• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Lê Minh Khuê khẳng định nhân vị tự do qua tác phẩm

03/09/2017 12:11

(Tổ Quốc) - Lê Minh Khuê không thiên về lối viết tự ăn mình, không phản ánh tổn thất của chiến tranh ở góc độ tình yêu và tình dục, nhưng chúng ta vẫn nhận ra được bản năng nữ giới, thiên tính nữ qua cách lựa chọn đề tài, xử lí vấn đề, cách kết thúc truyện.

Nói về truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, chúng ta có thể tự hào nhắc đến những gương mặt như Đoàn Lê, Lý Lan, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Đỗ Bích Thúy, Lê Minh Hà, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân… Họ đã tạo nên tiếng nói mang bản sắc nữ quyền, khẳng định cái nhân vị tự do qua tác phẩm.

Nhà văn Lê Minh Khuê (ảnh nguyentrongtao)

Trong dòng chảy ấy, Lê Minh Khuê là một cây bút truyện ngắn xuất sắc, cá tính, đầy nội lực. Ngôn ngữ văn xuôi của bà vừa gần gũi, đời thường, thô ráp vừa gai góc, sắc lạnh, tỉnh táo và triết lý. “Làn gió chảy qua” vẫn tiếp tục giọng văn ấy khi thâm nhập vào môi trường sống muôn hình vạn trạng, song có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về con người, đặc biệt là những con người bước ra từ cuộc chiến, hướng đến vẻ đẹp nhân văn. Sức bền, vững chắc và sự đam mê tuyệt đối với truyện ngắn mang đến cho Lê Minh Khuê nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Và gần đây nhất, tập “Làn gió chảy qua” (xuất bản năm 2016, Nxb Trẻ) đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (lần thứ 3 bà đoạt giải thưởng này).

Nếu giai đoạn trước năm 1975, truyện ngắn của Lê Minh Khuê khai thác kiểu con người cộng đồng với những vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng, phản ánh đúng tinh thần thời đại (Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ), thì sau 1975, rõ nét là từ 1986 trở đi, nhà văn đã có cái nhìn thẳng thắn hơn khi nhận thức lại quá khứ, chú ý đến kiểu con người cá nhân, hướng đến số phận con người giữa bộn bề, phức tạp của đời sống hiện tại (Một chiều xa thành phố, Bi kịch nhỏ, Trong làn gió heo may…). Tập “Làn gió chảy qua” dung nạp trong nó nhiều phương diện. Mỗi phương diện đều tập trung phản ánh những diễn biến phức tạp, không bình thường của đời sống, của thế giới nội tâm. Nhưng có thể xâu chuỗi ở hai phương diện: nhịp sống đương đại và hồi ức thời chiến.

Ở nhịp sống đương đại, người đọc bị cuốn theo những câu chuyện đời thường như chuyện rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình, những mưu mô chiếm lĩnh của người mẹ kế hòng đẩy hai đứa con của chồng ra khỏi ngôi nhà tổ tiên; chuyện muốn trốn chạy khỏi cái quá khứ của những năm tháng “tủi nhục”, “ăn nhờ ở đậu”, bị coi thường, khinh rẻ nhưng lại bị trì níu bởi trách nhiệm, nghĩa vụ của người mẹ, người vợ; chuyện đám cưới... Mảng này thể hiện rõ nét bề mặt lí trí, thản nhiên và một bề sâu ẩn dụ, kín đáo. Ở các tập trước, chúng ta bắt gặp những câu văn ngắn gọn, đan xen kể, tả và bình luận một cách bình thản, lạnh lùng như chính những bất ngờ và bất ổn mà cuộc sống mang tới, đến tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua”, chúng ta thấy có sự biến chuyển, mới lạ hơn, có nhiều câu văn không sử dụng khoảng dừng, khoảng ngưng nghỉ mà như một dòng suối chảy liên tục ồ ạt với nhiều dữ kiện, phản ánh đúng tinh thần đa diện đa chiều của hiện thực. Câu văn không chỉ dồn nén nhiều tin tức, sự kiện mà thông quá đó còn bóc trần bản tính của nhân vật. Khi viết về giới trí thức trẻ, bà chỉ ra bộ mặt “nửa mùa”, lố bịch, giả tạo, môn chẳng ra môn khoai chẳng ra khoai: “San đứng lù lù che lấp cả khay chân giò nấu đông không cho ai chen vào sau đó lấy một đĩa tú hụ ra đứng một góc như chó sói canh mồi ăn vài miếng rồi vất tất cả đĩa thức ăn vào gốc chậu cây cảnh rồi ra lấy đĩa khác tú hụ không kém. Giới doanh nhân trẻ nhiều xuất thân ở chỗ nhọc nhằn giờ có tiền lại chưa kịp văn minh” (tr.93). Lê Minh Khuê còn phản ánh thực trạng chân thực của lối sống thiếu văn minh giờ đang trở thành nét riêng, đặc trưng của người Việt mà chúng ta có thể nhìn thấy, gặp bất cứ nơi đâu: “đàn ông xứ Việt thích quay mặt vào tường giữa phố lớn, thích ngồi xổm bất cứ đâu cạnh cống rãnh cạnh bồn rửa miễn là có vài cái cốc uống trà, thích nói trạng nói hài hước dân gian mà không hài hước nổi vì thiếu chữ thiếu duyên mở mồm là thô tục” (tr.94). Vẫn bằng lối viết góc cạnh, sắc sảo và đầy lý trí trước đây nhưng nhà văn đã tước bỏ, gọt bớt những mực thước giả tạo của cuộc sống, đẩy vào đó những diễn ngôn thông tục, mộc mạc, giản dị, tự nhiên, nhờ đó người đọc như đang trải nghiệm trực tiếp những gì mà cuộc sống đang xảy xa, thấy được những mâu thuẫn nội tâm phức tạp của con người, thấy được cái nhân tính đang bị tước đoạt bởi thực trạng “đương đại”. Khi những diễn ngôn được đẩy đến tận cùng, hiện thực cuộc sống trở nên nhàu nát, tình người trở nên cằn cỗi, tàn nhẫn (Rời tay thằng này thì lấy cứt đổ vào mồm cả lũ (tr.44), “gã lầm bầm địch mẹ chen đéo gì mà như lũ giòi” (tr.154), “Kinh bỏ mẹ” (tr.95)…). Có thể nói, tính chất thô ráp, suồng sã ngay trong lời văn của Lê Minh Khuê đã kéo người đọc gần hơn với nhân vật, đồng cảm với những con người đang cố giãy giụa thoát ra khỏi đảo lộn trắng đen thật giả của cơ chế thị trường, với những con người còn mang trong mình “nỗi buồn chiến tranh” chưa thể giải tỏa. Trong sự giao thoa giữa nỗi buồn của quá khứ và nỗi bất an của hiện tại, giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và xã hội, những câu chuyện tưởng như giản đơn, thoảng qua như làn gió nhưng lại khơi gợi, ám ảnh người đọc về giá trị của tình người trước hiện thực trớ trêu, nghiệt ngã. “Thời này cái gì cũng phải đậm tay” (tr.69). Vì thế, chúng ta không lạ gì với những lối sống “cái thói ăn bánh trả tiền của người Việt” (tr.68), những suy nghĩ cá nhân “thóc đâu bồ câu đấy” (tr.67), những con người sinh ra từ cát đi ra từ cát nhưng “lòng người lại đen ngòm như nước cống” (tr.101). Những nhếch nhác, cỗi cằn của bộ mặt xã hội được Lê Minh Khuê áp sát, gọi tên: “Các con đường thành phố như lối đi của bọn kiến gió. Rối rít tít mù nhưng chả làm nên trò trống gì sất. Xã hội rối như nắm xơ rửa bát” (tr.64-65). Trong bầu không “sao mà buồn cho cái tình người” (tr.70), trong hành trình kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống, con người buộc phải tự kiếm tìm cho mình ống thở hợp lý, chống chọi, đấu tranh hay đầu hàng lệ thuộc đều tùy vào bản thân. Đó là lý do vì sao Lê Minh Khuê nhận ra con người dù rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, bi kịch vẫn có thể đứng dậy, phản ứng, chống lại cái xấu, cái ác luôn quẫy đạp, luôn có ý thức tự tách mình ra khỏi dòng chảy bất ổn của đời thường. Hoàn trong truyện “Linh kiện điện tử” quyến rũ, mồi chài Phúc khiến Phúc từ bỏ vợ con ra đi là một sai lầm và việc cô ăn cắp các linh kiện điện tử của nhà máy lắp ráp nơi cô làm việc cũng là một sai lầm, nhưng ít ra, cô đã biết sám hối, phán xét hành động của mình trước Phúc, người đàn ông mang trong mình dòng máu “trong sạch” của cha, chưa bao giờ có chuyện ăn cắp hay lấy của ai cái gì. Trong guồng quay mưu sinh, Lê Minh Khuê vẫn phát hiện ra vẻ đẹp nhân phẩm của Hoàn, nó chưa bị phủ lấp. Sự thắng thế, rạch ròi, ngay thẳng trong nội tâm của Phúc đã cứu lại hạnh phúc gia đình và xua tan cái lưỡng lự ở Hoàn, giúp Hoàn có sự lựa chọn đúng đắn. Cái đẹp và lòng hướng thiện không bao giờ bị mất đi, càng giãy giụa trong bể đời lắm nhiêu khê, cái tâm càng thêm trong sáng. Hay nhân vật Vân trong truyện “Giữa chiều lạnh” tuy chấp nhận lấy Tự, sống với một gia đình mà trước đây cô bị coi thường, khinh rẻ, bố bị đẩy vào tù, nhưng trong lòng cô tiếng nói phản kháng vẫn trỗi dậy. Phải chăng đó là sự cam chịu, nhẫn nại nhưng không thỏa hiệp, một bản năng đẹp đẽ, vô giá của Vân hay bất kì một người phụ nữ nào trước tiếng gọi của trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình? Rồi chuyện một chàng trai muốn học môn chính trị, đến những vùng hẻo lánh để tìm hiểu và giúp đỡ người dân (Làn gió chảy qua), chuyện giúp đỡ, cưu mang (Giữa hai đứa trai, Những ngày nghĩa hiệp), chuyện tình nghĩa thầy trò (Một chút tháng tư)... đúng là nhịp đập khác thường, là thanh âm riêng giữa bộn bề lỉnh kỉnh của những trái tim “chưa bị cứng vì tiền” (tr.68), “chưa đến nỗi hóa đá vì tiền” (tr.70). Mây, Yến, Tiền, Tú, Tập, Tho, Trị, ông Trung… chính là những thanh âm đẹp giữa cõi đời còn nhiều chai sạn, trơ lì: “May quá là trong dòng chảy rối rít của loài kiến gió cũng có chút gì cho ta dừng lại” (tr.70). Sự xuất hiện của họ đã khẳng định quan niệm đúng đắn và riêng khác của Lê Minh Khuê về cái đẹp: “đẹp vì trái tim có nhịp đập khác thường đó mới là cái đẹp hiếm” (tr.96).

Bìa tập truyện ngắn "Làn gió chảy qua" của nhà văn Lê Minh Khuê

Với nhịp sống đương đại, Lê Minh Khuê đặt con người trong guồng quay toan tính vì lợi ích cá nhân, cạnh tranh quyền lực, sức hấp dẫn của đồng tiền, rồi khắc họa, mổ xẻ một cách trực diện, khách quan phần vô thức lẫn ý thức. Bứt phá hay giam hãm mình trước những làn sóng của xã hội, không gì hơn là phải biết cách đừng bao giờ đánh mất vẻ đẹp nhân tính. Xuất phát từ suy nghĩ này, kiểu kết thúc mang tính giải hòa, hối hận, chuộc lỗi, tha thứ... là một trong những tiêu chí để nhà văn tin tưởng và khẳng định giá trị của con người, dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng không đánh mất bản năng lương thiện. Vì vậy, ở trong cảnh lộn xộn, lổn nhổn của đời sống hiện nay, có được làn gió hướng thiện như “Làn gió chảy qua” quả là rất đáng quý.

Đồng hiện với những câu chuyện của đời sống đương đại là chuyện về những con người từng tham gia, chứng kiến cảnh bom đạn, khói lửa của chiến tranh như: chuyện nỗi oan khuất trong chiến tranh mà mãi sau này mới giải oan được; chuyện người lính già ôm ấp, cất giữ mối tình với người đẹp Sài Gòn năm xưa; chuyện đi tìm xác người em trai bị đốt trong chiến tranh; chuyện người lính tên lửa giữ mãi bức ảnh, kỉ vật về cô gái làm lính thông tin... Viết về chiến tranh thời hậu chiến, Lê Minh Khuê không tái hiện chiến tranh như nó đang diễn ra mà bà nhìn ở góc độ thế sự, đời thường, trong cái nhìn đối sánh giữa quá khứ và hiện tại, xét lại mối tương phản giữa bên này và bên kia bằng con mắt nhân đạo, tiến bộ. Cái tốt bao giờ cũng thắng thế. Ở truyện “Làn gió chảy qua”, “Cuối chiều”, nhà văn nhắc lại quá khứ đau thương qua sự tra khảo, đánh đập tàn nhẫn, qua những cái chết hết sức man rợ, nhưng không phải tiếp tục làm tấy lên, tiếp tục sưng mủ mà một mặt muốn bạn đọc hôm nay không lãng quên quá khứ bi tráng của dân tộc mặt khác bày tỏ khao khát lí giải theo một tinh thần mới, xoa dịu, xóa mờ khoảng cách và hóa giải hận thù. Truyện “Thằng Tomy về chơi” có những pha tranh giành, chia chác, gay cấn, hằn học, chỉ trích nhau quyết liệt của anh em nhà họ mạc ngay tại ngôi nhà cổ tứ đại đồng đường, cuối cùng, cũng tìm thấy lối thoát, hòa hợp. Ở “Cuối chiều”, việc truy tìm kẻ đã giết chết em trai mình bao nhiêu năm qua, đến khi giáp mặt đối phương, mọi ý nghĩ trả thù tiêu tan, bởi chính bản thân đối phương cũng đã phải chịu những nghiệp chướng, quả báo mà họ gây ra. Hoặc ở “Làn gió chảy qua”, hai tên địa phương quân giết chết ông nội Tú hiện nay vẫn còn sống sót,... nhưng bọn chúng sống mà như chết, “lầm lũi thui thủi vì tội ác”. Hay chuyện anh Dương ăn ở bội bạc với ông Trung, cuối cùng cũng nhận quả báo (Những ngày nghĩa hiệp). Như vậy, “Làn gió chảy qua” kết tinh cái nhìn đa chiều khi quy tụ trong nó nhiều đề tài nhưng nổi lên trên cả vẫn là trăn trở về phạm trù đạo đức. Nhìn nhận lại số phận của những người mang trong mình vết thương tinh thần từ cuộc chiến, kể cả số phận của kẻ bên kia chiến tuyến, Lê Minh Khuê hướng người đọc đến quy luật cuộc sống, luôn tiến về phía trước, cái gì đến thì nó sẽ đến. Cuộc sống không cho ai cái gì và cũng không lấy đi của ai cái gì. Vì thế, biết bỏ qua, biết quên đi, biết buông, “không cần bận lòng” là điều đáng quý. Cuộc đời mỗi người sẽ nhẹ nhàng, êm ru, mát rượi như làn gió chảy qua nếu xuất phát từ cái nhìn bao dung, độ lượng. Như Lê Minh Khuê đã nói trong tập truyện, cuộc đời có “nhiều chuyện phải bắt đầu làm lại” (tr.119), “sao cứ phải quẩn quanh trong cái sự mắc nợ ấy” (tr.151) làm gì!

Ở phương diện này, Lê Minh Khuê kết thúc và giải quyết vấn đề liên quan đến tàn dư của chiến tranh khá hay. Nhà văn không để những nhân vật còn mang trong mình chấn thương của chiến tranh cất lên tiếng nói khi giải quyết chuyện xưa cũ mà để những đứa trẻ, những người trẻ tuổi nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình. Người trong nhà tranh giành ngôi nhà cổ, chì chiết, chửi bới, lôi những chuyện từ thời chiến tranh ra mà xỉa xói, nhưng trong mắt những đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo thì “mọi chuyện nhẹ không” (tr.113), thậm chí có những ý nghĩ hết sức người lớn “nhiều chuyện phải bắt đầu làm lại” (tr.119) (Thằng Tomy về chơi). Trước đây Nghĩa chưa bao giờ quan tâm vì sao ông nội cứ “chộn rộn vô ra mỗi khi nói tới tên người em ruột” (tr.223), đến khi chứng kiến trước mắt kẻ thù giết chết ông Vác, ý thức của một chàng trai chưa bị cuộc sống vẩy lên đó những vết han gỉ đã phản ứng bằng một câu hỏi rất nhân tính: “Sao mà ông sống được? Làm những việc đó xong mà ông còn dám sống ông còn dám đi dám nhìn. Sao thế?”. Câu hỏi này vừa phản tỉnh đối với những kẻ gieo cái ác vừa muốn hóa giải những ngăn cách, hận thù. Hãy biết tha thứ khi có thể và biết dừng lại đúng lúc vì cuộc sống còn nhiều điều tuyệt vời, thú vị đang chờ phía trước. Ở đây, Lê Minh Khuê đã mượn điểm nhìn, tiếng nói, suy nghĩ của lớp trẻ để nói về chiến tranh nhằm đánh thức tình yêu vĩnh cửu trong thẳm sâu trái tim mỗi con người. Đành rằng chiến tranh là bạo lực, là mất mát, là vinh nhục nhưng chúng ta không thể sống mãi với nỗi đau, với lòng thù hận mà hơn bao giờ hết cần vươn tới thông điệp hòa giải, hàn gắn và nhân ái. Bởi có một thực tế không chối cãi, chẳng ai thắng chẳng ai thua trong những cuộc chiến tàn bạo, khốc liệt, dù bên ta hay đối phương đều chịu phải hứng chịu đớn đau, chết chóc. Xoa dịu đau thương không có nghĩa là lãng quên. Sự nỗ lực của thế hệ trẻ như Tú, “tôi”, Nghĩa… ít ra đã vượt qua được rào cản chiến tuyến, tìm được điểm nối, giao thoa nhằm góp phần thay đổi cái nhìn mới về chiến tranh ở thời hậu chiến.

Đến với “Làn gió chảy qua”, Lê Minh Khuê không thiên về lối viết tự ăn mình, lối viết thân thể, không khai thác ngôn ngữ thân xác, đời sống tính dục, không phản ánh tổn thất của chiến tranh ở góc độ tình yêu và tình dục, tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận ra được bản năng nữ giới, thiên tính nữ qua cách lựa chọn đề tài, xử lí vấn đề, cách kết thúc truyện. Lớp ngôn từ gai góc, dồn dập nhưng tinh tế, giễu nhại, suồng sã nhưng rất triết luận bộc lộ những trăn trở của Lê Minh Khuê về cuộc sống hiện thực cũng như chiến tranh thời hậu chiến. Bà biết tiết chế sắc thái đau thương, phóng chiếu và khoác lên “Làn gió chảy qua” sắc thái của lòng vị tha, bao dung, hướng thiện, khát vọng về hòa giải và hóa giải dân tộc. Rốt cục, lối thoát cho mọi bế tắc của cuộc đời này nằm ngay ở thiên tính và lòng nhân ái ở mỗi người mà thôi.

Hoàng Thụy Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ