• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà quê của ‘lão’ Chu

Du lịch 04/08/2017 05:58

(Tổ Quốc) - Vâng, gọi là ‘lão’ cho đúng với từ mà người ở quê vẫn thường dành cho những ai mà họ ganh tị hoặc cho những người ở độ tuổi ngoại lục tuần chứ thực ra ‘lão’ rất được lòng mọi người ở cái thôn An Thái ven thị này.

Và nhà của “lão” là nhà ở quê chính hiệu, hay nôm na người trẻ thời nay vẫn bảo đồ nhà quê nhưng lại hơn mấy lần nhà Hà Nội. Đó là ngôi nhà theo phong cách cổ nhưng tiện nghi hơn nhiều bởi chủ nhà là người có ‘gu’, lại là ‘gu xịn’ bởi nhìn những gì ông có thì ối kẻ thèm.

Khuôn viên nhà đón trọn cổng vào đầu thôn An Thái. Từ xa xa thấp thoáng sau lũy tre làng là ngôi nhà ngói đỏ mang dáng dấp một ngôi nhà đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Chỉ khi còn dăm chục mét đến nhà mới thấy rõ sự hiện đại lẫn phá cách nhưng vẫn không bị mất đi những âm hưởng của xóm làng.

Chiếc ống khói lộ cao lên trên nền mái ngói đỏ là một minh chứng cho những gì thường thấy của một ‘đông-tây-y’ kết hợp.

Chiếc cổng sắt cầu kỳ sơn xanh rêu sẫm màu, trước khi bước qua cổng chủ nhà có đề trên viên đá lớn câu chào đón khách. Cũng xin tiết lộ thêm về sự thú vị của chiếc cổng này, đó là ở phía sau cánh cổng, trên đường ra, khách sẽ nhìn thấy dòng chữ bình an như một lời nhắn nhủ, cảm tạ mà chủ nhà dành cho khách quý.

Thích nhất vẫn là những khóm hồng quế đỏ phô hương khoe sắc thu hút ong bướm dập dìu. Lại là loài hoa mà ở Hà Nội giờ cũng hiếm nên khách cứ gọi là trầm trồ thích thú.

Là người tiết kiệm nên thẳng cổng vào qua một lối đi mà hai bên trồng cau, trầu, chủ nhà cho làm một chiếc nhà như chiếc chòi gác cổng, cũng là một phòng nhỏ đầy đủ mọi thứ cần thiết với cầu thang uốn lượn đi lên trên cao, dẫn vào cái nơi mà từ đó có thể bao quát được mọi diễn biến xảy ra quanh nhà.

Vượt qua nhà chòi là khu nhà dành cho người làm, có 3 buồng, tiện cho một gia đình ở. Họ cũng là những người họ hàng với chủ nhà, nghe đâu chủ nhà vừa muốn tạo thêm công ăn việc làm, lại cũng là để giúp đỡ người thân khi có điều kiện.

Một khoảnh sân nhỏ ngăn cách ngôi nhà chính với cái ao nhỏ mà theo chủ nhà giới thiệu thì đó là tác phẩm phong thủy do ông bạn thân chỉ cách làm, như để tăng thêm sự thoáng mát, đưa hương từ cánh đồng lúa đang độ chín vàng vào khu nhà.

Mọi sự đầu tư tập trung vào ngôi nhà chính mà chủ nhà cho trồng hoa tiêu vàng bao quanh hai phía đầu nhà, vừa tạo bóng mát, vừa là làm đẹp cho khuôn viên ngôi nhà. Thêm một điểm cộng là ở vùng đất này, có lẽ hoa hợp đất hợp khí nên cứ đua nở, hết đợt này lại đến đợt khác phủ kín những mảng lá xanh. Những điểm bên ngoài ngôi nhà như xóa hẳn cái không gian bên trong được thiết kế một cách thôn dã, với cả một không gian rộng không tường ngăn cách, đặt trọn bộ bàn ghế tiếp khách và chiếc sập gụ bày đúng theo phong cách của người quê mình.  

 

Thế nhưng cái góc quê kiểng nhất trong khu nhà lại chính là mảnh vườn trồng đủ thứ rau, điểm mặt đọc tên vào cái mùa lạnh miền Bắc này thì có su hào, cải bắp, hoa lơ, luống rau ngót quế mà mùa đông vẫn xanh màu lá bởi vài ba năm nay đông ít lạnh nên rau mùa hè vẫn có thể trồng cả vào mùa lạnh được. Và cái thói ăn chơi ở thành thị vẫn len lỏi vào cái nhà ở quê của ông, hiển thị ở chỗ trong vườn ông dành hẳn một luống đất để trồng rau thơm mùi hành, mùi tàu rau diếp… Chỉ vào vườn rau xanh mướt này ông nói, rau do người làm trồng, vừa ăn, vừa cho mọi người, ở đây mọi người sống chan hòa, con người thật thà mà tốt bụng, cái nhà mình có nhà khác không có thì có thể cho lẫn nhau, mà hay là không câu nệ như ở thành phố cứ phải có đi có lại. Quý lắm, quý là quý ở cái tình người, tình làng nghĩa xóm.

Nói mãi mà cũng quên cả phần giới thiệu vắn về chủ nhà. Chủ nhà đó là ‘lão’ Chu rồi, và ‘lão’ Chu nguyên là Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một thời mà hồi đương chức, đôi lần gặp được ông kể cho ý tưởng xây nhà ở quê để hưu rồi thì về đó, xa chốn đô thị phồn hoa náo nhiệt. Là người thế hệ sau, người viết cứ cười, bảo giờ người ta đổ dồn về Hà Nội chả hết, “chú” lại về quê thì ngược dòng người quá…  

Ấy thế mà ông về thật, hưu cái là vắng mặt ở Hà Nội. Lại còn ‘định cư’ hẳn ở quê nữa chứ.

Hồi gặp ông trong dịp Tết nguyên đán, được ông mời vào chơi nhà mới thấy rõ cái lý của ông. Cái lý của người suy nghĩ sâu sa chứ không phải cái bọn lau nhau như lứa chúng tôi. Cơ ngơi khang trang, chả thua kém Hà Nội xịn mà lại có cả hương thơm của mỗi mùa lúa chín. Có cả mùi rơm rạ lẫn khói bếp mỗi nhà khi nấu bữa. Làng ông ở cũng sạch sẽ lắm, đường bê-tông vào tận ngõ nhưng vẫn giữ được nét xưa, nhiều tre, nhiều cau, thỉnh thoảng lại có cái ao nhỏ trong thả đầy hoa súng, hoa trang trắng muốt mà đến mùa là cứ rưng rức đỏ, tinh khiết trắng. Rồi lũ vịt tranh thủ cạc cạc tìm nhau, tranh thức ăn, lũ chó đua nhau sủa khi thoáng có bóng khách… mùi vị và âm thanh sao ấm áp đến thế.

Trộm ước, mình cũng có một nhà ‘quê’ như ông để mà về.

Mây Kính

NỔI BẬT TRANG CHỦ