(Cinet) - Liên tục giành những giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đồng thời gặt hái những thành công lớn tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế, với những đêm diễn luôn sáng đèn hàng tuần, Nhà hát Chèo Viêt Nam tiếp tục khẳng định vị thế nhà hát nghệ thuật quốc gia, một đơn vị năng động, nhiệt huyết trong việc đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng.
Nhà hát Chèo Việt Nam được khởi đầu từ sự ra đời của Tổ Chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Tổ Chèo đã được nâng cấp trở thành Đoàn Chèo Trung ương. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã phát triển thành Nhà hát Chèo Trung ương rồi đổi tên là Nhà hát Chèo Việt Nam.
Tiếp nối thành tích 65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam hiện nay là nhân tố quan trọng góp phần bảo tồn vốn Chèo cổ, chỉnh lý nâng cao các tác phẩm tiêu biểu của Chèo cổ, song hành với việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cho ngành Chèo.
Đông đảo các nghệ sĩ gạo cội, các nhà quản lý, và công chúng tới thưởng thức vở diễn "Thị Hến" của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Lan Phạm |
Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn giữ vững định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống.
Khán giả yêu mến chèo vẫn đều đặn được thưởng thức những giai điệu chèo mượt mà, sâu lắng vào 20h tối thứ 6 hàng tuần tại sân khấu Rạp Kim Mã với những vở diễn, trích đoạn được đầu tư công phu, tập luyện kỹ càng, những vở diễn tạo nên tên tuổi của nhà hát Chèo Việt Nam như: Bắc Lệ đền thiêng, Hề đố đá, Mầu – Nô – Phú ông (trong vở Quan Âm Thị Kính), Thị Mầu lên chùa, Lưu Bình - Dương Lễ, Thị Nở - Chí Phèo, Hát Đò đưa, Xã trưởng mẹ Đốp, Giá đồng… Bên cạnh những vở chèo với tích cổ và đề tài dân gian, đề tài hiện đại, đề tài người lính cũng được khai thác để làm giàu thêm vốn đề tài, đồng thời tiếp cận gần hơn với khán giả như vở “Giai điệu Tổ Quốc” sắp được công diễn vào tối 30/12 tới đây.
Thành công lớn của Nhà hát Chèo trong năm 2017 có lẽ là việc phục dựng thành công vở “Nàng Thiệt Thê” và dựng mới 02 vở “Thị Hến” và “Bà Chúa Kho”, đặc biệt là việc vở “Quan âm Thị Kính” vinh dự được lựa chọn biểu diễn tại Hòa nhạc Hòa giải Thế giới năm 2017 và tham dự Festival Nhà hát Chuncheon tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng tham gia biểu diễn phục du công chúng (150.000 lượt khán giả) tại nhiều chương trình như: Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và bà con nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Biểu diễn chương trình tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc VN; Ghi hình vở chèo “Huyền tích một loài hoa”, “Giếng Thơi trong lòng phố” trên Đài Truyền hình VN; Biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lào Cai; Biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai vở Súy Vân và Dây tràng hạt diệu kỳ; Kết hợp với Trường ĐH SK-ĐA Hà Nội hỗ trợ thi tốt nghiệp cho Lớp diễn viên, nhạc công Chèo khóa K34 thuộc Dự án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Nhà hát Chèo VN giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn 2025…
Nhiều diễn viên trẻ của nhà hát được giao những vai diễn "nặng ký" trong những vở diễn huyền thoại. Hình ảnh trong vở "Quan Âm Thị Kính" vinh dự được lựa chọn biểu diễn tại Hòa nhạc Hòa giải Thế giới năm 2017. Ảnh: Nguyễn Hoàng - Nhà hát Chèo Việt Nam |
Đội ngũ nghệ sĩ trẻ của Nhà hát luôn được quan tâm, dành những ưu ái và được thử sức trong nhiều vai diễn. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao Nhà hát Chèo Việt Nam luôn gianh được thứ hạng cao trong các cuộc thi tài năng do Bộ VHTTDL tổ chức như Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 với 2 HCV, 2 HCB, 1 giải diễn viên có đóng góp tích cực và 2 HCV và 1 HCB cá nhân tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017.
Như chia sẻ của NSƯT Thúy Ngần trong cuốn “Tâm tư với nghiệp chèo”, nếu trước đây, lớp nghệ sĩ như chị và các bạn đồng lứa được các nghệ nhân như thầy Trần Bảng, nghệ nhân Dịu Hương, nghệ nhân Minh Lý dạy nghề, “dạy cả cách ăn cách nói”, thì nay, NSUT Thúy Ngần đã trở thành giảng viên tiếp tục truyền lửa chèo cho các thế hệ tiếp nối.
Cái khó nhất có lẽ là làm sao để giữ được chất “chèo”, giữ được hồn cốt của chèo truyền thống, mà vẫn hấp dẫn được thị hiếu khán giả hiện nay. Đó không chỉ là trăn trở của Nhà hát Chèo Việt Nam mà còn của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, những người thầy vẫn “cần mẫn” với công việc, với nghiệp chèo.
Hy vọng rằng với sự đồng lòng của các nghệ sĩ Nhà hát, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững và viết tiếp những trang sử vẻ vang của nhà hát, vẫn luôn kiên định với việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời năng động hơn nữa trong việc tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, để nghệ thuật chèo sống mãi…
Gia Linh