(Tổ Quốc) - Nhà sàn Bác Hồ- ngôi nhà nhỏ đơn sơ không chỉ là minh chứng về cuộc đời giản dị của một CON NGƯỜI vĩ đại mà còn là địa chỉ đỏ trong giáo dục đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Việc gìn giữ những di sản Hồ Chí Minh để những di sản đó còn phát huy giá cho muôn đời sau là tâm nguyện của Đảng, Nhân dân.
- 15.05.2018 Tháng 5 về với Đường Xoài hoa trắng
Mỗi năm, gần 3 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội nói chung và Nhà sàn Bác Hồ nói riêng. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ để các chi bộ, đảng bộ, các cơ sở Đoàn, cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện lễ báo công, kết nạp Đảng, sinh hoạt chính trị… trong việc giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhà sàn Bác Hồ đã đón hơn 70 triệu lượt khách trong 49 năm qua |
Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản về cuộc sống sinh hoạt của Người trong những năm tháng sống cuối đời mà còn thể hiện được tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hoà bình và tiến bộ của nhân loại, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái Nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.
Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt như vậy, nhiệm vụ nặng nề của đội ngũ làm việc tại Khu di tích là bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Khu di tích nói chung và di tích Nhà sàn nói riêng nhằm phục vụ tốt nhất công tác tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, công tác bảo quản Di tích được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày, kết hợp giữa bảo quản thông thường với bảo quản khoa học để vừa bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật, vừa phục vụ khách tham quan di tích. Tính đặc thù của công tác bảo quản di tích ở đây là vừa bảo quản tài liệu, hiện vật trong ngôi nhà, lại vừa bảo quản chính bản thân ngôi nhà đó và môi trường cảnh quan chung quanh. Hơn nữa, Khu di tích lại nằm trong một khu vườn có nhiều cây cối, một điều kiện hết sức thuận lợi cho côn trùng mối, mọt, sâu bệnh hại hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến tài liệu, hiện vật di tích. Khu di tích còn có tích đặc thù riêng nữa khác với các di tích khác là công tác bảo quản được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách thăm quan.
Lượng khách vào thăm Khu di tích đông, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cao cấp trên thế giới, do vậy công tác bảo quản không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường khác. Các tài liệu hiện vật trong di tích luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người. Trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản di tích lại còn hạn chế, nhất là đối với di tích Nhà sàn thì việc áp dụng kỹ thuật công nghệ mới để bảo quản là rất khó (Cho đến thời điểm này di tích Nhà sàn vẫn đang được bảo quản trong điều kiện môi trường khí hậu tự nhiên; không nhà kính, không điều hoà nhiệt độ, không máy hút ẩm, không công nghệ khí khô). Đó là những khó khăn, phức tạp của công tác bảo quản di tích và lãnh đạo Khu di tích luôn phải quan tâm giải quyết.
Gìn giữ, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh cho muôn đời sau là tâm nguyện của Đảng, Nhân dân |
Chia sẻ về những khó khăn trong bảo tồn quản lý di sản Nhà sàn Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) cho biết: Bên cạnh tác động của điều kiện tự nhiên ở Hà Nội như nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao… những yếu tố tác độg rất lớn đến các hiện vật làm bằng chất liệu gỗ, mây, tre, giấy, dệt… thì sự chênh lệch nhiệt độ lớn: mùa hè nắng nóng, mùa đông lạnh… cũng sẽ làm hiện vật cong vênh, nứt và nấm mốc phát triển.
Ngoài ra, ánh sáng cũng tác động rất lớn đến các vật liệu gỗ. Độ âm cao cũng chính là điều kiện thuận lợi để loài mối phát triển, đe dọa đến các hiện vật, Nhà sàn và Khu Di tích.
Bà Nguyễn Thị Xuân (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) cho rằng, bảo quản di tích, hiện vật trong Khu Di tích phải đảm bảo công tác bảo quản phòng ngừa: đối với môi trường, không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; đối với côn trùng và động vật gây hại; đối với thiên tai, hỏa hoạn và tội phạm phá hoại. Trong 49 năm qua, nhiều thế hệ đã góp công sức để gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn những di vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo quản cũng cần khắc phục như: Đầu tư đúng trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo quản, ưu tiên ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật; mở rộng giao lưu, hợp tác trao đổi và thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phục vụ cho công tác bảo quản di tích; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ bảo quản có chuyên môn chuyên sâu, thông thạo ngoại ngữ, tin học… để công tác bảo quản được hiệu quả.
49 năm đã trôi qua với biết bao biến thiên của tự nhiên nhưng các thế hệ nối tiếp nhau của Khu di tích vẫn trăn trở, nghiên cứu, đưa ra các giải pháp gìn giữ, bảo quản tốt nhất, thuận lợi và phù hợp cho công tác bảo quản hiện vật như hiện nay. Luôn đặt lên trên hết việc giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo tồn với phát huy giá trị di tích phục vụ khách tham quan với hơn 70 triệu lượt khách tham quan trong 49 năm qua. Nhà sàn là điểm di tích quan trọng tạo nên giá trị và sức hấp dẫn đặc biệt của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc./.