(Tổ Quốc) - Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng - "Ngôi nhà trí tuệ" trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tiêu biểu nhất của cộng đồng dân cư; phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa, gắn với thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…
- 08.08.2020 Hà Giang: Hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao đời sống tinh thần của người dân
- 01.08.2020 Lai Châu: Tổ chức hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời trong các bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ
- 27.07.2020 Lần đầu tiên Nhà Văn hóa Thanh niên cộng tác cùng sinh viên ĐH Văn Lang thực hiện Lễ hội Tết Việt
Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng- nhà trí tuệ
Từ tháng 4/2021, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh - Ban điều hành cấp tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ ủy ban MTTQ cấp dưới về nội dung, quy trình, cách thức triển khai thực hiện; đồng thời tích cực phối hợp kêu gọi hỗ trợ nguồn lực xây dựng ngôi nhà trí tuệ tại các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ (gọi tắt nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ) cho bà con Nhân dân.
Theo đó, nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ được xây dựng tại 10 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ vừa được khánh thành ở 9 huyện, thị, thành trong toàn tỉnh (8 địa phương 8 nhà, huyện Nghi Xuân 2 nhà). Riêng thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Lộc Hà khảo sát, lựa chọn xây dựng mỗi địa phương một ngôi nhà trí tuệ tại các nhà văn hóa đã được xây dựng trước đó.
Hà Tĩnh có 16 nhà văn hóa cộng đồng, - ngôi nhà trí tuệ ở các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành trên 85% khối lượng hạng mục. Có 11/13 huyện, thị, thành phố đã kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng nguồn lực xã hội hóa thực hiện mô hình. Tiêu biểu như các huyện Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh...
Từ chủ trương nhân văn trên, các địa phương, đơn vị đã huy động mọi nguồn lực để mua sắm tủ sách, sách, bàn ghế, bảng dạy học, lắp đặt tivi, máy tính kết nối internet, camera; trang bị các dụng cụ phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khá đầy đủ. Tất cả các nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ đã thành lập xong ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động của ban điều hành.
UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí 2,8 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 14 nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ. Các ngôi nhà được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa, kinh phí lồng ghép các chương trình, kinh phí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; dự kiến khoảng 300 triệu/nhà. Đồng thời, phối hợp với hệ thống "Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái Việt Nam" kêu gọi hỗ trợ hơn 6.000 đầu sách các loại, với tổng trị giá 200 triệu đồng trao tặng cho 14 nhà. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục vận động, kêu gọi hỗ trợ đầu sách để bổ sung cho các nhà văn hóa còn lại.
Trước khi ra mắt các nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã yêu cầu tất cả các đơn vị vận hành thử, đưa vào sử dụng và có đánh giá bước đầu hiệu quả sử dụng, mức độ tham gia của người dân. Đến nay, một số địa phương như huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… tiến hành khai trương và vận hành "Ngôi nhà trí tuệ kết hợp với nhà văn hóa cộng đồng, tránh, trú bão lũ". Sự ra đời của mô hình này ở Hà Tĩnh được đông đảo cán bộ và bà con Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nét đặc sắc trong xây dựng nông thôn mới
Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ ở các địa phương sử dụng một phần diện tích của nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ để bài trí, sắp xếp các không gian phù hợp phục vụ cho các hoạt động đa dạng của người dân. Tại đây, một thư viện nhỏ với nhiều đầu sách cùng Hệ thống internet, máy tính được đầu tư, kết nối để nhân dân và nhất là các em học sinh có điều kiện cập nhật kiến thức, nâng cao hiểu biết của mình. Một phần không gian được bố trí các hoạt động hỗ trợ dạy học văn hóa, thư viện đọc sách, kỹ năng sống, và không gian cho các loại hình văn hóa dân gian. Nhiều Câu lạc bộ, Đội, Nhóm được thành lập và thu hút đông đảo người dân tham gia như: CLB Dưỡng sinh; Đội Bóng chuyền hơi; CLB Cờ Tướng; CLB Cầu Lông; CLB Bóng bàn; các hoạt động Trò chơi dân gian;…Mô hình sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn ở các địa phương. Điều quan trọng hơn, các mô hình ngôi nhà trí tuệ đã góp phần nâng cao vai trò công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân; trọng tâm là việc rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và người dân, hướng tới một xã hội học tập, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó, phát huy hiệu quả và tận dụng tối đa công năng sử dụng của nhà văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng- "Ngôi nhà trí tuệ" trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tiêu biểu nhất của cộng đồng dân cư; phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa, gắn với thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh; là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh thiếu nhi và người dân, phát triển văn hóa đọc và hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng đời sống văn mới hóa ở khu dân cư. Những công trình này đảm bảo yêu cầu "2 trong 1"- vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, vừa làm điểm tránh trú bão lũ an toàn cho người dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Đến thời điểm hiện nay đã có 16 “Ngôi nhà trí tuệ” được hình thành tại các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão. Năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban điều hành tỉnh sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục kêu gọi, vận động xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng “Ngôi nhà trí tuệ” còn lại trên địa bàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã và đang tích cực tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, các ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc cấp dưới triển khai thực hiện. Qua đó, bảo đảm xây dựng các “Ngôi nhà trí tuệ” thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, đúng tiến độ.
Thiết nghĩ, những chủ trương nhân văn và có ý nghĩa thiết thực như thế này cần được nhân rộng trong cả nước. Bởi tất cả vì mục tiêu "…mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân"./.