• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Nguyễn Khải - người của tầm nhìn xa

24/01/2008 16:19

Sau ba nhà thơ Chính Hữu (tác giả Ngày về - 1947), Vũ Cao (tác giả Núi Ðôi - 1957), Phạm Tiến Duật (với chùm thơ đặc sắc viết ở Trường Sơn - 1967), ba cột mốc lớn của thơ Việt thời chiến trận, những ngày còn lại của năm Ðinh Hợi này, sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khải là thêm một tổn thất to lớn của đội ngũ nhà văn một thời mặc áo lính.

Sau ba nhà thơ Chính Hữu (tác giả Ngày về - 1947), Vũ Cao (tác giả Núi Ðôi - 1957), Phạm Tiến Duật (với chùm thơ đặc sắc viết ở Trường Sơn - 1967), ba cột mốc lớn của thơ Việt thời chiến trận, những ngày còn lại của năm Ðinh Hợi này, sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khải là thêm một tổn thất to lớn của đội ngũ nhà văn một thời mặc áo lính.


Nhà văn Nguyễn Khải

Nét đặc sắc của Việt Nam thế kỷ XX, là trải mấy cuộc kháng chiến liên tục, dân tộc ta chịu muôn vàn hy sinh, nhưng từ trong lớp lớp người cầm súng chiến đấu đã xuất hiện không chỉ nhiều tướng lĩnh tài ba, nhiều nhà lãnh đạo và quản lý đất nước lỗi lạc, mà về văn hóa, còn xuất hiện và hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, hùng hậu với tài năng trong nhiều ngành nghệ thuật.

Dọc theo đất nước và suốt chiều dài lịch sử, nhiều tài năng văn nghệ trẻ đã hy sinh trong tư thế cầm súng. (Từ Trần Ðăng người văn nghệ binh thứ nhất đổ máu trên chiến trường gần 60 năm trước ở biên giới phía bắc, Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi hy sinh ở cửa ngõ TP Hồ Chí Minh 40 năm trước...). Nhưng đại bộ phận họ đã có mặt trong ngày đất nước toàn thắng, ba mươi năm qua liên tục được bổ sung, phát triển và đến nay vẫn là bộ phận chủ lực, nòng cốt trong lực lượng văn học nghệ thuật cả nước. Ðội hình vừa ra đi. Với cự ly hơi ngắn như còn mách bảo với chúng ta: Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, đang rất xa rồi. Một bộ phận lớn trong họ đang bước vào thế hệ cổ lai hi. Mà con sóng thời gian cứ vỗ vào bờ bãi cuộc đời và cuốn về nơi vô tận những con người rất đáng quý, đáng yêu. Không ai vượt được vòng sinh tử.

Nhưng sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khải, ở tuổi 78 vẫn gây một xúc động lớn, bởi trong đội ngũ đó, gần 50 năm nay, chắc chắn ông là người viết đều đặn, dẻo dai, bền bỉ, thường xuyên nhất. Nếu với đa số nhà văn cùng thời, nhắc tới dăm ba tác phẩm là đủ cho một tác giả, thì cả khi đọc đến mười đầu sách vẫn chưa thể hình dung đúng chân dung văn học của nhà văn mắn đẻ mà đứa con tinh thần nào cũng có gương mặt và số phận riêng này.

Một đặc điểm nhận diện nền văn học trưởng thành là bám sát đời sống bằng tác phẩm. Nhân chứng hàng đầu của đặc điểm này vẫn là Nguyễn Khải. Mặc dầu hơn một lần ông tự nhận mình là người "nhát gan", sống kiểu viên chức mẫn cán, gần như một tu sĩ, nhưng trong những năm kháng chiến ông vẫn có mặt ở những nơi chiến sự cực kỳ ác liệt và đều có tác phẩm từ những nơi đến ấy: Ðó là Ðảo Cồn Cỏ (Họ sống và chiến đấu), Ðường Trường Sơn (Ðường trong mây), Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào (Chiến sĩ), Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng phản công 1975 (Tháng Ba ở Tây Nguyên), rồi cùng quân ta vào ngày đầu giải phóng Huế, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân, mà Nguyễn Khải luôn coi là người thầy, người bạn lớn khi bàn về nghề nghiệp hay vấn đề Ði và Viết. Ðệ tử Nguyễn Khải cả một đời văn luôn thực hiện nghiêm túc lời chỉ giáo này.

Bắt đầu cầm bút từ đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng phải đến khi viết được Xung đột (1957) tên tuổi Nguyễn Khải mới được chú ý. Tác phẩm này, tác giả ghi một thể loại không giống ai: Ghi chép. Sau này in lại đổi tên là Tiểu thuyết, nhưng có thể nói tính chất Ghi chép là nét phong cách đậm nhất trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Khải. Bởi phần tưởng tượng của nhà văn xem ra không lấn át được những tư liệu thực tế mà ông quan sát và trải nghiệm.

Tác giả có ý thức rất rõ về sự lựa chọn cách viết này.

Trong sổ tay của tôi đề ngày 8-7-1972 có ghi lại vắn tắt ý tác giả về quan niệm sáng tác. Dạo đó đang Chiến dịch Quảng Trị, cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội sơ tán về làng Hương Ngãi, Thạch Thất - Hà Tây. Lúc này, Chủ tịch huyện đã xuất bản, cùng lúc nhà văn Nguyễn Minh Châu viết xong Dấu chân người lính (lúc đầu định lấy tên Trong khói lửa) thì Nguyễn Khải cũng hoàn thành Chiến sĩ. Trước dư luận khen chê về Chủ tịch huyện nhà văn bộc lộ chính kiến:

- Nếu phải nói quan niệm của mình, thì thật ra, tôi không thích, không chịu được lối văn chương rề ra, con cà con kê rồi những phong cảnh, tâm tình, phong tục, tập quán. Dẫu đi suốt trăm trang sách vẫn chưa nói được điều gì. Ðó là lối văn chương lo chải chuốt, làm duyên làm dáng, bôi son trát phấn, như các bà làm hàng quà, bọc rất nhiều lớp vỏ, nhưng khi bóc mãi, bóc mãi, cái nhân còn bé hơn lưỡi mèo!

- Tôi bao giờ cũng thích đi thẳng vào vấn đề, nói ngay những điều mình muốn. Có ít phong cảnh, sóng gió nào là để phục vụ cho điều phải nói chứ không cần thi vị. Khi đã hết vấn đề, nói được điều muốn nói là chấm dứt chuyện ngay, không cần che giấu ẩn ý gì cả.

- Vấn đề người viết phải quan tâm nhất là điều mình nói có tới được với người đọc không? Anh viết sao để người đọc cảm nhận được bằng đường này đường khác họ hiểu ý kiến anh, họ phải suy nghĩ, phải băn khoăn, đặt ra trong đời họ một vấn đề gì đó. Cần làm cho người đọc tỉnh táo, làm sao cho họ tự chủ, làm chủ được vận mệnh của mình...

- Tôi luôn trung thành với những vấn đề thời sự. Ðặt cách nghĩ về đạo đức cho người tỉnh táo, biết điều làm được và điều chưa làm được, điều đúng và điều sai. Ấy là cách kéo dài tuổi thọ cho nhân vật văn học.

Trung thành với sự lựa chọn bám sát các vấn đề thế sự, với lối viết mạnh về đối thoại, không ngại văn chương chính luận, dùng tranh luận để tìm ra chân lý, tác phẩm của Nguyễn Khải bao giờ cũng có một sức hấp dẫn riêng, và tạo nên tầm vóc của một người viết không chỉ được bạn đọc, đồng nghiệp mà các chính khách cũng phải tìm đọc và tôn trọng.

Trong biển xuất bản phẩm bao la thiếu định hướng những năm gần đây, tác phẩm của Nguyễn Khải, như từ 50 năm qua, luôn là đối tượng của các nhà phê bình, bởi chính tác giả đã tạo được một thương hiệu riêng cho mình.


Do bám sát với hiện thực thời sự, ở một thời kỳ lịch sử dài, dẫu là người sáng suốt, tỉnh táo, thời gian với những thay đổi thường xuyên và lớn lao của thời cuộc, đã bộc lộ khá nhiều ngộ nhận và ngây thơ của tác giả trong nhiều tác phẩm đã viết. Mấy năm gần đây, nhà văn đã có dịp tìm về những địa chỉ xưa, đối diện với các nguyên mẫu cũ, có cuộc gặp không vui vẻ gì, nhưng khi dũng cảm nhận ra những hạn chế của mình, ông vẫn có niềm an ủi là trong những hoàn cảnh bất khả kháng, nhà văn vẫn giữ được cái nhìn nhân hậu, thấu đáo với những gì chưa hoàn thiện của nhân vật.

Nguyễn Khải - Tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Khải, sinh: 3-12-1930, quê gốc: TP Nam Ðịnh, sinh ở Hà Nội: - Vào bộ đội năm 16 tuổi. Trong Kháng chiến chống Pháp: Làm y tá. Thư ký tòa soạn báo Chiến sĩ Khu Ba. 1955: Về trại viết truyện anh hùng của Tổng cục Chính trị. Tham gia Ban biên tập tờ Sinh hoạt văn nghệ, sau đổi thành Tạp chí Văn nghệ quân đội từ 1957. Vào Ðảng năm 1948, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam-1957. Phần lớn thời gian ở trong Ban sáng tác. Năm 1988 chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam lúc đang mang quân hàm Ðại tá. Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2-3-4, Phó Tổng Thư ký khóa 3. Ðại biểu Quốc hội  khóa VII.  

Mất ngày 15-1-2008.

Giải thưởng Hồ Chí Minh - đợt II, năm 2000.

Giải thưởng Văn học ASEAN, năm 2000.

Tác phẩm đã in:

Viết về kháng chiến chống Pháp: - Xây dựng, Người con gái quang vinh, Một chặng đường.

Về hòa bình sau 1954: Xung đột, Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa, Người trở về.

Trong Kháng chiến chống Mỹ: Họ sống và chiến đấu, Ra đảo, Hòa vang, Ðường trong mây, Chủ tịch huyện, Chiến sĩ, Tháng Ba ở Tây Nguyên.

Từ ngày thống nhất: Cách mạng (kịch), Cha và con và..., Hành trình đến tự do, Gặp gỡ cuối năm, Khoảnh khắc đang sống, Thời gian của người, Ðiều tra về một cái chết, Một cõi nhân gian bé tí, Một người Hà Nội, Sư già chùa Thắm và ông Ðại tá về hưu, Một thời gió bụi, Hà Nội trong mắt tôi, Vòng tròn trống rỗng (kịch), Sống ở đời, Vòng sóng đến vô cùng...

Tuyển tập Nguyễn Khải - 3 tập - NXB Văn học-1996.

Tác phẩm Nguyễn Khải - NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam - 8 tập- 2004.

 


(Nhân dân)

Ngô Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ