Thông tin Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật đã được lan toả ra khắp các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát. Vui mừng, phấn khởi và cả ý thức trách nhiệm, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ những cảm xúc của mình trước sự kiện này.
Diễn ở Nhà hát Lớn là phải khác
Nghệ sĩ chúng tôi xác định việc diễn ở Nhà hát Lớn phải khác với diễn ở những rạp hát bình thường bởi Nhà hát Lớn là một công trình di tích văn hóa có giá trị rất lớn, nơi chỉ dành cho những đêm diễn nghệ thuật đẳng cấp. Chính vì vậy nơi đây sẽ không có chỗ cho những tác phẩm tầm tầm, bình dân hay đơn thuần là giải trí. Chủ trương của Bộ VHTTDL là vô cùng kịp thời và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các đơn vị nghệ thuật, tuy nhiên ai cũng thấy rất cần phải có lộ trình cụ thể để dần đưa các tác phẩm vào lịch diễn chứ không thể ồ ạt.
Theo tôi, Ban tổ chức cũng cần phải nghiên cứu để đưa chương trình nào vào diễn ở Nhà hát Lớn và cũng nên mở rộng cho các đơn vị nghệ thuật của cả nước nếu có chương trình chất lượng. Hầu như ở Hà Nội, nhà hát nào cũng có rạp biểu diễn riêng rồi vậy chọn diễn gì ở Nhà hát Lớn cũng là vấn đề cần quan tâm.
Mặt khác, để duy trì các buổi biểu diễn, các nhà hát sẽ không nên ỷ lại vào kinh phí hỗ trợ của Bộ VHTTDL mà cần phải năng động để thu hút được khán giả đến xem, đồng thời bảo đảm được doanh thu cũng như cải thiện thu nhập cho nghệ sĩ. Mặt khác, cũng cần tính tới việc có đơn vị, nhà hát rất khó bán vé bởi có thể họ không có nhiều ngôi sao mà khán giả yêu thích hoặc loại hình đó chưa phải là loại hình khán giả quan tâm. (NSND Tự Long, Phó GĐ Nhà hát Chèo Quân đội)
Được miễn phí không sướng bằng tự mua vé
Còn nhớ thập kỷ 80 của thế kỉ XX, sân khấu Việt phát triển rực rỡ, người nghệ sĩ chúng tôi đã từng coi Nhà hát Lớn như là nhà hát của mình. Nhiều vở diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ đã gây tiếng vang và luôn cháy vé ở Nhà hát Lớn như Romeo và Juliet, Janda, Mùa hạ cay đắng, Cuộc đời tôi, Tấm và Cám, Sống mãi tuổi 17, Đỉnh cao mơ ước… Có những vở diễn liên tục cháy vé và xuất hiện cả những người phe vé mà chúng tôi gọi đùa họ là những “công phe”.
Tôi cho rằng khán giả được cho vé xem miễn phí sẽ không sướng bằng việc họ tự mua vé để xem, bởi tâm lý rất nhiều người diễn “chùa” thì tác phẩm thường không có chất lượng. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua một chiếc vé xem ở Nhà hát Lớn bởi lẽ ai cũng biết diễn ở Nhà hát Lớn là phải có “thương hiệu”. Có thể thời gian đầu khi mà người dân thủ đô chưa có thói quen xem biểu diễn định kì ở Nhà hát Lớn thì Nhà nước có thể hỗ trợ tiền thuê rạp nhưng về lâu về dài thì các nhà hát cũng cần tính toán để làm sao có doanh thu từ biểu diễn bằng bán vé. Nghệ thuật đích thực và chân chính thì phải tự đứng bằng đôi chân của mình chứ không phải là diễn miễn phí.
Cá nhân tôi thì vô cùng hạnh phúc khi được trở lại sân khấu quen thuộc này một cách chính thống. Rõ ràng diễn ở Nhà hát Lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm thế của người diễn cũng như người xem. Tiếng nói sân khấu của diễn viên sẽ khác, không gian sân khấu cũng sẽ khác và hiệu quả sân khấu sẽ được nâng cao hơn rất nhiều trên một sân khấu do kĩ sư của Pháp thiết kế và tính toán rất chuẩn xác để đáp ứng các yếu tố về kỹ thuật sân khấu. (NSND Lê Khanh , Phó GĐ Nhà hát Tuổi Trẻ)
Vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, chụp tại Nhà hát Lớn sau đêm công diễn
Phải “xứng đồng tiền bát gạo”
Quyết định mở rộng cửa Nhà hát Lớn là một chủ trương đúng về văn hóa nghệ thuật, định vị lại đúng vị trí cho các thương hiệu nghệ thuật. Đây là tin mừng nhưng cũng là một thử thách lớn đối với những người làm nghệ thuật. Tôi cho đây là cuộc khai huyệt đạo cho nghệ thuật VN khiến những người làm nghệ thuật phải thay đổi tư duy bởi diễn ở Nhà hát Lớn không thể diễn cho xong, diễn xổi mà phải thực sự là có chất lượng. Một nơi diễn đẳng cấp như Nhà hát Lớn thì đòi hỏi cũng phải làm ra những tác phẩm thật sự đẳng cấp.
Dẫu có miễn phí hay quảng cáo rầm rộ thì rồi khán giả cũng sẽ không quay lại nhà hát nếu không có được cái mà họ cần là chương trình hay, hấp dẫn, vì vậy phải có một kế hoạch để xây dựng ngay những tác phẩm “xứng đồng tiền bát gạo” với tầm của Nhà hát Lớn. Các nhà hát không chỉ cần đầu tư dàn dựng các tác phẩm có chất lượng mà còn phải xốc lại ngay từ đội ngũ diễn viên. Là một nghệ sĩ tôi thấy hiện nay không phải diễn viên nào đứng trên sân khấu chuyên nghiệp cũng đủ tầm là diễn viên…
Đó là lý do mà chúng ta không khỏi ngán ngẩm khi thấy cảnh diễn viên lên sân khấu bước hụt chân thấp chân cao vì hồi hộp hay quên thoại hay quên bật micro… Không thể để lọt những sơ suất như vậy khi đã vào Nhà hát Lớn để biểu diễn. (NSƯT Xuân Bắc, Trưởng đoàn 1, Nhà hát Kịch VN)
Mỗi nhà hát cần có đề án xây dựng những tác phẩm đỉnh cao
Kể từ khi thành lập đến nay, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương VN luôn phải đối diện với bài toán không có “nhà” để hát. Ban giám đốc Nhà hát Cải lương VN cũng như các nhóm nghệ sĩ đã phải mở ra nhiều sân chơi nghệ thuật đờn ca tài tử ở một số địa điểm khác như nhà hàng, khách sạn và phải đi thuê mượn rạp biểu diễn của các nhà hát khác mỗi dịp ra mắt chương trình, vở diễn mới. Số tiền thuê Nhà hát Lớn để diễn quá lớn, đó là lý do nghệ sĩ cải lương chưa bao giờ nghĩ tới việc thuê biểu diễn ở đây dẫu chỉ là ra mắt vở mới. 16 năm tôi làm nghề thì số lần vào diễn ở Nhà hát Lớn đếm không quá đầu ngón tay.
Chính vì vậy nghệ sĩ cải lương đặc biệt vui mừng trước thông tin Nhà hát Cải lương VN sẽ cùng với các nhà hát luân phiên diễn định kỳ ở Nhà hát Lớn. Chúng tôi mong rằng Bộ VHTTDL không chỉ có kế hoạch trong năm nay mà còn sẽ kéo dài nhiều năm để khán giả trong và ngoài nước trở nên quen thuộc với điểm diễn này. Bên cạnh việc lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất của từng đơn vị vào diễn ở Nhà hát Lớn, theo tôi Ban giám đốc của các nhà hát cũng nên lập đề án xây dựng những tác phẩm đỉnh cao để xứng tầm với vị trí và chức năng diễn tại Nhà hát Lớn. (Nghệ sĩ Quang Khải, Nhà hát Cải lương VN)
Lịch biểu diễn các chương trình, tác phẩm tại Nhà hát Lớn
Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 8 và ngày 1.9.2016 (Đợt biểu diễn chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I của Dàn nhạc Giao hưởng VN (30.8), vở kịch nói Biệt đội báo đen của Nhà hát Kịch VN (31.8), Chương trình Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực Năm cung chèo của Nhà hát Chèo VN (1.9) Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 9.2016 : Vở kịch nói Công lý không gục ngã của Nhà hát Tuổi Trẻ (10.9), Chương trình múa rối Nhịp điệu quê hương của Nhà hát Múa rối VN (21.9) Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 10. 2016: Vở múa rối Vũ điệu hoa quỳnh của Nhà hát Múa rối VN (28.10), Chương trình Hòa nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực của Nhà hát Tuồng VN (30.10), vở cải lương Vua Thánh triều Lê của Nhà hát Cải lương VN (31.10) Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 11.2016: Vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến của Nhà hát Tuồng VN (7.11), Chương trình Dạ khúc mùa thu của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN (24.11), vở chèo Xúy Vân của Nhà hát Chèo VN (27.11), Chương trình Hương sắc Việt Nam của Nhà hát Ca múa nhạc VN (30.11) Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 12.2016: vở Ba lê cổ điển Kẹp hạt dẻ của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN (9.12), vở kịch nói Hamlet của Nhà hát Kịch VN (14.12), Chương trình Nếp nhăn và Nụ cười của Nhà hát Ca múa nhạc VN (15.12), Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt II của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (16.12), vở kịch nói Ai là thủ phạm của Nhà hát Tuổi Trẻ (25.12). T.H |
Thúy Hiền
(Nguồn: Báo Văn hóa)