• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định vị trí “Cánh chim đầu đàn” trong nền kịch nói Việt Nam

22/07/2016 12:41

(Cinet) – Với bề dày trên 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn tự hào là “Cánh chim đầu đàn” là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

(Cinet) – Với bề dày trên 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn tự hào là “Cánh chim đầu đàn” là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia vở "Hamlet". (Nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam)



Từ truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển



Nhà hát Kịch Việt Nam (tiền thân là Đoàn văn công Trung ương) được thành lập vào năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo ra những thế hệ nghệ sỹ lừng danh mà tài năng của họ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng; đó là những con chim đầu đàn - một thế hệ vàng của sân khấu kịch nói Việt Nam, với những tên tuổi lừng lẫy như NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Trúc Quỳnh, NSND Nguyễn Đình Nghi... đến các thế hệ kế tiếp như  NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Phạm Thị Thành... các nghệ sỹ ưu tú như: NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quang Thái, NSƯT Tú mai,  NSƯT Anh Dũng… và thế hệ nghệ sĩ hôm nay còn đang sung sức trên sàn diễn như: NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, NSƯT Tuấn Hải,  NSƯT Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Lệ Ngọc, NSƯT Quế Hằng... và nhiều nghệ sỹ trẻ tài năng khác.



Hơn 60 năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, trong đó những vở diễn như “Lu – Ba”, Khúc thứ ba bi tráng”, “Bài ca Điện Biên”, “Hồn Trương Ba – da hàng thịt”, “Nghêu, sò, ốc, hến” …  là những vở diễn tiêu biểu, được khán giả trong nước cũng như công chúng nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là những vở diễn gây được tiếng vang lớn trong những kỳ liên hoan sân khấu quốc tế.

Với những đóng góp to lớn cho nền sân khấu kịch nói nước nhà, Nhà hát Kịch Việt Nam đã vinh dự

được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. (Ảnh: VGP)



Nối tiếp truyền thống cha anh, các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay cũng đã cố gắng nỗ lực hết sức mình trong từng vai diễn. Trên thực tế, những vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu sân khấu như: “Mỹ nhân và anh hùng”, “Đêm của bóng tối”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi tìm điều không mất”, “Tai biến”, “Lâu đài cát”…  Bên cạnh đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng chú trọng tới công tác đối ngoại, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước, nhằm hướng tới xây dựng một Nhà hát trong tương lai phát triển mạnh mẽ và hòa nhập trong dòng chảy với nền sân khấu Thế giới.



Đến sự nỗ lực, cố gắng hết mình ở thời điểm hiện tại



Phát huy bề dày thành tích của các thế hệ nhà hát Kịch Việt Nam trong chặng đường hơn 60 năm qua, ở thời điểm hiệm tại, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực không  ngừng để đạt được những thành tích đáng ghi nhận và tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu sân khấu.



Trong 06 tháng đầu năm 2016, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng 03 vở mới: Thầy và trò (tác giả kịch bản: Nguyễn Đăng Chương; Đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu); Biệt đội báo đen (Tác giả Nhà văn Chu Lai; Đạo diễn NSND Anh Tú); Khát vọng (tác giả NSƯT Tại Xuyên; Đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng). Bên cạnh đó, Nhà hát cũng đã tiến hành nâng cấp một số vở cũ (Lâu đài cát, Tai biến,  Bệnh sĩ,  Trong mưa giông thấy nắng, Hamlet, Dòng đời…) và tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả.

Cảnh trong vở "Biệt đội báo đen" do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.



Trong 06 tháng đầu năm, Nhà hát đã tổ chức trên 100 buổi biểu diễn phục khoảng hơn 4 vạn khán giả trên địa bàn Hà Nội, ngoại thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hầu khắp các tỉnh thành khu vực miền Bắc.



Về biểu diễn đối ngoại: Trong thời gian từ 23 – 27/3/2016, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đưa vở kịch kinh điển Hamlet sang biểu diễn tại Singapore theo lời mời của Hội biểu diễn nghệ thuật Singapore.  Đêm diễn Hamlet tại Nhà hát Victoria Singapore đã được đánh giá rất cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Đại sứ Việt nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh đánh giá “Với thành công của vở diễn Hamlet tại nhà hát Victoria, NHKVN đã  góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế và khán giả Singapore”.



Cùng với vở Hamlet, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã đưa vở “Lâu đài cát” và “Đám cưới con gái chuột” sang biểu diễn giao lưu tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (từ 21 – 27/4/2016) theo lời mời của Sở Văn hóa Hà Nam. Đoàn đã biểu diễn 04 buổi tại đây và để lại ấn tượng rất tốt đối với công chúng tại các TP Trịnh Châu, Tam Môn Hiệp và Lạc Dương.



Với sự năng động của Ban Giám đốc, trong 06 tháng đầu năm, Nhà hát kịch Việt Nam đã có 02 chương trình lưu diễn với sự hỗ trợ 100% kinh phí của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả xã hội tích cực (Chương trình biểu diễn vở kịch Hamlet tại TP. Hồ Chí Minh 05/01/2016; Chương trình lưu diễn Hamlet tại Singapore).

Vở Hamlet thuần Việt do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Victoria Singapore đã được đánh giá rất cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.



Cùng với những kết quả đã làm được trong 06 tháng đầu năm, hoạt động của Nhà hát Kịch Việt Nam còn gặp không ít những khó khăn, tồn tại. Cụ thể, năm 2016 là năm đầu tiên NHKVN bước vào lộ trình xã hội hóa thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giảm 30% kinh phí chi thường xuyên chuyển sang kinh phí không thường xuyên. Qua thực tiễn 6 tháng hoạt động cho thấy, cơ chế trên đã phát sinh không ít khó khăn, phức tạp trong việc lập kế hoạch tìm chọn kịch bản để được thẩm định và phê duyệt dự toán kinh phí phù hợp trước khi triển khai dàn dựng. Điều này làm mất đi tính tự chủ của đơn vị và ảnh hưởng tới sự sáng tạo của nghệ sỹ và ekip sáng tạo vở diễn.   



Bên cạnh đó, là một Nhà hát mang tầm quốc gia, tuy nhiên các nghệ sĩ NHKVN vẫn chưa có “nhà để hát” nên các nghệ sỹ NHKVN vẫn phải lang thang nay đây mai đó để hoàn thành kế hoạch buổi diễn, đồng thời tăng thêm thu nhập cho nghệ sỹ. Việc thường xuyên phải biểu diễn lưu động tới các địa phương và Nhà văn hóa các quận, huyện đã tác động không nhỏ tới tâm lý và sức khỏe của nghệ sỹ. Đây là khó khăn lớn nhất của NHKVN – Nhà hát mang tầm quốc gia trong lộ trình thực hiện xã hội hóa sân khấu.



Trước những khó khăn trên đây, tập thể các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam rất mong Lãnh đạo Bộ quan tâm hơn nữa đến chiến lược phát triển lâu dài cho Nhà hát Kịch Việt Nam theo Đề án kiện toàn và định hướng phát triển Nhà hát Kịch Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015, tầm nhìn 2020, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây mới cho Nhà hát Kịch Việt Nam một Rạp mới xứng tầm để Nhà hát sẵn sàng hội nhập và thực hiện lộ trình xã hội hóa sân khấu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.



Anh Vũ
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ