Con người có hai loại: con người của cá nhân và con người của hệ thống. Các văn nghệ sĩ thường thuộc loại thứ nhất hơn. Hồ Anh Thái nghiêng về loại thứ hai.
Con người có hai loại: con người của cá nhân và con người của hệ thống. Các văn nghệ sĩ thường thuộc loại thứ nhất hơn. Hồ Anh Thái nghiêng về loại thứ hai.
Con người của cá nhân là con người chỉ đủ nhìn thấy việc cần làm. Anh ta tách ra khỏi xã hội và vứt lại đằng sau tất cả mọi dây chằng bám ríu. Còn con người của hệ thống, anh ta không cho phép bỏ lỡ đi tất cả. Anh ta ý thức được vị trí của anh ta trong hệ thống xã hội.
Rõ ràng, Hồ Anh Thái ý thức được vị trí của anh trong xã hội nhiều hơn là cá nhân anh. Mối quan hệ giữa anh và hiện thực gắn bó chặt chẽ. Không thể có một Hồ Anh Thái đơn phương là nhà văn, mà cũng chẳng thể duy nhất một Hồ Anh Thái là công chức ngoại giao.
Khi thắc mắc về những mâu thuẫn trong hành động (anh là người đầu tiên khơi mào “mốt” từ chối Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam do bất bình với những tiêu chí của Hội nhưng sau này vẫn nhận lời giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam). Anh trải lòng, tại… tính cả nể nó thế! Nhiều khi nó kéo ta vào những bụi rậm không lường trước được!
Thế nhưng ngay cả khi vào Hội, anh vẫn không làm được nhiều điều để thay đổi những tiêu chí mà chính vì những thứ bức xúc đó, anh đã từ chối giải thưởng của Hội. Anh thoáng cau mày nói, cũng mệt mỏi lắm rồi. Giờ quàng nhiều thứ vào thân quá, không lùi lại được.
Tôi không hiểu, tại sao một nhà văn từng từ chối giải thưởng của Hội nhà văn nhưng chính anh ta sau này lại tự buộc mình vào cái hệ thống ấy? Một con người vỗ ngực xưng tự do mà lại tự đi cầm tù chính mình?
Trong ngót ba mươi năm qua, Hồ Anh Thái là một trong nhà văn viết đều đặn và ra nhiều tác phẩm nhất. Thật khó tưởng tượng, anh chỉ dùng ít ỏi hai, hoặc ba tiếng trung bình một ngày để xuất bản gần ba mươi tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Nhiều người cho rằng anh ôm đồm quá nhiều, nhưng hình như sau sự ôm đồm ấy, còn một điều gì nữa, không chỉ giản đơn là thế.
Điều gì ấy, khiến một nhà văn nổi tiếng như anh vẫn bị quyến rũ bởi chức vụ một công chức Bộ Ngoại giao?
Trong khi, hàng ngày anh đến đó với thái độ dửng dưng đều đều?
Điều gì ấy, khiến anh không hài lòng với các điều lệ của Hội, và còn nhiều điều không hài lòng hơn nữa, mà vẫn cố thủ vị trí đấy?
Điều gì đó, phải chăng là quyền lực và danh vọng?
Địa hạt Hồ Anh Thái hoạt động là địa hạt văn học, nơi cái đẹp được tôn sùng như một nữ thần tình ái. Quyền lực và cái đẹp có thể đi song hành cùng nhau, nhưng không bao giờ và không thể hoà nhập thành một. Tự bản thân quyền lực đã là liều thuốc độc giết chết cái đẹp. “Cô gái đẹp” của Hồ Anh Thái thời kỳ đầu nay đã thành “góa phụ”.
Nghề viết, nói nôm na là sự “rải sỏi có sắp xếp” của những mâu thuẫn, bi kịch. Nhưng cái nhìn của Hồ Anh Thái luẩn quẩn, tỉ mẩn và nanh nọc như một người đàn bà hơn là một người đàn ông. Có lẽ, tham vọng của anh là biến những tiểu thuyết của mình thành một “Tấn trò đời…Việt
Nhưng để có được “Tấn trò đời” đó, Balzac đã phải tự giam hãm mình hàng năm trời trên căn gác xép chật chội đầy gián, chuột. Balzac buông tất cả cho một cuốn tiểu thuyết. Còn Hồ Anh Thái, anh không thể buông tất cả cho văn học. Hình như, anh đã luôn bỏ lỡ mất những cuốn sách của đời mình…
Bấy lâu nay, không ít thành viên trong Hội nhà văn nhận được những tin nhắn vô danh (những tin nhắn gửi trên mạng internet nên không thể biết danh tánh người gửi) khá sỗ sàng về giới tính của nhà văn Hồ Anh Thái.
Hơn hai năm trước, cũng có nhiều dư luận về anh khi anh quá ưu ái cho “nhà thơ trẻ con” Nguyễn Thế Hoàng Linh. Cùng thời điểm đó, Hồ Anh Thái lại có những quan điểm khá gay gắt với thơ của Vi Thùy Linh, coi thơ Linh chẳng qua chỉ là “cũ người mới ta”. Trong khi, Nguyễn Thế Hoàng Linh được Hồ Anh Thái coi như một “ca” hy hữu trong lịch sử văn học Việt
Cho là, Nguyễn Thế Hoàng Linh có nổi lên như một hiện tượng thực sự thì vẫn khó hiểu với một “người nhà văn chuyên giễu nhại người khác”. Ngay cả với tình cảm quý mến chủ quan, thì địa vị Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội cũng không cho phép Hồ Anh Thái có những nhận định và phát ngôn quá ư thiên vị. Chưa kể với kinh nghiệm hàng chục năm làm ngoại giao, anh thừa biết kiềm chế những tình cảm riêng tư của mình.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa nhận xét, ngay cả khi có sự tham gia đắc lực của báo chí, hay có sự cổ vũ của một hai cây bút đàn anh (điển hình là ý kiến của Hồ Anh Thái với tiểu thuyết “truyện của thiên tài: thì cũng không thể “vực dậy” nổi một tiểu thuyết.
Hồ Anh Thái có thể có con mắt xanh trong việc đưa tác phẩm của Linh từ bóng tối ra ánh sáng. Nhưng cũng ngay sau sự kiện đó, bản thân Linh cũng chán nản với dư luận và với chính mình. Dường như “nhà thơ trẻ con trầm mặc” này chưa đủ bản lĩnh để đứng trong dư luận. Mệt mỏi, chán chường, hoang mang và thất vọng là điều dễ hiểu. Nguyễn Thế Hoàng Linh vụt biến mất. Nhanh chẳng kém tốc độ lúc nổi tiếng.
Tôi hình dung thế này: sáng sáng, Hồ Anh Thái khoác lên người chiếc áo sơ mi nà nuột do chính tay là; quần đen xếp li ngay ngắn. Anh ra đường với mái đầu vuốt chút keo cho khỏi rối tóc, tay cầm chiếc cặp táp đen bóng. Anh đến cơ quan làm việc không với tư cách của một nhà văn Hồ Anh Thái được nhiều bạn đọc ngưỡng mộ mà với tư cách của một công chức ngoại giao tầm tầm.
Không gian công sở là những người thà thiêu đốt 8 giờ vàng ngọc cho trò chơi điện tử còn hơn là nghiền ngẫm đọc “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”. Anh ngồi trong góc riêng của mình, làm những việc riêng như mọi người. Có thể là chơi game, mà cũng có thể là đang lách cách gõ những trang tiểu thuyết nối dài. Có thể là một “265 ngày tự sự” kiểu khác.
Rồi buổi trưa, trong các vụ tụ bạ của anh em văn nghệ sĩ. Hồ Anh Thái xuất hiện vẫn dáng vẻ ấy, nhưng với tư cách đầy quyền uy: Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội kiêm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt
Đến tối, anh trở về nhà, sau một ngày của những nhàn nhạt. Đó mới là lúc Hồ Anh Thái của nhà văn. Vẫn mái tóc ấy, nhưng rối và bồng bềnh hơn sau một ngày nắng gió. Trong căn phòng, chỉ còn hai nhân vật: Hồ Anh Thái và trang giấy trắng. Những con chữ được bắt đầu, từ đó.
Hồ Anh Thái chính là nhân chứng sống nhất của bản thân anh ta.
Một cảnh trong phim The Time của đạo diễn lập dị Hàn Quốc Kim Ki Duk, khi cô gái, vì chán khuôn mặt của mình, đã giải phẫu để trở thành kẻ khác, một ngày nhớ về khuôn mặt cũ, cắt một tấm ảnh chân dung xưa của chính mình ra để làm mặt nạ, rồi đeo lên khuôn mặt thật mới của mình.
Người xem không còn có thể phân biệt được nữa, đâu là mặt thật, đâu là mặt nạ. Phải chăng, mặt thật là chiếc mặt nạ với ảnh chụp khuôn mặt xưa cũ hay mặt thật lại là khuôn mặt giả sau giải phẫu giờ đây đã vĩnh viễn gắn bó với cô. Rõ ràng khuôn mặt thật cũ (mặt nạ) giờ đã thành mặt giả và khuôn mặt thẩm mĩ - giờ đã thành mặt thật.
Mặt nạ mà cô ta khoác vào cũng chính là mặt thật của cô ta. Hoàn toàn không có sự phân biệt rạch ròi giữa mặt nạ và mặt thật ở đây. Khi cô ta đeo mặt nạ và khóc, con người thật của cô ta không phải là ở mặt nạ, hay mặt thật, mà chính là nước mắt. Trong mong manh ranh giới của sự yếu đuối và hoảng loạn, không ai có thể che giấu được bản ngã.
Trong suốt buổi trò truyện đó, đôi lần tôi thấy ánh mắt sắc lẹm của anh dao động. Như những viên sỏi ném xuống mặt hồ…
Theo TTO