• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Nam Cao: Day dứt phận người

15/11/2013 10:11

(Toquoc)- Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn day dứt về phận người. Ông rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình phải gắn liền với đời sống lầm than của người lao động.



(Toquoc)- Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn day dứt về phận người. Ông rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình phải gắn liền với đời sống lầm than của người lao động. Vì thế Nam Cao đã không mất nhiều thời gian để tìm đến với thứ văn chương “tả chân” mà sau này các nhà lý lý luận phê bình gọi là dòng văn chương hiện thực phê phán. Ông cho rằng thứ văn chương “tô hồng” cuộc đời, không dám nhìn thẳng vào sự thật như dòng văn học lãng mạn đương thời là thứ văn chương ru ngủ, làm người ta quên đi không dám đấu tranh tự giải phóng mình. Sự thật, hiển nhiên bao giờ cũng là “tàn nhẫn”, nhưng người ta cần phải nhìn thẳng vào đấy để mà vượt thoát ra, tìm cho mình con đường sống khác tốt đẹp hơn.

Trong truyện ngắn Đời thừa (1943), ông khẳng định một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng và “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”. Ông đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng với nghề; và cho rằng sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện.

Sau 1945, từ khi tham gia kháng chiến chống Pháp, những mong đem văn chương phục vụ lợi ích dân tộc là trên hết. Nhật ký ở rừng (1948) là tác phẩm có giá trị của văn xuôi thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, thể hiện quan niệm “sống đã rồi hãy viết” và “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn” của nhà văn tài ba này.

Khi so sánh về hai tác giả của dòng văn chương hiện thực phê phán trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Nếu như tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, huỷ diệt đi.” Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã viết: “Trong sáng tác, Nam Cao đã nhiều lần đề cập và ca ngợi nước mắt. Nhân vật tiểu tư sản của ông… thường là những người hay bị hối hận giày vò và thường khóc vì hối hận. Đó không phải là thứ hối hận ồn ào, hời hợt của những kẻ lấy việc xỉ vả mình để khoe khoang, cũng không phải thứ hối hận có chu kỳ của nhiều kẻ tiểu tư sản dùng để xoa dịu cái lương tâm rách nát của mình trong khi vẫn buông mình theo cái xấu. Mà đó là sự giằng xé chảy máu của những tâm hồn trung thực, khát khao lương thiện. Với Nam Cao, nước mắt là biểu tượng của tình thương và giọt nước mắt là “giọt châu của loài người”, là “miếng kính biến hình vũ trụ.”



Nam Cao- Nhà văn của những kiếp sống mòn (ảnh Internet)

Quan điểm nghệ thuật từ nỗi day dứt phận người của Nam Cao được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm tiêu biểu nhất của ông: Chí Phèo.

Nếu so sánh với các hình tượng văn học trước đó, Chí Phèo không giống các tướng lĩnh, các hiệp sĩ, các anh hùng hảo hán theo kiểu Lục Vân Tiên hay Từ Hải trong văn học cổ; các nho sĩ, thư sinh trong truyện nôm khuyết danh; hay các cậu ấm cô chiêu trong dòng văn học lãng mạn những năm đầu thế kỷ XX. Tất cả các hình tượng trên là sự minh họa cho những mẫu người sống theo những tôn chỉ chính trị, đạo đức hay tôn giáo. Nói đúng hơn họ là những phương tiện để chở cái đạo theo quan niệm của nhà nho.

Đương nhiên tất cả các hình tuợng về những mẫu người lý tưởng ấy đều đáng để cho chúng ta trân trọng và khâm phục một thời. Họ là những con người của một thời sống có mục đích, có lý tưởng, dù đó là lý tuởng chính trị, đạo đức hay tôn giáo. Họ dám xả thân cho một cái gì đó mà họ tin là có thật. Họ không cần giữ lại gì cho riêng mình, ngay cả “một tấm hình, một dòng địa chỉ”. Thực chất những con người bằng xương bằng thịt đó đã trở thành những hình tượng văn chương phi ngã trong diễn trình văn học Việt Nam. Họ đã sống cho người khác mà không sống cho mình.

Nhưng lịch sử càng lùi xa thì những mẫu người đó ngày càng trở nên xa lạ hơn với công chúng và với ngay chính bản thân chủ thể sáng tạo ra nó. Ngay cả những người vừa rút chân ra khỏi cuộc chiến, đại bộ phận đã không thể sống theo gương những vị chúa phi tôn giáo của thời chiến được. Cứu nước là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, dân tộc. Còn cứu mình dường như là việc riêng của mỗi người. Có thể nói những mẫu người chiến đấu vì lý tưởng chung đã một thời ăn sâu vào máu thịt mỗi cá nhân và cả cộng đồng người Việt như cơm ăn, nước uống, rất đáng ghi nhận.

Thế nhưng, cả những người ngoài cuộc, những người trong cuộc, và cả những kẻ sinh sau đẻ muộn đã nhanh chóng tự tạo cho mình cách tồn tại riêng khi cuộc sống đã có những bàn giao lịch sử của nó. Thực ra, những người chỉ biết sống theo những giáo lý áp đặt từ bên ngoài thì chỉ có một cách ứng xử duy nhất là tiến lên phía trước, tử vì đạo. Từ đời này sang đời khác nó trở thành lẽ phải thông thường trong nhận thức của người đời. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đích thị đấy là một lẽ phải thông thường và đã trở thành truyền thống đạo đức của người Việt mỗi khi đất nước có giặc giã. Và lẽ đương nhiên là những người có công trong đánh giặc nhanh chóng được đề cao như một mẫu người lý tưởng sống xả thân vì mọi người.

Theo tôi, Chí Phèo là một trong những hình tượng văn học hiện thực theo đúng nghĩa của nó. Bản thân hắn không mang trong mình bất cứ một định đề tôn giáo, chính trị, đạo đức nào có sẵn. Trước hết, hắn tồn tại như bất cứ một sự vật nào. Mọi hành vi của Chí Phèo dù lúc tỉnh hay lúc say, dù ở nhà mình, ở ngoài miếu, khi đi mua rượu chịu hay là đến xin đểu cha con Lý Cường... cũng chỉ là cái cách tồn tại của một Chí Phèo làng Vũ Đại. Hắn chưa bao giờ biết mình sinh ra để làm gì và có thực sự đang sống trên thế gian này hay không.

Câu tuyên ngôn cuối cùng của Chí Phèo ở nhà Bá Kiến trước lúc hắn rút dao ra đâm chết lão Bá để rồi tự đưa mình về cõi vĩnh hằng của chúng sinh là “Tao cần lương thiện”. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ là kẻ ác, ngay cả khi hắn đi cướp giật hay xin đểu. Một người như Chí Phèo chẳng thể nào ác với ai được. Hắn ta không có mưu đồ hại người thì làm sao có thể làm được điều ác. Cái ác chỉ có thể có ở những kẻ mạnh tiền của, quyền lực và mưu mẹo. Những thứ đó Chí Phèo chưa bao giờ có. Sự trớ trêu của cuộc đời là người lương thiện đến như Chí Phèo lại luôn bị ám ảnh mình là kẻ bất lương, nên cần phải đòi cho bằng được lương thiện từ lão Bá. Còn những kẻ bất lương như gia đình lão Bá lại luôn nghĩ mình là người lương thiện, và luôn lấy làm đắc chí, hãnh diện về điều đó, mỗi khi họ cầm những đồng tiền bẩn thỉu do những mánh lới thâm độc hay cướp giật trắng trợn của dân nghèo mà có, dúi vào tay Chí Phèo như là của bố thí.

Nỗi ám ảnh về thân phận làm người của Chí Phèo là một đối trọng tất yếu của cơ sở kinh tế xã hội, các thiết chế chính trị và đạo đức đương thời. Nếu những kẻ như gia đình lão Bá là người thì những người như Chí Phèo là con giun, con dế và ngược lại. Nhưng dù là giun dế, sâu mọt hay là người thì trước hết vẫn phải sống. Cuộc chiến giữa một bên là Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo và bên kia là những Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng và cha con nhà lão Bá Kiến, không đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp như các nhà nghiên cứu trước đây thường nghĩ, mà theo tôi trước hết đó là cuộc vật lộn sinh tồn. Tính chất của cuộc vật lộn này gay gắt, quyết liệt và sâu sắc hơn nhiều những cuộc đấu tranh vì các quyền lợi chính trị, kinh tế và đạo đức.

Trong cuộc chiến sinh tồn không hẳn kẻ có nhiều tiền của, quyền lực và lắm mưu mẹo lúc nào cũng thắng. Rõ ràng Chí Phèo luôn dồn cha con Bá Kiến vào thế chân tường, mặc dù thế và lực của họ luôn tỏ ra mạnh hơn hẳn. Họ luôn phải xuống thang từng bước để cuối cùng lão Bá nhận lấy cái chết giản đơn như là sự kết thúc tấn bi hài kịch của một loại thú hình nhân. Chí Phèo chống lại Bá Kiến không hẳn là vì những cái mà trước đây người ta vẫn cho rằng hắn đấu tranh nhằm lật đổ tầng lớp thống trị xã hội.

Không! Hắn cần tiền uống rượu thì lão Bá đã cho, cần ruộng vườn nhà cửa thì cũng đã có. Các nhu cầu về kinh tế vật chất với hắn như vậy xem ra là đã đủ. Vậy Chí Phèo còn cần gì nữa? Một mụ đàn bà để thực hiện hành vi tính dục để duy trì nòi giống ư? Thì đã có Thị Nở đấy thôi! Cái duy nhất mà Chí Phèo cần là lương thiện.

Nhưng nếu lương thiện chỉ là những quan hệ giao hòa với đồng loại thì Chí Phèo đâu có thiếu. Hắn không chỉ đối xử tử tế với Thị Nở mà còn đem lại hạnh phúc cho Thị để đến khi hắn chết đi thị vẫn thầm biết ơn là mình đang mang trong người một hòn máu của Chí Phèo. Hắn cũng không phải là kẻ luôn gây sự với những người dân lành chỉ biết làm lụng kiếm ăn sinh sống.

Chí Phèo không có ý thức xã hội nào cả, thì làm sao hắn có thể đứng ra đòi công bằng cho xã hội. Và như thế Chí Phèo cũng chưa bao giờ ý thức được rằng mình cần phải đấu tranh chống lại giai cấp thống trị như nhiều người vẫn lầm tưởng. Vậy cái lương thiện mà Chí Phèo đòi ở đây là gì, nếu không phải là quyền làm một con người đích thực?

Lâu nay, người ta quy cho Chí Phèo đủ mọi thói hư tật xấu. Chẳng hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã quy cho Chí Phèo là kẻ vô chính phủ, là hạng người dưới đáy xã hội, là kẻ méo mó về nhân cách, suốt đời lúc nào cũng say khướt,... Những suy nghĩ như vậy thực chất là sự suy diễn và áp đặt. Chí Phèo không phải là kẻ vô chính phủ. Hắn không chống lại xã hội cũng không chống lại giai cấp thống trị. Dưới con mặt của hắn, xã hội chỉ là một đám hỗn mang không có trên, không có dưới, không có trật tự kỷ cương, không có đúng, sai, phải, trái... không có người thống trị cũng không có kẻ bị trị, mà chỉ có những con người đang phải sống cuộc sống không khác nào kiếp trâu, ngựa.

Một người như Chí Phèo không cha, không mẹ, không người thân thích, không được giáo dục, học hành từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, làm sao có thể nhận thức được sự bất công và công bằng. Và hắn cũng không thể nào hiểu nổi cái khốn khổ, khốn nạn của mình và của người là do đâu. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ để tâm đến việc đó. Hắn chỉ biết khát thì uống. Uống rượu cũng chẳng sướng và ngon gì hơn uống nước lã. Rượu làm cho hắn say. Say thì chửi. Chửi chán rồi ngủ. Rồi làm tình với Thị Nở. Và cuối cùng là đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.

Chính Bá Kiến cho hắn tiền để uống rượu mới là mưu đồ của những kẻ bốn đời làm lý trưởng như y. Thực ra đấy là cách giết người của những kẻ ác tâm, nhiều tiền của, quyền lực và mưu chước nhưng lại mất hết tính người. Chí Phèo đâu có nghĩ được rằng cần phải chống lại Bá Kiến như chống lại người làm cho hắn khổ. Kể cả ý thức về sự sướng - khổ, hạnh phúc - bất hạnh... cũng là những cái sau này người ta áp đặt cho hắn. Từ khi sinh ra cho đến lúc lìa khỏi cõi đời này, Chí Phèo luôn sống theo logic tự nhiên của sự tồn tại, mà những người bình thường không thể hiểu và chấp nhận được. Cái khổ của Chí Phèo không phải là thiếu các nhu cầu về vật chất và tinh thần như người ta tưởng, mà chính là cái khổ của kiếp người, của chúng sinh trên thế gian này.

*

Thử làm một phép so sánh giữa Chí Phèo và Bá Kiến xem ai sướng, khổ hơn ai. Giữa hai sinh thể này không có sự sướng - khổ, hay - dở, hạnh phúc - bất hạnh, mà chỉ có sự biểu hiện khác nhau của các quan niệm về vấn đề này mà thôi. Là người sinh ra trong một gia đình bốn đời làm lý trưởng như cha con Bá Kiến, cả làng xã, huyện phủ ai cũng kiềng mặt, chỉ trừ có Chí Phèo. Nhưng thử hỏi mấy ai tôn trọng quý mến họ. Là một người lương thiện điều đầu tiên cần phải biết là không nên ăn thịt đồng loại. Quy luật sinh tồn ăn miếng phải trả miếng không bằng cách nay thì bằng cách khác. Cái chết của Bá Kiến chứng tỏ hắn không đáng làm người, mà chỉ đáng làm một con vật mà thôi. Bá Kiến chết như một con chó bị cắt tiết không hơn không kém. Hỏi như vậy là sướng hay khổ? Còn Chí Phèo cảm thấy mình không là con người hay chí ít cũng là không được làm người, nên hắn đã tự hoá thân làm kiếp khác thì có gì là khó và khổ đâu.

Cái khổ của Chí Phèo không phải là ở kinh tế hay đạo đức, mà chính là sự dằn vặt của bản thể tồn tại trong tư cách NGƯỜI của hắn. Những mặc cảm về thân phận làm người luôn ám ảnh hắn. Một sự ám ảnh chìm sâu trong vô thức. Uống rượu, ăn vạ, làm tình, giết người và tự giết mình là một chuỗi kết nối các hành động vô thức. Chí Phèo ăn vạ không để đòi quyền lợi; uống không để thưởng thức rượu ngon; Cuộc làm tình mây mưa với Thị Nở dưới ánh trăng suông, ngoài vườn chuối không một cái gì ngăn cản nổi như là sự trỗi dậy của bản tính người trong hắn, đến mức “những tàu chuối non cũng hứng tình giẫy lên đành đạch”, thì hắn ta mới mơ hồ cảm thấy mình là một con người đang tồn tại đích thực mà thôi, chứ không hề để tìm kiếm một người con sau này nối nghiệp cha của hắn, và càng không phải để cải tạo cái xã hội ruỗng nát và đầy rẫy thối tha đã tồn tại từ bao đời nay, cũng không để chứng tỏ hắn và Thị yêu nhau, mà chỉ đơn thuần là hắn cần phải làm như vậy.

Cuối cùng hành động giết Bá Kiến đối với hắn cũng không nhằm mục đích trả thù cho gia đình, dòng họ hay chống lại sự bất công đòi quyền bình đẳng xã hội, đòi tiền bạc, quyền lực, bởi vì hắn không cần những thứ đó. Chẳng qua bản ngã tồn tại của Chí Phèo bị dồn nén tích tụ trong vô thức đến mức hắn không thể làm khác được. Chính hành động ấy là con đường tất yếu khách quan đưa Chí Phèo trở về với bản ngã vô can của hắn. Đối với hắn không thể có một thế lực nào ngăn cản con đường khẳng định bản ngã của chính mình. Con đường rong ruổi đến cõi tự do tuyệt đối của Chí Phèo chỉ là một quá trình giải phóng ẩn ức, dồn nén mà tiền kiếp con người đã ký thác vào thực thể người của hắn. Chí Phèo sinh ra như là để gánh trai vai mình thân phận làm người.

Hoàn toàn khác với Hamlet, nhân vật trong vở kịch cùng tên của Đại văn hào nước Anh Shakespeare, người luôn luôn trăn trở về cái chết của cha mình như là một sự oan ức, trái với lẽ phải thông thường, một sự xuống cấp của đạo đức xã hội, Chí Phèo dằn vặt, trăn trở để được sống như một con người đích thực. Hắn ta không căn vặn về việc không có cha mẹ, người thân, thậm chí cả miếng ăn để nuôi sống cái xác thịt đang lù lù ra đấy, hắn ta không hề bận tâm. Đói thì ăn. Khát thì uống. Uống đến chán, đến say, còn thì vứt bỏ, hết thì đi xin, không cần lo toan định liệu, không biết quá khứ, không cần tương lai, chỉ có hôm nay mới là hiện hữu.

Thế thì hắn cần gì cái thứ đạo đức, nhân cách giả tạo do người khác bày đặt ra. Hắn làm gì có danh dự và phẩm giá để dằn vặt và đau khổ như những chàng công tử phong kiến. Ngay cả việc giản đơn là đi đúng đường, thì dường như đối với Chí Phèo xem ra cũng là một cái gì đó xa vời, nằm ngoài ý thức của hắn. Kết cục hắn định đi đến nhà bà cô để tìm Thị Nở, kẻ duy nhất có thể làm thức dậy bản tính người trong hắn, thì bóng ma vô thức đã ám ảnh đưa hắn đến nhà Bá Kiến. Hành động đâm chết Bá Kiến của hắn là vô thức hay nói một cách chính xác hơn, đấy chính là sự bừng tỉnh, một bước nhảy vĩ đại từ thế giới của cái vô thức sang thế giới của cái ý thức - ý thức về bản ngã tồn tại của chính mình. Chỉ có hành vi ấy mới trả lại cho Chí Phèo cái vốn có của mình, hắn mới chính là hắn. Vì lão Bá làm gì có thù oán cá nhân với Chí Phèo. Chí Phèo cũng không hề ý thức được lão Bá là kẻ bóc lột và đày ải hắn.

Thị Nở cũng là một thực thể tồn tại đồng đẳng về mặt phẩm chất người với Chí Phèo. Hai thực thể này cộng sinh đã làm bật dậy cái nhân bé xíu như một tín hiệu vô ngôn, khiến người đời có thể nhận ra họ là những thực thể đang tồn tại trên thế gian này. Đối với họ làm gì có tình yêu theo quan niệm của chúng ta bây giờ. Ngay cả sự ân ái, để rồi cuối cùng Chí Phèo ký thác giọt máu của mình vào Thị Nở cũng chỉ là một hành vi bộc lộ bản năng sinh tồn trong vô thức của hắn, chứ không hề bộc lộ những khía cạnh tình cảm, tâm lý và đạo đức như người ta vẫn tưởng. Thực chất những biểu hiện của quá trình bộc lộ tâm lý, tính cách của họ, mà độc giả đã nhận thấy là phần gia vị thêm vào món cháo triết học mà chỉ có thiên tài của Nam Cao mới tạo tác được.

Toàn bộ tác phẩm, ngoài những câu chửi và những lần đòi lão Bá cho lương thiện, còn có một vài câu Chí Phèo nói với Thị Nở trong cái đêm ái ân của họ. Chính nhờ những câu nói ấy mà công chúng mới đón nhận được một Chí Phèo bằng xương bằng thịt, vừa gần gũi, vừa xa lạ với cái làng Vũ Đại - Việt Nam này. Nhưng cách tỏ tình ấy xem ra không phù hợp với logic phát triển nội tại của Chí Phèo. Vì sức mạnh của hắn chính là vô ngôn.

Cách trở về bản ngã của Chí Phèo là một con đường đắc dụng và độc đáo. Có lẽ Chí Phèo là hình tượng văn chương duy nhất có thể đi lùi để trở về bản ngã. Xét cho cùng trong vũ trụ vô thường, thì tiến hay lùi cũng chỉ là các quy ước đầy tính chủ quan của con người. Những thước đo giá trị ấy là đúng đối với những con người bình thường. Còn đối với bản thể vũ trụ nó hoàn toàn vô nghĩa. Mọi con đường tiến tới bản ngã đều phải vượt qua những lẽ phải thông thường, vượt qua sự ràng buộc của các quan hệ hiện thời về chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và tôn giáo; rũ bỏ tất thảy những nhiễu nhương thường nhật.

Chí Phèo đạt tới sự thắng lợi của bản ngã tự nhiên chính là lời cảnh báo về giới hạn của hai trạng thái: Tồn tại và ý thức về sự tồn tại đó. Cũng vì thế nó mang tính chất phổ quát, có giá trị triết học sâu sắc. Về khía cạnh này hình tượng văn học sâu sắc và đa chiều hơn các loại hình tượng khác, do tính chất đặc thù của phương thức tư duy nghệ thuật quy định cùng với năng lực thụ cảm đặc biệt của những nghệ sỹ bậc thầy, thông qua những trải nghiệm cá nhân lắng đọng tự nhiên trong anh ta, tạo nên tính chất đa tầng của hình tượng nghệ thuật mà không thể bóc tách được bằng thước đo giá trị của xã hội, đạo đức và tôn giáo.

Cuối cùng cái lương thiện mà Chí Phèo đòi chính là quyền làm người đích thực, tận trong sâu thẳm bản ngã của hắn. Đau đáu nỗi đau phận người là nguồn cội sâu xa, khiến Nam Cao phát tích tài năng, sáng tạo ra một mẫu nhân vật văn chương mà trước đó và mãi về sau này chưa thấy có trên văn đàn Việt. Đấy là một tài năng thực thụ của Nam Cao, mà không ai có thể chối cãi được./.

Đỗ Ngọc Yên


Nhà văn Nam Cao

Tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29/10/1917 mất năm 1951. Quê tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Ông xuất thân từ một gia đình công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung. Nhưng vì thể trạng yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

Ông sáng tác các thể loại như: Tiểu thuyết có: Truyện người hàng xóm, Sống mòn; có bốn tiểu thuyết bản thảo bị thất lạc: Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt. Truyện ngắn có 56 truyện, tiêu biểu là Cái mặt không chơi được, Chí Phèo, Đôi mắt, Đời thừa, Lão Hạc, Giăng sáng, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đời thừa

Nhà văn Nam Cao đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ