(Tổ Quốc) - Nhà thơ Phạm Tiến Duật và các thế hệ nhà thơ chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo, Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương…đã trở thành nhân chứng sống động về cái tôi thế hệ - một dạng thức mới biến thể từ cái tôi trữ tình sử thi - sản phẩm đặc biệt của nền văn học cách mạng.
Bước vào con đường nghiên cứu khoa học, tôi nặng lòng như có cơ duyên nợ với nền văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Niềm đam mê nền văn học của một thời bão lửa hào hùng đã thôi thúc tôi tìm hiểu, gặp gỡ các nhà thơ đã có những đóng góp quan trọng tạo nên một hiện tượng đặc biệt, một diện mạo thơ không dễ lẫn với giai đoạn trước và sau nó. Tôi đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật lần đầu tiên tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam vào mùa thu năm 1998 - khi đang chuẩn bị tư liệu viết luận văn Thạc sĩ “Hình tượng người lính trong thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước”. Khi đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật đang giữ trọng trách Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày ấy, những năm 80 của thế kỷ trước, sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng tôi luôn tự hào về thế hệ đi trước với những cây bút có tên tuổi tên văn đàn, như: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ, Bùi Công Minh... Với nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúng tôi trân trọng bởi tài năng văn chương, nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng, nghị lực cống hiến… Tạm biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tình nguyện xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, anh bước vào cuộc đời quân ngũ gắn bó với tuyến đường vận tải Trường Sơn 559. Trường Sơn đã ký thác trong thơ anh, trở thành một phần máu thịt làm nên một “thương hiệu” Phạm Tiến Duật.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (ảnh dantri) |
Biết tôi say sưa nghiên cứu thơ kháng chiến chống Mỹ, anh vui mừng, khuyến khích: “Độ lùi thời gian giúp chúng ta nhìn nhận được một cách khách quan giá trị của thơ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Song, anh không đồng ý với cách nhìn cực đoan, một chiều, cách đánh giá tuỳ tiện rằng nền thơ này ít chất thơ, ít rung động nội cảm, thiếu độ tinh tế, chỉ tập trung tuyên truyền, hô hào, cổ vũ, hoặc là khúc gãy làm gián đoạn tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc… như một vài ý kiến đã nêu. Cả dân tộc phải đương đầu với kẻ thù xâm lược hùng mạnh và chính điều đó đã khiến cả dân tộc phải thống nhất muôn người như một”. Tôi hiểu những điều nhà thơ Phạm Tiến Duật chia sẻ. Văn học mang trong nó giá trị lịch sử. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên “Những năm toàn đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau”. Đối tượng để tìm tòi phát hiện của văn học là cái tương đồng, cái “như một”, cái tiêu biểu chung cho cả dân tộc, hơn cái riêng, cái khác biệt. Do yêu cầu phát huy cái ta, do yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử “nền thơ này có biểu hiện khoa trương có cội nguồn từ thi pháp thơ cổ và thơ lãng mạn”. Sẽ không lạ khi vẻ đẹp Tổ quốc thường được xây dựng bằng những hình ảnh kỳ vĩ như “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ”, hay tái hiện những chiến công “Hưng đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”. Tâm thế của dân tộc xây dựng trên nền tảng tâm thế người anh hùng“Ôi sáng xuân nay lưỡi gươm thần sáng quắc/ Rạo rực lòng ta trống trận Quang Trung”, “Như khí phách Trần Lê, như oai vũ Quang Trung” (Tố Hữu)… Thơ chống Mỹ nối liền quá khứ lịch sử với hiện tại và tương lai, liên kết dân tộc với thời đại và nhân loại. Không gian không rút vào thế giới nội tâm, mà trở thành không gian sông nước, đồng lúa, công trường, hậu phương, mặt trận, miền xuôi, miền ngược... nối dài rộng trên khắp nẻo đường đất nước. Đó là: Đường ra mặt trận, Đường tới thành phố, Mặt đường khát vọng, Đất quê ta mênh mông, Những người đi tới biển... Đường ra trận nối dài từ Bắc vào Nam, con đường hành quân rộng mở, nô nức, cuốn hút như cuộc diễu hành của dân tộc vì lý tưởng độc lập, tự do: “Những buổi vui sao cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”, “Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc” (Chính Hữu), “Đường ra trận mùa này đẹp lắm (...) Đông sang Tây không phải đường thực/ Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo” (Phạm Tiến Duật), “Đêm ấy đêm trăng, chúng tôi hành quân qua phà Long Đại” (Vũ Đình Văn), “Cuộc đời trải mút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường” (Thanh Thảo)... Mọi nghĩ suy, hoài bão, lý tưởng của con người là“Đã hay đâu cũng say tiền tuyến/ Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường” (Tố Hữu). Những chiến tích vĩ đại, sự hy sinh thầm lặng vì đất nước của chị Trần Thị Lý được nhìn trong hình ảnh tiêu biểu cho “Người con gái Việt Nam”. Anh chiến sĩ giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất tạc vào thế kỷ “Dáng đứng Việt Nam”. Nhà thơ nhìn Tổ quốc không phải bằng con mắt cá nhân, mà bằng con mắt của lịch sử, của dân tộc, của thời đại, của Bạch Đằng, Đống Đa, của “điểm giao thoa” thời gian “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; “Chúng ta sống với bốn ngàn năm lịch sử” (Tế Hanh), “Những thế hệ hôm nay đánh Mỹ/ Tuổi anh hùng đã bốn ngàn năm” (Lê Anh Xuân)… Nỗi đau riêng dường như chả có nghĩa lý gì với những việc lớn lao, hệ trọng của dân tộc… Bởi thế, mỗi nhà thơ thể hiện sâu sắc sức mạnh tinh thần: “Quấn bằng đầu vẫn đau/ Nhiều khi đi bằng đầu” (Hữu Thỉnh- Mùa xuân đi đón). Người lính mang trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Hình ảnh người lính cũng chính là một phần cái tôi sử thi: “Anh chiến sĩ bâng khuâng không muốn rời bến nước/ Ngỡ ông cha nhìn theo/ Hôn lên vành mũ tai bèo/ Khoảnh khắc ấy hiện về / Mênh mông hồn Tổ quốc” (Y Phương - Dáng một dòng sông)...
Đối tượng nghiên cứu này đã từng trở thành một đề tài cho một cuộc thảo luận về thơ trong thập niên 90 của thế kỷ trước, và cho đến gần đây vẫn còn là vấn đề cần được tiếp tục xem xét. Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói tiếp “Em sẽ phải xử lý nhiều mối quan hệ không đơn giản, như: vừa phải bao quát được khối lượng lớn tài liệu, cả sáng tác và nghiên cứu, lại phải tìm cách hệ thống hoá, rút ra những nét cơ bản về diện mạo và đặc điểm của nền thơ; vừa phải nhập vào không khí lịch sử và đời sống văn hoá tinh thần của thời đại kháng chiến chống Mỹ để cảm và hiểu được nền thơ của thời đại ấy, đồng thời phải có cái nhìn từ hôm nay để đánh giá một cách khách quan thơ chống Mỹ, để thấy diện mạo riêng, độc đáo, là sự tiếp nối trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại do thơ chống Mỹ đóng góp. Em chọn đề tài không mấy “thời thượng”, cũng không nhiều lắm người quan tâm là một sự dũng cảm”. Tôi đã được anh động viên như thế.
Lục tìm mãi, nhà thơ Phạm Tiến Duật mới có vài cuốn sách cho tôi mượn, nhưng cũng chỉ là sách anh được bạn bè tặng, trong đó có thơ anh. Anh chưa có tuyển tập thơ. Như đọc được thắc mắc của tôi, anh Duật hồn nhiên nói: “Không xa nữa đâu, anh sẽ có Tuyển tập thơ của mình”. Anh đưa tôi cuốn “Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975” của nhà thơ Vũ Duy Thông do chính tác giả tặng “Em tham khảo cuốn này đi. Công trình của anh Thông -người cùng cơ quan em đó”. Như sực nhớ ra điều gì, anh vội vã lục tìm trong tủ ra mấy tờ báo, tạp chí đưa tôi “Em xem trong tập này có mấy bài thơ của nhà thơ Y Phương trong Tạp chí Quân đội độc đáo lắm. Em sẽ có cái nhìn bao quát thơ kháng chiến chống Mỹ có sáng tác của các nhà thơ dân tộc thiểu số”. Rồi qua sự giới thiệu của anh, tôi được gặp một số nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã có nhiều đóng góp cho nền thơ chống Mỹ: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà nghiên cứu: Vũ Tuấn Anh, Lê Thành Nghị, Ngô Vĩnh Bình, Hồng Diệu… Các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã cung cấp thêm cho tôi nguồn tư liệu, cách nhìn nhận đánh giá nền văn học cách mạng. Bữa cơm anh mời cùng nhà thơ Trần Ninh Hồ bổ trợ cho tôi rất nhiều về “bếp núc” của các nhà thơ thời kỳ này… Anh say sưa nói về thơ chống Mỹ, về một thời trận mạc như vừa mới hôm qua bao người lính “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”. Mạch cảm xúc tràn trào đến nỗi tôi không dám làm dứt dòng chảy ấy để chen thêm câu hỏi. Anh đã nói tất cả với niềm đam mê về con đường ra trận, về chất thơ còn lấm lem bụi đất chiến hào, về những chiếc xe đặc biệt - di sản Trường Sơn đánh Mỹ “không kính, không mui, không đèn”; về những cô gái “Thạch Kim”, “Thạch Nhọn” tinh nghịch “Ngày phá bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”; về dưới đáy hố bom sâu hun hút là “Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la”... Nhà thơ Phạm Tiến Duật sở hữu một giọng điệu thơ trẻ trung, tinh nghịch, đậm chất lính tráng vừa hiện thực, vừa phóng túng tươi trẻ. Dấu vết Trường Sơn đậm đặc với những con người cụ thể: là anh bộ đội (anh lính coi kho, anh lính lái xe, đồng chí y tá), cô thanh niên xung phong, người dân... bất chấp hiểm nguy, nhìn cuộc sống chiến đấu gian khổ tràn trề niềm lạc quan phơi phới. Thơ Phạm Tiến Duật gần với tiếng nói đời thường, giàu hình ảnh, chất liệu dân gian, kết hợp giữa năng lực quan sát và tấm lòng, triệt để sử dụng những thủ pháp đối lập: bom nổ - nghe nhỏ, bom nổ - trăng lên, vầng trăng - quầng lửa, sống - chết. Trong bài thơ “Tiếng bom ở Siêng Phan”, nhà thơ sử dụng triệt để hình ảnh đối lập.
Nhắc đến Phạm Tiến Duật ít ai quên những bài thơ “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô Thanh niên xung phong”, “Nhớ” - chùm bài được Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969-1970 được tác giả đưa vào tập thơ “ Vầng trăng quầng lửa” (1970). Nhiều câu thơ của anh đạt tới kết luận có sức khái quát như “Lửa đèn”. Nhưng những bài thơ cấu tứ bằng kiến thức sách vở của anh thường không đặc sắc, thiếu vững chãi. Đó chính là điểm khác biệt với Bằng Việt khi những bài thơ huy động kiến thức sách vở vốn đã thành sở trường. Phong cách thơ Phạm Tiến Duật đòi hỏi tác giả luôn phải tắm mình trong cuộc sống phong phú và đa dạng. Đó một phẩm chất và từ đấy cũng thấy một yêu cầu bức thiết trước một chặng đường thơ mở ra sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Mỗi khi nghe đổ chuông điện thoại di động bằng bản nhạc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại hứng khởi nói về thơ chống Mỹ được phổ nhạc: “Thơ chống Mỹ tài tình lắm. Những ca khúc đi cùng năm tháng, có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc nước nhà lại được gợi ý từ chính thơ chống Mỹ. Em thấy không, này nhé: “Năm anh em trên chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho), “Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục), “Ngọn đèn đứng gác” (thơ Chính Hữu, nhạc Hoàng Hiệp), “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” (thơ Hoàng Trung Thông, nhạc Chu Minh), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), “Lá đỏ” (thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Hiệp ), “Đêm hành quân nhớ Bác” (thơ Nguyễn Trung Thu, nhạc Huy Du), Hạt gạo làng ta (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Trần Viết Bính, “Dáng đứng Việt Nam” (thơ Lê Anh Xuân, nhạc Nguyễn Chí Vũ)...”. Nhưng không ít lần anh phàn nàn một số ca sĩ hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” chưa cảm nhận được sự tinh tế, cái hồn bài thơ nên cứ tự “sáng tác” thay đổi ca từ, ví như “Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật bức xúc “Anh có viết thế đâu. Câu chính xác phải là “Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”. Đã xua tan thì có vẻ cơ học quá, còn gì để mà nhớ nữa. Chữ xua đi thể hiện nỗi nhớ triền miên, khó dứt. Chỉ người lính mới cảm nhận đầy đủ và thấm thía nỗi nhớ da diết ấy. Anh góp ý. Nhiều ca sĩ đã chú ý, nhưng nhiều ca sĩ vẫn hát sai, chưa kể những video trên mạng vẫn tràn ngập bản sai. Bực quá, anh không dám nghe bài hát ấy trên youtube, MP3 nữa. Có lần nhà thơ hỏi tôi “Em có biết hiện thực chiến trường khắc nghiệt thể nào qua bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” không?Tôi chưa kịp trả lời, anh cho ngay đáp án: “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có hái măng không”. Nếu không có những năm tháng lăn lộn với rừng Trường Sơn, chắc không ai có thể hiểu nổi ý nghĩa đó.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật và các thế hệ nhà thơ chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo, Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu… đã trở thành nhân chứng sống động về cái tôi thế hệ - một dạng thức mới biến thể từ cái tôi trữ tình sử thi - sản phẩm đặc biệt của nền văn học cách mạng. Thế hệ này do có trải nghiệm của thực tế chiến trận, nên ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm vẻ vang và con đường đi của mình, trực tiếp cầm bút viết về thế hệ mình: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh). Anh đánh giá cao sự đóng góp cho cái tôi thế hệ của các nhà thơ, như: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo...
Anh nói thơ Hữu Thỉnh có cách nói giản dị, tự nhiên của đời sống chiến trường, sự tinh tế về cảm giác, một thế giới đa sắc màu của thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ như: cỏ biếc mùa xuân, đám mây mùa hạ, trời thu xanh trong, hoa mướp thu vàng, chiều đông áo thắm, mùa màng, rơm rạ, đất đai... Thiên nhiên vào thơ anh ấy bằng một lối cảm nhận riêng, rất tài tình: “Gió thổi dài ẩm ướt về khuya/ Con sóng nói nhịp chèo cũng nói...Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm/ ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da”. Từ trong cội nguồn dân tộc, hành trình thơ Hữu Thỉnh đi tìm “Mẫu số chung của sự đồng cảm”. Vì thế, thơ anh ấy có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và độ cảm xúc, giữa sự hiền hòa lắng đọng và mãnh liệt, giữa khả năng kéo dài và thu hẹp dung lượng phản ánh (trường ca dài và trữ tình ngắn).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Phạm Tiến Duật (ảnh vanvn.net) |
Quan tâm đến văn học nhà trường, song nhiều lúc anh bức xúc phàn nàn: “Anh thực sự choáng khi một sốgiáo viên dạy văn trung học ít biết thơ cũng như sự đóng góp của thơ chống Mỹ. Buồn cười nhất có người tưởng Thanh Thảo là nhà thơ nữ; Thúy Toàn là dịch giả nữ. Nếu giáo viên dạy văn chỉ đóng khung những tác phẩm văn học có trong chương trình, mà không chịu tìm tòi, mở rộng kiến thức thì rất thiệt cho học sinh…”. Có lần tôi mạnh dạn hỏi anh về bài thơ “Vòng trắng” viết vào tháng 01/1974, in trên Tạp chí Thanh niên. Anh cự lại “Anh không viết bài thơ nào là “Vòng trắng” cả. Tên bài thơ là “Viết về số không”. “Vòng trắng” là do bạn đọc tự đặt, nhớ không cô giáo…”.
Từ gợi ý của anh, để mở rộng cách khá đa chiều ngoài cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ như “đặc sản” của thời kỳ này, hướng tiếp cận đã có phần chuyển dịch theo cái nhìn cá nhân. Nhiều tác phẩm viết trong chiến tranh, nhưng phải đến thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước mới xuất bản, tôi đã tìm hiểu thêm sự tiềm ẩn những vỉa sâu, những tầng chìm của thơ kháng chiến chống Mỹ, như trường hợp thơ Lưu Quang Vũ, qua gặp gỡ với chị Lưu Khánh Thơ - em gái nhà thơ.
Thỉnh thoảng gặp, anh vẫn quan tâm đến đề tài tôi nghiên cứu. Như sốt ruột thay, nhiều lần anh giục giã “Tăng tốc lên để bảo vệ luận án thơ chống Mỹ chứ. Anh không đủ kiên nhẫn để chờ thành quả của em đâu. Nói đùa thôi khi nào bảo vệ nhớ mời các nhà thơ chống Mỹ nhé. Không được quên anh, anh Nguyễn Khoa Điềm đâu nhé…”. Tôi đã hoàn thành và bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Ngữ văn về Thơ kháng chiến chống Mỹ nhờ có nguồn tư liệu sinh động, ngồn ngộn chất liệu đời sống, lấm lem bụi đất chiến trường do anh và những nhà thơ chống Mỹ cung cấp.
Rất tiếc buổi ra mắt Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật ở Hội Nhà văn, tôi đến quá muộn. Nhà văn Phạm Hoa đưa tôi Tuyển tập khi buổi lễ đã kết thúc. Lời hứa mời anh dự lễ bảo vệ Luận án thơ chống Mỹ tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội- nơi cách đó mấy chục năm, anh đã học tập và “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” không thực hiện được. Nhà thơ đã không thể đến để chung vui với công trình thơ kháng chiến chống Mỹ, mà anh đã dày công giúp tôi hướng nghiên cứu. Trong buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ, tôi đã đọc 2 bài thơ Nhớ và Tiểu đội xe không kính của anh để minh chứng cho câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật đi xa đã tròn 10 năm. Trái tim một nhà thơ chống Mỹ đã ngừng đập, nhưng vẫn lấp lánh “Lửa đèn”, “Mang lửa từ nghìn năm về trước… Vùi trong tro trong trấu nhà ta”; một cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội không còn trở lại thăm trường xưa, bạn cũ, nhưng cái thời khắc Mỗi giờ mười phút vẫn gắn với giảng đường; một con người trăn trở những ưu tư lại trở lại vẻ hồn nhiên, tinh nghịch, dí dỏm “Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc”; một người nặng lòng Viết về số KHÔNG để nói được nhiều nhất cái CÓ, nói đến tận cùng những mất mát để khẳng định thế tất thắng vững chãi như cái thế chân kiềng Đất cứ bình yên, sông cứ xuôi… Cả đất nước trong những năm tháng hào hùng “hành quân” và “thành chiến sĩ” đã mang lửa trong tim và đi theo câu thơ của anh: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” đến hành trình ngày chiến thắng và cho đến hôm nay “Lửa đèn vẫn lấp lánh”…
TS. Lê Thị Bích Hồng