Nhà văn Nguyễn Khải đã đi xa (ông mất ngày 15-1-2008) nhưng vẻ đẹp trong những áng văn chương của ông tiếp tục được khám phá. Hình mẫu nhân vật thường quen thuộc trong tác phẩm của ông là những người có nhân cách bền vững trước những biến động của thời cuộc.
Nhà văn Nguyễn Khải đã đi xa (ông mất ngày 15-1-2008) nhưng vẻ đẹp trong những áng văn chương của ông tiếp tục được khám phá. Hình mẫu nhân vật thường quen thuộc trong tác phẩm của ông là những người có nhân cách bền vững trước những biến động của thời cuộc.
Từ những trang viết cảm động về phụ nữ…
Sở trường của Nguyễn Khải là tạo dựng những nhân vật tư tưởng. Một trong những phương diện thể hiện rõ điều này trong sáng tác của ông là tạo ra một kiểu nhân vật có cốt cách bất biến, bền vững trước những biến động của thời cuộc. Kiểu nhân vật này trong truyện ngắn của Nguyễn Khải là một trong những yếu tố làm nên phong cách độc đáo của cây bút văn xuôi này.
Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Khải dẫu có nhiều khi được miêu tả với một vẻ đẹp rất hiếm hoi, đặc biệt như Hiền (Tiền), bà T. (Một chiều mùa đông), Dịu (Má hồng) thì điều đó vẫn không phải là điểm thu hút cây bút này. Điều thu hút ông nhất, làm ông quan tâm nhất vẫn là nhân cách của họ. Cái nhân cách nhiều khi khuất lấp sau những bộn bề của cuộc sống, có khi lại sáng ngời lên trước những đổi thay của thời cuộc. Hàng loạt những truyện ngắn như Mẹ và bà ngoại, Chị Mai, Người của nghề, Mẹ và các con… đã thực sự dựng lên được chân dung những người phụ nữ lặng lẽ, nhưng giàu lòng hy sinh, suốt một đời vì gia đình, người thân.
Bên cạnh những người phụ nữ mà phẩm cách nổi bật là lòng hy sinh còn có một lớp những người phụ nữ luôn có ý thức trong việc giữ lại những vẻ đẹp truyền trống của một nếp nhà, của một gia đình, một dòng họ và rộng ra là những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc. Vẻ đẹp của những con người này là vẻ đẹp, cách ứng xử của một Tràng An xưa thanh lịch và bản lĩnh, nay chỉ còn sót lại như “hạt bụi vàng” giữa bao biến động, sóng gió của thời cuộc. Nguyễn Khải đã miêu tả những con người đó với một niềm trân trọng không giấu giếm. Đó là bà cô (Nếp nhà) không bị cuốn theo cái guồng của xã hội, vẫn giữ được ngôi nhà “triệu đô” với một nếp sống thanh lịch, yên ổn mọi bề, con cháu hòa thuận. Đó còn là bà cụ Mặm (Người của ngày xưa) “Chỉ là người đàn bà tầm thường thôi nhưng cách ứng xử của một đời không thay đổi của bà lại chẳng tầm thường chút nào”; là bà Hiền (Một người Hà Nội) từ thuở còn con gái cho đến lúc già đã sống đúng với phong cách quý phái và tư thế sang trọng, thanh lịch của một người Hà Nội. Lại có những người phụ nữ nghèo như bà Bơ (Nắng chiều), lấy chuyện đi ở cho các em làm niềm vui, cả đời sống vì mọi người nhưng vẫn có một tâm hồn đẹp đẽ…
Với Nguyễn Khải, họ như những hạt bụi vàng mà nhà văn muốn tha thiết níu kéo và gìn giữ.
… đến những người đàn ông
Xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Khải cũng phải kể đến những người đàn ông cao tuổi, hầu hết họ là những trí thức, những nhà văn, nhà báo, nhà giáo, những thiếu tá, đại tá về hưu. Họ có vẻ như là những người lạc thời, thất thế trong gia đình vì họ không chạy theo lối sống đang thịnh hành. Nhưng chính họ dưới ngòi bút nhà văn mới là những con người mang trong mình những vẻ đẹp muôn thuở của con người. Đó là vẻ đẹp của lòng tự trọng ở Tần (Đổi đời), Dụ (Chuyện tình của mỗi người), ông Vị (Nơi về), của lòng hiếu nghĩa, thiết tha với truyền thống của dòng họ ở Sính (Ông trưởng họ), của lòng trung thực và sự chân thành ở ông Bột (Sống giữa đám đông), của tấm lòng tha thiết với văn chương ở một người viết văn nghiệp dư không tên tuổi (Bạn viết cũ)… Lại có những người trong đó đứng trước một thực tế đã hoàn toàn khác, nhiều người cảm thấy đất dưới chân như sụt lở, như vừa “ở tù ra”, như ông Trắc (Lạc thời), ông Tú (Một thời gió bụi), anh nhà văn (Anh hùng bĩ vận)… Nhưng với cái “tâm huyết” và “tấm lòng trung thực” của ông Trắc, với những suy tư, trăn trở sau một lần về quê để rồi trở lại thành phố của ông Tú… người đọc vẫn tin tưởng rằng họ sẽ không rơi vào tâm lý bất mãn thường thấy.
Còn lại mãi với thời gian
Viết về những con người như vậy, dường như Nguyễn Khải muốn khẳng định rằng bản thân mỗi con người có cốt cách, bản thân mỗi gia đình, dòng dõi, có gia phong sẽ luôn trụ lại vững chắc trong thời thế mà mọi điều có thể bị đảo lộn. Họ xứng đáng là lớp người “Kéo một nước Việt Nam từ trong đáy sâu của thời gian lên với ánh sáng của hôm nay, để được sống và nghĩ cùng ngày, cùng giờ với một nhân loại đang háo hức lao tới những mục tiêu cuối thế kỷ”. Tác phẩm của Nguyễn Khải vì thế đạt đến tầm triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo HNM