(Tổ Quốc) - Nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo vệ nghệ thuật chèo truyền thống, mới đây, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thực trạng và giải pháp phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Quang cảnh hội thảo/baobacgiang.com.vn
Dự hội thảo có NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL); đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang và một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Bắc Giang.
Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của Nhà hát Chèo Bắc Giang trong chiếu chèo xứ Bắc cũng như sự cần thiết duy trì, phát triển Nhà hát trở thành đơn vị hoạt động chuyên nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, để ngày càng phát triển trong tình hình mới, Nhà hát Chèo Bắc Giang cần từng bước tự chủ tài chính; đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý và hoạt động, nhất là xây dựng các chương trình biểu diễn để thu hút khán giả.
Theo NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, để bảo vệ nghệ thuật chèo truyền thống trong đời sống hôm nay cần thay đổi một số chính sách đầu tư cho nghệ thuật biểu diễn; đổi mới công tác đào tạo nâng chất lượng đội ngũ kế cận; quảng bá nghệ thuật truyền thống ở trong và nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá; củng cố và thúc đẩy chủ trương "đưa sân khấu vào học đường" góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và tình yêu nghệ thuật sân khấu cho học sinh.
NSND Nguyễn Quang Vinh – quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đãi ngộ tài năng, xây dựng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị phục vụ hoạt động cho Nhà hát Chèo; có chính sách hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ truyền thống, khuyến khích tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân, kết hợp giới thiệu tại các sự kiện, lễ hội. NSND Nguyễn Quang Vinh khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho Nhà hát Chèo Bắc Giang tham gia các chương trình biểu diễn, liên hoan nghệ thuật lớn và chương trình tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu đề xuất các giải pháp phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay, tầm nhìn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh tới các giải pháp: Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp, bổ sung nguồn nhân lực; tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công; không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật. Đồng thời tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động biểu diễn, tăng cường tổ chức giao lưu với các đơn vị nghệ thuật ngoài tỉnh để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong công tác quản lý, chuyên môn; tiếp cận và thực hiện tốt các hoạt động như tổ chức các sự kiện, lễ hội, gắn kết di sản văn hóa phi vật thể của địa phương với du lịch./.