(Tổ Quốc) - Giải pháp đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân thông qua nhà hát online, sân khấu online là cách thức phù hợp nhất trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, vừa khiến đời sống của nghệ sỹ và các đơn vị nghệ thuật gặp khó, vừa khiến khán giả thiếu hụt những món ăn tinh thần ý nghĩa. Giải pháp đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân thông qua nhà hát online, sân khấu online là cách thức phù hợp nhất để đưa nghệ thuật đến với khán giả. Bộ VHTTDL đã tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật online với chủ đề: San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch".
Nhân dịp lên sóng Chương trình với tên gọi Cháy lên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí.
+ Thưa Thứ trưởng Tạ Quang Đông, được biết Bộ VHTTDL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức chuỗi chương trình nghệ Nhà hát online. Ông có thể cho biết rõ hơn về mục đích thực hiện chuỗi chương trình này?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn (NTBD) không thể tổ chức biểu diễn, các diễn viên không có việc làm, nhà hát đóng cửa, các sự kiện văn hóa nghệ thuật không thể tổ chức. Đời sống văn hóa nghệ thuật của xã hội bị đi xuống, vắng bóng các chương trình lớn, có chất lượng. Do đó cần phải tìm những hướng đi mới để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả, truyền tải những thông điệp, xây dựng các chương trình để tuyên truyền cổ vũ tinh thần toàn dân chống dịch.
Ngay từ cuối năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kênh NTBD Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là những bước đi đầu tiên để thử nghiệm. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp trong thời gian đó.
+ Được biết ý tưởng "sân khấu truyền hình" là hướng đi mới, vậy trong quá trình triển khai chúng ta có gặp khó khăn hay có những thuận lợi gì không thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Sân khấu truyền hình là cách thức quảng bá tới đông đảo công chúng và tạo cơ hội để nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo thể hiện niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đây là cách thức, hướng đi mới để khắc phục khó khăn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh nên cần quãng thời gian thử nghiệm và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Tháng 6/2021, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai hình thức thu phát hoặc ghi hình trực tiếp các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình. Chúng tôi rất cám ơn Đài Truyền hình Việt Nam, kênh truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam... và một số đài phát thanh- truyền hình tỉnh, thành phố đã đồng tình ủng hộ và phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát.
Trong đó, Cục nghệ thuật biểu diễn sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn, tổ chức luyện tập để giới thiệu những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập phù hợp với thời lượng và điều kiện đặc thù của phát sóng truyền hình.
Các chương trình lên sóng đã được thực hiện từ tháng 7, ví dụ vở tuồng "Trung thần" của Nhà hát Tuồng Việt Nam; chương trình nghệ thuật "Những ngôi sao bất tử" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc...
Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thì lĩnh vực điện ảnh trong tháng 8 cũng đã được Đài truyền hình Việt Nam bố trí sóng để phát 10 phim tài liệu và hoạt hình.
+ Bộ VHTTDL coi đây là giải pháp ứng phó nhất thời trong bối cảnh dịch bệnh hay sẽ triển khai lâu dài ổn định về sau, thưa ông?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp "đóng băng", mà là xu thế của thời đại mới để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Nhà hát Truyền hình tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa mạnh hơn tới nhiều tầng lớp khán giả cho chương trình, vở diễn.
Hình thức Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ không loại trừ hình thức nhà hát truyền thống trình diễn trước khán giả mà sẽ tồn tại song song, phục vụ có hiệu quả đồng thời khán giả trực tiếp đến sân khấu, khán giả qua màn ảnh nhỏ hoặc trên các phương tiện thu phát số khác.
+ Ông có thể chia sẻ điều gì đặc biệt ở chuỗi chương trình "San sẻ yêu thương, Vượt qua đại dịch"?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Dự kiến nhà hát online sẽ giới thiệu 24 chương trình, vở diễn cho tới cuối năm 2021. Với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc Bộ và lực lượng nghệ sỹ diễn viên tài năng nhất trong cả nước, các chương trình nghệ thuật này sẽ là những chương trình, vở diễn tiêu biểu với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương), múa rối, xiếc, cho đến các thể loại âm nhạc, múa đương đại, dân gian, dân tộc hay cổ điển châu Âu như giao hưởng, nhạc kịch, ballet...
Bên cạnh đó chúng tôi cũng bắt đầu ghi hình và phát sóng chuỗi 12 chương trình biểu diễn, đối thoại với sự tham gia của các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên trong lĩnh vực nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài trên các kênh youtube của Cục nghệ thuật biểu diễn.
+ Xin cảm ơn ông!