• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật là thể hiện tính quy luật của sự phát triển

Văn hoá 28/10/2021 14:13

(Tổ Quốc) - Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC xây dựng bộ tài liệu chủ đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Trong bộ tài liệu này có bài giảng của nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với ý kiến tâm huyết về văn học. Để góp thêm tiếng nói trước thềm Hội nghị, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung chính từ bài giảng của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Các giá trị của văn học

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn học nghệ thuật là một bộ phận của hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội với chức năng phản ánh tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ và bản chất của cuộc sống thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật để truyền cảm. Nó có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng con người bởi hệ giá trị đặc sắc của nó.

Hệ giá trị của văn học nghệ thuật bao gồm 10 giá trị (Phản ánh hiện thực, sáng tạo, nhân văn, dân tộc, nhận thức, thỏa mãn khát vọng về cái đẹp, giải trí, dự báo, bảo lưu, giao tiếp). Trong đó giá trị phản ánh hiện thực bên cạnh phản ánh chính thế giới tâm hồn của người nghệ sĩ còn phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống của con người. Đó là sự phản ánh tôn trọng sự thật khách quan với một cảm quan khoa học và một thế giới hình tượng sống động có sức truyền cảm lớn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật là thể hiện tính quy luật của sự phát triển - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Chẳng hạn, viết về chiến tranh thì vấn đề trung tâm là khát vọng độc lập tự do, là lòng yêu nước dũng cảm, hy sinh tất cả để cứu nước cứu nhà, đó là chủ nghĩa yêu nước. Dù anh viết về đề tài nào thì chủ đề đó vẫn là xuyên suốt. Hay viết về đổi mới, vấn đề trung tâm là ý chí, khát vọng của toàn dân tộc quyết tâm biến một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia phát triển và thịnh vượng. Xung đột cũng từ đó và vận động cũng từ đó. Đó là ý chí độc lập, tự cường của dân tộc ta.

Đi vào những vấn đề trung tâm đó, vừa thấy vận mệnh của Tổ quốc vừa thấy số phận của con người. Văn học nghệ thuật là số phận của con người, thông qua số phận con người để xây dựng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Viết về đổi mới đất nước phải thấy vấn đề trung tâm là sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hoá. Nó chi phối toàn bộ đời sống đất nước, làm thay đổi các mối quan hệ , làm thay đổi hệ giá trị, thay đổi các chuẩn mực về con người. Nó làm cho mỗi con người thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Tư tưởng, tình cảm , thói quen, sở thích đều thay đổi. Bậc thang giá trị trong quan hệ con người với con người cũng thay đổi. Nó chi phối toàn cục. Không một lĩnh vực nào không chịu tác động bởi công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, muốn phản ánh trung thực và sinh động cần tránh áp đặt ý kiến chủ quan, cần tôn trọng sự thật khách quan.

Trong giá trị sáng tạo, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Tác phẩm văn học nghệ thuật là những phát hiện mới mẻ, độc đáo, đặt ra những vấn đề mới cho xã hội và con người. Tuy nhiên "Cái yếu của ta bây giờ là độ kết tinh chậm", chúng ta còn thiếu những hình tượng có tầm khái quát cao, có sức sống lâu bền. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhận xét " còn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực với con người".

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật là thể hiện tính quy luật của sự phát triển - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đổi mới là đổi mới toàn diện, không thể tách rời từng bộ phận. Vấn đề khá phổ biến hiện nay là đi tìm cái mới trong ngôn ngữ nghệ thuật, tức là vấn đề hình thức mà coi nhẹ nội dung, tư tưởng, quên mất rằng, tầm cao thấp của một tác phẩm chính là ở tầm tư tưởng, chứ không phải ở những chi tiết vụn vặt, nhạt nhẽo. Hình tượng nghệ thuật là tư tưởng của tác phẩm. Nó mang ý nghĩa triết lý về đời sống, về con người.

Bàn về giá trị nhân văn, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh đây là giá trị bao trùm của văn học nghệ thuật. Bản chất của văn học nghệ thuật là "Hướng Thiện". Tác phẩm văn học nghệ thuật là hướng con người đến với cái cao thượng, tốt đẹp. Ca ngợi cũng hướng thiện, phê phán cũng hướng thiện.

Văn học nghệ thuật có giá trị kiến tạo đạo đức. Nó đề cao lòng trắc ẩn, tình thương yêu, sự cứu rỗi, lòng vị tha, sự đùm bọc giữa con người với con người. Nó bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, nâng đỡ con người, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện vùi dập con người, hãm hại, đố kỵ, nhỏ nhen..nó giải tỏa mọi thù hận, nó làm cho con người gần gũi với con người.

Ngày nay, trong đời sống của chúng ta còn biết bao nhức nhối nhưng cái thiện, cái sáng sủa, cái tích cực vẫn là nhân tố quyết định chiều hướng phát triển của xã hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng văn học nghệ thuật có thể viết về cái xấu, cái ác nhưng phải đứng trên lập trường của cái thiện, nhân danh cái thiện, nếu không tác phẩm sẽ chết chìm trong bóng tối, quẩn quanh với các trò đấu đá, triệt hạ lẫn nhau. Viết về cái xấu cái ác phải nuôi dưỡng niềm tin vào cái Thiện, coi đó là lẽ phải, là ánh sáng.

Cuộc đấu tranh chống tham những mà chúng ta đang tiến hành là sức mạnh của cái Thiện, nó quyết định xu thế tất yếu của xã hội ta. Cái gì hợp với quy luật thì tồn tại, cái gì đi ngược lại thì sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Đó là cuộc đấu tranh cải tạo xã hội, cảnh báo, răn đe cứu vớt những lầm lỗi, giúp con người hoàn thiện nhân cách. Ý nghĩa nhân văn viết về cái xấu cái ác chính là ở đó.

Văn học nghệ thuật là hồn cốt của dân tộc - nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh về giá trị dân tộc. Bởi đó là vẻ đẹp tinh thần, là cách sống, ứng xử của dân tộc. Đó là bản sắc, truyền thống dân tộc đã kết thành ngôn ngữ, thành hình tượng nghệ thuật có sức biểu cảm mạnh mẽ.

Tính dân tộc giúp ta không bị đứt gẫy với quá khứ. Văn học nghệ thuật là cuộc sống của dân tộc được ngưng kết lại trong cốt cách, bản lĩnh, chi phối tâm lý, hành động của con người. Nó có sức mạnh bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người Việt Nam. Nó làm cho chúng ta không bị đứt gẫy với quá khứ. Nó cho ta niềm tự hào về văn hóa dân tộc, về đất nước, về con người Việt Nam. Văn học nghệ thuật là một cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc, nó có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự cường và lòng tự tôn dân tộc. Nó tăng thêm ý nghĩa của cuộc sống. Nó là hành trang tinh thần để chúng ta hướng về phía trước, sánh vai cùng nhân loại.

Bàn thêm về các giá trị khác của văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Văn học nghệ thuật còn có khả năng giúp con người nhận thức về quy luật tồn tại, đấu tranh xã hội và xu thế tất yếu của nó. Văn học nghệ thuật là cuộc sống nhưng là cuộc sống đã được cách điệu thành nghệ thuật. Nghệ thuật là thế giới của cái đẹp do nghệ sĩ sáng tạo ra nhằm thỏa mãn khát vọng thẩm mỹ của công chúng. Cái đẹp không chỉ thể hiện trong hình thức mà còn thể hiện trong nội dung của tác phẩm. Quan niệm về cái đẹp mỗi thời có khác nhau, nhưng ở thời nào thì nó cũng thể hiện nhận thức và trình độ thẩm mỹ của con người về thiên nhiên và xã hội. Cái đẹp có giá trị lịch sử. Văn học nghệ thuật đáp ứng quyền hưởng thụ cái đẹp, đó cũng là một khía cạnh của chủ nghĩa nhân văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật là thể hiện tính quy luật của sự phát triển - Ảnh 3.

Các hoạt động văn học thu hút sự quan tâm của công chúng (ảnh minh họa)

Giải trí là một nhu cầu lành mạnh của con người. Nó có ý nghĩa nhân văn. Tuyệt đối hóa chức năng giải trí là sai lầm, nhưng không tính đến chức năng giải trí cũng là sai lầm. Ở đây có vấn đề thị hiếu. Có thị hiếu lành mạnh, có thị hiếu lệch lạc, tầm thường. Văn học nghệ thuật phải lấy thị hiếu lành mạnh của số đông để sáng tạo, không chạy theo thị hiếu tầm thường. Chạy theo thị hiếu tầm thường là bán rẻ lương tâm, bán rẻ nghệ thuật.

Tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ viết về cái đã và đang xảy ra, mà còn có khả năng dự báo về điều sẽ xảy ra, dựa theo quy luật nhân quả. Nó viết về nơi này, lĩnh vực này, nhưng có thể dự báo về những điều xảy ra ở lĩnh vực khác, ở nơi khác. Cái đó không phải do người nghệ sĩ tùy tiện bịa đặt ra mà nó có nguồn gốc từ quy luật phát triển, quy luật xã hội và quy luật tự nhiên.

Văn học nghệ thuật là kho báu giúp cho người ta khỏi quên lãng. Muốn hiểu số phận của đất nước, người ta cần đọc lịch sử. Muốn hiểu cuộc sống của nhân dân, số phận của con người, người ta cần phải đọc văn học nghệ thuật. Có thấy quá khứ anh hùng của dân tộc mới càng thêm yêu cuộc sống hôm nay và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Văn học nghệ thuật là trường học lớn, giúp cho con người ngày càng người hơn. Trước hết là hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện bản thân, hoàn thiện xã hội.

Đổi mới là quy luật của sự phát triển

Sau 35 năm đổi mới, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Hệ giá trị cũng có nhiều thay đổi, vì cuộc sống đòi hỏi cao hơn để thích nghi với điều kiện mới. Vấn đề cơ bản là ta cùng đi với nhân loại. Vậy cùng đi như thế nào, để ta vẫn là ta, thuận theo người nhưng không để mất mình - nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Đi với nhân loại, ta có thuận lợi để tiếp thu cái hay cái đẹp của nhân loại nhưng cũng dễ đứt gẫy với truyền thống, trở nên mất gốc, lạc đường, tiếp thu vội vã sống sít những cái mới lạ không phù hợp với điều kiện của ta. Phải lấy cái gốc là truyền thống, đi lên từ dân tộc để trở về dân tộc.

Bên cạnh đó nhà thơ Hữu Thỉnh cũng chỉ ra những vấn đề được đánh giá lại. Chẳng hạn thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, trước bị phê phán, ngày nay ông được xem là nhà thơ lớn. Kịch " Rừng Trúc" cũng vậy.

Trước nói nội dung quyết định hình thức, giờ ta nói nội dung 100%, nghệ thuật 100%. Trước ta nói nhân vật trung tâm, giờ ta nói vấn đề trung tâm. Trước nói cái tiêu cực bị cho là bôi đen, giờ ta được phép lên án, phơi bày truy đuổi mọi cái xấu cái ác. Đó cũng là nhân văn. Trước ta không được nói các vấn đề tâm linh, ngày nay vấn đề tâm linh là một nhu cầu của con người. Trước ta chỉ nói chiến thắng mà ngại nói hy sinh, giờ ta nói hy sinh như là cái giá của chiến thắng. Trước ta chỉ thấy cái xấu cái ác của phía kẻ thù, giờ ta nhìn thấy có cái xấu cái ác len lỏi ngay trong hàng ngũ của ta.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật là thể hiện tính quy luật của sự phát triển - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Cuộc sống đã thay đổi. Nhưng những chân lý đã được kiểm nghiệm trong đời sống thì không thay đổi. Cái gì thái quá đều dễ dẫn đến sai lầm. Tuyệt đối hoá, một chiều, phiến diện đều không phải là phương pháp tốt. Đổi mới không phải là làm ngược lại, không phải là " lộn trái", mà phải khổ công suy nghĩ, tìm tòi thể nghiệm, đứng vững trên mảnh đất của ta để suy nghĩ về cuộc sống của ta. Đó là một kinh nghiệm tốt.

Chân lý là lịch sử và cụ thể. Đánh giá tác phẩm phải trả đúng nó về hoàn cảnh lịch sử ra đời, không được thoát ly bối cảnh ra đời, không được lấy những tiêu chí ngày hôm nay để áp đặt thô bạo đối với những tác phẩm trong quá khứ. Đánh giá tác phẩm của ta phải lấy hoàn cảnh cụ thể của ta, không thể xuất phát từ những tiêu chuẩn ở nước ngoài để xem xét, bình luận một cách tùy tiện - nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.

Đánh giá về tầm quan trọng của văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Lao động văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng. Mà tài năng đích thực thì bao giờ cũng hiếm. Phải có thái độ thực sự tôn trọng tài năng. Tạo mọi điều kiện để người có tài tự tin tìm kiếm, sáng tạo. Phải biết chờ đợi. Đi tìm cái mới là vô cùng khó khăn. Có cái tới được, có cái còn bỡ ngỡ, chuệch choạc. Thái độ đúng đắn là phải biết chờ đợi.

Tác phẩm là sinh mệnh của văn nghệ sĩ. Trong đánh giá cần thận trọng, hiểu biết, toàn diện, không nên kết luận vội vã, tùy tiện, có khi làm thui chột tài năng.

PV (lược ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ