• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Tô Hoài: Những giai thoại để thêm yêu "ông Dế mèn"

Văn hoá 26/09/2020 09:44

(Tổ Quốc) - Khám phá về ông cả về văn lẫn về đời là một say mê với chúng ta. Những người có hạnh phúc được cùng thời với ông, và chắc cả thế hệ sau...

Người đầy ắp những giai thoại thú vị

Không phải đến khi Tô Hoài mất đi rồi ông mới có những giai thoại, mà ngay khi còn sống, nhiều người từng được làm việc với ông, là bạn văn, từng đọc ông, thậm chí cả chưa từng gặp ông bao giờ cũng được nghe không ít giai thoại về "ông Dế mèn".

Theo lời kể của nhà thơ Vũ Quần Phương, lý do Tô Hoài lựa chọn nghề văn từng được tiết lộ là: "Chỉ một đêm là tớ khoắng xong cái truyện ngắn mà cụ Vũ Ngọc Phan trả nhuận bút bằng cả tháng lương đứng bán giày bata, vì thế tớ mới đi vào nghề văn".

Cách nói tưng tửng, đầy hài hước của nhà văn khiến nhiều người bán tin bán nghi, chả biết đâu là sự thật. Bởi nhiều bạn văn của Tô Hoài thì xác nhận, ông là người cẩn trọng với con chữ, khó "khoắng" một đêm xong cái truyện ngắn.

Tô Hoài: Những giai thoại để thêm yêu "ông Dế mèn" - Ảnh 1.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ những kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài

Còn trong cảm nhận của nhà văn Phong Điệp thì Tô Hoài là nhà văn duy trì viết mọi lúc, mọi nơi: viết trên đường đi, viết trong cuộc họp, viết trong lúc đợi xe. Và dù là nhà văn lớn, nổi tiếng, nhưng ông không bao giờ từ chối viết dù là bài báo nhỏ. Không những thế ông cũng luôn đúng hẹn với các bài đặt hàng. Bản thảo luôn được ông viết nắn nót trên những trang giấy ngả vàng không có dòng kẻ, nhưng chữ ngay ngắn và rất thẳng hàng. Chữ ông viết khá nhỏ, các nét viết mộc mạc, dễ nhìn và ít khi tẩy xóa.

Để có được vốn sống phong phú, đi sâu vào đời sống cho những trang viết không thể không kể tới việc đọc của nhà văn Tô Hoài. Trong ký ức của nhà thơ Hữu Việt, tại Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ hai năm 1994 nhà văn Tô Hoài tiết lộ việc đọc của mình: Hàng ngày ông đọc tất cả các báo, từ truyện ngắn, phóng sự, tin tức, cho đến mục… nhắn tin cũng đọc.

Nhiều bạn văn của ông còn xác thực rằng, Tô Hoài còn đọc cả phần "quảng cáo" trên báo chí, đọc cả tin buồn và không bao giờ bỏ qua những bài viết dở. Lý do được ông đưa ra là đọc cái dở để bản thân biết mà tránh.

Tô Hoài: Những giai thoại để thêm yêu "ông Dế mèn" - Ảnh 2.

Nhà văn Trần Đức Tiến kể có lần trong một quán cơm bị chủ quán phát hiện là nhà văn nổi tiếng đã bí mật đưa cả 'tam đại đồng đường" đến chiêm ngưỡng tác giả Dế mèn phiêu lưu ký khiến ông "ăn kém ngon" và thỉnh thoảng phải đổi tư thế ngồi như một sự loay hoay chống đỡ sự nổi tiếng của mình.

Với nụ cười hiền hậu, lúc nào cũng tủm tỉm khiến người đối diện thấy ấm áp nhưng thỉnh thoảng ông buông ra một lời nhận xét khi thì hài hước, tinh quái, khi thì khiến không ít người phải giật mình. Phải chăng vì thế những giai thoại viết về ông không bao giờ chấm dứt và việc viết chân dung ông cũng là một thử thách. Chả thế mà lúc sinh thời chính ông cũng từng nói khi ai đó muốn có ý định viết chân dung ông: "Khó đấy, Tô Hoài lúc là người, lúc là ma, biết ông ấy thế nào… Mà cũng dễ, đơn giản thôi, chả có gì".

Một gia tài văn chương đồ sộ

Nếu như Tô Hoài là nhà văn có nhiều giai thoại khiến nhiều người khó xác định được độ xác thực thì tác phẩm của ông là một xác thực về tài năng không thể chối cãi. Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, ông để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài. Có thể khẳng định, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau.

Sáng tác của Tô Hoài trải dài các đề tài, thể loại khác nhau, từ nông thôn đến thành thị… truyện ngắn, tiểu thuyết đến ký. Và không thể không nhắc tới mảng văn học thiếu nhi. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho rằng Dế mèn nổi tiếng và sẽ sống mãi với thời gian vì đây là tác phẩm viết cho thiếu nhi mà Tô Hoài không lên giọng dạy dỗ hay biến thành bài học đạo đức thô cứng.

Một vài ấn bản của Dế mèn phiêu lưu ký

Cho đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký đã có rất nhiều ấn bản. Theo tiết lộ của NXB Kim Đồng thì hiện nay có tới 12 ấn bản Dế mèn phiêu lưu ký mà vẫn đầy ắp sự hấp dẫn độc giả kể từ khi tác phẩm ra mắt cho đến đương đại.

Ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký" song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân- người đầu tiên vẽ minh họa tác phẩm này năm 1959 khi ông đang học họa sĩ − đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô. Sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký hai lần nữa năm 1972 và năm 1989. Ngoài ra còn có ấn bản Sách in song ngữ Việt−Anh, bản dịch của dịch giả Đặng Thế Bính. Đặc biệt có Dế Mèn phiêu lưu ký" bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long. Hai ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã từng xuất bản tại Thụy Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa… Và mới nhất là "Dế Mèn phiêu lưu ký" của năm 2020 do nữ họa sĩ trẻ 9x Đậu Đũa minh họa. Đây cũng là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ "Dế Mèn phiêu lưu ký". Bằng con mắt của người trẻ thời hiện đại, minh họa của Đậu Đũa khác biệt với tạo hình Dế Mèn của các thế hệ họa sĩ đi trước.

Tô Hoài: Những giai thoại để thêm yêu "ông Dế mèn" - Ảnh 4.

Ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" của năm 2020 do nữ họa sĩ trẻ 9x Đậu Đũa minh họa

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, nhiều nhà văn một lần nữa khẳng định tài năng cũng như đóng góp to lớn của ông cho nền văn học nước nhà. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng đưa ra nhận định, muốn xem vị thế của một nhà văn đến đâu thì cứ thử nhấc những tác phẩm của tác giả đó ra khỏi văn học nước nhà xem có bị thiếu hụt không thì sẽ biết tầm quan trọng của tên tuổi ngòi bút đó. Và trong trường hợp này, Tô Hoài là nhà văn dễ dàng để bạn đọc thấy, nếu thiếu ông, văn học Việt Nam sẽ có một khoảng trống khó, thậm chí là không thể lấp đầy.

Khám phá về ông cả về văn lẫn về đời là một say mê với chúng ta. Những người có hạnh phúc được cùng thời với ông, và chắc cả thế hệ sau. Khám phá về ông là cả một vấn đề khoa học lớn lao nhưng trước hết với chúng tôi là đòi hỏi của tình cảm, của lòng biết ơn, sự noi gương – nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận định.

Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A − Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á − Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái −Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010). Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản ...

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài, sáng 25/9 NXB Kim Đồng đã tổ chức Tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi". Sự kiện đã thu hút nhiều nhà văn tham dự để chia sẻ những nghiên cứu, góc nhìn mới về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài. Đồng thời lần nữa khẳng định tài năng, giá trị văn chương trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Cũng nhân sự kiện này, độc giả còn được chiêm ngưỡng 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp và những tranh minh họa "Dế Mèn phiêu lưu ký" của các họa sĩ trong và ngoài nước...


Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ