thức tiếp cận khán giả. Ví dụ đối với chương trình ca múa nhạc, thay vì MC ra giới thiệu thì sẽ giới thiệu bằng một màn biểu diễn Chèo, hoặc cách bày biện, trang trí khác đi. Hoặc cũng có thể mở đầu chương trình bằng hình ảnh một hội đang ngồi chơi cờ, không đơn thuần chỉ mở đầu bằng một màn hát múa nữa... Tuy nhiên, tôi thừa nhận là khâu tuyên truyền của nhà hát còn kém, chưa đủ sức thu hút, hấp dẫn khán giả.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà hát |
Ngoài ra, về nguồn nhân lực, chúng tôi cũng phải thay đổi, không theo phương thức cũ nữa. Chúng tôi lập ra ban sản xuất chương trình, thăm dò nhu cầu thị trường, đánh giá để quyết định nên sản xuất sản phẩm như thế nào.
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh đầu tư về phần công nghệ cho sân khấu biểu diễn, công nghệ ánh sáng, trình chiếu, tương tác.... Những vấn đề này đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Nói chung, chúng tôi phải tính toán nhiều cách để đáp ứng nhu cầu công chúng và thích nghi với tình hình mới.
-Được biết, sắp tới, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng sẽ tham gia trình diễn tại Nhà hát Lớn theo chủ trương xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ công chúng của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Xin anh tiết lộ về chương trình này?
+ Tôi đồng tình với chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL là Nhà hát Lớn nên dành để biểu diễn những chương trình nghệ thuật quy mô có chất lượng, không nên chỉ dành để những hội diễn nghiệp dư vào thuê. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng chúng ta nên xây dựng những chương trình nghệ thuật theo phân khúc khách hàng để thu hút được tối đa những khách hàng đó.
Theo kế hoạch, tối 30/11 và tối 2/12, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam sẽ biểu diễn 2 chương trình, trong đó tối 30/11 là chương trình “Sắc Việt”, mang đậm màu sắc dân tộc do đoàn nghệ thuật Âu Cơ trình diễn. Đây là một chương trình nghệ thuật có nhiều nét mới lạ, sang trọng. Chúng tôi cũng đang cố gắng thực hiện công tác truyền thông để nhiều người biết tới. Tối 2/12 là chương trình vẫn mang bản sắc dân gian nhưng hiện đại hơn có tên “Nếp nhăn và Nụ cười” với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát như Đức Long, Ngọc Khang, Phương Thảo, Thái Bảo, Hoàng Quyên… /.
-Xin cảm ơn ông!
Bài&ảnh: Lâm Minh