• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà – Thuyền và Biển

Du lịch 30/07/2016 20:42

Trước biển, trong hành trình kiếm tìm lời giải cho câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi muốn gì?”, con người chưa bao giờ có ý định ngưng nghỉ trong việc kiến tạo không gian sống mới, thích ứng và hoàn thiện hơn cho chính mình.

Hàng nghìn năm nay, theo mách bảo, chỉ dẫn của mẹ biển, con người cất dựng những ngôi nhà giống như cách họ đã chế tác một con thuyền. Đó là một trong những đối thoại thân thiện với thiên nhiên, lời tri ân sâu sắc của con người với biển cả.

Ngay từ rất sớm, con người nhận ra biển đồng nghĩa khởi thủy. Và bản năng sinh tồn chỉ lối cho con người tụ sinh quanh những mạch, nguồn nước, nơi nuôi dưỡng tốt nhất cây cối, hoa màu, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào. Cùng với những con nước cường, nước ròng, các dòng hải lưu hay men theo các chế độ gió mùa, con người dễ dàng dịch chuyển xa hơn nơi cư trú.

Theo những hải trình đó, những mắt thuyền Ai Cập, Lưỡng Hà đã lan tỏa ra khắp các đại dương lớn nhỏ.  Những điêu khắc đồng từ văn hóa Lương Chử, Trung Hoa hay trang trí trán thuyền của người Indonesia cổ lại có gì đó rất gần gũi, đồng dạng với điêu khắc đá các vị linh thần trong văn hóa Maya dọc bờ đông Thái

Bình Dương. Bản thiết kế kiến trúc nhà thuyền vẽ trên trống đồng Đông Sơn thì lan tỏa và còn hiện hữu ở rất nhiều nơi của Nam Đảo, Đông Nam Á. 

Trên thế giới, sau Đại hồng thủy, cách nay chừng 8.000 – 10.000 năm, nếu con thuyền Noah là có thật thì đó chính là ngôi nhà đầu tiên được con người hoàn tất bởi một công nghệ thiết kế, xây dựng rất hoàn thiện. Với người Việt Nam, trong các huyền thoại của người Tày, Dao, Mảng, Giáy, Chăm… vẫn còn thấy rất rõ dấu vết tín ngưỡng tôn thờ những thứ có thể chứa đựng hay trôi nổi trên mặt nước. Đó là quả bầu, khúc gỗ, ống tre hay các con thuyền…

Với những không gian, vật dụng đơn sơ, gần gụi mà loài người có thể bám víu, nương tựa, họ được tái sinh sau những biến cố nước dâng vào thời băng tan.

Và cứ lần theo những dấu tích kiến trúc trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà, Sơn La, Quảng Xương, Hợp Minh… hay rất nhiều điêu khắc hình thuyền của văn minh Đông Sơn, người ta có thể khám phá những điều thật thú vị. Trong suốt một thời gian rất dài, người Việt cổ đã cư trú trong hang đá. Họ quan sát kỹ lưỡng mọi thay đổi của gió, chế độ lên xuống của thủy triều cùng những biến động khác của thiên nhiên. Nhiều dấu tích tìm thấy trong các di chỉ hang đá ở ven biển Hạ Long, Cát Bà cho tới vùng núi cao như Lạng Sơn, Hòa Bình… đều cho thấy người Việt cổ rất khác với hậu duệ.

Họ không chỉ nương tựa, kính trọng các dòng sông mà còn chứng tỏ rằng mình đã là những dân đi biển lão luyện. Và họ đã làm ra chiếc thuyền trước khi dời từ hang này tới hang khác rộng hơn, nhiều thực phẩm hơn. Tiếp sau đó họ gây dựng những chiếc chòi ở xa hang và gần những cánh đồng trồng trọt, canh tác. Khi đi xa hơn nữa, họ cần có những ngôi nhà.

Và từ góc nhìn kiến trúc, cuộc sống dường như được tiếp diễn, mở rộng, lan tỏa theo kích cỡ của mỗi con thuyền hay mỗi ngôi nhà, từ nơi quần cư đến các pháo đài, đô thị. 

Trong lộ trình đó, con thuyền và ngôi nhà như hai phần thiết yếu, không tách rời của một không gian tồn sinh của người Việt cổ. Đó có thể là bộ nguyên tắc ứng xử đầu tiên và cực thông minh của con người với biển, với nước. Và nó cũng chi phối hầu hết những nguyên tắc cơ bản nhất trong những đồ án kiến trúc đầu tiên.

Ngày nay, người ta vẫn có nhiều cơ hội để kiểm chứng, thực chứng.

Hãy nhớ cách đặt tên cho từng chi tiết nhỏ trong ngôi nhà, ngôi làng truyền thống như tàu đao (đao đình), chân tàu (cách gọi kết cấu mái để phân biệt với kiểu kết cấu tàu hộp của người Hoa), tàu mái (phần mái), lá tàu (tấm gỗ chạy dọc mái). Ngôi nhà được thiết kế với bộ vì kèo kẻ chuyền được gọi là nhà lòng thuyền.

Phần lòng đình không có ván sàn gọi là lòng thuyền. Khi dựng mái đình, nhà, người thợ phải tuân thủ  nguyên tắc: phần gốc cây để ở rìa mái, phần ngọn đặt ở phía bờ nóc, bên trên. Nguyên tắc này được người xưa đúc rút thành một châm ngôn đầy ẩn dụ: “Gốc biển, ngọn nguồn”.

Cũng có thể tìm thấy ví dụ khác  trong quy hoạch. Làng Hồi Quan, Bắc Ninh được thiết kế như một con thuyền. Đình làng ở khu vực lòng thuyền có vai trò như lầu thuyền. Quanh làng có những cánh đồng như: đồng Mũi Thuyền, đồng Cột Buồm,

hay đồng Bánh Lái….

 Tiếp nối truyền thống, khi quan sát một nhà nổi trên vịnh Hạ Long, một quán cà phê bên bờ sông Hàn, một nhà hàng bên sông Thu Bồn, một nhà thờ Quảng Nam hay những mái đình miền Bắc đến nhà dài mái nhọn, cong trên Tây nguyên… người ta có thể tìm lại hồi quang xa xưa ấy.

Mỗi kiến trúc mô phỏng những con tàu đều giống như một ngôi đền thờ mẹ biển. Mỗi công trình dường như đang chở nặng một ước mơ đi xa, khám phá những ngư trường mới, chốn cư ngụ mới và những chân trời mới.

Khi khảo tả, ghi chép, chụp ảnh hay trực giác những ngôi nhà sàn ở Phú Quốc, một khu spa ở Nha Trang hay một chòi cao lênh khênh ở Bái Tử Long… người ta nhận diện một nhà – thuyền nơi mép sóng. Cư dân ven biển đã dày công dõi theo, đo đếm những nhịp thủy triều, những lần biển tiến lùi. Họ làm ra những

nhà sàn với hàng chân cột cao thấp khác nhau. Họ tách ngôi nhà khỏi những xung động, biến động của mặt nước.

Hàng cột khác nào những cái xiếm của những chiếc ghe câu Phú Quốc, ghe lưới rung Phước Hải, ghe nan Đà Nẵng, ghe mành Cửa Lò, tam bản Móng Cái. Nó giúp thuyền lái tự động, tăng tính trôi nước mũi, chạy nhanh hơn, chống dạt, đi đúng hướng. Những cái xiếm đã theo người Việt cổ chinh phục Nam Mỹ từ rất xa xưa? 

 Khi tới những khu nghỉ cao cấp bên bờ biển xinh đẹp, người ta đã tìm kiếm được điều gì? Họ dễ dàng nhận diện ở đây bản thiết kế hội tụ những giá trị từng tích lũy từ hàng nghìn năm của những làng chài. Họ thỏa mãn thụ hưởng sự mẫn cảm về màu của người thiết kế. Họ được ru mình, được dẫn dụ trong những gam màu, chất liệu xanh lục xa xỉ, quý phái.

Họ muốn một bước xuống biển, ngoái lại là rừng. Mỗi thân cành, từng tán lá hay những chất diệp lục bí ẩn đang lặng lẽ cân bằng sáng với cát trắng, nắng gắt hay màu xanh dương quá rực rỡ của nước biển.

Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy việc xếp đặt, tạo tác những khoảng vườn, tán cây nhiệt đới cao thấp, nhiều tầng cùng các mặt nước, dòng nước thật giống như cách ngư dân xếp đặt những cánh buồm mũi, buồm lái, buồm tam giác, tứ giác, buồm vuông, buồm lùn.

Tùy lúc, khi hoàn cảnh biến đổi, mỗi lá buồm được căng lên, khép lại, dịch chuyển qua phải hoặc trái. Gió nào buồm ấy. Cây nào, kiến trúc nào, ý tưởng nào cảm xúc ấy.

 

Hôm nay, trong một ngày nghỉ, khi dầm mình trong một bể tràn người ta có may mắn trực cảm điều gì? Có phải thủ pháp thiết kế mặt nước tràn đã tạo nên ảo giác khi ranh giới các mặt nước xóa nhòa? Tại sao những người nghiện chơi ảnh trên facebook tới các nhà nhiếp ảnh quảng cáo và các chủ đầu tư rất hứng thú với góc
nhìn và ấn tượng thị giác này?


Có phải bể đã lẫn vào với biển? Có phải thật giản đơn khi biến cái nhỏ bé  thành cái lớn rộng, điều to tát? Có phải không còn ranh giới thực và ảo? Có phải tầm nhìn con người lớn rộng hơn khi biển… vượt bãi bờ, tiến sâu, dâng cao hơn trong cảm nhận, rung động của con người?

Đúng rồi, khi tự tạo nên hai đường chân trời, con người đã biết khiêm nhường hơn trước thiên nhiên, tự  nhiên? Và cứ thế, năng lượng ấy, cảm xúc đó đã thôi thúc họ mải miết đi tới cái không cùng, miên viễn của biển, của trời đất. Họ vừa tạm dừng nghỉ khi neo thuyền, lên bờ dựng nhà.

Bài và ảnh: Xuân Bình

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 6-2016





NỔI BẬT TRANG CHỦ