(Tổ Quốc) - Tết Nguyên đán là lễ Tết cổ truyền thiêng liêng và trọng đại của dân tộc ta, Tết bắt rễ sâu xa trong đời sống tinh thần và tình cảm của người dân Việt Nam bởi mọi người đều coi Tết là thời điểm thiêng liêng kết nối trời với đất, cõi âm với cõi dương, lịch đại tổ tiên với con cháu hiện tồn và hơn hết thảy là nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, với bạn bè thân hữu, với láng giềng chòm xóm, với cộng đồng xã hội…
Tết là cuộc Lễ quan trọng nhất của dân tộc ta nhưng theo thời gian và những sự biến đổi của lịch sử, Tết nói chung và những tập tục diễn ra trong ba ngày Tết Bảy ngày xuân đã không ngừng thay đổi và phai nhạt. Do vậy, ngày nay những câu hỏi về ý nghĩa và nguồn cội của Tết là những điều cần nhắc lại trong mỗi dịp Tết cổ truyền này của người Việt.
Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, chương trình "Ngàn năm phong hóa Tết" được tổ chức lấy ý tưởng từ: Tết là một lễ thức có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, Tết được coi là một phong tục quan trọng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hơn hết, Tết thu tóm được những tinh hoa văn hóa nghệ thuật và mang yếu tố tâm linh đặc biệt thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.
Mong chờ Tết cũng như chờ đón khoảnh khắc tống cựu nghinh tân, chờ đón nhiều điều khởi sắc mới và họp mặt đoàn tụ của tình thân.
"Ngàn năm phong hóa Tết" là chương trình do UBND TP. Cao Lãnh, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Đường Sách TP. Cao Lãnh, Cty CP Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo người dân và học sinh tham gia.
Tết là gì? Tại sao có Tết? Một số tập tục về Tết như: Cúng Ông Táo, Dựng cây Nêu, Rước Ông Bà, Lễ vật dâng Tết phải có, Chuyện linh tinh về Tết (bông hoa, bánh trái, trà nước, sinh hoạt, vui chơi…). Bàn về Tết Ta - Tết Tây. Tết hiện nay…
Tết cả là lễ hội chuyển mùa và có nội dung đa chức năng, bao gồm việc tế tự trời đất, thần linh, tổ tiên cùng với việc trừ tà, trấn trạch cầu an và đồng thời đây cũng là dịp đoàn viên gia đình, ăn uống, vui chơi giải trí, tham dự các trò chơi tranh tài, thể dục thể thao. Rõ ràng việc xác lập nên một Tết cả như vậy là một quá trình đổi thay và tích hợp các tín lý, nghi thức tế tự cùng các hoạt động vui chơi và ăn uống.
Tết còn đáp ứng nhu cầu xã hội. Tết đoàn viên hiểu theo nghĩa đây là dịp liên kết các thành viên của gia đình, gia tộc và mở rộng ra chòm xóm, cộng đồng, thân hữu. Một mặt, nó có hiệu năng hòa giải tạm thời những điều trái ngược/ xung đột, củng cố và tân trang các mối quan hệ, khắc phục sự cô đơn của từng người bằng bằng hơi ấm của tất cả.
Tết là dịp thư giãn, gác lại sự bon chen danh lợi để nghỉ ngơi, giải trí để cùng nhau tham dự vào các trò chơi, trò diễn, các cuộc tiệc, những bữa ăn tập thể thân tình…
Tết ở mỗi vùng miền sẽ có khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản đều có những điểm chung nhất định.
Tết cũng như các lễ hội khác, cũng không ngừng đổi mới, không nằm ngoài quy luật thay đổi theo thời gian. Hệ quả là có những cái còn bảo lưu, có những cái đã mai một và những cái được đổi mới.
Những năm vừa qua, chúng ta thường thấy xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược xung quanh việc liệu có nên thay đổi ngày Tết truyền thống, hay đề xuất bỏ hẳn Tết Âm lịch để gộp chung kỳ nghỉ với Tết Dương lịch.
Qua câu chuyện "Ngàn năm phong hóa Tết", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cố gắng khơi gợi ở những người trẻ một cái nhìn nghiêm túc, khoa học hơn khi bàn về vấn đề những thay đổi trong văn hóa, trong đó có Tết. Chúng ta cần hiểu thấu đáo về văn hóa truyền thống và những cái mới thì mới có thể tổng hợp mới - cũ. Từ đó, có thể đưa ra những nhận định có căn cứ, khoa học, thực tiễn.
Tại sao lại bàn về Tết Tây - Tết Ta và liệu có sự so sánh gì ở đây? Câu hỏi này phần nào đã được nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng giải đáp: "Tết là sự kiện văn hóa tiêu biểu nên nó cũng được phát triển theo quy luật chung. Văn hóa ở đó như chúng ta biết có hai đặc điểm cơ bản là luôn thay đổi và có thể học tập được. Ở mỗi tọa độ địa lý lịch sử, người ta luôn phải tiến hành việc tổng hợp mới - cũ và tích hợp nội - ngoại để xác lập lên cơ cấu văn hóa đương đại cho cộng đồng mình".