• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Vũ Bằng - những đoạn trường nghề báo

22/06/2007 09:18

Trong trí nhớ ấu thơ lờ mờ của tôi, ông là một người to béo, mắt nhỏ, nước da ngăm đen. Độ ấy, Hải Phòng là vùng 300 ngày. Đôi khi, bố tôi hay cho tôi "boóng" theo ông tới ăn sáng ở nhà hàng Tân Tân - món bánh mì bíttết. "Bác Bằng bạn bác Vỹ ở Hà Nội với bố ngày xưa" - Bố nói vậy và tôi biết thế.

Trong trí nhớ ấu thơ lờ mờ của tôi, ông là một người to béo, mắt nhỏ, nước da ngăm đen. Độ ấy, Hải Phòng là vùng 300 ngày. Đôi khi, bố tôi hay cho tôi "boóng" theo ông tới ăn sáng ở nhà hàng Tân Tân - món bánh mì bíttết. "Bác Bằng bạn bác Vỹ ở Hà Nội với bố ngày xưa" - Bố nói vậy và tôi biết thế.

Song cuộc đời thật khéo bày đặt. Tôi đâu ngờ sau những ngày bánh mì bíttết ấy một phần tư thế kỷ, tôi về ngụ cư ở Hà Nội, trở thành công dân phường Hàng Gai của ông, trở thành nhà văn - nhà báo theo gót ông, và đã viết chân dung ông từ ngay những ngày đầu đổi mới.



Nếu dò theo cuốn "Bốn mươi năm nói láo" của ông thì đã thấy những toà soạn mà ông đã từng ngồi có thể kê ra đầy kín mặt giấy, mới thấy "cười ra nước mắt" nỗi ngậm ngùi trong những đoạn trường nghề báo mà ông đã trải. Làm báo với Vũ Bằng đã là nghề "siêu nghề", là nghiệp mất rồi.



Cậu học sinh trường Hàng Vôi (đồng môn với Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Liên...) rồi trường Lyceé Albert Sarraut đã đến với nghề báo quá sớm. Chính ở cái trường định "Tây hoá" người Việt này, Vũ Bằng cùng bạn bè đã làm ra tờ báo viết mang tên "Hồn nước Nam" mà Vũ Bằng phụ trách mục "Linh tinh beng". Rồi sau khi cộng tác với vài tờ Hữu Thanh, Đông Tây..., Vũ Bằng trở thành Thư ký toà soạn tờ Rạng Đông. Rạng Đông "chết" thì sang Bắc Kỳ Thể Thao.



Bắc Kỳ Thể Thao "chết" thì "nhà báo trẻ" nếm mùi thất nghiệp. Rồi "Nhật Tân", rồi "Trung Bắc Tân Văn"... có điều dù làm tờ báo nào lúc này, Vũ Bằng cũng không thoát khỏi mấy con phố cổ quanh nhà. Khi thì là phố Nhà Thờ, khi thì là Hàng Dầu, Phủ Doãn, rồi thì lại quành về giữa Hàng Bông...



Vũ Bằng đã chia cái nghiệp của mình ra mấy dòng: Báo tếu, báo đấu tranh, báo xây dựng, báo... hại. Nhưng trong những năm tháng đó, Vũ Bằng đã từng tham gia làm báo "cho ta" khá "xôm trò". Nào là viết cho "Vui Sống", thích tờ "kháng chiến" vừa viết kịch "Bom ba càng" vừa thành nhân vật Hoàng trong "Đôi mắt" của Nam Cao những ngày "cực khổ nhưng cũng thực là vui lạ", "những ngày ăn cơm với cà chua, rau cải...". Rồi đến tờ "Chống giặc", "Bọn trẻ".



Bây giờ, khi chúng ta đã biết rõ về một chiến sĩ tình báo Vũ Bằng, nghĩ lại mà lòng không khỏi ngạc nhiên vì sao Vũ Bằng có thể giỏi giang tạo được một "vỏ bọc" khá kín đáo cho mình suốt bao nhiêu năm âm thầm hoạt động. Nghĩ thế mới thấy cái sự "tương kế tựu kế" trong cái giọng báo Vũ Bằng thật đáng kính nể. Đâu phải cứ "rinh tê" là phải nịnh Tây, hót Mỹ. Có khi "lộ bem" ngay.



Cứ đóng vai một nhà báo "gàn bát sách" giữa đời là "an toàn" nhất. Nhưng bây giờ, khi ta đã rõ và kính trọng ông nhất mực, mới thấy một vệt dài thời gian ông lắng lòng để ra "Miếng ngon Hà Nội" (từ 1952 đến 1960), "Thương nhớ mười hai" (từ 1960 đến 1971) và giữa đó là "Bốn mươi năm nói láo" (từ 1967 đến 1969) là thấy hằn lên cái nét ẩn chìm của một người yêu nước khác thường.



Hiểu như vậy mới thấy ông đau lòng đến nhường nào khi phải cắt ruột viết về Văn Cao tạp chí Văn (tháng 11.1970) với cái tên "Văn Cao: Một nghệ sĩ tài hoa có hai đầu mà không nói được". Đấy là một phép thử ở một thời điểm thắt ngặt sau Mậu Thân 1968. Viết như thế, Vũ Bằng mới vượt qua được, nhưng ông cũng hoàn toàn thừa biết viết như thế, khổ cho vợ con và gia đình Văn Cao biết chừng nào.



Năm 1994, được Văn Cao đồng ý, tôi phải sang cửa ngôi nhà 11 Hàng Da (Hà Nội) vừa uống bia vừa khấn thầm Vũ Bằng cho phép được "biên tập" để bài viết này có thể ấn hành được ở tạp chí Âm Nhạc. Tôi chắc ở cõi xa xăm, ông cũng đồng ý nên ngay sau khi Văn Cao qua đời, bài đó được in lại ở Nhà xuất bản Văn Học và năm vừa rồi ở Nhà xuất bản Trẻ trong tập "Văn Cao - cuối cùng và còn lại".



Vũ Bằng quả có "máu mê" làm báo. Ở Hải Phòng chỉ 8 tháng chờ vào Nam "công tác đặc biệt" ông đã làm tờ "Lửa Sống" in tới vạn bản. Nhưng nói như Nguyễn Vy: "Trong văn học sử Việt Nam thế kỷ 20, Vũ Bằng phải có một địa vị xứng đáng". Tôi tin thế như tin nhân cách ông. Và điều đó đã xảy ra khi Vũ Bằng vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học.

(Theo LĐ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ