• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà thơ Thanh Tùng và “thời hoa đỏ” ngày xưa

11/04/2008 08:19

Nói đến nhà thơ Thanh Tùng là người ta nghĩ ngay đến bài thơ Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc và ngay lập tức chinh phục trái tim của biết bao người. Tác giả của Thời hoa đỏ là một người đầy khao khát trong thơ ca và trong tình yêu.

Nói đến nhà thơ Thanh Tùng là người ta nghĩ ngay đến bài thơ Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc và ngay lập tức chinh phục trái tim của biết bao người. Tác giả của Thời hoa đỏ là một người đầy khao khát trong thơ ca và trong tình yêu.

Nhà thơ của những người thợ

Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại Nam Định, lớn lên ở Hải Phòng, làm nghề khuân vác trên bến cảng, sau đó chuyển sang đóng tàu, có thời gian làm nghề áp tải. Ông là một người thợ làm thơ, luôn sống lặng lẽ trong sự cuồng nhiệt của riêng ông, chưa bao giờ phát ngôn to tiếng. Đời thợ được ông miêu tả:

Cái nghề khuân vác của tôi

Trong cơn mê còn thấy giọt mồ hôi cười

Tôi sợ nó và tôi yêu nó

Như người mẹ sợ cơn đau đẻ

mà vẫn thèm có con

Hoặc:

Tôi đến trước cửa lò

Người thợ cả trao cho tôi cây thông lò

Và ngọn lửa thở như bão

Ngày đó Thanh Tùng không định theo nghiệp viết, chỉ thích làm kỹ sư. Ông nói: “Tôi học khá môn Toán, điểm Văn thường là vừa đủ hoặc dưới trung bình. Nhiều lúc thầy cô còn phê làm văn lạc đề. Thế rồi cầm bút làm thơ lúc nào chẳng biết. Cảm xúc dâng đến ào ạt, có khi ngồi dưới hầm mà viết. Đi đâu tôi cũng có mẩu bút chì với mảnh giấy để ghi chép lại. Có khi viết ngay trên những viên gạch non hoặc trên tấm tôn của nhà xưởng rồi lúc rỗi chép lại”.

Gia tài của Thanh Tùng không chỉ có một số bài thơ được phổ nhạc như Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (Phú Quang), Người về (Phú Quang)... Hai lần ông nhận giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài 60 tuổi, ông mới xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Thời hoa đỏ (NXB Văn học 2001) và được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002.

Vẫn thời hoa đỏ ngày xưa

Thanh Tùng là một người lận đận về tình riêng. Ông lấy bà Thanh Nhàn, một phụ nữ cũng rất lận đận. Nhờ bà, ông được sống hạnh phúc, có cảm giác là một người có gia đình. Trước đó, ông phải sống cuộc sống tạm bợ, lam lũ bên cạnh một cậu em trai bệnh tâm thần mà khỏe như vâm. Bà Thanh Nhàn lấy chồng năm 17 tuổi, sinh được một con trai, bị đối xử thô bạo nên bỏ Quảng Ninh lên Hải Phòng. Với người chồng thứ hai, bà có được hai cô con gái, rồi cũng phải ly dị vì lý do như trên. Thế rồi, một người đàn bà truân chuyên lam lũ đã “rơi tõm” vào cuộc đời cũng lam lũ cùng cực của Thanh Tùng. Hai người bù đắp cho nhau bằng những tháng ngày hạnh phúc. Nhà thơ kể rằng, mình đã ngỏ lời với bà Thanh Nhàn nhanh như một tia sét, khi bà chưa hiểu gì về ông. Rồi họ sống với nhau. Người phụ nữ này đã làm cho nhà thơ vơi đi những thô ráp, bụi bặm của cuộc sống. Bà rất hay cãi nhau với chồng về thơ không vần của ông. Ngay cả khi ông được giải thưởng, bà vẫn một mực khăng khăng nếu thơ có vần thì giải thưởng còn cao hơn nhiều.

Ngày đó, bà Thanh Nhàn có một ki-ốt bán sách báo nhỏ. Một vài người vẫn hay lui tới khi bà còn tràn đầy xuân sắc. Thanh Tùng ghen dữ dội, thế rồi hai người chia tay nhau. Nhưng bà đã cho ông hiểu thế nào là yêu đến điên dại và ghen điên cuồng. Bài thơ Thời hoa đỏ ra đời trong hoàn cảnh đó. Mối tình đầu của ông, màu hoa của ông, cả tình yêu mãnh liệt của ông. Để rồi “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa của một thời trai trẻ” rồi “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.

Những kỷ niệm sẽ không bao giờ phai. Em của ngày xưa sẽ ở mãi trong tim. “Sau bài hát rồi em như thế/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thể/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa”. Đó, ông đã ghi lại cảm xúc, tình yêu của mình bằng những câu thơ như thế, rực ngời sắc đỏ. Sắc của máu, của tình yêu và của nhiệt huyết trai trẻ.

Khi viết xong Thời hoa đỏ, ông không biết đặt tên là gì, cũng không gửi đến báo nào. Bài thơ được in là do một người anh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mười hai năm sau, khi đọc tuyển tập thơ tình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng thích và phổ nhạc Thời hoa đỏ. Ngay lập tức nó trở thành một bản tình ca được nhiều người yêu thích. 

Một người phụ nữ nữa đi ngang qua đời ông. Đó là người trôi dạt từ Thái Bình về Hải Phòng kiếm sống. Ông thông báo với bạn bè “tôi đã có vợ mới”. Nhưng người phụ nữ này chỉ sống với Thanh Tùng được chừng một năm, rồi bà phải trốn khỏi Hải Phòng vì một món nợ. Có lần nghe tin bà ở Sài Gòn, Thanh Tùng tìm vào tận nơi. Bà vẫn vất vả kiếm sống, vẫn chưa có chỗ trú ngụ. Thanh Tùng chỉ ở lại một đêm rồi trở về Hải Phòng với các con.

Năm 1995, nhà thơ Thanh Tùng vào Sài Gòn để tiếp tục xây dựng gia đình mà hơn nửa cuộc đời ông lỡ dở. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đã mai mối cho ông bạn thi sĩ lận đận. Ở Sài Gòn nhưng ông không nguôi nhớ Hải Phòng, thành phố tuy không phải là quê hương, nhưng ở đó có Thời hoa đỏ -  nơi sinh ra sự nghiệp của ông. Và người thơ ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ quên Hải Phòng.

Thời hoa đỏ tuy chưa phải là đỉnh cao của ông, nhưng nó cho ông được phép xa xót với ngày xưa, với tình yêu đầu cuồng si. Cuối cùng, nhà thơ tâm sự bằng thơ:

Bây giờ tôi ăn một nửa

Nửa dành cho những ngày xưa

Bây giờ tôi đi giật lùi

Tình yêu ở phía sau tôi...

 

Theo PY

NỔI BẬT TRANG CHỦ