Ở cái tuổi chưa đến ngũ thập, thế nhưng Hồ Anh Thái đã là một trong những tác giả viết nhiều nhất trong vòng hơn 20 năm nay với gần ba chục đầu sách. Hồ Anh Thái đã tạo được cái nhìn riêng về thế giới, thoát khỏi cảm hứng ngợi ca thường có của văn học để đi sâu vào những dòng chảy tâm lý bên trong qua những trang viết sắc bén.
Ở cái tuổi chưa đến ngũ thập, thế nhưng Hồ Anh Thái đã là một trong những tác giả viết nhiều nhất trong vòng hơn 20 năm nay với gần ba chục đầu sách. Hồ Anh Thái đã tạo được cái nhìn riêng về thế giới, thoát khỏi cảm hứng ngợi ca thường có của văn học để đi sâu vào những dòng chảy tâm lý bên trong qua những trang viết sắc bén.
Anh dám nhìn thẳng vào những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ nó một cách trung thực và táo bạo.
Trong khi nhiều cây bút, sau một vài tác phẩm gây được sự chú ý, bỗng dưng trầm lắng thì Hồ Anh Thái đã chứng tỏ một sức viết mãnh liệt. Không trông chờ vào ngẫu hứng, Hồ Anh Thái tìm cảm hứng trên bàn làm việc, tìm thấy gương mặt thế giới chính trong bản thể mình. Các tác phẩm của anh đã được xuất bản như: Chàng trai ở bến đợi xe (tập truyện ngắn, in chung, 1985); Vẫn chưa tới mùa đông (tiểu thuyết, 1986); Người và xe chạy dưới ánh trăng (tiểu thuyết, 1987); Người đàn bà trên đảo (tiểu thuyết, 1988); Trong sương hồng hiện ra (tiểu thuyết, 1990); Mảnh vỡ của đàn ông (truyện, 1993); Người đứng một chân (truyện, 1995); Lũ con hoang (truyện, 1995); Tiếng thở dài qua rừng kim tước (truyện, 1998); Họ trở thành nhân vật của tôi (chân dung văn học, 2000); Tự sự 265 ngày (truyện, 2001); Cõi người rung chuông tận thế (tiểu thuyết, 2002); Bốn lối vào nhà cười (truyện, 2005); Mười lẻ một đêm (tiểu thuyết, 2006); Đức Phật, nàng Savitri và tôi (tiểu thuyết, 2007)...
Là cử nhân Quan hệ quốc tế, tiến sĩ Văn hóa phương Đông, nhà văn Hồ Anh Thái đã từng trải qua thời gian tham gia quân đội, làm báo, cán bộ nghiên cứu... Ngay từ nhỏ nhờ có năng khiếu và đam mê văn chương nên Hồ Anh Thái đã dành nhiều thời gian cho công việc viết lách. Anh đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt
Khi bắt đầu bước vào nghiệp văn, ngòi bút Hồ Anh Thái khá giàu chất trữ tình. Nét nổi trội trong ngòi bút của anh là khả năng chiếm lĩnh hiện thực ở tầng sâu và màu sắc tượng trưng trong tác phẩm. Trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái đã nêu lên được một cách khá sắc sảo tâm lý hoang mang của con người thời hậu chiến. Cùng với thời gian, Hồ Anh Thái nhận ra cái bi hài có mặt khắp nơi, thậm chí cả những nơi sang trọng, cái hài vẫn xuất hiện dưới trạng thái che giấu, nhưng càng giấu thì chất hài lại càng rõ (Phòng khách). Chất giọng giễu nhại trong sáng tác Hồ Anh Thái trở nên nổi bật trong Tự sự 265 này.
Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với những tác phẩm đầu tay của Hồ Anh Thái, người đọc có thể bắt gặp những chất giọng trẻ trung, tinh nghịch, nhưng cũng rất hóm hỉnh. Cách thay đổi cấu trúc của nhà văn khiến cho câu chuyện trở nên khách quan hơn, mạch chuyện trở nên biến hóa hơn. Điều này có thể thấy rất rõ qua Chạy quanh công viên mất một tháng. Với cái nhìn suồng sã, lật tẩy, Hồ Anh Thái phơi bày cái trần tục của đời sống công chức qua Bãi tắm. Truyện ngắn Bến Osin của anh đã giành được nhiều thiện cảm của độc giả văn học. Khi mà mặt nạ đời sống bị bóc trần thì lập tức cái hài xuất hiện. Vẫn là cái cười “kiểu Hồ Anh Thái” nhọn, sắc, quái, trước một bến đời mà anh gọi là “bến Osin”, nơi những cô nàng làm thuê tấp vào. Trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, bạn đọc lại thấy cái chất giễu nhại, sự sắc sảo như đọc thấu gan ruột thiên hạ của Hồ Anh Thái bởi những câu chuyện khiến người ta phải cười thắt ruột, cười ra nước mắt.
Nhìn chung, các sáng tác của Hồ Anh Thái màu sắc luận đề khá rõ. Nhà văn thường trăn trở về cuộc sống bằng cái nhìn phân tích sắc sảo. Chân dung của hiện thực trong văn của Hồ Anh Thái có nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài chứ không đơn điệu. Đó không phải là thứ hiện thực “dẹt”, “phẳng” mà góc cạnh, nhiều chiều, là hiện thực “phân mảnh”. Nhưng đằng sau những bi kịch nhân sinh, nhà văn cũng không mất đi niềm hy vọng vào con người. Anh dám nhìn thẳng vào nỗi đau, niềm nhức nhối bủa vây cõi người để gióng lên những tiếng chuông khẩn thiết về sự khô kiệt nhân tính đang có mặt khắp nơi. Điều này có thể thấy rất rõ trong Cõi người rung chuông tận thế.
Nhờ có may mắn được đi khắp tiểu lục địa ấn Độ với tư cách là cán bộ ngoại giao, Hồ Anh Thái đã viết nhiều sách về đề tài ấn Độ như: Tiếng thở dài qua rừng kim tước (tập truyện); cuốn tiểu luận và biên khảo Namaskar! Xin chào ấn Độ!. Với anh: “Văn hóa ấn như một đại dương mênh mông, và ai can đảm nhảy xuống phải chấp nhận thách thức, với nhà văn, dường như càng bơi trên đại dương ấy, càng thấy xa bờ”. Thế nhưng anh đã trả lời mạch lạc, khúc triết, thông suốt những thắc mắc của bạn đọc về đức Phật và hành trạng của ngài trên đất Ấn Độ cách đây 25 thế kỷ khi ra mắt cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (ấn hành quý II-2007). Cuốn tiểu thuyết này không chỉ in 5.000 cuốn ngay từ lần xuất bản đầu mà còn được mua quyền xuất bản trong 2 năm với một số lượng lớn. Còn tuyển tập Sắp đặt và Diễn cũng đã chọn 25 truyện ngắn khá tiêu biểu cho ba giai đoạn sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái viết về Ấn Độ...
Những năm tháng sống trên đất Phật đã góp phần tạo nên chất giọng suy tư phía sau cái nhìn tỉnh, sắc về cuộc sống. Tiếng thở dài qua rừng kim tước là một tác phẩm xuất sắc của Hồ Anh Thái, đã điểm trúng “huyệt” tính cách của người ấn Độ bằng những “mũi kim châm cứu” chính xác. Màu sắc siêu thực phủ đẫm thiên truyện. Đây là câu chuyện về những đứa trẻ chưa kịp sống đã phải chết vì món hồi môn sau này bố mẹ chúng phải trả. Mỗi đứa trẻ chết được đánh dấu bằng một cây kim tước. Rừng kim tước oan nghiệt kia là một ẩn dụ nghệ thuật có sức biểu đạt lớn. Nó xoáy vào tâm trí người đọc nỗi niềm nhức nhối: tại sao cái xã hội kia lại có thể thờ ơ đến thế trước số phận con người?
Dường như sau mỗi tác phẩm của Hồ Anh Thái là một câu hỏi, một băn khoăn về cõi thế, về bi kịch của những “kiếp người đi qua”. Như vậy, màu sắc trữ tình không mất đi mà chìm xuống mạch ngầm ngôn bản. Hồ Anh Thái cho hay: “Tôi vẫn nghĩ nhà văn đích thực phải là người tử tế, nhưng không thể nói là tử tế “hơn” hay “kém” những người khác. Cũng giống như nghề văn là một nghề cao quý, nhưng không thể nói nó cao quý hơn nghề khác được. Còn những cái mác, những danh hiệu thì... hãy coi chừng! Không khéo chỉ vì những thứ ấy mà bệnh ảo tưởng của nhà văn càng nặng”.
Văn chương với Hồ Anh Thái là một nghiệp với đa tầng phong cách biểu hiện, với một tiềm năng đọc mới và thấu suốt cuộc sống, con người, những gì mà với nhiều người khác đã trở nên cũ kỹ. Anh biết vượt qua những lối mòn tư duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn giản để nhìn cuộc đời. Nhà văn Tô Hoài cho rằng, trong số ít cây bút đọc được hiện nay thì Hồ Anh Thái là một nhân tố điển hình. Một người viết văn như Hồ Anh Thái được coi là hiếm có ở thời này khi tác phẩm phát hành đều không dưới 5.000 cuốn. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng như: truyện ngắn 1983-1984 của báo Văn nghệ (truyện Chàng trai ở bến đợi xe); Giải thưởng văn xuôi 1986-1990 của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng); Giải thưởng văn học 1995 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tập truyện ngắn Người đứng một chân).
Có thể nói, cùng với những cây bút khác như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ..., Hồ Anh Thái đã đã góp phần tạo nên một động hình ngôn ngữ mới và giọng điệu văn xuôi khác hẳn so với văn xuôi 1945-1975. Thông điệp của Hồ Anh Thái mang đến không hiện ra lộ liễu mà toát lên từ tình thế, qua các biểu tượng thấm đầy chất ảo. Với một vốn văn hóa dày dặn, anh đã lao động cật lực trên từng con chữ và luôn tìm cách bứt phá trên cơ sở kiến tạo những kiến trúc mới mẻ, táo bạo. Đọc Hồ Anh Thái, ta thường băn khoăn: đâu là yếu tố giúp cây bút này sung sức đến thế? Và có lẽ, nếu cần tìm một hình mẫu của người viết văn chuyên nghiệp ở Việt
Theo HNM