(Tổ Quốc) - Sáng 8/8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai đã đến khu vực hồ Đông Thanh, huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra, khảo sát tình hình sạt trượt đất tại dự án đang thi công này.
Theo đó, đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn cùng với Cục thủy lợi, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực địa chất đã đến trực tiếp địa phương để xem xét tình hình sạt lở tại đây.
Các chuyên gia nhận định, sạt trượt đất ở dự án thi công hồ chứa nước gần 500 tỷ đồng này không hẳn do mưa mà do khu vực này nằm trong cung trượt. Khu vực này trước đó đã xuất hiện một số vết trượt trên núi cùng một cung sạt trượt khi thi công. Thời điểm xảy ra sạt trượt đất gây sạt đổ nhà của một số hộ dân xung quanh.
Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, Dự án hồ chứa nước Đông Thanh có vốn đầu tư gần 500 tỷ, lòng hồ rộng 25,3 ha và đang trong giai đoạn thi công. Khi hoàn thành, hồ sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 700 ha đất nông nghiệp và 7.500 hộ dân trên địa bàn.
Đầu tháng 7, sau một số cơn mưa lớn, xung quanh dự án này phát sinh 2 điểm sạt trượt, 9 hộ dân ảnh hưởng, trong đó có 6 hộ có nhà ở phải di dời đến chỗ ở tạm thời khác để đảm bảo an toàn do sân nhà bị sụt lún, tường bị nứt toác những vết to và dày có nguy cơ sụp đổ.
Người dân cho biết, không chỉ khu vực nhà ở của hộ bị sụt lún nghiêm trọng, mà ở các ngọn đồi xung quanh, nơi đang canh tác nông nghiệp cũng bị sạt. Tình trạng này khiến cuộc sống họ bị đảo lộn.
Căn nhà xây 3,7 tỉ đồng bị sụt lún nghiêm trọng không thể ở sau 2 tháng tân gia
Ông Nguyễn Văn Thắng (xóm 2, thôn Đông Anh, xã Đông Thanh) cho biết, gia đình vừa dựng nhà hết 3,7 tỷ đồng, dọn vào ở chưa được 2 tháng thì bây giờ nhà nứt toác, không thể ở. Đang phải đi ở nhờ cách đây 3km.
Liên quan đến cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết, đoạn dốc số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm. Ngoài ra, đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60cm, tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên phải bị đẩy đổi 60cm, khu vực thi công cũng xuất hiện vết nứt rộng 20-30 cm.
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Đỗ Văn Đam, xóm 2, thôn Đông Anh, Đông Thanh cũng ngổn ngang vết nứt
Sau khi khảo sát thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu nguyên nhân chính sụt lún ở khu vực này không phải do mưa, vì lượng mưa tháng qua khu vực này thấp. Mà do địa chất khu vực này có một cung sạt trượt. Bên hồ chứa nước đang thi công có một số vệt trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Khi dự án thi công cùng với nhiều nguyên nhân khác tác động tới, khiến cung sạt trượt này diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại cho công trình và tài sản của người dân.
Hiện tỉnh đã bố trí khoan 15 mũi khoan để khảo sát. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định rõ nguyên nhân, vị trí, từ đó có giải pháp xử lý. Còn trước mắt, tỉnh Lâm Đồng phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng không trượt nữa. Việc đầu tiên là xử lý hệ thống thoát nước bề mặt và thoát nước ngầm để cho nước không tác động vào cung trượt này, ổn định địa chất, sau đó mới có thể tính tiếp các bước tiếp theo.