• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tác động trực tiếp của Đề cương về Văn hóa Việt Nam là thu hút sự quan tâm rất lớn của lực lượng tinh hoa, trí thức

Văn hoá 18/02/2023 08:00

(Tổ Quốc) - Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mục tiêu của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ đơn giản là kêu gọi chống đế quốc, phong kiến mà phải huy động lực lượng nào tham gia vào thời điểm lịch sử đó. Đồng thời, sau khi giành được chính quyền thì chúng ta sẽ xây dựng nền văn hóa nào.

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023), Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển".

Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử ra đời cũng như những giá trị cốt lõi của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc.

- Thưa ông, 80 năm trước, vào năm 1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được Đảng ban hành. Ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của Đề cương về Văn hóa Việt Nam?

+ Nói về Đề cương Văn hóa Việt Nam chúng ta phải nhớ đến dấu mốc năm 1943, đó là thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang đứng trước cơ hội thực hiện mục tiêu không chỉ đánh đổ chế độ phong kiến, đế quốc, quan trọng hơn là sau mục tiêu ấy sẽ xây dựng một chế độ dân chủ mới, một đất nước Việt Nam độc lập.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tác động trực tiếp của Đề cương về Văn hóa Việt Nam là thu hút sự quan tâm rất lớn của lực lượng tinh hoa, trí thức - Ảnh 1.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện quan trọng của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước.

Tôi nhớ sau này, trong dịp kỷ niệm 40 năm ra đời bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã phát biểu rằng, vào thời điểm ấy, Đảng chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận với những vấn đề lớn về văn hóa dân tộc, cũng như chưa có đầy đủ về quan điểm chính trị, đường lối, lý luận, thế nhưng văn kiện đó cực kỳ quan trọng bởi tính thời điểm lịch sử của nó.

Có nghĩa là, mục tiêu của văn kiện lúc đó không chỉ đơn giản là kêu gọi chống đế quốc, phong kiến mà phải huy động lực lượng nào tham gia vào thời điểm lịch sử đó. Đồng thời, sau khi giành được chính quyền thì chúng ta sẽ xây dựng nền văn hóa nào.

Nhìn lại thời điểm năm 1943 có những biến chuyển rất lớn, ở quốc tế thì chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, lan rộng sang cả châu Á, Thái Bình Dương, lúc đó nhiều cường quốc tham gia và nhiều tổ chức chính trị cùng xuất hiện. Trong bối cảnh đó, tại đất nước ta cùng lúc cả Pháp và Nhật đều có mặt. Pháp là thuộc địa cũ của mình, đang tìm mọi cách củng cố và khẳng định chỗ đứng "kẻ thống trị".

Chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa từ Nhật. Phát xít Nhật vào Việt Nam không phải ngay từ đầu nhưng đã để lại những dấu ấn khiến không ít lực lượng chính trị ở xã hội Việt Nam nghĩ đến mối liên hệ "đồng trị, đồng văn" như thời kỳ Đông Du.

Cho nên làm thế nào để tách bạch giữa tất cả những bản chất ấy trên lĩnh vực Văn hóa đó chính là điều hết sức quan trọng, là cốt lõi của mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam độc lập. Chính vì thế, nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam luôn đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu. Dân tộc không chỉ bao gồm đánh đuổi thực dân mà còn cả vấn đề xây dựng nền Văn hóa như thế nào.

Đó là chưa nói đến việc là làm sao huy động, kết tinh nguồn lực văn hóa, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ - đội ngũ cực kỳ quan trọng, quyết định cuộc cách mạng của dân tộc giành chính quyền từ thực dân Pháp và đánh đuổi phát xít Nhật.

- Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam thời điểm ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thưa ông?

+ Tác động trực tiếp của nó là thu hút sự quan tâm của lực lượng rất quan trọng đó là lực lượng tinh hoa, trí thức của quốc gia. Lực lượng đó có thể nằm ở trong nhiều tầng lớp xã hội khác nhau như quan lại, thượng lưu và cho đến tầng lớp bình dân, đặc biệt lực lượng thanh niên - lực lượng tinh hoa của nền văn hóa mới. Chính họ là lực lượng rất quan trọng trong việc tập hợp quần chúng nhân dân.

Tôi lấy ví dụ, một lực lượng tham gia tích cực vào thời kỳ tiền khởi nghĩa đó là lực lượng truyền bá quốc ngữ. Từ những chủ trương đúng của Đảng cộng sản Đông Dương, đội ngũ trí thức đã thành lập lực lượng truyền bá quốc ngữ và tạo được uy tín rất lớn, giúp tập hợp được Nhân dân.

Chúng ta có thể thấy, trong cuộc cách mạng tháng 8/1945, như ở Hà Nội, những lực lượng năng động nhất bên cạnh hạt nhân lãnh đạo của những người chiến sĩ cộng sản, hay những người trên mặt trận Việt Minh, cùng với các lực lượng chính trị, xã hội khác thì đó là lực lượng truyền bá quốc ngữ như hướng đạo sinh, tổng hội sinh viên.

Chúng ta thấy, sau Đề cương Văn hóa Việt Nam, các tổ chức đã tập hợp được đội ngũ trí thức này. Đặc biệt là các tổ chức nằm trong văn hóa cứu quốc được thành lập như tờ báo Tiền phong nhằm hô hào, phát động đến Nhân dân. Vào thời kỳ đầu, những hoạt động văn hóa nghệ thuật đã trở thành động lực để tập hợp nhân dân. Những bài hát, vở kịch của các nghệ sĩ đã tập trung vào không khí xã hội lúc đó, sau này có những tác phẩm trở thành tiền thân, tiền đề của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, trong thời gian rất ngắn, nhưng bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đi vào trong đời sống thực tiễn. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng nhắc lại, văn kiện đó chỉ 1.500 chữ, dù chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu, nhận thức đầy đủ nhưng đã được đặt trên cơ sở nền tảng, tư tưởng chính trị của thời kỳ đó, động lực lớn nhất đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cho nên, nguyên tắc đầu tiên được đưa ra trong văn kiện này đó là mục tiêu dân tộc, trong đó gồm cả tình yêu đất nước và cả xây dựng nên văn hóa mới như thế nào khi đất nước giành được độc lập.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tác động trực tiếp của Đề cương về Văn hóa Việt Nam là thu hút sự quan tâm rất lớn của lực lượng tinh hoa, trí thức - Ảnh 2.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bản Đề cương cũng đã phát huy ngay lập tức kể cả trong quá trình chúng ta giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới. Một trong những sự kiện chính trị quan trọng đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức sau một năm khi cách mạng thành công, điều đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước

- Thưa ông, trải qua thời kỳ chiến tranh và đổi mới, xây dựng kiến thiết đất nước, điều gì khiến cho bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị?

+ Có thể thấy, bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đúc kết nguyên tắc cơ bản của nền Văn hóa Việt Nam đó là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng". Tuy nhiên, tôi cho rằng đến thời điểm này chúng ta cũng cần phải linh hoạt hơn trong việc vận dụng những nguyên tắc cơ bản đó.

Bởi, thuật ngữ và ngôn từ như vậy nhưng nó cũng phải trưởng thành, thay đổi theo kịp thời đại. Tôi nghĩ đến bây giờ, bản đề cương vẫn không cũ, chỉ có điều chúng ta hiểu dân tộc như thế nào trong thời kỳ mà chúng ta đã giành được độc lập.

Gàn 80 năm qua, chúng ta đã phải bảo vệ những nguyên tắc đó bằng biết bao xương máu để xây dựng chế độ xã hội mới với mục tiêu làm cho đất nước hùng cường, văn minh. Nhưng khi chúng ta hội nhập với thế giới thì nhận thức về vấn đề dân tộc sẽ được hiểu như thế nào. Rõ ràng, nội hàm của dân tộc đã không còn như buổi ban đầu nữa.

Về vấn đề đại chúng, có thể thấy rằng đại chúng là văn hóa của người dân, do người dân làm nên, cho nên rõ ràng hạt nhân là tinh thần dân chủ, làm thế nào cho người dân vừa là chủ nhân vừa là người hưởng thụ, phải làm cho văn hóa trở thành sự nghiệp của nhân dân. Tôi cho rằng những nguyên tắc đó không có gì là cũ cả, vẫn còn nguyên giá trị.

Hay như với tính khoa học, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trên toàn cầu. Chúng ta phải theo kịp, ứng biến, thích nghi với nó nhưng đồng thời vẫn phải sáng tạo, xây dựng cái riêng cho mình.

- Đến nay, nền văn hóa Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi để thích nghi với thời cuộc và hội nhập quốc tế. Chúng ta cần vận dụng và phát huy những điều gì từ bản Đề cương này để Văn hóa Việt Nam thực sự đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc?

+ Tôi nghĩ câu hỏi này là câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đang đi tìm câu trả lời. Cuộc sống thay đổi và phát triển rất nhiều, mong muốn của người dân và các nhà lãnh đạo đất nước luôn luôn đòi hỏi rất cao.

Chính vì vậy, tôi cho rằng đây là cuộc vận động xã hội rất lớn. Bên cạnh những yếu tố chính trị, kinh tế, rõ ràng thì văn hóa ngày càng trở thành lĩnh vực có vị trí quan trọng, vừa là mục tiêu và là động lực thúc đẩy sự phát triển một cách đúng hướng, lành mạnh, trên nền tảng bảo vệ lợi ích quốc gia, của nhân dân.

Đây là bài toán không hề dễ trả lời bởi chúng ta vẫn đang làm.

Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực giáo dục, rõ ràng thế giới đã thay đổi rất nhiều, lĩnh vực giáo dục của chúng ta cũng phải thay đổi cho kịp với sự phát triển nhưng không thoát ra khỏi giá trị truyền thống mang giá trị bền vững. Bảo đảm cho nền giáo dục không chỉ tiếp thu được những thành tựu của nhân loại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của Việt Nam. Đây là bài toán không đơn giản, thậm chí là rất khó.

Tôi nghĩ, nhân dịp kỷ niệm 80 năm này là cơ hội để chúng ta nhắc lại vị trí quan trọng của lĩnh vực Văn hóa. Không chỉ đơn giản là việc so sánh Văn hóa ngang hàng với Chính trị, Kinh tế mà chúng ta cần phải hiểu Văn hóa là hồn cốt của sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực khác nhau.

- Dự kiến trong tháng 2/2023, chúng ta sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển". Ông kỳ vọng gì tại Hội thảo lần này?

+ Tôi cho rằng Hội thảo chính là hình thức sinh hoạt để chúng ta nhắc nhở nhau về một sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Vì vậy, tôi mong rằng bằng tất cả nhận thức chuyên môn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ có những đóng góp hết sức cụ thể để góp phần nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa hết sức đa dạng, phong phú của đất nước Việt Nam.

Đây là lúc chúng ta cùng nhau, cùng suy nghĩ để làm nhận thức của chúng ta đồng hướng, tạo nên sự khích lệ cho những mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới.

- Xin cảm ơn ông!


Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ