(Cinet) – “Nhà văn Nguyên Hồng- cuộc đời và sự nghiệp văn chương” là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra hôm 02/11 tại thành phố Hải Phòng.
(Cinet) – “Nhà văn Nguyên Hồng- cuộc đời và sự nghiệp văn chương” là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra hôm 02/11 tại thành phố Hải Phòng.
Hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 2013).
Hội thảo có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB, nghệ sỹ tại Hà Nội và Hải Phòng; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam; UBND TP. Hải Phòng, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; văn nghệ sỹ đại diện các Hội VHNT các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Nguyên; đại diện gia đình và nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến nhà văn Nguyên Hồng.
Với 20 tham luận trình bày tại hội thảo đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà văn Nguyên Hồng cho nên văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại Nam Định, mất ngày 2/5/1982 tại Bắc Giang. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, từ nhỏ theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo. Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê Hà Giang, năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật... Ông là Đảng viên Đảng CSVN, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).
Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ Vỏ". Tiểu thuyết là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn...
Trong gần 50 năm cầm bút, Nguyên Hồng đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ trên 40 tác phẩm với nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký… Các tác phẩm chính của ông gồm: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938); Những ngày thơ ấu (hồi ký, 1940); Cuộc sống (tiểu thuyết, 1942); Ngọn lửa (truyện vừa, 1945); Đất nước yêu dấu (ký, 1949); Đêm giải phóng (truyện vừa, 1951); Giữ thóc (truyện vừa, 1955); Giọt máu (truyện ngắn, 1956); Trời xanh (thơ, 1960); Sóng gầm (tiểu thuyết, 1961); Sông núi quê hương (thơ, 1973); Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, 1976); Núi rừng Yên Thế (tiểu thuyết, 1981)
Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, năm 1996, Nhà văn Nguyên Hồng đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên.