(Tổ Quốc) - Sự cách tân và đổi mới thơ của nhà thơ Lê Huy Quang là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Chúc ông sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp thi ca.
Nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang dường như là người chẳng giống ai từ cuộc sống thường ngày đến phong cách nghệ thuật, chí ít là trong thơ ca. Ông có mái tóc dài hoa râm, đeo kính cận, vận áo chỉ hai màu đen, đỏ và hình như duy nhất chỉ có ông là người nghiện guốc mộc. Tôi biết ông cách đây vài chục năm về trước ở nhiều cuộc sinh hoạt văn chương, viết lách, đàm đạo... mà chưa bao giờ thấy ông mặc áo màu lam, vàng, tím... vẫn chỉ thấy có hai màu đen và đỏ; cũng chưa bao giờ thấy ông đi giày hay xăng đan, ngoài guốc mộc. Có lẽ đấy là nét khác biệt về hình thức bên ngoài của Lê Huy Quang, khiến bạn hữu văn chương rất dễ nhận ra, không lẫn với bất cứ ai. Và còn một khác biệt nữa là khi gặp bạn văn ông luôn nở nụ cười trên môi hiền hậu và nhân từ làm người đối diện cảm thấy ấm áp và gần gũi.
Nhà thơ Lê Huy Quang |
Trong tuyển tập “Thơ Lê Huy Quang”, dày khoảng hơn 350 trang, có gần phân nửa dành cho các bài thơ Phải khác, còn lại là 5 trường ca, lời giới thiệu, tiểu sử và mục lục. Trong Phải khác, phần I, là những bài thơ ông viết từ năm 1968-1987, tức là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến trước đổi mới và phần II, gồm những bài ông viết từ những năm 1988-2008. Như thế đủ biết nhu cầu đổi mới thơ trong ông róng riết và dai dẳng biết chừng nào. Có điều ông luôn là người kín tiếng, ít cao đàm khoát đạo về thơ như một số người thuộc lớp nhà thơ đổi mới sau này. Ai khen thơ ông mới và hay, ông chỉ tủm tỉm cười. Ông coi sự đổi mới thơ như là một sứ mệnh tự nhiên và tự thân không cần ai biết, ai tán dương hay ca ngợi gì.
Có thể nói trong làng thơ Việt, giai đoạn từ 1968-1987 là thời kỳ phát triển và có nhiều thành tựu của thơ ca chống Mỹ, mà đỉnh cao là hai nhà thơ Phạm Tiến Duật và Hữu Thỉnh. Phần lớn thơ ca thời kỳ này nghiêng về âm hưởng anh hùng ca, tình ca chiến trận, ca ngợi những chiến công và những mối tình trong sáng, thủy chung giữa hậu phương và tiền tuyến, tình đồng đội, nghĩa đồng bào của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Còn thơ của Lê Huy Quang lại đi vào những suy tư khác, có vẻ gần gũi với cuộc sống đời thường hơn: nước giếng mùa xuân ấm/ và bốc hơi/ và đầy vơi/ con gái (Sáng đầu năm 1973). Hay: Chỗ anh đứng lâu ngày/ lõm/ xuống/ Thụ thai người gác cổng/ thức/ canh em!!! (Thanh âm - 1970)
Vả lại, vào thời điểm ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam- Bắc nước ta đang bước vào giai đoạn cam go và ác liệt, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang dồn hết sức người và sức của cho kháng chiến. Văn nghệ sĩ nói chung và thơ ca nói riêng không thể đứng ngoài cuộc. Ở vào hoàn cảnh ấy, một giọng thơ như Lê Huy Quang có vẻ ít được chú ý và không ít người cho là lạc điệu cũng là điều dễ hiểu. Vì một phong cách thơ mới bao giờ cũng khó được chấp nhận ngay từ khi nó ra đời, xuất hiện. Tôi còn nhớ đến đầu những năm 90, Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều, ngay sau khi xuất bản bị đánh tơi bời, mặc dù sau đấy tập thơ này vẫn nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992.
Những bài thơ của Lê Huy Quang ra đời từ cuối những năm 60, đầu những năm 70, mãi sau này mới có hai người ủng hộ, với những nhận xét, đánh giá, theo tôi là khá thấu tình đạt lý. Đó là nhà thơ Hoàng Hưng và cố nhà thơ Dương Kiều Minh. Theo Dương Kiều Minh thì: Thơ Lê Huy Quang cách tân tìm tòi là thế, có nhiều câu thơ của anh lạ đến quá mức. Nhưng ta cũng bắt gặp rất nhiều câu thơ khác thật dung dị, sâu sắc và tinh tế về mẹ, về quê, về mùa và tình yêu. Những câu thơ khi viết về mẹ bao giờ cũng gan ruột, sâu đằm và thấu tỏ; là nỗi niềm thầm kín nhất trong cõi lòng sâu thẳm của nhà thơ.
Điều ấy được thể hiện khá rõ ở những bài thơ ông viết về mẹ. Mới mà không lạ hoắc, tắc tị. Mới mà vẫn gần gũi thân quen: Khi chiều sém hoàng hôn mẹ chợ/ muộn về lẫn trong màu tím của đường ngói đầu tiên/…/ Và giờ đây con trai mẹ đi từ lúc nào không nhớ nữa/ là nước mắt/ là lửa/ là nắng mưa sương gió/ đã chín dần trong sức lớn bàn chân... (Những bài hát ru là mẹ)
Hay: Con không nói tròn lời về mẹ/ Bài thơ cuộc đời/ Mẹ viết bằng máu và nước mắt cho con/…/ mỗi bước mẹ đi hằn trên đắng cay vất vả/ tóc bạc/ mắt sâu/ lưng còng/ vội vàng/ tất tả/…/ Mẹ ơi/ mãi mãi đến bao giờ?/ con vô vọng trước nỗi buồn mắt mẹ/ Nếu buông vào cõi hư vô yên nghỉ/ mẹ hãy cho cùng con đi… (Mẹ) Và: Mẹ ơi/ Bảy mươi sáu rồi/ Bao giờ đời mẹ mới có được niềm vui?/.../ Con vẫn chờ/ Và tin rằng hết/ Ba mươi sẽ phải là Mùng Một/ Phải khác đi!/…/ Mẹ ơi/ Sang canh về/ Mẹ mở cửa/ Khúc Ba mươi (Mở Giáp Tý 1984).
Có một thực tế trong đời sống thi ca đương đại nước ta khoảng trên dưới chục năm trở lại đây mà không ai có thể phủ nhận được, đó là hiện tượng phổ biến đối với không ít người mới viết được dăm bảy bài, hay một tập thơ, mà họ đã lợi dụng các kênh truyền thông làm ầm ĩ lên các cuộc ra mắt sách, hay nhờ bạn hữu viết bài tung hô lên mặt báo và các trang mạng loạn xị, cứ như là chỉ có họ mới làm được thơ mới, theo phong cách hậu hiện đại, nhưng chính các nhà thơ cũng không hiểu thế nào là mới, là hậu hiện hiện đại. Trong khi đó không ít các bậc cha chú, anh chị đi trước như Lê Huy Quang, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Linh Khiếu, Dương Kiều Minh... là những người cần mẫn tìm tòi, cách tân thơ, lại rất kiệm lời khi nói về các xu hướng thơ. Ngay cố nhà thơ Hữu Loan với Đèo Cả, viết từ năm 1946, hay Màu tím hoa sim, nhà thơ Hoàng Cầm với bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, nhà thơ Lê Đạt với Bóng chữ và Đường chữ... cách tân đến như vậy mà có thấy các cụ nói về thơ cách tân đâu.
Nói như vậy để thấy Lê Huy Quang là một nhà thơ rất biết mình là ai, dù với thơ ca, ông đã là một cỡ Lê Huy Quang (chữ của nhà thơ Hoàng Hưng). Có lẽ đối với các nhà thơ kể từ 1945 đến nay, nếu không nằm trong hai phạm trù thơ ca truyền thống, mà chủ yếu là hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, thì họ đều mang trong mình ý thức đổi mới thơ ngay từ những ngày đầu cầm bút. Hoặc nói một cách khác, ngay cả trong các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ và sau đổi mới, ngoài dòng thơ chủ đạo là ca ngợi chiến tranh cách mạng và người lính, mà người ta quen gọi là văn học cách mạng, vẫn tồn tại song song một dòng thơ khác, đó là thơ cách tân (phi truyền thống) như một số nhà thơ tôi đã nói ở trên.
Cho đến thời điểm này, đối với thơ cách tân của một số người vẫn không hề dễ đọc và dễ hiểu chút nào, nhất là đối với những người quen đọc và thẩm thơ truyền thống. Tuy nhiên thơ đích thực không phải là ai đọc cũng hiểu và cảm nhận được, nhất là đối với thơ hiện đại, giàu tính sáng tạo, cách tân, ngoài ngôn ngữ thơ truyền thống, thơ hiện đại có khi dùng đan xen các loại hình ngôn ngữ khác như: lịch sử, hội họa, kiến trức, điện ảnh... ngoài ngôn ngữ hiện đại và phổ thông, thơ có thể có cả ngôn ngữ cổ, tiếng địa phương, tiếng nước ngoài để tạo nên các tầng ngữ nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như: Riêng ta và em vẫn lầm lỳ/ ngồi trên chiếc xe chở than tổ ong/ chậm rãi/ con bò già lặng lẽ kéo đi/ trườn lên đầu dốc nắng/ và mảnh khăn che mặt em đen thẳm/ cũng… bay … đi/.../ tôi lọc sạch mùa mưa đông qua đế giày cao cổ/ tất những viễn cận liên quan nhau/ vòng hút đất sinh sôi/ ngoài lề trang vở học sinh tôi nằm dài thừa thãi/…/ mùa đông này/ tôi đi trắng những phố chợ đêm mưa phùn/ tôi đồng lõa/ mọi gánh hàng em mọi ngả/ nhưng tự tôi lọc sạch mình qua đế giày cao cổ. (Tự khúc đông)
Rõ ràng những đoạn thơ trên không quá khó đọc và hiểu mà chỉ khó chịu đối với những ai quen đọc và thưởng thức các thể loại thơ truyền thống với đủ số chữ, số câu, niêm luật và vần điệu, mà không quen với thể thơ tự do, phóng túng như thơ của Lê Huy Quang.
Sự cách tân và đổi mới thơ của nhà thơ Lê Huy Quang là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Chúc ông sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp thi ca./.
Đỗ Ngọc Yên