• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà hát Múa rối Việt Nam: 60 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc

30/12/2016 10:20

(Cinet) - “Tre già măng mọc” – các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã và đang từng bước viết tiếp trang sử vẻ vang của nhà hát, đóng góp công sức, chất xám để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối đắc sắc của dân tộc. Không dừng lại ở tuổi 60, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình và đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

(Cinet) - Nhà hát Múa rối Việt Nam được thành lập ngày 12/3/1956 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trở thành trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước.



Tự hào là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất nước 



Tiền thân là Đoàn múa rối Trung ương, đến nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, với nhiệm vụ phát huy nghệ thuật múa rối truyền thống và tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật múa rối thế giới, xây dựng nghệ thuật múa rối truyền thống và hiện đại.

Múa rối nước truyền thống. Nguồn: Nhà hát Múa rối Việt Nam

Thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, từ những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các nghệ sĩ Nhà hát đã xây dựng được nhiều tích, trò, vở diễn nhằm động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Cũng trong những năm tháng ác liệt đó, năm 1971, lần đầu tiên Nhà hát đã mở lớp đào tạo diễn viên múa rối nước nhằm phục hồi múa rối nước truyền thống. Những đóng góp của Nhà hát trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã khẳng định vai trò của nghệ thuật múa rối trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.



Sau 60 năm học tập, xây dựng và trưởng thành, tiếp thu tinh hoa của múa rối truyền thống, Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện nay là đơn vị đi đầu trong việc phục hồi nghệ thuật rối cổ, đồng thời nâng cao và phát triển nghệ thuật múa rối sân khấu dân tộc với nhiều thể loại, nhiều phong cách khác nhau như: rối nước, rối que, rối tay, rối dây, rối mặt nạ, rối sân khấu đen,…

Hình ảnh làng quê Việt Nam gần gũi trong mỗi vở rối. Nguồn: sankhau.com.vn

Khẳng định là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất cả nước, Nhà hát đã giúp đỡ các đoàn múa rối tại địa phương về kỹ thuật, nghệ thuật trình diễn… góp phần khôi phục lại một số phường rối cổ truyền tại Hà Tây, Hải Phòng, Hà Nội…



Đặc biệt trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, khi các loại hình nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, Nhà hát Múa rối Việt Nam là điểm sáng trong công tác gìn giữ những vốn văn hóa cổ của dân tộc, góp phần mang lại cho công chúng niềm tin, sự hy vọng, lạc quan về những gì tốt đẹp hơn, những bài học về Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín, lòng nhân ái, tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc; nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.



Múa rối trên con đường hội nhập



Đất nước đang trên con đường hội nhập và phát triển. Không nằm ngoài thời cuộc, cùng với sự thay đổi của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật múa rối Việt Nam nói chung và Nhà hát múa rối Việt Nam nói riêng, ngày càng được đổi mới nâng cao từ kịch bản, hình thức, kỹ thuật biểu diễn, tạo hình con rối, trang trí, ánh sáng... Từ đó, xây dựng nhiều tiết mục, nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả trong nước, đồng thời, mang nghệ thuật múa rối truyền thống của Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Tiết mục múa Sen Việt. Ảnh: Đăng Huy

Qua đó, quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu truyền thống, bản sắc văn hóa, giới thiệu vẻ đẹp chân chất, đậm chất Á Đông của người Việt với quốc tế trên con đường hội nhập. Nhưng hòa nhập chứ không hòa tan, nghệ thuật múa rối nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật truyền thống đóng vai trò quan trọng trong hành trình hội nhập của đất nước. Bởi đó chính là “hồn cốt”, là đặc trưng, là bản sắc của văn hóa Việt.



NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam từng chia sẻ, “khi có ý định mang vở diễn tham dự liên hoan quốc tế, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là chất liệu gì sẽ đại diện bản sắc Việt Nam trong đó. Đầu tiên thị giác nhìn vào là con rối, do đó, con rối phải được xây dựng mang đặc trưng bản sắc Việt”.

Giữ bản sắc Việt là vấn đề hàng đầu khi tham gia các liên hoan quốc tế. Ảnh: Đăng Huy

Anh khẳng định, “gìn giữ bản sắc Việt là vấn đề hàng đầu khi tham gia các liên hoan quốc tế, nói thế không có nghĩa các chương trình trong nước không có bản sắc, mà càng ở trong nước, bản sắc càng phải được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm bởi một bộ phận lớn khán giả của chúng tôi là các em thiếu nhi, trong đó hướng tới tính thẩm mỹ nghệ thuật, tính giáo dục và bản sắc thế nào để các em thấm dẫn từng chút một, để khi các em lớn lên sẽ trở thành những khán giả có niềm yêu thích với nghệ thuật truyền thống”.



Thật vậy, những chú Tễu, những trò diễn múa rối lấy đề tài từ làng quê của Việt Nam đã tham gia nhiều liên hoan múa rối tầm cỡ trên thế giới, phục vụ khán giả của nhiều quốc gia như: Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Nga, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Singapo, Thái Lan, Ý, Philipin, Đài Loan, Ấn Độ, … Đi đến đâu, các tiết mục, chương trình biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng giành được tình cảm, sự thán phục và ấn tượng tốt đẹp với khán giả dù cho ngôn ngữ bất đồng.



Đó là giải thưởng cao nhất (CUP) giải thưởng đặc biệt duy nhất Liên hoan Múa rối Quốc tế tại Praha - Tiệp Khắc năm 2002, Huy chương vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất - Hà Nội năm 2008, giải thưởng cao nhất tại Lễ hội múa rối thế giới Bangkok-Thái Lan năm 2014 và gần đây nhất là Huy chương vàng Liên hoan Múa rối Quốc tế lần IV - HN 2015…



Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh     



Góp phần vào những thành công của Nhà hát Múa rối Việt Nam là sự nỗ lực, đóng góp công sức tìm tòi, sáng tạo dàn dựng và biểu diễn các vở diễn của các nghệ sĩ của Nhà hát. Đối với loại hình nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ thường ẩn mình sau bức mành thưa, dấu người, dấu mặt, chẳng xưng danh, không son phấn, không cân đai áo mũ, chỉ có đôi tay tài hoa mà làm nên điều kỳ diệu. Đôi bàn tay thổi hồn vào những con rối để khiến những con rối vô tri trở nên sống động, tài tình.

Hình ảnh trong vở diễn "Tò he". Nguồn: Nhà hát Múa rối Việt Nam

Trong dòng chảy của thời đại, các nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo với những thử nghiệm mới để đưa múa rối lên một bước cao hơn, đáp ứng thị hiếu đa dạng của công chúng. Múa rối nước ngày nay không còn dừng ở 16 trò diễn cổ mà đã được cách tân, được lồng ghép yếu tố nghệ thuật đương đại, có sự kết hợp giữa sân khấu rối nước với sân khấu rối cạn, thậm chí kết hợp cùng nghệ thuật sắp đặt, cùng nhạc điện tử như vở “Hồn quê” - một trong những tác phẩm đột phá trong nghệ thuật múa rối. Bên cạnh đó, nhiều loại hình múa rối đã ngủ quên rất nhiều năm, hiện nay đã trở lại ánh đèn sân khấu như rối dây, rối que. Nhắc đến thể loại rối dây không thể không nhắc đến “Vũ điệu hoa quỳnh” với thành công vang dội tại Liên hoan Liên hoan Múa rối Quốc tế lần IV - HN 2015.



Tiếp nối những thành công của lớp lớp nghệ sĩ nhà hát trong 60 năm qua, trên con đường phát triển của Nhà hát thời gian tới, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương cho biết, “đó thực sự là áp lực với chúng tôi, nhưng nghệ thuật luôn cần có những áp lực để chuyển mình, đó là cái mà tôi suy nghĩ. Việc đầu tiên chúng tôi sẽ cũng suy nghĩ xây dựng thêm những tác phẩm chất lượng. Tôi hy vọng những tác phẩm mới sẽ đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cũng như kỳ vọng của khán giả những năm tới”.

Tiết mục "Múa công". Ảnh: Đăng Huy

“Không có gì bằng là tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát được đến với công chúng, bằng cách nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chỉ duy nhất một mục đích là mang nghệ thuật đến khán giả và được khán giả đón nhận, đúng với chất lượng nghệ thuật của một nhà hát quốc gia, đại diện cho nền nghệ thuật múa rối Việt Nam”, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.



Chúng tôi đang thừa hưởng từ các cụ tổ nghề một nghệ thuật rối nước quá độc đáo, và phải gìn giữ, trân trọng, phát triển nó để viên ngọc quý đó tỏa sáng qua các thế hệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có múa rối cạn, hiện nay đang phát triển tốt. Chúng tôi đang thừa hưởng truyền thống làm nghề của thế hệ đi trước, những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành rối Việt Nam. 60 năm, nhiều thế hệ đã trưởng thành và thành danh, họ đã để lại cho chúng tôi “di sản” là truyền thống làm việc, làm nghề.



Tin tưởng vào thế hệ kế cận của nhà hát, NSND Nguyễn Tiến Dũng khẳng đinh: chúng tôi tự tin nói rằng Nhà hát đã có một thế hệ kế cận rất tốt, tôi đặt niềm tin ở các em. Hiện nay các em đã trở thành những nghệ sĩ rất bản lĩnh, rất có nghề, rất nhiệt huyết, có tâm với nghề. Ở sân khấu như chúng tôi, một sân khấu đặc thù, sân khấu truyền thống, việc có những thế hệ kế cận nhiệt huyết, có tâm với nghề rất đáng trân trọng. Chúng tôi đang lui dần vào hậu trường, giành hết sức hỗ trợ để các em đứng vững hơn trên con đường nghề nghiệp.



“Tre già măng mọc” - các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã và đang từng bước viết tiếp trang sử vẻ vang của Nhà hát, đóng góp công sức, chất xám để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối đặc sắc của dân tộc. Không dừng lại ở tuổi 60, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình và đồng hành cùng lịch sử dân tộc.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ